Ăn mặc thiếu văn hóa là gì

Muốn đánh giá tính cách một con người nhiều khi chỉ cần nhìn cách ăn mặc, thái độ đi đứng,cách nói năng,giao tiếp..Trong đó cách ăn mặc gây ấn tượng ban đầu có ý nghĩa không nhỏ đối với việc đánh giá tính cách của con người của chúng ta . Ông cha ta đã nói: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Ta sẽ đẹp hơn rất nhiều khi ta biết chọn cho mình một trang phục đẹp. Nhưng, thế nào là một trang phục đẹp? Trang phục đẹp là trang phục hợp với lứa tuổi, hợp với vóc dáng, hợp với làn da, hợp với môi trường, hợp với thời đại (trong chừng mực). Xu thế ăn mặc thời trang của các bạn nữ hiện nay là tiết kiệm vải gần như tối đa. Áo thì hở ngực, hở bụng, hở lưng, ngắn cũn cỡn, chất vải thì càng mỏng càng tốt; còn quần thì đáy thật ngắn, lưng thật xệ, xệ đến mức lòi cả nội y bên trong…. Nếu hớ hênh lúc ngồi, lúc với tay cao để làm việc gì thì...thật xấu hổ . “Y phục xứng kỳ đức” – “Nhìn trang phục, biết tư cách”, pháp luật không can thiệp vào cách ăn mặc của mỗi người nhưng bản thân của mỗi người sẽ tự hạ thấp chính mình khi ăn mặc đến mức thô thiển, phản cảm, không còn đâu là tính thẩm mỹ. Cách ăn mặc quá lố như vậy sẽ làm cho người khác giới dẫu đứng đắn, dẫu trong sáng vẫn có thể có những suy nghĩ không lành mạnh. Hãy thử đặt hai chiếc gương lớn, một chiếc trước mặt mình và một chiếc sau lưng mình. Hãy ngồi xuống rồi đứng dậy, đưa tay lên cao các bạn sẽ thấy chẳng đẹp đẽ gì. Và chẳng còn gì là hình ảnh của một học sinh cấp III hồn nhiên, trong sáng . Để có thể thực sự tự tin khi hoạt động đi đứng, chạy nhảy, ghi bảng…thì tuyệt đối các em học sinh – nhất là các em học sinh cấp II, III đang ở độ tuổi dậy thì không nên mặc loại trang phục đó!

Đồng phục trong nhà trường hiện nay rất đa dạng: Các nam sinh luôn là áo trắng quần tây xanh, còn các bạn nữ thì đủ các kiểu từ áo trắng quần tây xanh (hiện là phổ biến nhất), đến áo váy đủ kiểu… nhưng thiết nghĩ chiếc áo dài vẫn là đẹp nhất. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Thanh Tùng có những ca từ đẹp: “Dù ở đâu, Pa ri, Luân Đôn hay ở miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi”...Trong những trang phục truyền thống của phụ nữ thế giới, có lẽ trang phục áo dài của phụ nữ Việt Nam là một trang phục đẹp nhất vì nó vừa kín đáo, vừa duyên dáng, vừa tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ nhưng lại không thiếu vẻ gợi cảm cần có của một cô gái. Phụ nữ thế giới khi sang Việt Nam đều thích trang phục này, có những “ ông Tây” đã ngẩn ngơ đến sững sờ không cất nổi bước chân trước vẻ đẹp quyến rũ của phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài. Điều này cho thấy học sinh nữ mặc chiếc áo dài trắng đến trường là sẽ thấy mình kín đáo , hồn nhiên và đẹp hẳn lên. Thế nhưng ngày nay với xu thế mới nên thể theo yêu cầu của các em học sinh cũng như của phụ huynh thì đồng phục áo dài hầu như chỉ được mặc vào ngày thứ hai đầu tuần nữa mà thôi nhưng điều này hình như cũng còn là “quá sức” đối với các bạn học sinh nữ khi không thiếu những trường hợp viện đủ lí do để không phải mặc áo dài vào những ngày này. Điều này thật đáng tiếc, còn đâu hình ảnh đẹp giờ tan trường áo dài trắng bay phấp phới như những cánh bướm dưới nắng tuyệt đẹp đã đi vào thơ ca. cá nhà thơ đã ca ngợi chiếc áo dài Việt Nam:

