Anh/chị hiểu thế nào là đón lấy cuộc sống

Show

Anh/chị hiểu thế nào là đón lấy cuộc sống

Anh/chị hiểu thế nào là đón lấy cuộc sống

Anh/chị hiểu thế nào là đón lấy cuộc sống

De cương on tập Ngữ văn 10 học kì 2, Tài liệu ôn tập Ngữ văn 10, Tổng hợp kiến thức Ngữ văn 10 học kì 1, Đề cương ôn tập Ngữ văn 10 học kì 1, Câu hỏi ôn tập Ngữ văn 10, Đề ôn tập Ngữ văn 10, Giáo án ôn tập văn 10 học kì 2, De thi Ngữ Văn lớp 10 học kì 2I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(1)Bằng những trải nghiệm của bản thân, càng ngày tôi càng nhận rõ ra một chân lý là bất cứ một điều gì vừa phải bao giờ cũng tốt hơn thừa mứa. Nói cách khác, chúng ta nên đón lấy cuộc sống ngay khi nó đến, đừng đợi chờ một điều gì đó thật đủ đầy rồi mới chịu đón nhận. Hãy sống một cuộc đời chừng mực, đừng đợi chờ hay mong muốn hưởng thụ những điều xa xỉ, vì sẽ không có giới hạn nào kiểm soát việc đó.
(2) Điều đó tương tự như khi chúng ta làm công việc chăm sóc và tỉa cành cho cây. Khi cắt đi những nhánh dư thừa, cây sẽ tập trung nhựa sống của nó để tạo ra hoa thơm quả ngọt. Cuộc sống của chúng ta cũng thế. Khi biết loại bỏ những điều không cần thiết, chúng ta có thể tập trung sức lực của mình cho những điều giá trị hơn.
(3)Mỗi người quan niệm lợi ích của việc đơn giản hóa cuộc sống theo một cách khác nhau. Đó có thể tạo ra nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, cuộc sống ít căng thẳng hơn, ít huyên náo hơn, ít nợ nần hơn... Cuộc hành trình này tuy có cùng một đích đến nhưng lại có rất nhiều con đường khác nhau để tiến tới mục đích đó.
(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson, Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 24)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?(0.5đ)
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng thao tác lập luận chính trong đoạn văn (2) (0.75đ)
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về chân lí mà tác giả đã rút ra :bất cứ một điều gì vừa phải bao giờ cũng tốt hơn thừa mứa? (0.75đ)
         Câu 4. Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Nêu lí do vì sao chọn thông điệp đó .(1.0đ)
GỢI Ý:

Câu/Ý Nội dung
  Đọc hiểu
1 - Chỉ ra được phương thức biểu đạt chính: nghi luận/ phương thức nghi luận
2 Chỉ ra và nêu tác dụng thao tác lập luận chính trong đoạn văn (2)
- Chỉ ra: thao tác lập luận chính: so sánh: Cuộc sống của chúng ta ... như khi chúng ta làm công việc chăm sóc và tỉa cành cho cây...
-Tác dụng: đối chiếu nét giống nhau giữa vấn đề cuộc sống ( mang tính khái quát, trừu tượng) với việc chăm sóc và tỉa cành cho cây ( mang tính cụ thể, hình ảnh) nhằm giúp người đọc nhận thức rõ hơn giá trị của sự vừa phải trong cuộc sống hằng ngày
3 Hiểu về chân lí mà tác giả đã rút ra: bất cứ một điều gì vừa phải bao giờ cũng tốt hơn thừa mứa:
-  Vừa phải tức là có chừng mực, không thừa, không thiếu; thừa mứa là nhiều đến mức không thể sử dụng hết được;
- Cả câu nói được hiểu là: cuộc sống sẽ trở nên đơn giản khi ta biết vừa phải, biết loại bỏ đi những điều vô bổ hay quá xa xỉ. Nếu biết tiết chế, dừng đúng lúc, ta sẽ không rơi vào lối sống hoang phí, để dành thời gian quý giá tập trung vào những việc làm thiết thực.
4 HS có thể nêu một thông điệp tâm đắc nhất.Nêu lí do vì sao chọn thông điệp đó một cách hợp lí, hợp tình, không vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Sau đây là vài gợi ý:
- Sống đơn giản sẽ đem lại hạnh phúc cho con người
- Đừng lãng phí thời gian
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Một buổi chiều sau giờ học, một cậu bé gầy gò chạy như bay đến bảng thông báo của trường đặt trong phòng tập thể dục.Tim cậu bé thình thịch khi chăm chú đọc danh sách đang dán trên bảng. Nhưng tên cậu không có trong danh sách ấy. Giấc mơ được là thành viên của đội bóng rổ của trường đã không thành hiện thực. Cậu đọc đi đọc lại, nhưng sự thật là tên cậu không có ở đấy. Cậu đã không được chọn...
Vậy mà, chính cái ngày hôm ấy đã bắt đầu cho sự thay đổi hoàn toàn trong cuộc đời cậu.
Suốt mốt năm sau đó, bất kể mưa hay nắng, cậu vẫn chăm chỉ tập từ bốn đến sáu tiếng mỗi ngày trong mốt công viên gần nhà. Có lúc cậu tập cả dưới ánh trăng, từng bước, tường bước hoàn thiện những động tác và kỹ thuật của mình.
Kết quả thật ngoài sức tưởng tưởng, ngay năm sau cậu được chọn vào đội tuyển của trường, và cái tên Michael Jordan sau này đã trở thành huyền thoại trong làng bóng rổ thế giới.
Bài học chúng ta rút ra được từ câu chuyện của Michael Jocdan là: Thành công hay thất bại ngày hôm nay không nằm ở những khó khăn chúng ta gặp phải, mà là ở cách chúng ta đương đầu với chúng như thế nào. Jordan hoàn toàn có thể đã suy sụp, thất vọng hay buông xuôi với thất bại ban đầu. Thậm chí anh đã có thể từ bỏ giấc mơ trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp của mình, nhưng không, anh đã chọn con đường hành động: tiếp tục luyện tập chăm chỉ, tiếp tục thử sức. Liệu Jordan có làm nên một sự nghiệp lừng lẫy nếu anh chịu sớm đầu hàng trước thất bại? Sự thật là: “Ta sẽ mạnh mẽ hơn khi vượt qua nghịch cảnh ”. Vì vậy, nếu chúng ta chọn thái độ tích cực khi đối diện với khó khăn, chúng ta sẽ hoàn toàn kiểm soát được đời mình.
(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson, Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 39)
1. Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên?
2. Nhờ đâu Michael Jordan sau này đã trở thành huyền thoại trong làng bóng rổ thế giới ?
             3. Anh/ chị hiểu như thế nào câu nói: Ta sẽ mạnh mẽ hơn khi vượt qua nghịch cảnh ?
4.Thông điệp của văn bản mà anh/chị tâm đắc nhất là gì? Nêu lí do vì sao?
GỢI Ý:
Câu/Ý Nội dung
  Đọc hiểu
1 Phương thức biểu đạt trong văn bản : tự sự, nghị luận
2 Michael Jordan sau này đã trở thành huyền thoại trong làng bóng rổ thế giới : là nhờ sau khi bị thất bại, anh đã có thái độ tích cực, không đầu hàng trước số phận mà đã tiếp tục luyện tập chăm chỉ, hoàn thiện những kĩ năng của mình.
3 Cách hiểu câu nói: Ta sẽ mạnh mẽ hơn khi vượt qua nghịch cảnh :
- Nghịch cảnh thực chất chính là những khó khăn, thử thách mà ta gặp phải trên đường đời.
- Nếu ta vượt qua nghịch cảnh thì gọi là thành công, nếu ta không vượt qua thì gọi là thất bại. Dù thành công hay thất bại thì điều đó cũng qua đi và ta sẽ lại gặp những thử thách mới. Vậy thì, nghịch cảnh dường như đang giúp ta lớn lên từng ngày…
4 Học sinh có thể trình bày và lí giải thông điệp tâm đắc nhất theo ý riêng, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ý:
    - Cần có thái độ tích cực để đương đầu với trở ngại của cuộc sống
    - Không ai muốn sống trong nghịch cảnh. Nhưng một khi đối diện với nghịch cảnh, ta cần phải tìm mọi cách để vượt qua.
          Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Tử tế chính là sức mạnh của cuộc sống, là niềm tin và mạch sống của cuộc đời. Tử tế chính là sự tốt bụng, là một phẩm chất vô cùng cao quý và vô cùng đáng trân trọng của con người. Người tử tế là người sống lương thiện, không bao giờ nghĩ xấu về ai và cũng không bao giờ làm hại ai, hơn hết người tử tế còn là người luôn sử dụng lòng tốt của mình để giúp đỡ người khác, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
[…]
Người tử tế có sự nhiệt huyết với con người, với cuộc đời một cách đáng kinh ngạc, sự nhiệt huyết chính là sức mạnh để họ giải quyết mọi công việc, biến những việc lớn thành việc nhỏ, biến những việc khó giải quyết thành những chuyện dễ giải quyết vô cùng. Người tử tế là người luôn có tấm lòng bao dung, độ lượng, không quan tâm đến địa vị, danh vọng, không quá chú trọng vào cái tôi mà luôn luôn nghĩ cho người khác; luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Người tử tế luôn có những hành động xuất phát từ động cơ trong sáng, mọi suy nghĩ đều hướng đến sự lương thiện, vì cuộc sống chung, thậm chí còn biết hy sinh những quyền lợi cá nhân để hướng tới những điều tốt đẹp trọn vẹn cho cộng đồng. 
[…]
Đối với người tử tế, sự tốt bụng không chỉ dừng lại ở mức suy nghĩ, mà hầu hết đều được thể hiện qua hành động, họ biết thấu cảm với những nỗi đau của người khác, giúp đỡ người khác không chút tính toán. Biết cho đi chính là làm cho chính bản thân mình trở nên cao thượng, cho đi ân đức cũng chính là góp nhặt phước đức cho bản thân. Có những hành động, việc làm tốt đẹp cũng chính là đang làm cho cuộc sống của bản thân trở nên ý nghĩa hơn.
Hãy sống một cuộc đời với nhiều sự tử tế thay vì một cuộc đời của con người vô cảm. Chính sự vô cảm đã khiến cho con người với con người dần dần và ngày càng xa nhau hơn, chỉ biết sống cho mình để rồi khi hoạn nạn không có người giúp đỡ, khi cần có người bên cạnh lúc gặp chuyện buồn cũng chẳng có ai. Tuy nhiên, muốn có được sư giúp đỡ thì cũng phải biết sống có tấm lòng thiện chí thực sự, biết yêu thương và tôn trọng mọi người. Có một cộng đồng với nhiều người tử tế thì cuốc sống đó thật tuyệt vời biết bao. 
[…]
Sự tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, hãy trân trọng và phát huy nó. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”(Trịnh Công Sơn). Đó chính là lời hát gợi mở về sự tử tế, những tấm lòng tử tế trên đời.
                      Nguyễn Lưu
 
