Bản đồ những vùng lõi văn minh trung quốc

Bắt đầu từ câu hỏi của một bạn đọc “Tết nguyên đán là của ai, do ai đặt ra?”. Tôi đã giải thích rằng Tết nguyên đán là một mốc thời gian đặc biệt của âm – dương lịch. Muốn có âm – dương lịch thì phải có thiên văn học, tính được thời gian trái đất quay xung quanh mặt trời một vòng gần với con số chính xác là 365,25 ngày. Điều kiện để xây dựng thiên văn học ở thời đại đồ đá là con người phải ở trên chí tuyến bắc, từ vĩ độ 23 độ 27 phút bắc trở lên. Dưới vĩ tuyến ấy, các bài toán thiên văn rất phức tạp, vượt quá khả năng của bất cứ cộng đồng dân cư cổ đại đã định cư nào. Thực tế là tất cả các nền văn minh đã nắm bắt thiên văn từ rất sớm đều ở trên chí tuyến bắc, chẳng hạn: Lưỡng Hà, Trung Hoa, Ai Cập, Ấn Độ hay Hy Lạp.

Thiên văn học nôm na là quá trình quan trắc mặt trời, trăng và sao từ một mốc cố định. Nếu rày đây mai đó như trong đời sống du canh du cư của các bộ tộc săn bắt hái lượm chẳng hạn, con người không thể tổng hợp được quy luật chuyển động của mặt trời để xây dựng âm dương lịch. Họ chỉ có thể sử dụng tháng trăng tròn khuyết gọi là âm lịch hay Nguyệt lịch. Nguyệt lịch hoàn toàn lệch pha với Nhật lịch, tức lịch mặt trời. Chỉ có Nhật lịch mới chỉ thị đúng thời điểm mùa màng mà thôi.

Ngoài thiên văn, chúng ta có một chỉ thị khác để xác định thời điểm bắt đầu chuyển từ du cư sang định cư của các tộc người cổ đại. Đó là thuần hóa vật nuôi và cây trồng hay quá trình chọn lọc gene đột biến thích hợp của động vật và thực vật nhằm phục vụ đời sống con người. Hoàn toàn có thể phân tích chính xác niên đại những dấu hiệu thuần hóa đầu tiên từ các mẫu vật khảo cổ.

Như vậy, âm dương lịch ở tình trạng sơ khai nhất phải có tuổi đời khá tương đồng với chiều dài lịch sử định cư và thuần hóa động thực vật. Trên lãnh thổ Trung Quốc ngày nay có hai nhánh chủng tộc Bắc – Nam và nhiều dấu vết ngôn ngữ, văn hóa cũng như khảo cổ khẳng định sự tồn tại của hai nền văn minh tối cổ tiền Hoa Hạ tương ứng. Xin được tạm gọi là văn minh Hoàng Hà và Dương Tử và đi sâu vào khảo sát.

CON ĐƯỜNG THIÊN DI

Cách đây trên 40 ngàn năm, từ vùng Lưỡng Hà có hai nhánh di dân về phía đông. Hình minh họa có sẵn dưới đây chỉ để cho dễ hiểu:

  1. Nhánh thứ nhất băng qua thảo nguyên và sa mạc trung Á đến đông bắc Á trở thành người Mông – Mãn. Khi đến được bờ bắc Hoàng Hà, chọn lọc tự nhiên đã loại trừ gần hết gene hai mí vốn phổ biến khắp nhân loại. Địa hình bằng phẳng ngút mắt trên con đường thiên di yêu cầu phải giảm thị trường [tức là giảm kích thước mắt], vừa để nhìn rõ mục tiêu hơn, vừa hạn chế tia cực tím từ ánh mặt trời chiếu thẳng vào nhãn cầu, vì địa bàn có ít vật che chắn như cây cao, rừng rậm… [Ngược lại, các bộ tộc săn bắt hái lượm trong rừng nhiệt đới hoặc ôn đới mênh mông mà mắt nhỏ, một mí, nếu không bị thú dữ ăn thịt, thì cũng chết đói đến tuyệt chủng]. Họ dùng da thú giữ ấm tốt nên lông trên cơ thể hầu như đã biến mất, trừ râu quai nón. Ở giai đoạn cuối, nhóm này bắt đầu chăn nuôi các đàn gia súc lớn, cưỡi ngựa rong ruổi khắp nơi nên đàn ông có xu hướng chân ngắn, lưng và tay dài.

