Bài toán sử dụng tro sỉ nhiệt điện than

Nhằm tăng cường, đẩy mạnh việc xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao ngày, ngày 12/4/2017 Thủ tướng đã ban hành Quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Quyết định này, kết quả thực tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tính đến cuối 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước khoảng 44,5 triệu tấn, tương đương 42% tổng lượng phát thải qua các năm.

Tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng, khoảng 24 triệu tấn, chiếm 70%; sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung khoảng 4 triệu tấn, chiếm 12%; làm phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông [đường bê tông xi măng vùng nông thôn] và công trình xây dựng dân dụng [kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt] khoảng 3 triệu tấn, chiếm 8%; và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông các loại khoảng 3,5 triệu tấn, chiếm 9%.

Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng [VLXD], Bộ Xây dựng, lượng tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than chưa đạt được mục tiêu đặt ra của Đề án cả về tổng lượng tiêu thụ và cơ cấu tiêu thụ cho các lĩnh vực. Tính đến cuối 2020, tổng lượng tro, xỉ lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện than vẫn còn khoảng 47,65 triệu tấn.

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương, chủ cơ sở phát thải và đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng đã triển khai chỉ đạo của Thủ tướng theo Quyết định 452, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc sử dụng tro xỉ đã cơ bản được xây dựng và ban hành đầy đủ nhưng kết quả xử lý, tiêu thụ tro, xỉ chưa như kỳ vọng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho thấy, tính đến tháng 6/2020, tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4 và 4 mở rộng khoảng trên 10,9 triệu tấn; nhưng lượng tro xỉ đã được xử lý, tiêu thụ chỉ đạt con số rất khiêm tốn, hơn 1,049 triệu tấn, chiếm 9,62%.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Sở Xây dựng cho biết do các nhà máy nhiệt điện cách quá xa các cơ sở sản xuất xi măng và hộ tiêu thụ vật liệu xây dựng lớn ở phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nên khó khăn trong việc vận chuyển, tăng chi phí tiêu thụ do vận chuyển đi xa.

Sở Xây dựng chỉ rõ tình trạng các cơ sở tái sử dụng tro, xỉ trong phạm vi tỉnh và các khu vực phụ cận còn ít, năng lực tiếp nhận để tái xử lý còn yếu. Thói quen sử dụng vật liệu xây dựng làm từ tro, xỉ chưa được người dân địa phương đón nhận.

Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện ngoài việc ký kết hợp đồng xử lý và tiêu thụ tro, xỉ cần tiếp tục mở rộng hợp tác ngoài hình thức đấu thầu với các đơn vị xử lý và tái sử dụng tro, xỉ tại các tỉnh Ninh Thuận, Đồng Nai và các tỉnh Tây Nguyên.

Cùng với đó cần tính tới việc cung cấp tro, xỉ miễn phí cho các đơn vị có năng lực tiêu thụ và bảo đảm vấn đề môi trường đồng thời chủ động tìm kiếm nhà thầu cung cấp dịch vụ tiêu thụ tro xỉ để giảm thiểu lượng tro xỉ phải chôn lấp.

Theo phân tích của Vụ VLXD, các nhà máy điện ở Việt Nam đang sử dụng 1 trong 3 công nghệ xử lý khí sulfur; một số nhà máy dùng công nghệ thải xỉ ướt sử dụng nước biển để thải hỗn hợp tro, xỉ ra bãi chứa dẫn tới tro, xỉ bị nhiễm mặn, gây khó khăn trong quá trình xử lý, tiêu thụ. Ngoài ra, một số nhà máy thải xỉ bằng công nghệ ướt nhưng trộn lẫn tro và xỉ vào nước và bơm ra bãi chứa, dẫn tới tro, xỉ lẫn lộn gây khó khăn trong quá trình xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Do sử dụng thiết bị công nghệ đốt chưa phù hợp để đốt cháy triệt để than chất lượng thấp, một số nhà máy sử dụng than antraxit thải ra tro, xỉ có tỉ lệ carbon chưa cháy cao trên 12%, không phù hợp với tiêu chuẩn làm phụ gia cho xi măng, phụ gia bê tông như nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Duyên Hải 1.