Chiếc áo quê hương dáng thướt tha

Non sông gấm vóc mở đôi tà

Tà bên Đông Hải lung linh sóng

Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa

Vạt rộng Nam phần chao cánh gió

Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà

Chúng ta đã và đang bước vào thập niên thứ hai của thế kỉ 21, thời điểm mà cả thế giới đang phát triển như một cơn lốc, cách ăn mặc vì thế cũng thoáng hơn, khoẻ khoắn hơn, hiện đại hơn, gọn gàng hơn. Do vậy, nhà trường không buộc các em học sinh phải mặc trang phục đã quá lỗi thời của những năm về trước, hay mặc chiếc áo quê kệch như một nông dân. Nhưng các em học sinh vẫn phải nhớ, luôn xác định rằng mình đang là học sinh thì phải mặc trang phục học đường lịch sự, đứng đắn, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Ăn mặc thế nào mà khi hoạt động đứng, ngồi, chạy, nhảy ta vẫn thấy tự tin. Làm sao để trong mắt mọi người, ta vẫn luôn đẹp – cái đẹp giản dị, trong sáng của tuổi học trò.

Đối với các học sinh nam, tuổi của các em là tuổi ăn, tuổi học, các em chưa đến tuổi để có thể se sua mốt này, mốt nọ. Người ta vẫn thường gọi phụ nữ là phái yếu, người đẹp; còn đàn ông con trai là phái mạnh, người hùng. Nếu các bạn nam quá trau chuốt về hình thức thì vô tình đánh mất vẻ đẹp mạnh mẽ của giới tính mình. Tuy vậy, không phải vì thế mà các bạn nam phải ăn mặc cẩu thả, xốc xếch. Nếu áo quần phẳng phiu, bỏ áo vào trong thì các bạn nam sẽ gọn gàng hơn, lịch sự hơn, đẹp hơn. Các bạn nam cần chú ý ăn mặc lịch sự không nên bắt chước các ca sĩ mở bớt một vài cúc áo để khoe bộ ngực lép kẹp không giống ai của mình vì các bạn đang mặc trang phục học đường. Và hãy luôn nhớ rằng đừng chạy theo bắt chước người khác trong ăn mặc, hãy tiếp thu cái mới nhưng có chọn lọc. Hãy hòa nhập chớ không nên hòa tan, biết chọn lọc cái nào đẹp và phù hợp với lứa tuổi, môi trường, hoàn cảnh của mình…Nhưng thiết nghĩ các bạn đang trong lứa tuổi học sinh thì chỉ nên ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ đúng nội quy của nhà trường là đủ, không nên cách điệu đồng phục để trở nên “ khác người”.

Lại nói về các học sinh nữ. Đi ngoài đường, trời nắng nóng, các bạn có thể mặc áo khoác nhưng vào lớp không nên mặc vì nó tạo một cảm giác nóng nực cho không gian chung quanh, cho lớp, cho thầy cô. Mọi người như phát sốt khi thấy các bạn nữ khoác mấy lớp áo, hơn nữa lại không đẹp tí nào bởi vì nó lộn xộn, đủ kiểu áo, đủ màu. Những chiếc áo đó đã che mất bộ đồng phục chiếc áo dài trắng xinh xắn, hồn nhiên, thanh khiết của tuổi học trò, chỉ trừ những ngày se lạnh hoặc sức khỏe có vấn đề thì các bạn mới nên mặc áo khoác trong lớp để bảo vệ sức khỏe. Chắc chắn rằng các bạn nữ sẽ đẹp hơn, thánh thiện hơn và môi trường chúng ta đang học lúc ấy cũng trở nên có quy củ hơn. Đặc biệt các bạn học sinh nữ ngày nay rất chuộng những chiếc áo trắng đồng phục được cách điệu quá mức, có thể nói là “ càng độc càng tốt”. Còn quần thì ôi thôi đủ kiểu: Hết ống loe lại đến ống bó, ống đứng… hết lưng cao lại đến lưng xệ, đáy ngắn…kể cả các bạn có ngoại hình không lấy gì làm đẹp – hay nói thẳng ra là quá xấu – vẫn chạy theo những mốt này vô hình chung làm mình đã xấu lại càng xấu hơn.

Những bộ đồng phục giản dị vẫn có thể tôn lên những nét đẹp riêng của nữ sinh.

Có nhiều học sinh (kể cả nam và nữ) khi đến trường cố tình mặc quần sai màu với đồng phục để phải trốn chui trốn nhủi quản sinh làm mất đi sư tự nhiên, vui vẻ không đáng có.