Cách đây khoảng 12 ngàn năm người Mông Mãn bắt đầu định cư ở châu thổ Hoàng Hà và xây dựng nền văn minh cùng tên. Mốc thời gian này căn cứ trên dấu hiệu thuần hóa chó sói trở thành chó nhà [1] cũng như gieo trồng giống kê đuôi cáo tại Nam Trang Đầu, Hà Bắc, Trung Quốc.

  1. Nhánh thứ hai băng qua tiểu lục địa Ấn Độ đến Miến Điện. Tại đây họ lại chia hai, nhóm người đi sâu vào lục địa chiếm cứ thượng nguồn các dòng sông Mekong và Dương Tử tạm gọi là Thái – Tạng – Miến. Nhóm phân bổ khắp Đông nam Á rồi đi ngược về phía bắc đến cửa sông Dương Tử là Nam Đảo [Austronesian]. Người Nam Đảo bắt đầu định cư ở đồng bằng bờ nam cửa sông Dương Tử cách đây khoảng 12.000 năm, căn cứ vào dấu hiệu thuần hóa lúa nước tại hồ Bà Dương và hang Ngọc Thiềm Nham tỉnh Hồ Nam. Xin lưu ý, chúng tôi lấy mốc ước đoán 12 ngàn năm từ rất nhiều tài liệu khảo cổ học công bố gần đây và chúng không hẳn hoàn toàn thống nhất với nhau.

BABYLON PHƯƠNG ĐÔNG

Sơ đồ Babylon phương đông.

Đỉnh cao và cũng là trung tâm của văn minh Dương Tử đã được xác nhận bởi khảo cổ học là di tích thành quốc Lương Chử [Chiết Giang, văn minh ngọc thạch, 3400 BC – 2200 BC]: Đây là thành quốc rộng lớn nhất Á Đông ở thời đại của nó, diện tích 290ha, có tường thành bao bọc xung quanh và 6 cổng chính, 2 cổng ở mỗi hướng bắc, đông và nam, nhiều cửa thông nối với hệ thống sông rạch. Hoàng cung nằm ở giữa rộng 30ha. Thành quốc có đàn tế trời đất, hệ thống đê điều tưới tiêu và ngăn lụt lội, xã hội đã phân chia giai cấp và có khả năng đã có vua chúa và giới quý tộc tăng lữ. Dấu vết kho lương thực chứa được khoảng 15 tấn gạo [2]. Các di cốt dưới lòng đất có gene liên hệ rõ rệt với chủng người Thái – Tráng và Nam Đảo [3].

DẤU HIỆU THIÊN VĂN HỌC

Để khảo sát trình độ thiên văn học hai nền văn minh Dương Tử và Hoàng Hà, chúng tôi chọn ra ba di tích thành quốc là Lương Chử, Đào Tự [Sơn Tây, cuối đá đầu đồng, 2300 BC – 1900 BC] và Nhị Lý Đầu [Hà Nam, đồ đồng, 1900 BC – 1500 BC].

Lương Chử cách Đào Tự khoảng 1000km đường chim bay và bị chia cắt bởi hai con sông lớn là Dương Tử và Hoàng Hà. Thêm nữa, thời điểm suy tàn của Lương Chử và khởi phát của Đào Tự chênh nhau 100 năm. Do đó chắc chắn hai nơi này phát triển độc lập. Nhị Lý Đầu nằm giữa Đào Tự và Lương Chử, bên bờ nam Hoàng Hà, có thể là nơi đã tiếp nhận tinh hoa từ hai phía và phát triển thành nền văn minh Thương Ân mở đầu văn minh Hoa Hạ.

Mặt bằng nền móng và tường thành Lương Chử [3400 BC – 2200 BC]

Mặt bằng nền móng di tích Đào Tự [陶寺2300 BC – 1900 BC]

Nền móng di tích Nhị Lý Đầu [二里头1900 BC – 1500 BC]

Sơ đồ móng cung điện và Đại Môn [tiền thân của Ngọ Môn] của Nhị Lý Đầu được định vị đông tây nam bắc khá chuẩn, sai số chỉ 5 độ góc, chứng tỏ chủ nhân của chúng đã nắm khá vững thiên văn, có niên lịch và sử dụng đồng hồ mặt trời đo thời gian.