Cũng theo đánh giá của Vụ VLXD, mặc dù đã có tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật trong việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp, nhưng việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp vẫn chưa cạnh tranh được về giá thành so với các loại vật liệu san lấp truyền thống. Trong khi đó một số đơn vị xả thải còn bán tro xỉ thay vì có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị tiêu thụ nên dẫn đến tiêu thụ chậm.

Vụ VLXD cho biết văn bản hướng dẫn xử lý tro, xỉ, thạch cao và hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao để hoàn nguyên mỏ chưa được ban hành cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc xử lý, tiêu thụ tro xỉ thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian qua.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong bối cảnh của nước ta, khi việc khai thác tiềm năng các loại năng lượng khác phục vụ sản xuất điện như thủy điện, điện khí… đã đạt tới hạn, trong khi việc phát triển điện hạt nhân tạm dừng, các loại năng lượng tái tạo khác [điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối] chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng với chi phí hợp lý thì việc phát triển nhiệt điện than [NĐT] cần được quan tâm đúng mức. Tuy vậy, việc phát triển NĐT phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I và III [Trà Vinh] hằng năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ.

Vấn đề tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy NĐT thời gian qua đang là thách thức đối với việc phát triển bền vững NĐT do thiếu các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp và cần phải khẳng định rõ ràng là tro xỉ từ các nhà máy NĐT không phải là chất thải nguy hại.

“Việc tổ chức hội thảo khoa học nhằm thảo luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy NĐT tại khu vực ĐBSCL theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”, ông Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Ngày 12-4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng vào các công trình xây dựng; sử dụng tro, xỉ sản xuất VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đối với Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I và Duyên Hải III trong vùng ĐBSCL, 7 đối tác đã ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 2,9 triệu tấn tro xỉ, bằng 210% tổng khối lượng tro xỉ trung bình hằng năm của 2 nhà máy, bằng 160% lượng tro xỉ đang lưu giữa tại bãi thải xỉ. Lượng tro xỉ này được các đối tác mua để sử dụng làm phụ gia trong sản xuất xi măng.

Từ khi vận hành đến ngày 13-7-2017, hai nhà máy điện Duyên Hải I và III đã xuất bán 134.196 tấn tro, xỉ, bằng 7,1% tổng sản lượng tro, xỉ từ khi vận hành của 2 nhà máy. Tổng Công ty phát điện I đang nghiên cứu lập dự án đầu tư đường ống vận chuyển tro bay bằng khí nén ra cảng biển để giảm chi phí vận chuyển và tiếp cận các đối tác tiêu thụ với khối lượng lớn…

Hiện, một số loại VLXD được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện hiện đang được nghiên cứu hoặc ứng dụng tại Việt Nam, gồm: sử dụng tro tuyển làm phụ gia bê tông; tro, xỉ làm phụ gia xi măng; làm vật liệu gia cố nền; vật liệu san lấp; làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông chưng áp…

Việc sử dụng VLXD thay thế tại khu vực ĐBSCL là tập trung phát triển sản xuất, sử dụng VLXD từ tro, xỉ đối với VLXD không nung và vật liệu san lấp, gia cố nền trong xây dựng giao thông. Xuất phát từ thực tế hiện nay các công trình giao thông, công trình đường bộ tại khu vực ĐBSCL phải nhập cát từ Campuchia với giá rất cao; công tác sản xuất xi măng mặc dù được đầu tư rất tốt, nhưng chi phí cho chất liên kết này còn cao.

Thêm vào đó, có rất nhiều khu vực có địa chất rất yếu, đặc biệt là các tuyến đi qua khu vực đồng bằng ngập nước, các khu vực hồ, ao. Khi đó, chi phí cho việc xử lý, gia cố nền đất bằng các chất liên kết vô cơ cũng vô cùng tốn kém.

Nhu cầu về vật liệu thay thế cho vật liệu tự nhiên [khi đắp nền] hoặc thay thế một phần chất liên kết vô cơ [khi gia cố nền đường] là vô cùng cần thiết đối với ngành xây dựng đường bộ phục vụ giao thông. Điều đó mở ra một thị trường mới cho tro xỉ, với các hình thức sử dụng phong phú và chắc chắn khối lượng tiêu thụ rất lớn.

Việt Nam hiện có 21 nhà máy NĐT đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hằng năm hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ hơn 700ha. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án NĐT đi vào hoạt động [đang trong quá trình xây dựng] và tổng công suất lắp đặt NĐT là 24.370 MW, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than. Tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.

Chủ Đề