1. Phong cách ngôn ngữ ? Phương thức biểu đạt chính.
2. Theo tác giả “Tử tế” có nghĩa là gì?
3. Thái độ của tác giả thể hiện như thế nào trong văn bản trên?
4. Giải thích ý nghĩa câu : “Biết cho đi chính là làm cho chính bản thân mình trở nên cao thượng”
5. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Sự tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, hãy trân trọng và phát huy nó. Giải thích?
 1. Phong cách ngôn ngữ: Chính luận. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
2. Theo tác giả “Tử tế” có nghĩa là: Tử tế chính là sức mạnh của cuộc sống, là niềm tin và mạch sống của cuộc đời. Tử tế chính là sự tốt bụng, là một phẩm chất vô cùng cao quý và vô cùng đáng trân trọng của con người.
3. Thái độ của tác giả: trân trọng, ngợi ca sự tử tế và lên án những kẻ thiếu tử tế.
4. Giải thích ý nghĩa câu : “Biết cho đi chính là làm cho chính bản thân mình trở nên cao thượng”
- Khi chúng ta “cho đi” là lúc chúng ta chia sẻ, đồng cảm và cũng là lúc chúng ta loại bỏ được thói ích kỷ ra khỏi bản thân để sống vì mọi người, vì cộng đồng.
- “Cho đi” là lối sống đẹp, sống có ích, sống cao thượng. Sự chia sẻ của chúng ta sẽ làm cho xã hội bớt đi những gánh nặng, nỗi buồn sẽ giảm đi, niềm vui được nhân đôi.
- “Cho đi” sẽ tạo nên một xã hội văn minh, tiến bộ. Còn bản thân chúng ta sẽ trở nên cao thượng, cao đẹp.
5. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Sự tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, hãy trân trọng và phát huy nó. Giải thích?
- Em đồng tình.
- Vì: Sự tử tế bao giờ cũng mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Có sự tử tế thì mới tạo ra một cuộc sống, một xã hội văn minh, tốt đẹp. Có tử tế thì con người mới đối xử với nhau văn minh, lịch sự. Tử tế khiến mọi giao tiếp và mọi mối quan hệ xã hội trở nên bình đẳng, tôn trọng.     Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Khát vọng sống chính là mong muốn khát khao được sống được cống hiến hết mình cho cuộc đời. Những người có khát vọng sống chính là những người sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình dù cho có khó khăn đến nhường nào. Chỉ còn một tia hi vọng cũng sẽ nỗ lực cố gắng chiến đấu đến cùng cho khát vọng sống ấy. Cuộc sống của mỗi con người chúng ta không phải ai cũng bằng phẳng có những người họ luôn phải đối mặt với khó khăn về sức khỏe, công việc và động lực để giúp họ thành công hơn đó chính là khát vọng sống. Khát vọng sống là điều ẩn chứa bên trong nội tâm của con người. Để vượt qua được giông bão của cuộc đời thì chúng ta phải tự tìm cho mình một khát vọng sống. Đừng bao giờ chán nản bất cứ một điều gì trong cuộc sống, đừng lùi bước trước những khó khăn, mỗi khi gặp khó khăn muốn buông xuôi thì bạn hãy nghĩ đến những người có hoàn cảnh khó khăn hơn bạn; hay những người đang đấu tranh từng giờ từng phút để giành lấy sự sống.
          Có rất nhiều bạn có những suy nghĩ rất thiển cận, không tự ý thức được hành động của mình: thất tình, công việc khó khăn, kết quả học tập sút kém là đã nghĩ ngay đến việc huỷ hoại đời mình? Vì sao lại phải làm thế? Thất bại hôm nay chính là bài học cho bạn trưởng thành, ngã ở đâu thì đứng dậy ở đấy; còn rất nhiều người khó khăn hơn ta tại sao họ vẫn cố gắng để sống, chúng ta còn may mắn hơn họ tại sao không cố gắng hơn? Khát vọng sống chính là những lúc như vậy chúng ta lại tìm được động lực sống, động lực để tiếp tục chiến đấu với giông bão cuộc đời. Nếu chúng ta có tiềm tin, có khát vọng thì không có gì có thể đánh gục chúng ta, niềm tin chính là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp chúng ta vượt qua được khó khăn. Khó khăn, thất  bại, thất tình…. những điều này không đáng sợ bằng việc đánh mất khát vọng sống.
Để tạo cho mình một khát vọng sống thì chúng ta hãy luôn biết sống yêu đời, lạc quan nhìn về phía trước. Hãy cố gắng để thể hiện rằng bạn là một người luôn sống yêu đời lạc quan, vượt qua được mọi khó khăn. Mỗi lúc bạn chán nản hãy thử vào bệnh viện lướt qua một vòng bạn sẽ thấy được cuộc sống này thật đáng trân trọng biết bao. Hãy hướng về mặt trời bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn.
Có thể hôm nay bạn đang vô sản trong tay bạn không có gì hết nhưng điều đó không quan trọng. Chỉ cần bạn có khát vọng sống thì tất cả những khó khăn phía trước là không là gì. Sống có khát vọng, niềm tin chính là điều mà tất cả mọi chúng ta đều nên hướng tới.
(Theo camnanghoctap. com)

1. Phương thức biểu đạt chính ? Thao tác lập luận chính?


2. Nội dung của văn bản? Đặt tên cho văn bản?
3. Theo tác giả, để tạo nên khát vọng sống thì cần phải làm gì?
4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Chỉ cần bạn có khát vọng sống thì tất cả những khó khăn phía trước là không là gì. Giải thích.

ĐÁP ÁN

Câu 1.
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
          - Thao tác lập luận chính: bình luận.
Câu 2.
- Nội dung của văn bản: bàn về khát vọng sống ở mỗi con người. Tác giả nhấn mạnh: sống có khát vọng, niềm tin chính là điều mà tất cả mọi chúng ta đều hướng tới.
          - Tên văn bản:
+  “Khát vọng sống- hành trang để đến tương lai”
+ “Hãy đánh thức khát vọng”
Câu 3.
Theo tác giả, để tạo cho mình một khát vọng sống thì chúng ta hãy luôn biết sống yêu đời, lạc quan nhìn về phía trước. Hãy cố gắng thể hiện rằng bạn là một người luôn sống yêu đời, lạc quan, vượt qua được mọi khó khăn...Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn.
Câu 4.
- Em đồng tình.
- Vì mỗi con người đều có ước mơ riêng và những người có khát vọng sống sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình dù có khó khăn đến nhường nào. Chỉ còn một tia hi vọng cũng sẽ nỗ lực cố gắng chiến đấu đến cùng cho khát vọng sống ấy. Do đó, mọi khó khăn trước mắt cũng chỉ làm cho lòng kiên trì, sự quyết tâm của những người có khát vọng sống bền bỉ hơn mà thôi.
 

