Bài 33 tổng kết phần văn học lớp 9

1.Nền văn học Việt Nam được hợp thành từ hai bộ phận lớn nào ? Sư phân biệt và mối quan hệ giữa hai bộ phận ấy như thế nào ?

2.Văn học dân gian có những đặc điểm chính nào ? Hãy làm rõ từng đặc điểm qua những ví dụ cụ thể.

3.Hãy chỉ ra ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học viết qua trường hợp một số bài thơ trung đại hoặc hiện đại [chú ý các yếu tố : tứ thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, thể thơ].

4.Về mặt văn tự, bộ phận văn học viết trong văn học Việt Nam đã được ghi bằng những văn tự nào ? Với mỗi loại văn tự, hãy nêu tên một số tác phẩm đã học được ghi bằng văn tự đó. Nêu thời điểm xuất hiện và giai đoạn phát triển manh của sáng tác bằng từng loại văn tự.

5.Tinh thần yêu nước là một truyền thống lớn trong văn học Việt Nam. Hãy nêu những biểu hiện nổi bật của tinh thần yêu nước trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại đã học ở chương trình THCS.

6. SGK Ngữ văn 9, tập hai, trang 191 có nhận định : “Tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc lại sôi nổi, mạnh mẽ, thiết tha, hơn bao giờ hết trong thơ văn chống Pháp xâm lược ở nửa cuối thế kỉ XIX, trong văn học yêu nước và cách mạng nửa đầu thế kỉ XX, đặc biệt là trong văn học của hai thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ”. Hãy chứng minh nhận định trên bằng việc phân tích nội dụng yêu nước trong một số tác phẩm tiêu biểu đã được học, thuộc các giai đoạn văn học ấy.

7.Hãy phân tích tư tưởng nhân đạo được thể hiện qua hình tượng nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

8.Tư tưởng nhân đạo trong tiểu thuyết Tắt đèn [Ngô Tất Tố], truyện ngắn Lão Hạc [Nam Cao] có những gì sâu sắc và nổi bật ?

Gợi ý làm bài

1.Đọc lại mục I ở phần A – Nhìn chung về nền văn học Việt Nam [Bài 34] để trả lời câu này.

2.Những đặc điểm chính của văn học dân gian : tính tập thể,, tính truyền miệng và tính dị bản. Em minh hoạ những đặc điểm này bằng những ví dụ cụ thể.

3.Có thể lấy những bài thơ sau đây để chứng minh ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học viết: Bánh trôi nước [Hồ Xuân Hương], Bạn đến chơi nhà [Nguyễn Khuyến], Đêm nay Bác không ngủ [Minh Huệ], Mùa xuân nho nhỏ [Thanh Hải], Con cò [ChếLan Viên].

4.Đọc lại điểm 2 mục I của phần A – Nhìn chung về nền văn học Việt Nam để trả lời câu này.

5.Tập trung phân tích tinh thần yêu nước ở các văn bản : Sông núi nước Nam [tương truyền của Lí Thường Kiệt], Phò giá vềkinh [Trần Quang Khải], Hịch tướng sĩ [Trần Quốc Tuấn], Bình Ngô đại cáo [Nguyễn Trãi], Hồi thứ mười bốn của Hoàng Lê nhất thống chí [Ngô gia văn phái]. Cần nêu được các khía cạnh sau :

– Ý thức khẳng định chủ quyền dân tộc [lãnh thổ, lịch sử, văn hoá,…];

– Lòng tự hào dân tộc [truyền thông lịch sử, các anh hùng hào kiệt];

– Nêu cao tinh thần chiến đấu chống xâm lược, lòng căm thù giặc, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần hi sinh vì nền độc lập ;

– Lòng yêu nước cũng đi liền với tinh thần yêu chuộng hoà bình, mong muốn xây dựng đất nước bền vững, phồn vinh, thinh trị.