Tuy Lương Chử và Đào Tự lâu đời hơn Nhị Lý Đầu rất nhiều nhưng sơ đồ móng của chúng có sai số định vị đông tây nam bắc dưới 10 độ góc. Từ đó có thể kết luận Lương Chử và Đào Tự đã độc lập phát triển thiên văn và khả năng rất lớn là họ đã xây dựng được niên lịch và sử dụng đồng hồ mặt trời có độ chính xác chính ngọ dưới 30 phút. Để hiểu thêm định vị phương hướng, xin bạn đọc tham khảo thêm chủ đề riêng “Có thể định tuổi các nền văn minh bằng trục chính đạo?”

Như chúng tôi đã làm rõ trong “Khảo chứng tiền sử Việt nam bằng Cổ thư và Thiên văn học“, thiên văn chỉ định hình khi xã hội chuyển hóa từ săn bắt hái lượm sang định canh định cư và thuần hóa cây trồng, vật nuôi. Thiên văn là tiền đề cho toán học ra đời và từ ngôn ngữ toán học con người tiến tới khai sinh ngôn ngữ truyền đạt, tức là chữ viết. Tại di chỉ Lương Chử, rất tiếc chưa xuất hiện dấu hiệu của chữ tượng hình rõ ràng như Đào Tự và Nhị Lý Đầu. Có thể họ vẫn đang dùng toán học ở dạng Kết Thằng [thắt nút], chưa đi đến bước viết các con số lên những chất liệu khác nhau để hình thành chữ viết đầu tiên.

BABYLON PHƯƠNG ĐÔNG SỤP ĐỔ

Các bằng chứng từ đầu não Lương Chử đã cho chúng ta cái nhìn mới về văn minh Dương Tử: phát triển rực rỡ ở tầm nhân loại, đã sử dụng thiên văn, có thể có toán pháp và bắt đầu xây dựng văn tự tượng hình cách đây 5400 năm. Tuy nhiên đến năm 2200 BC, thành quốc Lương Chử đột ngột biến mất, vùng ảnh hưởng của nó phân rã và thụt lùi trở lại văn hóa bộ lạc. Ước đoán các lý do như sau:

  1. Do biến đổi khí hậu như diễn dịch tại đây. Khi dùng sóng radar quét sâu xuống 5m dưới lòng đất và kiểm nghiệm bằng những hố đào trực tiếp, công trình khảo cổ năm 2015 của các nhà khoa học Trung Quốc và Italy đã xác định ở độ sâu 2m3 trở xuống là kiến trúc đất nện nén chặt. Bề mặt của chúng là lớp đất mỏng khoảng 10 đến 20cm, có dấu vết rất rõ ràng của nhiệt lửa, do sinh hoạt nhiều đời của cư dân cổ. Khả năng rất lớn là ở năm 2200 BC, một trận đại hồng thủy tại sông Dương Tử đã xóa sổ toàn bộ trung tâm của nền văn minh ngọc thạch này.
  1. Các tiểu trung tâm khác của văn minh Dương Tử tồn tại qua đại hồng thủy đã bị văn minh Hoàng Hà tiêu diệt hoặc thôn tính: Biến đổi khí hậu là lý do trực tiếp và cụ thể. Tuy nhiên, một quốc gia lớn [có hoàng thành rộng gấp 10 lần Tử Cấm Thành ngày nay ở Bắc Kinh] không thể tuyệt diệt hoàn toàn nếu thủ đô của nó đột nhiên biến mất. Đáng chú ý là tại Lương Chử chưa có dấu hiệu sử dụng đồng trong khi đó các di chỉ cùng tuổi phía bắc thuộc văn minh Hoàng Hà như Ngưỡng Thiều, Hồng Sơn… đã phát lộ dày đặc xỉ đồng. Chúng là tiền đề cho Nhị Lý Đầu vươn lên và tỏa sáng. Chúng ta lại thấy quy luật “Guns, Germs and Steel” của Jared Diamond ở đây: Vũ khí sắc bén hơn, gây sát thương dễ dàng và nghiêm trọng hơn đã đóng vai trò tiên quyết trong lịch sử.