ĐỀ 5:

          Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Chúng ta hay bàn nhiều về đạo đức, nhân cách con người Việt Nam nhưng có lẽ còn ít nói đến phép lịch sự, cách xử thế của họ trong các quan hệ giao tiếp diễn ra hàng ngày trong gia đình, ngoài cộng đồng. Cũng có người nghĩ rằng phép lịch sự là cái gì xã giao bề ngoài, hình thức làm mất tính đặc thù cá nhân. Họ muốn sống một cách "tự nhiên", riêng biệt, không giống người khác. Điều đó có đúng không? Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu về cách xử thế và phép lịch sự của mỗi cá nhân trong giao tiếp gồm những nội dung gì, có ý nghĩa như thế nào? có đem lại cho chúng ta sự thoải mái, dễ chịu trong cuộc sống thường ngày không?


Con người luôn sống trong các quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp. Các quan hệ này tạo ra môi trường sống thường xuyên của mỗi cá nhân và ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và xu hướng hành động của họ. Chính cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải có xử thế đúng đắn, thể hiện qua phép lịch sự trong quá trình tiếp xúc với các đối tác khác nhau, ở những địa điểm khác nhau. Đồng thời chính con người lại chủ động xây dựng những mối quan hệ đó một cách tất nhất cho bản thân, cho cuộc sống, góp phần tạo nên một xã hội ổn định, hài hoà, tiến bộ và văn minh hơn.
Vậy cách xử thế và phép lịch sự là thế nào? Nội dung bao gồm những vấn đề gì?
Cách xử thế chính là những hiểu biết về các phong tục, tục lệ của đời sống xã hội. Một người có cách xử thế đúng đắn (được giáo dục, hướng dẫn) khi giao tiếp với xã hội phải tuân theo những chuẩn mực nhất định, hành động theo một số quy ước và yêu cầu đã được mọi người coi là thích hợp nhất. Những chuẩn mực, quy ước đó chính là nội dung của cách xử thế được thể hiện qua phép lịch sự trong đối xử hàng ngày.
[…]
Phép lịch sự dạy chúng ta tôn trọng người khác: con người họ, tuổi tác, địa vị xã hội, nghề nghiệp, giới tính, tài sản của họ, cuộc sống riêng tư của họ. Đó chính là một nghệ thuật sống tế nhị và không bao giờ buộc người khác phải chấp nhận mình một cách thô bạo (mình là người cấp trên, người tài giỏi…). Người cấp trên, người tài giỏi tỏ ra khiêm tốn với người chung quanh, với người cấp dưới, chủ động chào hỏi, chuyện trò với họ, chứng tỏ mình đánh giá cao đối tác có giáo dục.
Kính trọng ai là thể hiện sự hiểu biết, sự kính trọng và nhìn nhận những điều họ được hưởng: kính trọng người có tuổi kính nể địa vị xã hội của họ… Kính trọng ai là giúp đỡ người ấy được giới thiệu theo một hình ảnh tốt và đầy đủ về bản thân họ. Ví dụ giới thiệu người có lòng nhân ái hay giúp đỡ người nghèo, người thương binh đã hy sinh thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tỏ lòng kính trọng giới thiệu một nhân viên cấp dưới đã hết lòng tận tuỵ với công việc...
Kính trọng một người là kính trọng những gì thuộc về họ: không xâm phạm vào đời tư của họ, không sử dụng những đồ vật thuộc về họ mà không được họ cho phép... Những hình thức của sự tôn trọng này thể hiện sự tế nhị và sự dè dặt. Mỗi người chú ý đến trật tự xã hội và tự giới thiệu một hình ảnh đúng đắn về bản thân.
Chúng ta hiện nay đang đau đầu, khó chịu về những cử chỉ bất lịch sự diễn ra chung quanh ta, đặc biệt ở lớp trẻ mới lớn lên, ít được giáo dục: gặp người già đến nhà, con cái không chào, lên xe buýt, thanh niên tranh chỗ ngồi - chỗ ngồi tốt, không nhường chỗ người già, phụ nữ có con nhỏ, ra đường chúng xô đẩy người khác không xin lỗi, nói năng thì thô lỗ, luôn mồm chửi tục, chửi đổng, ăn mặc thì lôi thôi, tự động nhận xét bừa bãi về người khác ở nơi công cộng ... Những kẻ bất lịch sự không chỉ thể hiện họ không tôn trọng người khác mà chính họ thiếu lòng tự trọng, đã nêu ra một hình ảnh xấu về bản thân trước mặt người khác.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu con người
1. Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên?
2. Nội dung của văn bản trên? Đặt tên cho văn bản?
3. Theo tác giả: Phép lịch sự dạy chúng ta điều gì?
4. Thái độ của tác giả trong bài viết trên?
5. Theo anh/chị cần làm gì để phép lịch sự lan truyền đến mọi người?