6.Văn học yêu nước nửa cuối thế kỉ XIX không có tác phẩm nào được đưa vào chương trình, vì vậy nên tập trung phân tích nội dung yêu nước trong bộ phận văn học yêu nước và cách mạng nửa đầu thế kỉ XX và giai đoạn 1945 – 1975. Chú ý đối sánh với nội dung yêu nước trong thời kì văn học trước để thấy được sự thống nhất và những điểm phát triển mới. Ví dụ, trong thơ văn của các chí sĩ cách mạng hồi đầu thế kỉ XX, ý chí sôi sục cứu nước đi liền với mong muốn canh tân đất nước, đánh đổ thế lực phong kiến đã trở thành công cụ của chủ nghĩa thực dân, đưa đất nước hoà nhập và tiến kịp với trào lưu chung của thế giới. Còn trong văn học cách mạng vô sản thì mục tiêu cứu nước đi liền với lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Nội dung yêu nước trong văn học giai đoan 1945 – 1975 lại càng phong phú, sâu sắc với mọi biểu hiện đa dạng và gắn chặt với tư tưỏng nhân dân, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần lạc quan.

7.Các ý chính cần phân tích :

– Sự cảm thông, xót xa với số phận đau khổ, oan trái của người phụ nữ trong xã hội phong kiến và khát vọng về hanh phúc gia đình ở họ.

– Khẳng định, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp ở người phụ nữ : lòng thuỷ chung, coi trọng đạo lí và tình nghĩa, hết lòng vì cha mẹ, ‘chồng con.

– Thể hiện mong ước chiêu tuyết cho người phụ nữ để họ được an ủi và tôn vinh ở một thế giới khác.

8.Văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 -1945 đã kế tục và phát triển tinh thần nhân đạo trong truyền thống văn học dân tộc, ở một hoàn cảnh mới.

Điểm nổi bật của tư tưởng nhân đạo trong Tắt đèn không chỉ là lên án sự bất công và tàn bạo của bộ máy cai trị thực dân, phong kiến đối với người nông dân mà còn chính là ở sự khẳng định, đề cao với tất cả lòng yêu mến, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp, sức sống và sự phản kháng mạnh mẽ của một người phụ nữ nông dân. Còn ở truyện ngắn Lão Hạc lại là ý thức sâu sắc về nhân cách, là nỗi đau xót trước tình cảnh bị dồn đến đường cùng của người nông dân và cái chết thê thảm của họ như một sự lựa chọn duy nhất để bảo toàn nhân cách.

B – SƠ LƯỢC VỀ MỘT SỐ THỂ LOẠI VĂN HỌC

Bài tập

1.Dựa vào những căn cứ nào để phân chia thể loại văn học ? Văn học bao gồm những loại [hay loại hình] nào ? Đặc trưng cơ bản của mỗi loại hình ?

2.Trong chương trình THCS, em đã học những thể loại nào của văn học dân gian ? Nêu định nghĩa vắn tắt từng thể loại.

3.Trong thơ trung đại Việt Nam [cả chữ Hán và chữ Nôm], những thể thơ nào có nguồn gốc Trung Quốc, thể thơ nào là sáng tạo của Việt Nam ? Nêu các ví dụ.

4.Nêu các quy tắc về niêm, luật, cấu trúc phổ biến của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật qua một bài thơ thời trung đại.

5.Nêu quy tắc về vần, nhịp, cấu trúc thông thường của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Cho ví dụ.

6.Có người cho truyện thơ Nôm trong văn học trung đại Việt Nam là thuộc thể loại tự sự, có người lại cho đó là thể loại trữ tình. Nêu ý kiến của em.

7.Trong thơ hiện đại Việt Nam [tính từ phong trào Thơ mới 1932 -1945] có những thể thơ nào mới được sáng tạo [kể cả những thể được tạo ra trên cơ sở kế thừa thể thơ truyền thống] ?

8.Đọc lại một truyện ngắn hiện đại [Lão Hạc của Nam Cao, Cố hương của Lỗ Tấn, Bến quê của Nguyễn Minh Châu] và một truyện thời trung đại [Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng của Hồ Nguyên Trừng, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ], rồi nhận xét về sự khác nhau trong cách trần thuật, xây dựng nhân vật.

