4. biện pháp rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay

Mẫu số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN YÊU CẦU CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN

Kính gửi: Hội đồng sáng kiến huyện Bình Xuyên

a) Tác giả sáng kiến: VŨ THỊ THÚY TRANG

- Ngày tháng năm sinh: 12/09/1988 Nam, nữ: Nữ

- Đơn vị công tác: Trường mầm non Quất Lưu.

- Chức danh: Giáo viên.

- Trình độ chuyên môn: Đại học.

- Tỷ lệ (%) đóng góp vào việc tạo ra sáng kiến: 100%.

b) Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: VŨ THỊ THÚY TRANG

c) Tên sáng kiến:

- Tên sáng kiến: Một số giải pháp tự rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay.

- Lĩnh vực áp dụng: Lĩnh vực khác

- Mô tả sáng kiến:

+ Về nội dung của sáng kiến

Phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non là một nội dung luôn được đề cao, quan tâm, chú trọng trong các hoạt động giáo dục mầm non. Mỗi người giáo viên mầm non cần nhận thức rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ trong chăm sóc, giáo dục trẻ cũng như trong việc rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của bản thân. Tuy nhiên, những thay đổi của xã hội và yêu cầu đổi mới giáo dục là một vấn đề mang tính chất thách thức đối với mỗi người giáo viên mầm non. Vậy làm thế nào để giáo viên mầm non không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tiêu cực của xã hội và vượt qua được những thách thức nghề nghiệp, có được năng lực, đáp ứng được mọi yêu cầu. Điều này có được khi giáo viên mầm non kiên trì với nghề nghiệp, tự học và tự rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Hiểu được sự cần thiết này tôi đã nghiên cứu những vấn đề lý luận về phẩm chất nghề nghiệp, thực trạng tự rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay. Từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn tôi rút ra một số giải pháp tự rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay như sau:

Giải pháp thứ nhất: Tự bồi dưỡng, giữ gìn đạo đức, danh dự và phẩm chất nghề nghiệp của người giáo viên mầm non:

Tôi luôn nghiên cứu, học thuộc và nắm rõ những yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non và tôi hiểu sâu sắc những yêu cầu về đạo đức, danh dự và phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên hiện nay đang tồn tại một bộ phận giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là mạng xã hội tràn lan một số vụ việc không hay diễn ra trong ngành như: ép trẻ ăn dưới mọi hình thức, đánh mắng, dọa nạt trẻ... Những biểu hiện này đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh, phẩm chất, danh dự của người giáo viên mầm non, làm mất sự kính trọng và tin yêu của trẻ, mất đi sự tin tưởng của phụ huynh và cộng đồng xã hội đối với nghề giáo viên mầm non. Trước khó khăn đó bản thân là giáo viên mầm non tôi không những không dao động mà kiên quyết bảo vệ những hình ảnh đẹp của nghề giáo viên mầm non và tuyên truyền cho phụ huynh, cộng đồng bằng cách chăm sóc, giáo dục trẻ thật tốt.

Tôi luôn kiên nhẫn, kiềm chế khi gặp các tình huống như trẻ đánh bạn, trẻ không ăn, trẻ không thực hiện các yêu cầu của cô, trẻ nôn trớ thậm trí nôn trớ hết lên người cô, đái dầm, ... Tôi nghĩ rằng đó là nhu cầu rất bình thường của trẻ nhỏ và coi mỗi đứa trẻ như con của mình. Vì vậy tôi luôn tận tình, kiên trì, nhẫn nại cố gắng hiểu trẻ, hiểu được nguyên nhân trẻ đánh nhau để động viên trẻ giải thích cho trẻ hiểu rằng đó là điều không nên làm. Đối với trẻ kém ăn, kém ngủ, tôi quan tâm động viên trẻ ăn hết suất bởi sự ân cần của cô khi này vô cũng cần thiết từ đó trẻ vui vẻ ăn hết suất. Đối với trẻ nôn trớ, đái dầm tôi nhanh tay thu dọn chăm sóc trẻ, để các con không bị lạnh, không bị mệt. Trong những tình huống đó tôi cũng cảm thấy khó khăn vất vả nhưng vì yêu trẻ như con nên tôi luôn tận tình chăm sóc trẻ bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ. Ngoài ra còn vô vàn các tình huống nảy sinh trong chăm sóc, giáo dục trẻ, trong giao tiếp với trẻ, với phụ huynh và cộng đồng xã hội. Khi xử lý các tình huống đó luôn dựa trên nguyên tắc: Bình tĩnh, lắng nghe, thấu hiểu, đúng mực và kịp thời.