ĐÁP ÁN


1. Phong cách ngôn ngữ: chính luận.
2. Nội dung của văn bản: bàn về cách xử thế và phép lịch sự của con người Việt Nam trong các quan hệ giao tiếp diễn ra hằng ngày trong gia đình, ngoài cộng đồng. Lên án, phê phán những ứng xử thiếu văn minh lịch sự như: gặp người già đến nhà, con cái không chào, lên xe buýt, thanh niên tranh chỗ ngồi - chỗ ngồi tốt, không nhường chỗ người già, phụ nữ có con nhỏ, ra đường chúng xô đẩy người khác không xin lỗi, nói năng thì thô lỗ, luôn mồm chửi tục, chửi đổng, ăn mặc thì lôi thôi, tự động nhận xét bừa bãi về người khác ở nơi công cộng ... Cuối cùng, tác giả gửi đến thông điệp: Những kẻ bất lịch sự không chỉ thể hiện họ không tôn trọng người khác mà chính họ thiếu lòng tự trọng, đã nêu ra một hình ảnh xấu về bản thân trước mặt người khác.

          Tên văn bản:


+ “Lịch sự là sống văn minh”.
+ “Lịch sự - nguyên tắc giao tiếp”
3. Theo tác giả, phép lịch sự dạy chúng ta tôn trọng người khác.
4. Tác giả thể hiện thái độ trân trọng ngợi ca phép lịch sự và phê phán những người có hành vi bất lịch sự, thiếu lòng tự trọng.
5. Theo em, để phép lịch sự lan truyền đến mọi người thì trước hết ta phải biết lịch sự với người khác. Từ đó, lan tỏa đến mọi người về vai trò của phép lịch sự trong cuộc sống. Khi mọi người lịch sự với nhau, ắt xã hội sẽ trở nên văn minh, tốt đẹp hơn.
 

ĐỀ 6


Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ 01 đến 04:
 Tất cả đều đang tốt đẹp thì chiếc váy của một người đẹp trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt liên tục bị mắc vào những chiếc đinh đóng trên sàn diễn. Và ngay lập tức, cái thói cẩu thả ăn thật làm dối mà chúng ta vẫn gặp lâu nay lại thò cái đuôi của nó ra.
Tôi không làm sao hiểu nổi ở một hoạt động văn hóa lớn như vậy, người ta lại có thể cẩu thả. Có thể ai đó đọc những lời này của tôi sẽ khó chịu và nói: Có mỗi chuyện cái đinh mà lắm lời. Vâng. Nhưng mọi chuyện lại bắt đầu từ những điều rất nhỏ.
Ví như việc đi bộ trong thành phố. Việc đi bộ cho thấy sự cẩu thả và tính ích kỉ của chúng ta. Chúng ta cởi trần, đủng đỉnh đi qua đường như đi trong sân nhà mình, mặc cho đèn đỏ hay đèn xanh. Và vừa đi vừa xỉa răng. Chúng ta điềm nhiên đi trên lòng đường theo ý muốn của mình. Tôi không tin có thể xây dựng được một đời sống hiện đại, văn minh khi thói cẩu thả và tùy tiện còn tồn tại quá nhiều trong thực tế. Và tôi nghĩ, muốn xây dựng một đất nước hiện đại, văn minh thì chúng ta phải bắt đầu từ việc đi bộ.
Lại nghĩ đến việc tùy tiện chậm giờ bay […] mà thất vọng, chán chường. Chiếc máy bay hiện đại như mọi chiếc máy bay trên thế giới. Bầu trời rộng như mọi bầu trời trên thế giới. Chỉ có trách nhiệm và khả năng của người thực hiện là khác mà thôi.
Trở lại với mấy cái đinh trên sàn diễn của cuộc thi Hoa hậu 2007. Có lẽ người Việt Nam còn cần phải học hỏi nhiều lắm mới không bị thế giới bỏ rơi. Kĩ thuật đóng một cái đinh đâu phải chuyện khó khăn gì. Nhưng chiếc đinh vẫn cứ trồi lên trên cái sàn diễn chỉ làm trước đó ít ngày. Và tôi luôn luôn tin rằng: đóng một cái đinh không xong, thì đừng nói đến những việc lớn hơn. Những cái đinh tuy nhỏ, nhưng lỗ đinh vẫn đủ cho chúng ta ghé mắt nhìn vào bên trong của cả ngôi nhà.
(Theo Chiếc đinh nhỏ nhưng nỗi buồn thì lớn, Bài tập Ngữ văn 12, Tập một,  Nxb Giáo dục, 2008, tr.83-84)
 
1. Phương thức biểu đạt chính? Thao tác lập luận chính của đoạn trích.
2. Nêu nội dung của đoạn trích và đặt nhan đề cho đoạn trích.
3. Tại sao tác giả cho rằng: muốn xây dựng một đất nước hiện đại, văn minh thì chúng ta phải bắt đầu từ việc đi bộ.
4. Ý nghĩa của câu: Những cái đinh tuy nhỏ, nhưng lỗ đinh vẫn đủ cho chúng ta ghé mắt nhìn vào bên trong của cả ngôi nhà.