Tóm lại, bất kỳ thời đại nào, giới tính nào, lứa tuổi nào cũng phải làm đẹp cho mình bằng cách ăn mặc hợp thời trang nhưng lịch thiệp. Có như vậy cuộc sống mới thực sự văn minh, có văn hóa và có tính thẩm mĩ cao. Đặc biệt trong nhà trường chúng ta hiện nay việc quy định mặc đồng phục như các học sinh đang mặc là rất đẹp, có văn hóa, nhất là phù hợp với thời đại hiện nay.

Thứ Hai, 30/12/2013 | 19:35

Ngày nay, khi cuộc sống của con người được nâng cao thì nhu cầu về ăn mặc đẹp càng được chú trọng hơn, đặc biệt là đối với phái đẹp. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là hiện nay có một số người, nhất là các “teengirl” ăn mặc theo mốt kiểu “con nhà nghèo”, “thiếu vải”, mà lại cho rằng “mình mặc đẹp và sành điệu”, là “mốt của thời đại”…

Trong cuộc sống hàng ngày của con người, ăn mặc là vấn đề rất quan trọng. Thông qua việc ăn mặc của mỗi người, sẽ cung cấp cho người ta những thông tin về các tầng lớp trong xã hội, trình độ văn hóa, sở thích, tính thẩm mỹ của mỗi người… Do đó, ăn mặc cũng là một trong những biểu hiện của văn hóa. Thực tế cho thấy, nhiều người quan niệm rằng chuyện ăn mặc là chuyện riêng tư và là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Khi ăn mặc điều quan trọng nhất là bản thân cảm thấy thích và hợp gu với thời đại là đã ăn mặc đẹp. Vì thế, ngày nay có không ít bạn trẻ mỗi khi ra đường thì khoác lên mình những bộ quần áo trông thật “mát mắt” mà các bạn thường cho rằng đó là phong cách thời trang của giới trẻ.

Sở dĩ các bạn trẻ có phong cách ăn mặc như thế là do ảnh hưởng từ phim ảnh nước ngoài, Internet… và điều chủ yếu là chính bản thân các bạn chưa nhận thức đúng đắn về cách ăn mặc cũng như mặc như thế nào cho phù hợp, cho đẹp đối với bản thân. Phần lớn các bạn chỉ muốn thể hiện mình là người có bản lĩnh, khác lạ so với người khác, là người “có 1 không 2” trong ánh mắt người khác, đồng thời là người luôn được mọi người chú ý, để tâm đến.

Ăn mặc đẹp là nhu cầu tất yếu, là chuyện bình thường đối với cuộc sống của mỗi con người. Tuy nhiên, mỗi người phải biết chọn cách ăn mặc sao cho có văn hóa mới là điều đáng nói. Chúng ta nên hiểu rằng, ăn mặc đẹp là ăn mặc phải có văn hóa. Nó không phải làm đẹp theo sở thích, theo gu cá nhân của giới trẻ, mà ăn mặc đẹp phải phù hợp với nhiều yếu tố liên quan đến cá nhân mỗi người như: lứa tuổi, vóc dáng cơ thể, đối tượng giao tiếp, môi trường sống… Tùy theo hoàn cảnh giao tiếp mà mỗi cá nhân chọn cách ăn mặc cho thích hợp. Tuyệt đối không nên ăn mặc theo kiểu “hở hang”, “mát mẻ” làm ảnh hưởng xấu đến giá trị truyền thống về thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.

Ăn mặc có văn hóa còn thể hiện ở sự nghiêm túc của cá nhân. Đó không chỉ là sự tôn trọng bản thân, mà còn tôn trọng người khác. Ăn mặc lố bịch là tự hạ thấp mình và xem thường người khác. Ăn mặc đẹp là gọn gàng, sạch sẽ và thích hợp chứ không phải là ăn mặc hàng hiệu, model mới đẹp. Một người có thân hình đẹp kết hợp với việc ăn mặc đẹp, có văn hóa thì giá trị của vẻ đẹp đó càng được nhân lên.

Để giới trẻ có được nhận thức đúng đắn về văn hóa mặc thì thiết nghĩ, cần phải có sự quan tâm, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội giúp các bạn có ý thức về cách ăn mặc, góp phần giúp các bạn hoàn thiện bản thân.

Nguyễn Văn Dô