Tôi luôn thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ, đáp ứng mọi yêu cầu chính đáng của trẻ. Tôi luôn tìm mọi cách để có thể hiểu trẻ nhất, nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý của trẻ ở từng độ tuổi. Tôi đọc sách, đọc báo, xem các tin tức để hiểu trẻ em thời hiện đại có thêm những nhu cầu gì và điều gì cần giúp trẻ tránh ví dụ như: Trẻ có nhu cầu chơi với điện thoại, lười vận động điều này rất có hại đối với trẻ và tôi thực hiện các bài tập, trò chơi giúp trẻ tích cực vận động hơn, giáo dục giúp trẻ nhận biết tác hại khi xem điện thoại quá nhiều. Tôi tìm hiểu hành vi đúng sai của trẻ xuất phát từ nguyên nhân nào để tôi có phương pháp ứng xử phù hợp với trẻ. Ví dụ đặc điểm tâm lý nổi bật của trẻ 3 tuổi là trẻ bị Khủng hoảng tuổi lên ba nên trẻ thường thích làm người lớn, thích làm những việc của người lớn, thích khám phá thậm trí làm hỏng mọi thứ xung quanh, ăn vạ... chỉ là muốn được thỏa mãn nhu cầu của mình. Từ đó tôi cần thật sự kiên nhẫn giúp đỡ trẻ và phối hợp với cha mẹ trẻ kịp thời để giúp thỏa mãn nhu cầu, không làm gì tổn thương đến tâm lý trẻ. Khi tôi được phân công phụ trách độ tuổi nào tôi càng tìm hiểu thật sâu thật kỹ về tâm sinh lý của trẻ ở độ tuổi đó và đặc điểm cá nhân trẻ để hiểu trẻ từ đó yêu trẻ chăm sóc giáo dục trẻ khoa học và hiệu quả.

Và để biết được kết quả trèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của mình như thế nào thì tôi không chỉ dựa vào những đánh giá chủ quan của bản thân mà tôi còn dựa vào những đánh giá khách quan từ phụ huynh, đồng nghiệp và cộng đồng xã hội. Tôi đã tiến hành:

- Quan sát trẻ: Tôi nhận thấy nhân cách của mỗi đứa trẻ là tấm gương phản chiếu kết quả giáo dục, kết quả rèn luyện đạo đức phẩm chất nghề nghiệp của mỗi người giáo viên. Quan sát bằng chính những hoạt động thực tiễn của trẻ trên lớp trẻ nếu trẻ phát triển tốt thì những phương pháp giáo dục, giao tiếp, ứng xử của tôi có hiệu quả tốt và ngược lại nếu thấy trẻ phát triển chưa tốt có nghĩa tôi đã không thành công. Từ đó tôi cần xem xét lại cách ứng xử, phương pháp giáo dục trẻ của bản thân mình để điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ: Sau khi giáo dục lễ giáo cho trẻ như phải biết chào hỏi khi có khách đến thăm lớp nhưng thực tế khi có khách đến thăm lớp các con không chào vậy là tôi đã giáo dục chưa hiệu quả và tôi cần điều chỉnh phương pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ. Đánh giá trẻ qua việc trao đổi với phụ huynh về những ứng xử của trẻ tại gia đình với cộng đồng và xã hội nếu cha mẹ học sinh có những phản hồi tích cực thì tôi tiếp tục phát huy còn nếu có bất kì tiêu cực nào tôi đều lắng nghe, điều chỉnh để có những tác động hợp lý nhất. Ví dụ: Trong buổi trao đổi với phụ huynh nếu phụ huynh tỏ ra hài lòng về con mình như: Tôi nhận thấy con tôi tự tin hơn rất nhiều, biết lễ phép với ông bà cha mẹ và người lớn tuổi, biết yêu thương em bé trong nhà... tôi rất hài lòng về con mình Vậy là tôi đã thành công và ngược lại nếu có phụ huynh phản ánh Con tôi dạo này rất bướng bỉnh gặp người lớn cứ cúi mặt không chào và hay đánh em. Vậy là tôi đã không thành công và tôi cần điều chỉnh kế hoạch phối hợp với phụ huynh để có phương pháp quan tâm đến con hơn và cũng có kế hoạch tự bồi dưỡng chính bản thân mình trong nghề nghiệp.

- Đánh giá những kết quả rèn luyện của bản thân bằng việc tìm hiểu những thái độ tích cực hoặc tiêu cực của phụ huynh, đồng nghiệp, cấp trên, cộng đồng xã hội đối với bản thân. Từ đó lắng nghe, tự đánh giá hợp lý nhất. Ví dụ:

+ Trong quá trình giao tiếp trao đổi với phụ huynh nếu phụ huynh có phản ứng không hài lòng về những trao đổi của cô, cách thức quan tâm của cô đối với trẻ thì bản thân giáo viên phải điều chỉnh ngay để có kết quả tốt nhất.

+ Khi giao tiếp với đồng nghiệp nhận thấy đồng nghiệp luôn ủng hộ những cách giao tiếp ứng xử của bản thân mình thì tôi cần phát huy. Trong trường hợp đồng nghiệp góp ý chân thành và không hài lòng ở bản thân tôi điều gì tôi sẽ lắng nghe tiếp thu ý kiến, đánh giá những ý kiến đó và điều chỉnh sao cho phù hợp để đồng nghiệp tôn trọng, tin tưởng luôn đoàn kết gắn bó với nhau.

+ Trong quá trình công tác hay trong cuộc sống hàng ngày nếu cấp trên có những nhận xét, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ hay các hoạt động khác tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu và có những điều chỉnh, có kế hoạch rèn luyện tiếp theo để không ngừng hoàn thiện phẩm chất nghề nghiệp của bản thân.

Với tinh thần đó tôi luôn chủ động trong việc rèn luyện giữ gìn đạo đức, danh dự và phẩm chất nghề nghiệp của người giáo viên mầm non.

Giải pháp thứ hai: Thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn:

Năng lực chuyên môn là một trong những yêu cầu cần thiết nhất của phẩm chất nghề nghiệp giáo viên mầm non. Và tôi tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bằng cách:

Tôi đọc sách, báo, học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng, để biết những vấn đề về giáo dục mầm non. Ví dụ xem các chương trình trên ti vi để khai thác, biến đổi phù hợp với bài học của trẻ như chương trình Lớp học cầu vồng phát sóng trên kênh VTV7, chiếc nón kì diệu, hãy chọn giá đúng, chu chu ti vi... Tôi đã dùng những nội dung này trong việc thiết kế các giáo án. Ví dụ: Tôi đã tận dụng hình ảnh cầu vồng những bài hát trong chương trình lớp học cầu vồng trên kênh VTV7 để thiết kế giáo án với đề tài Dạy trẻ đếm đến 7, chủ đề: Các hiện tượng tự nhiên và kết quả là trẻ vô cùng hứng thú, hiệu quả tiết dạy cao và tôi đã đạt giải nhất trong kì thi thi giáo viên giỏi cấp huyện... Tôi tham gia đầy đủ, tích cực các buổi tập huấn của sở, phòng, nhà trường tổ chức. Tôi tham gia đầy đủ các kỳ thi bồi dưỡng thường xuyên do nhà trường và phòng giáo dục tổ chức.