ĐÁP ÁN

1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
    Thao tác lập luận chính: bình luận.
2. Nội dung của đoạn trích: đoạn trích trình bày quan điểm của tác giả về tính cẩu thả và ích kỉ của một số người trong cuộc sống. Tác giả lên án sâu sắc những hành vi cẩu thả, tắc trách trong công việc mà những chuyện đó có thể làm tổn hại đến mọi thứ xung quanh.
    Nhan đề của văn bản: Chiếc đinh nhỏ nhưng nỗi buồn lớn.
3. Tác giả cho rằng: “muốn xây dựng một đất nước hiện đại, văn minh thì chúng ta phải bắt đầu từ việc đi bộ”.
Vì việc đi bộ tưởng như nhỏ mà thực ra lại rất lớn trong việc thể hiện ý thức con người. Việc đi bộ của người Việt đầy sự cẩu thả và ích kỉ. Chúng ta cởi trần, đủng đỉnh đi qua đường như đi trong sân nhà mình, mặc cho đèn đỏ hay đèn xanh. Và vừa đi vừa xỉa răng. Chúng ta điềm nhiên đi trên lòng đường theo ý muốn của mình. Điều này cho thấy tính cẩu thả và tùy tiện còn tồn tại quá nhiều trong thực tế và không thể xây dựng một đời sống hiện đại nếu còn chưa sửa đổi nó. Muốn làm được những điều lớn lao hãy bắt đầu từ việc thay đổi lối sống.
4. Câu nói trên có nghĩa là: dù một việc cẩu thả, tùy tiện tuy nhỏ bé nhưng người khác vẫn có thể đánh giá được một con người. Chính vì vậy, chúng ta cần phải sống ngăn nắp, gọn gàng, làm việc gì cũng phải chu đáo, kĩ lưỡng, tránh cẩu thả, tùy tiện mà gây tổn hại đến mọi người xung quanh.
Một việc nhỏ thể hiện nhân cách, bản lĩnh, năng lực lớn. Một chuyện nhỏ nhưng có khi có ảnh hưởng lớn đến kết quả.
 

ĐỀ 7


Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
U23 Việt Nam đã chơi một trận cầu giữa tuyết lạnh ư? Không đúng.
Các em đã chơi một trận đỉnh cao trên sân bóng trái tim nóng hổi của hàng chục triệu người Việt và bạn bè quốc tế.
Duy Mạnh đã cắm lá cờ đỏ sao vàng lên đống tuyết nhỏ ở Sân vận động Thường Châu ư?
Không đúng.
Lá cờ tổ quốc đã được Duy Mạnh cắm lên đỉnh núi "Himalaya của lòng quả cảm và tự hào người Việt".
Tuyết rất lạnh: Đúng. Tuyết xóa mờ đường đi của trái bóng: Đúng. Nhưng tuyết lại làm nổi bật bản đồ lăn xả và nhiệt huyết của chiến binh áo đỏ.
Tuyết vét cạn sức của nhiều chàng trai lần đầu chạm vào tuyết: Đúng.
Nhưng chính hoa tuyết đã vẽ nên bức tranh đẹp đẽ nhất, xúc động nhất, Việt Nam nhất, khi những chiến binh áo đỏ nằm đè lên nhau ăn mừng siêu phẩm của Quang Hải.
Đúng là nước mắt hậu vệ Tiến Dũng đã rơi giữa những cái cắn chặt răng không khóc của Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh, Xuân Trường và hàng triệu người hâm mộ…
Đúng là nước mắt đã lăn dài trên nhiều gò má dán cờ tổ quốc trên khán đài sân vận động Thường Châu, đã lăn trên hàng triệu gương mặt Việt ở mọi hang cùng ngõ hẻm dải đất hình chữ S…
Nước mắt rơi, rất nhiều, nhưng không có ai phải cúi đầu.
Nếu có một hai cái cúi đầu sau bàn thua ở phút thứ 120 thì hẳn là để họ nghĩ về khoảng lặng của rốn bão.
Trận thua trong vinh quang hôm nay, chính là khoảng lặng của rốn bão, để cơn bão màu đỏ rực Việt Nam có thể càn quét trở lại trên các sân đấu khu vực và quốc tế.
Xuân Trường bảo: "Ông ấy (HLV Park) không muốn chúng tôi cúi đầu".
Chúng tôi, người hâm mộ cũng không muốn và không bao giờ nghĩ các em cúi đầu.
Nếu các em cúi đầu, thì làm sao hàng chục triệu người Việt lại có thể ngẩng cao đầu như hôm nay chào đón những người hùng trở về từ giá lạnh?
Có khi nào tâm sự trên facebook của - một - người - thua - trận hôm qua như thủ môn Bùi Tiến Dũng, lại nhận được tới 1.400.000 like và hàng trăm ngàn lời chúc mừng chiến thắng?
Chúng ta đã thua trong một trận chiến không lợi thế trên sân trượt băng: Đúng.
Nhưng “CHIẾN THẮNG không nhất thiết phải vô địch. VÔ ĐỊCH không nhất thiết phải chiến thắng” –một hot facebooker đã bình luận chí lí như vậy.
(Theo Tri thức trẻ)

1. Văn bản trên bàn về nội dung gì? Đặt tên cho văn bản?


2. Thao tác lập luận chính.
3. Ý nghĩa của câu: Lá cờ tổ quốc đã được Duy Mạnh cắm lên đỉnh núi "Himalaya của lòng quả cảm và tự hào người Việt".
4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “CHIẾN THẮNG không nhất thiết phải vô địch. VÔ ĐỊCH không nhất thiết phải chiến thắng”. Vì sao?

ĐÁP ÁN

1. Văn bản bàn về trận đấu quả cảm và bản lĩnh của đội tuyển U23 Việt Nam tại trận chung kết diễn ra trên sân vận động Thường Châu (Trung Quốc) trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các cầu thủ U23 đã thi đấu một trận đấu đẹp làm nức lòng người hâm mộ. Bài viết đã thể hiện lòng hâm mộ và bày tỏ niềm tự hào mãnh liệt về Việt Nam.
    Tên văn bản:
+ “U23- niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”.
+ “Bản lĩnh Việt Nam”
2. Thao tác lập luận chính: bình luận (Đây là một bài bình luận thể thao)
3. Himalaya là dãy núi cao đồ sộ, hùng vĩ nằm ở khu vực Nam Á. Câu nói trên muốn nói rằng: lòng quả cảm và tự hào của người Việt Nam cũng đồ sộ, sừng sững như dãy núi Himalaya. Nó hiên ngang, bất khuất, tỏ đầy uy lực mạnh mẽ, tạo ra một khí thế hùng hồn và niềm tin bất diệt.
4. Em đồng tình với ý kiến trên.
Bởi được lọt vào trận chung kết giải U23 Châu Á đã là một thành công ngoài mong đợi. Đội tuyển U23 đã chiến thắng trong lòng người hâm mộ Việt Nam. Cho dù thắng hay thua trong trận chung kết thì họ vẫn là nhà vô địch, là những người hùng của Việt Nam, là những người đã mang vinh quang về cho tổ quốc, khơi gợi niềm tự hào dân tộc trong lòng người Việt Nam.