Gợi ý làm bài

1.Dựa vào những đặc điểm của hiện tượng đời sống được miêu tả trong tác phẩm, phương thức chiếm lĩnh thực tại của tác giả, cách thức tổ chức tác phẩm và lời văn mà người ta phân chia ra các thể loại văn học. Có ba loại [hay loại hình] chính là : tự sự, trữ tình, kịch. Ngoài ra còn có loại nghị luận [em nêu đặc trưng cơ bản của mỗi loại, theo phương thức chiếm lĩnh tái hiện đời sống và cách thức tổ chức tác phẩm. Ví dụ : Tự sự thể hiện đời sống qua chuỗi các biến cố, sự kiện và qua lời trần thuật].

2.Đọc phần B, mục I – Một số thể loại văn học dân gian để trả lời câu này.

3.Đọc phần B, mục II – Một sốthể loại văn học trung đại để trả lời câu này.

4.Đọc phần B, mục II – Một sốthể loại văn học trung đại để trả lời câu này. Có thể lấy bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan hoặc Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến để minh hoạ.

5.Thể thất ngôn tứ tuyệt có phần linh hoạt, ít gò bó chặt chẽ hơn thể thất ngôn bát cú. Thể tứ tuyệt cũng chỉ dùng một vần, vần chân, ở chữ cuối các câu 1, 4, và chỉ dừng vần bằng, về thanh và nhịp cũng tương tự như trong thể thất ngôn bát cú. cấu trúc của bài tứ tuyệt thường là : khai, thừa, chuyên, hợp hoặc hai câu trên thiên về ngoại cảnh, hai câu dưới thiên về tâm trạng [cảnh khuya, Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh].

6.Truyện thơ Nôm về cơ bản thuộc loại tự sự, vì có vai trò quan trọng của sự kiện, cốt truyện, nhân vật. Nhưng cũng có yếu tố trữ tình, nhất là ở những truyện Nôm bác học [Truyện Kiều, Hoa tiên, Sơ kính tân trang]. Nhiều nhà nghiên cứu coi truyện Nôm là tiểu thuyết bằng thơ.

7.Các thể thơ tự do, thơ văn xuôi là những thể hoàn toàn mới. Các thể tám .chữ, bảy chữ [mỗi khổ 4 câu, 1 hoặc 2 vần] là những thổ mới, nhưng được tạo ra trên cơ sở câu thơ tám chữ trong thể hát nói và câu bảy chữ trong thể thất ngôn truyền thống. Ngoài ra, các thể bốn chữ, năm chữ, lục bát cũng được tạo ra trên cơ sở các thể này trong thơ ca dân gian.

8.Tuy cùng thuộc loại hình tự sự, nhưng truyện ngắn hiện đại có nhiều đổi mới về phương thức tự sự, miêu tả so với truyện ngắn thời trung đại. Truyện ngắn hiện đại sử dụng đa dạng các cách trần thuật, di chuyển các điểm nhìn [từ người trần thuật khách quan ở bên ngoài đến điểm nhìn từ bên trong nhân vật]. Cách trần thuật từ ngôi thứ nhất [Lão Hạc Cố hương] thường chỉ thấy xuất hiện trong truyện hiện đại. Về xây dựng nhân vật cũng có nhiều điểm khác biệt. Nhân vật trong truyện trung đại thường chỉ được hiện ra qua lời kể, qua hành động và đối thoại, ít được thể hiện trực tiếp nội tâm, ít chú trọng khắc hoạ cá tính, vì thế thường thuộc nhân vật loại hình. Trong truyện hiện đại, nhân vật được khắc hoạ từ nhiều phương diện: : ngoại hình, hành động và nhất là nội tâm, qua lời người trần thuật và lời đối thoại, độc thoại của nhân vật. Nhân vật cũng có nhiều loại : nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng, nhân vật chức năng,…

Chủ Đề