Tôi học tập được qua các cuộc thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh được tổ chức hằng năm. Bởi vì tham gia cuộc thi này là một cơ hội tốt cho bản thân có điều kiện cơ hội rèn luyện về chuyên môn. Tham gia các cuộc thi tôi được giao lưu học tập đồng nghiệp giỏi nhất của các trường trong huyện, trong tỉnh những kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ. Và khi tham gia cuộc thi bản thân tôi nhận thấy đó là điều kiện tốt để nhận ra những năng lực của bản thân mình. Bởi vì, đứng trước những yêu cầu của cuộc thi bắt buộc bản thân phải tư duy, sáng tạo không cho phép bản thân mình bỏ cuộc trước những khó khăn. Ví dụ: Trong quá trình học lý thuyết tôi cảm thấy khó thuộc, khó hiểu về một nội dung nào đó thì tôi bắt buộc phải tìm tòi cách thức để học, tìm tòi tài liệu để đọc... Hay trong quá trình thi thực hành để có một tiết dạy đúng phương pháp, hay, sáng tạo bắt buộc tôi phải tư duy tìm tòi học hỏi và trong quá trình làm đồ dùng đồ chơi tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng để vượt qua. Vậy là tôi đã tự bồi dưỡng chuyên môn cho mình sau mỗi lần thi đó. Tôi thêm yêu nghề mến trẻ và càng say sưa với chuyên môn nhiều hơn nữa.

Tôi luôn chủ động đăng kí cùng đồng nghiệp thực hiện các chuyên đề theo kế hoạch như: Chuyên đề giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, chuyên đề phát triển vận động, chuyên đề an toàn giao thông,... Chúng tôi cùng thảo luận về nội dung chuyên đề, cách thức thực hiện và nhận xét đưa ra ý kiến. Qua những kì chuyên đề như vậy chúng tôi có thêm những vốn kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ.

Tôi tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm. Năm nào tôi cũng viết sáng kiến sinh nghiệm và qua hoạt động này tôi nhận thấy mình có điều kiện sáng tạo và biết cách chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong nghề với đồng nghiệp. Đặc biệt tôi được học tập những đề tài sáng kiến kinh nghiệm của đồng nghiệp để áp dụng vào thực tế chăm sóc giáo dục trẻ. Từ đó, chuyên môn của bản thân dần được hoàn thiện hơn và công tác chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả tốt.

Ngày nay với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non gồm: Đổi mới cách đánh giá với những nội dung đánh giá vô cùng mới mẻ, nhiều hơn và cụ thể hơn chính vì vậy tôi thường xuyên cập nhật và bổ sung vào kế hoạch giảng dạy. Đặc biệt các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ từ thiết kế môi trường giáo dục đến phương pháp giảng dạy và cách đánh giá trẻ... đều dựa trên những tiêu chí lấy trẻ làm trung tâm vì vậy tôi luôn chú trọng học tập cho phù hợp với những yêu cầu đó. Để có thể tổ chức những nội dung chăm sóc giáo dục một cách hiệu quả và hiện đại, phù hợp với xu thế tôi tích cực học tập công nghệ thông tin học trong dạy trẻ như: Thiết kế bài giảng eleaning và mở rộng giới thiệu để trẻ có thể được học và tiếp cận nhanh nhất ...

Khi những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ luôn được rèn luyện và củng cố vững chắc sẽ là một yếu tố vô cùng cần thiết góp phần rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp tốt đẹp hơn.

Giải pháp thứ 3: Giải pháp tuyên truyền và tham mưu:

Trong quá trình tự rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp tôi luôn kết hợp tuyên truyền tới đồng nghiệp để cùng nhau rèn luyện. Dựa vào tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ mỗi người giáo viên có những ý tưởng sáng tạo riêng, trên cơ sở đó chúng tôi có thể học tập lẫn nhau. Và trong quá trình tự rèn luyện ai gặp khó khăn gì chúng tôi đều có thể giúp đỡ lẫn nhau tạo động lực cho nhau cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa nếu có giáo viên nào có những biểu hiện tiêu cực về nghề chúng tôi cùng nhau động viên đồng nghiệp để đồng nghiệp có cái nhìn đúng đắn hơn về nghề tích cực rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp đạt hiệu quả cao. Ví dụ: Trong trường có một số giáo viên có những phương pháp phối kết hợp trao đổi với phụ huynh hiệu quả và nhận được những phản hồi tốt từ phụ huynh. Và chúng tôi đã cùng nhau học tập, áp dụng nhân rộng phương pháp đó. Bản thân tôi tổ chức tốt hoạt động giáo dục âm nhạc, giáo dục thể chất tôi cũng đã chia sẻ với đồng nghiệp...

Tuyên truyền tới các bậc phụ huynh và cộng đồng để họ có những cái nhìn đúng đắn về nghề giáo viên mầm non. Tuy rằng trong thời gian gần đây có những vấn đề mang tính tiêu cực tồn tại trong giáo dục mầm non nhưng tôi càng tận tình trong chăm sóc, giáo dục trẻ để mang lại sự tin tưởng của phụ huynh và cộng đồng. Tuyên truyền tới các bậc phụ huynh phối hợp với giáo viên trong việc chăm sóc giáo dục trẻ ví dụ như hợp tác quan sát kết quả thực hiện các hoạt động của con tại nhà để giáo viên đánh giá trẻ, đánh giá quá trình chăm sóc giáo dục cũng như kết quả tự rèn luyện của mình. Từ đó có kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ và kế hoạch tự rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp tiếp theo một cách hiệu quả.

Tham mưu với cấp trên để được tạo điều kiện về thời gian, chương trình và cơ sở vật chất để bản thân và đồng nghiệp có cơ hội tốt học tập và rèn luyện. Ví dụ như được trang bị các tài liệu, học liệu, được tổ chức các buổi hội thảo về chuyên môn, chuyên đề đi sâu vào vấn đề rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp giáo viên mầm non. Nhà trường tổ chức để giáo viên được đi tham quan học tập trường bạn... Tham mưu những nội dung cần được thảo luận về chuyên môn. Ví dụ: Trong quá trình dạy trẻ và soạn giảng tôi còn thực sự chưa hiểu và chưa thống nhất được các thức cho trẻ hoạt động ngoài trời sao. Vậy tôi đã tham mưu với cấp trên để cấp trên tạo điều kiện cho chúng tôi có một buổi sinh hoạt chuyên môn về nội dung này.

+ Về khả năng áp dụng của sáng kiến: Tôi tiến hành thực nghiệm ở áp dụng sáng kiến đối với bản thân và với đồng nghiệp của tôi tại trường mầm non tôi đang công tác. Áp dụng từ ngày 01/8/2018 và kết thúc vào ngày 01/01/2019. Sau khi áp dụng sáng kiến với các tác động tích cực đã có được những kết quả đáng kể: Bản thân đã được rèn luyện rất nhiều và trải nghiệm mang về những thành tích đáng mong đợi, phụ huynh và cộng đồng tin yêu, cấp trên và đồng nghiệp tin tưởng, tôn trọng, kết quả trên trẻ được thay đổi và trẻ được chú trọng theo sát về mức độ tiên bộ từ đó trẻ được chăm sóc giáo dục một cách hiệu quả nhất. Vì vậy tôi có thể khẳng định sáng kiến Một số giải pháp tự rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay có khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao, đặc biệt là với giáo viên mầm non trong quá trình rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ.

- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng giải pháp trong đơn theo ý kiến của tác giả với các nội dung sau:

Nếu giáo viên mầm non mạnh dạn áp dụng sáng kiến Một số giải pháp tự rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay mà tôi vừa trình bày ở trên vào công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thì sẽ đạt được những lợi ích sau:

+ Mang lại hiệu quả về kinh tế: Trước khi áp dụng sáng kiến việc rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên trong nhà trường gặp rất nhiều khó khăn như tốn nhiều thời gian, tốn chi phí về tiền bạc trong việc đầu tư những tài liệu bồi dưỡng không cần thiết và kém hiệu quả. Sau khi tiến hành áp dụng sáng kiến tôi nhận thấy bản thân có thể sắp xếp học tập không tốn nhiều thời gian, giảm chi phí và những giá trị kinh tế mà sáng kiến mang lại như: Chúng tôi có thể không còn tốn nhiều thời gian. Và đặc biệt sau khi thống nhất chúng tôi đưa ra những nội dung tài liệu học liệu cần thiết cần đầu tư từ đó nhà trường có hướng đầu tư hiệu quả tiết kiệm được chi phí.

+ Mang lại lợi ích về xã hội: Khi thực hiện ứng dụng sáng kiến này đã giúp mỗi giáo viên có phẩm chất nghề nghiệp tốt, có năng lực chuyên môn vững vàng. Thông qua những hoạt động này tập thể cán bộ giáo viên có điều kiện gắn kết với nhau, đoàn kết tạo nên một tập thể vững mạnh. Bản thân tôi đã áp dụng những giải pháp trên và mang lại kết quả rất tốt. Kết quả trong nhiều năm qua tôi đã tham gia cuộc thi giáo viên giỏi các cấp và đạt nhiều kết quả cao như trong 3 năm học gần đây, năm học 2015-2016, năm học 2016-2017, năm học 2017-2018 tôi đều đạt giải nhất trong kì thi giáo viên giỏi cấp huyện, đạt giải nhì kì thi làm đồ chơi cấp Tỉnh, năm học 2016-2017 tôi đạt giải nhì kì thi giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh và tôi được phong tặng danh hiêu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh... Tôi được công nhận sáng kiến cấp huyện nhiều năm và nột năm được công nhận sáng kiến cấp Tỉnh. Đối với trẻ trẻ được thừa hưởng những nội dung chăm sóc giáo dục hiệu quả hơn. Đặc biệt, chúng tôi nhận được sự thấu hiểu, tin tưởng, hợp tác hiệu quả của phụ huynh và cộng đồng đối với mỗi người giáo viên mầm non.

- Các thông tin cần được bảo mật: Không có thông tin cần được bảo mật.

d) Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

Mỗi giáo viên cần luôn luôn có tinh thần rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non, luôn có suy nghĩ tích cực, chủ động, đoàn kết để học tập, rèn luyện. Cần có sự chỉ đạo và ủng hộ nhiệt tình, thấu hiểu, gần gũi và tạo điều kiện của cấp trên trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp. Tất cả những vấn đề nêu trên cần được vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với điều kiện cụ thể như: Điều kiện cơ sở vật chất của trường lớp, đặc điểm của tập thể giáo viên, đặc điểm trẻ, phụ huynh ... Để góp phần giúp giáo viên rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp giáo viên mầm non nói riêng và trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ nói chung.

đ) Về khả năng áp dụng của sáng kiến cho những đối tượng, cơ quan, tổ chức nào hoặc những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu: Các trường mầm non.

Tôi làm đơn nay trân trọng đề nghị Hội đồng sáng kiến xem xét và công nhận sáng kiến. Tôi xin cam đoan mọi thông tin nêu trong đơn là trung thực, đúng sự thật, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin đã nêu trong đơn.

Quất Lưu, ngày 23 tháng 01 năm 2019.

NGƯỜI VIẾT ĐƠN

Vũ Thị Thúy Trang