ĐỀ 8

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
...(1) Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. [...] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình... [...]
(2) Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Lời trách cứ này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nống dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?
Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?
Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?
Ở An Nam cũng như mọi nơi khác, đều có thể ứng dụng nguyên tắc này:
“Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”. [...]
(3) Chúng ta không thể tránh né châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu. Nhưng những kiến thức thu thập được, họ không được giữ cho riêng mình. Đồng bào của họ cũng phải được thông phần nữa. Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ n ước mình. [...]
(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức, dẫn theo Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2014)
1. Nêu thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích?
2. Giải thích quan điểm: “Chúng ta không thể tránh né châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu”?
3. Nhận xét về thái độ của người viết đối với “tiếng mẹ đẻ” được thể hiện trong đoạn trích trên?
4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. Vì sao?

ĐÁP ÁN

1. Bình luận
2. Giải thích quan điểm:
-  “Chúng ta không thể né tránh châu Âu”: Chúng ta cần tìm hiểu về nền văn hóa, tri thức của phương Tây.
-  Vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được chầu Âu”: muốn tìm hiểu về tri thức châu Âu thì phải học ngôn ngữ của họ.
=> Học tập văn hóa nước ngoài là cần thiết cho việc tiếp thu tri thức và sự văn minh, đặc biệt là với giới trí thức vốn có vai trò định hướng cho sự trau dồi văn hóa. Nhưng học ngoại ngữ nói riêng, tiếp thu văn hóa nước ngoài nói chung cần phải gắn bó thiết thân với giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc.
3. Nhận xét về thái độ: yêu mến, trân trọng, tự hào, mong muốn giữ gìn và làm giàu có tiếng Việt.
4. Em đồng tình.
          Vì “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị”. Vì vậy “Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi”. Tiếng nói thể hiện niềm tự hào dân tộc, đánh dấu chủ quyền dân tộc, đất nước. Có tiếng nói phát triển, ta mới tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ về mọi mặt của thế giới, phổ biến rộng rãi để nâng cao dân trí cho nhân dân, tạo nên nguồn sức mạnh. Nhờ sức mạnh ấy mà dân tộc mới giữ được độc lập của mình. Cũng nhờ sức mạnh ấy, dân tộc mới có thể thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang.

ĐỀ 9:

..“20.6.70
Đến hôm nay vẫn không thấy ai qua. Đã gần mười ngày kể từ hôm bị bom lần thứ hai. Mọi người ra đi hẹn sẽ trở về gấp để đón bọn mình ra khỏi khu vực nguy hiểm mà mọi người nghi là gián điệp đã chỉ điểm này. Từ lúc ấy, những người ở lại đếm từng giây, từng phút. Sáu giờ sáng mong cho đến trưa, trưa mong đến chiều... Một ngày, hai ngày... rồi chín ngày đã trôi đi mọi người vẫn không trở lại! Những câu hỏi cứ xoáy trong đầu óc mình và những người ở lại. Vì sao? Lý do vì sao mà không ai trở lại? Có khó khăn gì? Không lẽ nào mọi người lại đành đoạn bỏ bọn mình trong cảnh này sao? Không ai trả lời bọn mình cả, mấy chị em hỏi nhau, bực bội, giận hờn rồi lại bật cười, nụ cười qua hai hàng nước mắt long lanh, chực tràn ra trên mi mắt. Hôm nay gạo chỉ còn ấn một bữa chiều nữa là hết. Không thể ngồi nhìn thương binh đói được. Mà nếu đi, một người đi thì không đảm bảo. Đường đi trăm nghìn nguy hiểm. Còn nếu đi hai người thì bỏ lại một người, nếu có tình huống gì xảy ra thì sao? Và không nói gì xa xôi, trước mắt trời sẽ ập nước xuống, một mình loay hoay làm sao cho kịp. Chằng ni lông trước thì sợ máy bay? Cuối cùng cũng phải hai người đi. Chị Lãnh và Xăng ra đi, mình đứng nhìn hai chị quần xắn tròn trên vế, lặn lội qua dòng suối nước chảy rần rần, tự nhiên nước mắt mình rưng rưng... Bất giác mình đọc khẽ câu thơ:
Bây giờ trời biển mênh mông
Bác ơi có thấu tấm lòng trẻ thơ...
Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thật ra là một bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt.

Đó là những dòng chữ cuối cùng của chị Thùy Trâm. Hai ngày sau, ngày 22-6-1970 chị hi sinh...


(Trích Nhật kí Đặng Thùy Trâm, Những trang nhật kí cuối cùng)
1. Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên? Phương thức biểu đạt chính?
2. Tâm trạng của tác giả thể hiện như thế nào trong văn bản?
3. Những khó khăn gian khổ nào được nhắc đến trong đoạn trích?
4. Nêu suy nghĩ của anh/chị sau khi đọc hết văn bản trên?

ĐÁP ÁN


1. Phong cách ngôn ngữ: sinh hoạt. Phương thức biểu đạt: tự sự
2. Tâm trạng của tác giả: chờ đợi, hi vọng, buồn, cô đơn.
3. Những khó khăn gian khổ: gạo chỉ còn ăn một bữa chiều nữa là hết; Đường đi trăm nghìn nguy hiểm; mưa lớn….
4. Nêu suy nghĩ: cảm động và khâm phục trước đời sống và tinh thần chiến đấu, sự tin yêu và lạc quan của nữ chiến sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Bản thân em luôn ghi nhớ công ơn trời bể của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh quên mình vì tổ quốc. Ra sức học tập để đền đáp thế hệ cha anh đã ngã xuống cho chúng ta có độc lập tự do ngày hôm nay.
 