Mãi đến khoảng năm 800 BC, trên địa bàn Lương Chử lại hồi sinh một hình thái nhà nước mới có gene Nam Đảo và Thái – Tráng, đó là nước Âu Việt. Sau khi bị nước Sở tiêu diệt vào năm 334 BC, một số nhánh Âu Việt đi về phía nam thành lập Mân Việt, Đông Âu và hợp huyết với người Lạc Việt tại nước Nam Việt của Triệu Đà. Sau công nguyên, người Âu Việt tiếp tục vượt biển đến mảnh đất Việt Nam và chính họ đã một lần nữa giành độc lập rồi dựng lên nước Đại Việt.

Như vậy, về cơ bản, quan điểm cho rằng người Việt có một nhánh tổ tiên từ một nền văn minh vĩ đại trên 5000 tuổi có lẽ không sai. Chỉ có điều nó là con đẻ của dòng sông Dương Tử vĩ đại, chứ không phải sông Hồng bản địa nhỏ bé. Dương Tử trong Hán ngữ còn viết là 江 [giang], từ thời Chu đến Minh người Hán đọc là [krōŋ]. Đó chính là âm Thái / Mon Khmer của từ Sông trong tiếng Việt. Trong từ chỉ sông này, tiếng Thái và Mon Khmer rất giống nhau. Ngày nay, sau mấy ngàn năm Hán hóa, vùng phía nam Trường Giang vẫn còn lốm đốm các khu vực phát âm khá giống tiếng Thái / Mon Khmer: Nam Xương – Giang Tây: [kɔŋ] ; Mai Huyện và Quảng Châu – Quảng Đông: [kɔŋ] ; Phúc Châu – Phúc Kiến: [kouŋ] hoặc [köyŋ] ; Dương Châu – Giang Tô: [ka_ŋ] hoặc sang trọng là [ćiâŋ]. Khi chủng Nam Đảo còn làm chủ con sông Trường Giang, họ gọi các nhánh nhỏ đổ vào sông mẹ là [d[h]ā], người Hán ký âm thành Đà沱, hoàn toàn tương đồng với cách các bộ tộc gốc Nam Đảo ở Tây Nguyên Việt Nam vẫn gọi sông là Dak hoặc Krong.

TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA AI?

Thiếu kiến thức thiên văn cổ đại và khảo cổ, rất nhiều học giả và tác giả Việt Nam đoán mò rằng âm lịch có nguồn gốc từ văn minh lúa nước Dương Tử còn dương lịch của văn minh Hoàng Hà. Chúng tôi thì chắc chắn rằng cả hai nền văn minh ấy đều dùng một hình thức âm – dương lịch tuy sơ khai nhưng hữu hiệu với mùa màng, không ai phải học của ai mà chỉ cần quan trắc lâu dài và tổng hợp quy luật chuyển động tương đối của mặt trăng, mặt trời và các vì sao với trái đất.

Nói cho cùng, phong tục ăn tết Nguyên đán có lẽ do người Chu truyền đến Âu Việt và người Hán sau đó lại đem đến Việt Nam. Ban đầu người Hoàng Hà ở vĩ độ rất cao, họ lấy tháng trăng gần ngày Xuân phân nhất, đỡ lạnh nhất để làm đầu năm. Do đó Hạ lịch chọn ngày 1 tháng Dần làm nguyên đán. Khi Hoàng Hà nam tiến xuống Dương Tử, để phù hợp với vĩ độ thấp hơn của kinh đô, nhà Thương chọn tháng Sửu, nhà Chu chọn tháng Tý [gần Đông Chí nhất]. Tần lại lùi hẳn về tháng Hợi, trước những đợt lạnh nhất trong năm. Kể từ Hán Vũ Đế người ta quay lại tháng Dần. Cháu nội Tào Tháo có lần đổi sang tháng Sửu.

Đây là những lý do thuần túy thiên văn và chắc chắn do những thiên văn gia hoàng gia thiết lập nhưng khi công bố thì thường dưới những chiếu chỉ rất mông lung và mang tính chính trị là chính. Người Việt Nam vẫn gọi tháng Tý là tháng Một chắc chắn là do thói quen Âu Việt có mãi tận thời Chu mà thôi!

Chủ Đề