ĐỀ 10

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
...(1) “Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. Vì năng lực được trui rèn trong quả trình làm cho người khác. Sự chăm chỉ, tính kỷ luật, quen tay quen chân, quen ngáp, quen lười... cũng từ công việc mà ra. Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa... rồi chết.
(2) Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn để tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn? Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.”
(Tony Buổi Sáng, trích Trên đường băng, Nxb Trẻ, 2015)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ chức năng của đoạn trích?


Câu 2. Tìm và chỉ ra hai phép liên kết được sử dụng trong phần (1) của đoạn trích?
Câu 3. Nêu ngắn gọn nội dung và đặt tên cho đoạn trích?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó. Vì sao?

ĐÁP ÁN

Câu 1. Chính luận
Câu 2. Phép liên kết:
+ Phép nối “Vì” nối câu thứ ba và câu thứ 4 của đoạn.
+ Phép lặp từ “bóc” “lột”, “họ”.
+ Phép thế: “họ” thay thế cho “ông chủ”.
+ Phép liên tưởng: trường từ vựng về “lao động”: khả năng, xin việc, thành công, năng lực, châm chỉ, tính kỷ luật, ông chủ, làm công,...
Câu 3.
* Nội dung:
-  Đoạn trích trình bày quan điểm của tác giả về thái độ làm việc để có thể thành công trong sự nghiệp và cách quản lí tài chính cá nhân của mỗi người.
-  Mục đích: khích lệ mọi người can đảm dấn thân trong công việc để trau dồi năng lực, kinh nghiệm, thói quen để đi đến thành công, tránh cuộc sống bình lặng, nhàm chán, tẻ nhạt. Đồng thời, tác giả nhắn nhủ, muốn thành công phải học cách quản lí tài chính của bản thân.

* Đặt tên: Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.

Câu 4. Đồng tình với quan điểm: Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.


Vì:
          Tư duy là tồn tại. Nếu tư duy tốt thì chúng ta sẽ tìm ra con đường tốt đẹp để đi đến với thành công. Nếu tư duy hạn hẹp, ẩu, thiển cận thì sẽ không thể tìm thấy con đường tốt đẹp cho bản thân.

ĐỀ 11


Đọc văn bản saụ và thực hiện các yêu cầu:
“Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!” Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế. Chàng trai cười nói:
- Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.
- Mỗi vết cắt trong trải tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè... Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đắp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tối vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tối mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.
Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lân trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đẩy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nện một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh...”
(Dẫn theo Hạt giống tâm hồn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2. Nêu chủ đề của văn bản trên? Đặt nhan đề cho văn bản?
Câu 3. Anh chị có đồng tình với câu nói: “một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đây khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi” . Vì sao?
Câu 4. Hãy nêu quan niệm riêng của anh/chị về một trái tim hoàn hảo?

ĐÁP ÁN


Câu 1: Phương thức tự sự 
Câu 2: 
Chủ đề: Gieo nhân nào gặt quả nấy, trao yêu thương sẽ nhận được yêu thương.
Đặt tên:  Câu chuyện của những trái tim
Câu 3: Đồng tình.
Vì: Khi ta trao yêu thương và  hạnh phúc cho người khác thì sau này cũng có ai đó sẽ lại trao cho chúng ta yêu thương và hạnh phúc. Sống phải biết nhận và biết cho.
Câu 4:  Trái tim hoàn hảo là trái tim biết nhận và biết cho. Luôn sống vì mọi người. Biết hi sinh bản thân mình vì người khác. Sống cao thượng, không ích kỷ. 

ĐỀ 12

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Của bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Đâu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!...
(Trích trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2: Chỉ ra ít nhất hai yếu tố là chất liệu văn hóa dân gian có trong đoạn thơ. Vì sao có thể nói chất liệu văn hóa dân gian ở đoạn trích này gợi ấn tượng vừa quen thuộc vừa mới lạ?
Câu 3: Theo anh/chị, đoạn thơ thể hiện tình cảm gì của tác giả?
Câu 4: Anh/chị thích nhất hình ảnh nào trong đoạn thơ trên? Vì sao?

ĐÁP ÁN

Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do ( 0,5 điểm)
Câu 2:
– Hai yếu tố là chất liệu văn học dân gian trong đoạn thơ trên: Truyện cổ tích Tấm Cám, truyện cổ tích Cây khế ( Hoặc câu tục ngữ: Người ta là hoa của đất) ( 0,5 điểm)
– Giải thích ( 0,5 điểm):
+ Những gì thuộc về dân gian thường gợi ra sự quen thuộc, thân thương.
+ Cách diễn đạt trong đoạn thơ không giống hoàn toàn như hình thức vốn có trong văn hóa, văn học.
Do vậy, đoạn thơ gợi ấn tượng vừa quen thuộc vừa mới lạ
Câu 3. (0,5 điểm)
Tình cảm của tác giả: yêu mến, ngợi ca, trân trọng, tự hào về những đạo lí, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc.
Câu 4:
  • Chỉ ra được hình ảnh thơ ( có trích dẫn hoặc diễn xuôi) ( 0,5 điểm)
Chẳng hạn: “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa”
  • Lí giải một cách thuyết phục ( 0,5 điểm)
Với hình ảnh thơ trên, ta có thể lí giải:
+ Bông hoa nở trên đất đai cỗi cằn cho ta thấy được sức sống mạnh mẽ, sức trỗi dậy mãnh liệt của nó.
+ Ẩn dụ chỉ sức mạnh của con người vượt lên trên nghịch cảnh. Con người chính  là loài hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất, đáng trân trọng nhất…
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn