Bán gan giá bao nhiêu

Trong thời gian hơn 2h, các khách mời đã giải đáp được nhiều vấn đề nóng nhất mà độc giả quan tâm liên quan đến khía cạnh pháp lý về vấn đề hiến tạng. Những câu hỏi còn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục nhờ chuyên gia tư vấn và giải đáp tiếp trong bài này.

*Chi phí một ca ghép tạng ở Việt Nam hiện nay

Bạn đọc Hải Châu (Bình Định): Chi phí cho một ca ghép tạng (cụ thể là ghép tim, gan, thận...) hiện nay là bao nhiêu? Bảo hiểm y tế có thể trả cho bao nhiêu phần trăm? Theo quy định của Luật hiến ghép mô tạng, người hiến ghép mô tạng nếu có bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo quy định hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc:Gói chi phí hoàn chỉnh mà BHYT chi trả cho một ca hiến ghép mô tạng thì chưa được đề cập tới, mà tùy từng cơ sở, từng bộ phận được ghép sẽ có giá thành được BHYT chi trả khác nhau.

Cụ thể như:

- 1 ca ghép tim hiện này có chi phí khoảng 1 tỷ đồng.

- 1 ca ghép gan hiện nay có chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng.

- 1 ca ghép thận hiện nay có chi phí từ 300  500 triệu đồng.

Trong tương lai, Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể con người sẽ phối hợp với các cơ sở y tế lớn để xây dựng một gói giá thành áp dụng chung cho các trường hợp hiến ghép mô, tạng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết: Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có 2.000 người được tiến hành ghép mô, tạng. Chi phí mà 1 bệnh nhân phải chi trả sẽ là rất lớn và rất khó khăn để tiến hành nếu không có sự hỗ trợ của Bảo hiểm y tế. Vì vậy, theo tôi Quỹ bảo hiểm nên xem xét và chi trả chi phí này cho người bệnh bởi số lượng người ghép là không nhiều (24 năm mới chỉ có khoảng 2.000 ca ghép), chi phí khám, sử dụng thuốc kháng hàng tháng cũng không phải quá cao (chỉ khoảng 2 triệu/tháng) nên không thể dẫn tới vỡ Quỹ BHYT như nhiều người lo ngại.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Tôi đồng ý với quan điểm BHYT nên chi trả việc ghép mô, tạng bởi hiện nay ví dụ đối với một người chạy thận nhân tạo, BHYT vẫn đang chi trả. Giả sử người đó chạy thận từ 15 - 20 năm thì số tiền BHYT phải chi trả là khá lớn so với chi phí một ca phải trả cho bệnh nhân thay thận và uống thuốc kháng hằng tháng.

Bán gan giá bao nhiêu
Thiếu tướng, TS Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND phát biểu tại buổi GLTT.
* Nên có chế độ vật chất đãi ngộ xứng đáng cho người hiến mô, tạng
Hiện nay, mặc dù Nhà nước có những qui định về quyền lợi cũng như chế độ đãi ngộ để tri ân những người hiến mô, tạng nhưng theo các vị khách mời dự buổi GLTT, Nhà nước và các cơ quan chức năng nên tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những chế độ đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với những người có trái tim nhân ái, sẻ chia sự sống cho nhiều người.
* Đại tá Trần Mười: Những người hiến không đòi chế độ gì cho họ nhưng thực tế vẫn có những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập eo hẹp nên ngoài những quyền lợi như đã quy định, nên chăng chúng ta có một chế độ đãi ngộ vật chất xứng đáng cho họ. Vừa động viên nhưng cũng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
* Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Tất cả những người hiến mô, tạng đều là những người có trái tim nhân ái cao cả. Họ xứng đáng được vinh danh. Ngoài những quyền lợi họ được hưởng, các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện hoặc giúp đỡ họ bằng nhiều cách; có thể là giảm học phí, miễn thuế hoặc hỗ trợ thân nhân của họ trong các dịch vụ khác... Nhưng tất cả những cái đó phải được Quốc hội xem xét, thông qua và sửa đổi vào luật một cách cụ thể. Tất cả mọi cái chúng ta đều phải làm theo luật và tôi cũng kỳ vọng trong thời gian tới, trong quá trình đề xuất Quốc hội cho sửa luật thì sẽ có những góc nhìn cởi mở hơn trong vấn đề này.


Bán gan giá bao nhiêu
Ba khách mời của cuộc giao lưu.

CÂU CHUYỆN XÚC ĐỘNG TỪ NGHĨA CỬ CAO ĐẸPCỦA 2 MẸ CON Ở BẮC NINH

Ông Nguyễn Hoàng Phúc đã kể một câu chuyện xúc động về nghĩa cử cao đẹp của 2 người phụ nữ ở Bắc Ninh trong buổi GLTT. Đó là lần ông và cán bộ Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có đợt truyền thông, vận động người hiến mô tạng ở Bắc Ninh. Sau buổi nói chuyện, có một người phụ nữ ngoài 50 tuổi đến gặp ông và hỏi về các thủ tục hiến mô, tạng. Người phụ nữ này cũng cho biết, đây là lần đầu tiên bà biết người sống cũng có thể hiến mô, tạng. Bà muốn hiến một quả thận cho một ai đó có nhu cầu và không đòi bất cứ một chi phí nào.

Sau khi nghe người phụ nữ trình bày nguyện vọng, ông Phúc đã rất xúc động và cảm kích, sau đó hướng dẫn bà các thủ tục cần thiết để có thể hiến thận. Ít ngày sau sau, bà lên Hà Nội và làm các thủ tục để hiến một quả thận của mình. Một điều xúc động hơn, là trong thời gian chăm sóc bà nằm viện sau khi hiến thận, cô con gái xinh đẹp của bà mặc dù chưa có chồng đã bất ngờ đến gặp ông Nguyễn Hoàng Phúc và cũng có nguyện vọng hiến một quả thận.

Qua câu chuyện, cô gái nói rằng, cô chỉ muốn tri ân cuộc sống này, muốn làm một điều gì thật có ý nghĩa. Phó giám đốc Nguyễn Hoàng Phúc đã khóc...

Cô con gái của chị mới 31 tuổi, chưa lập gia đình sau thời gian chăm mẹ cũng muốn hiến tạng. Chúng tôi cùng với đội ngũ chuyên môn đã phải tư vấn rất kỹ rằng cô còn trẻ, chưa có gia đình, chưa có con, nếu sau này có gia đình thì chồng phản đối thì sao nhưng cô vẫn có tâm nguyện muốn hiến tạng.

Để hiến một quả thận, người hiến phải làm rất nhiều các thủ tục, xét nghiệm. Hai tuần sau, cô gái đã gõ cửa phòng làm việc của ông Phúc và phấn khởi, òa khóc khoe với ông: "Chú ơi con đã đủ điều kiện để hiến thận rồi".

Bán gan giá bao nhiêu
BTV báo điện tử tác nghiệp tại buổi GLTT

* Tại sao không sử dụng bộ phận cơ thể người bị tử hình để ghép cho bệnh nhân?

Độc giả Linh Phan Anh Tuấn ở Trại giam Tân Kỳ - Nghệ An: Tôi được biết, một số nước có quy định được lấy một số bộ phận của người tử hình để ghép cho các bệnh nhân. Tại sao Việt Nam không thực hiện như thế, tôi nghĩ đây cũng là lý do nhân đạo và người bị tử hình cũng làm 1 việc có ích sau khi gây tội ác?

Đại tá Trần Mười: Câu hỏi này hơi khó và hơi phức tạp vì nó có hai mặt. Mặt thứ nhất về luật pháp và mặt thứ 2 về đạo đức, tư duy và tư tưởng con người nói chung và người Việt Nam, châu Á nói riêng.

Luật về hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người quy định tất cả công dân đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền nhưng đối với những phạm nhân thì ngoài cái đó còn có quy định riêng vì khi bị kết án và ngồi tù, họ bị tước đi một số quyền công dân. Quyền cho và hiến tạng của những người này có bị tước đi hay không thì phụ thuộc vào quy định của các cơ quan pháp luật.

Về đạo đức con người, câu hỏi được đặt ra là ở Việt Nam, đối với người bị tù tội khi bị tử hình lại còn bị lấy mất mô, tạng và bộ phận cơ thể người thì có được chính người đó và thân nhân trong gia đình đồng ý hay suy nghĩ như thế nào?

Theo ý kiến cá nhân tôi, tôi mong muốn cho phép tử tù hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người. Bởi vì họ cũng có quyền con người và quyền được cho và hiến tạng. Họ có thể giết người và phải chịu án tử hình nhưng quyền này phải được đảm bảo trước khi thi hành án. Thay vì tước đi mạng sống của họ thì ta hãy để cho họ được chuộc lỗi lầm bằng cách cứu sống nhiều người khác. Đó cũng là việc làm nhân văn!

Tôi nghĩ, những tử tù này nếu muốn hiến tặng cũng là vì họ hối hận, họ muốn được chuộc lỗi lầm của mình. Một điều nữa là khi người đó đồng ý thì người thân có đồng ý hay không và rồi người nhận và cả gia đình người nhận sẽ có những hành xử như thế nào. Việc làm này tiếp tục để các nhà làm luật nghiên cứu và cần có sự ủng hộ và đồng tình của xã hội.

Bán gan giá bao nhiêu
Đại tá Trần Mười.

* Đã phát hiện dấu hiệu một số đường dây buôn bán nội tạng từ Việt Nam đi Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan

- Bạn đọc Khánh Linh ở Hà Tĩnh hỏi: Tình hình buôn bán nội tạng ở Việt Nam hiện nay?

- Đại tá Trần Mười: Qua công tác nghiệp vụ, cho thấy hiện nay tình hình tội phạm buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ trẻ em diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng tôi đã phát hiện nhiều vụ buôn bán người có quy mô lớn xuyên quốc gia. Ví dụ gần đây là vụ 17 cháu bé bị đưa sang Đài Loan, hoặc vụ 5 cháu bé sơ sinh ở TP Hồ Chí Minh bị bán sang Trung Quốc. Hàng trăm phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm ở Malaysia... Đây là những dấu hiệu cho thấy tội phạm buôn bán người, thậm chí là nguy cơ buôn bán nội tạng là có.

Chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu đường dây buôn bán nội tạng từ Việt Nam sang Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan. Hiện các đơn vị đang tích cực đấu tranh, điều tra.

* Bao giờ Việt Nam thực hiện việc ghép đầu?

Độc giả Khánh Linh (Hà Nội): Sau ghép tạng, ý tưởng ghép đầu người ở Việt Nam bao giờ thành hiện thực?

PGS.TS Đồng Văn Hệ: Ý tưởng về việc ghép đầu người không phải là mới, trên thế giới và Việt Nam đều có những chuyên gia đã nghiên cứu cũng như thực hiện một số ca cấy ghép trên động vật. Giáo sư Nguyễn Thường Xuân  người tiên phong trong phẫu thuật thần kinh ở Việt Nam  cũng từng thực hiện 2 ca ghép đầu động vật (chó) vào năm 1968. Tuy nhiên các mẫu vật sau đó chỉ sống được từ 3-10 tiếng.

Ghép đầu không phải là quá viển vông, tuy nhiên giới khoa học hiện chưa tin tưởng vào khả năng của việc ghép đầu do chưa thể khiến cơ thể sau ghép vận động tứ chi bình thường do tuỷ sống đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tiến hành ghép.

Hiện nay có một Giáo sư hệ thần kinh người Ý dự định thực hiện một ca ghép đầu tại Trung Quốc vào năm 2017 tuy nhiên chưa rõ là ca ghép có thành công hay không. Mặc dù khó tin nhưng mọi thứ đều có thể với khoa học nên hy vọng thế giới và Việt Nam sớm thực hiện được ca ghép đầu thành công trong tương lai.

Bán gan giá bao nhiêu

* Muốn bán thận để lấy tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho em có được không?

Độc giả Nguyễn Văn Hải (Bình Định): Tôi năm nay 24 tuổi, sức khỏe tốt. Em gái tôi mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị, tôi muốn bán một quả thận để lấy tiền chữa trị cho em gái. Tôi muốn hỏi nếu bán thì bán ở đâu và pháp luật Việt Nam có cho phép mua bán nội tạng không?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Quả thật mỗi ngày có không ít người tới các Trung tâm y tế với nhiều sắc thái khác nhau với mong muốn được bán nội tạng với nhiều lí do như hoàn cảnh kinh tế khó khăn, do kinh doanh thất bại hoặc cần tiền để đóng học phí . Thậm chí có trường hợp hai vợ chồng cùng đồng thuận muốn bán thận lấy tiền.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nghiêm cấm hoàn toàn việc mua bán, kinh doanh nội tạng do những hệ quả khôn lường về mặt xã hội và nhân đạo.

Việt Nam đã quy định về vấn đề này cụ thể trong điều 11 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định cụ thể về việc nghiêm cấm mua bán nội tạng cũng như quảng cáo liên quan đến mua bán và ghép tạng.

Trong điều 154 Bộ Luật Hình sự cũng quy định rõ về mức phạt tù với người có hành vi mua bán nội tạng, theo đó, người thực hiện hành vi trên sẽ phải đối mặt với mức phạt tù ít nhất là 3-7 năm tù.

Nếu hoạt động từ 2 người trở lên hoặc có tổ chức, mức phạt tù sẽ là từ 7-15 năm tù và từ 20 năm tù trở lên nếu vi phạm nghiêm trọng. Như vậy, Luật pháp đã quy định rõ ràng và chặt chẽ: Việt Nam chỉ chấp nhận nghĩa cử cao đẹp là hiến tạng tự nguyện.

Chính vì vậy, bạn muốn bán thận của mình là phi pháp vì pháp luật không thừa nhận.

Bán gan giá bao nhiêu
Ông Nguyễn Hoàng Phúc.

* Phanh phui nhiều đường dây buôn bán nội tạng ở Việt Nam

- Bạn đọc Thành Trung ở Hải Phòng có hỏi: Tôi nghe nói năm 2014, Công an đã triệt phá một đường dây buôn bán nội tạng lớn bắt 3 đối tượng, khám phá hàng trăm người có liên quan. Đại tá Trần Mười có thể nói rõ hơn về vụ việc này và nguy cơ nạn buôn bán nội tạng ở Việt Nam hiện nay?

- Đại tá Trần Mười: Năm 2014, qua báo Tuổi trẻ, Cục C45 đã điều tra, xác minh và lập án đấu tranh về một đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia. Chúng tôi đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng do đối tượng Nguyễn Việt Dũng (SN 1982) quê Hải Phòng cầm đầu. Các đối tượng này đã câu kết, hình thành một đường dây mua bán tạng hoạt động tinh vi, xảo quyệt. Trong khoảng 2 năm, các đối tượng đã mua bán trái phép, lập hồ sơ, giấy tờ giả để hợp thức hóa việc ghép tạng cho 136 ca, liên quan đến 274 người ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Điều đau xót là hầu hết người bán thận đều là thanh niên, trong độ tuổi lao động. Họ bị lợi dụng, lừa phỉnh, dụ dỗ để bán thận trong khi chỉ nhận được từ 80 đến 100 triệu đồng. Số tiền còn lại đều rơi vào tay các đối tượng.

Một điều khó khăn cho chúng tôi là thời điểm đó, Luật Hình sự chưa quy định tội danh buôn bán nội tạng cơ thể người nên Cơ quan CSĐT chỉ có thể khởi tố đối tượng về hành vi làm giả con dấu, giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân với mức xử lý hình sự tương đối thấp, chưa đủ răn đe.

Số lượng người đăng ký hiến tạng tăng gấp 10 lần
Theo số liệu của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG):
- Năm 2014, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não là: 265 trường hợp (trong đó 88 trường hợp đăng ký quaTTĐPGTQG; Bệnh viện Chợ Rẫy 177 trường hợp).
- Năm 2015, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não là: 3.542 trường hợp (trong đó 2.348 trường hợp đăng ký quaTTĐPGTQG; Bệnh viện Chợ Rẫy 1.194 trường hợp).
- Năm 2016, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não là: 6.659 trường hợp (trong đó 3.759 trường hợp đăng ký quaTTĐPGTQG; Bệnh viện Chợ Rẫy 2.900 trường hợp).
Bán gan giá bao nhiêu
Các vị khách mời, Ban biên tập Báo CAND và cán bộ, phóng viên Báo điện tử CAND.

* Một người cứu 4 người và mơ ước về máy bay lên thẳng vận chuyển mô, tạng

Bạn đọc Sơn Minh (Sóc Trăng): "Khó nhất của việc ghép tạng ở Việt Nam hiện nay là gì? Có phải là trình độ tay nghề hay trang thiết bị?". Cách đây chưa lâu, dư luận xúc động nghe câu chuyện về ca hiến tạng vượt hàng ngàn km, cứu sống nhiều người ở BV Chợ Rẫy. PGS.TS Đồng Văn Hệ có thể kể về một số vụ điển hình về ghép tạng như một kỳ tích của các thầy thuốc Việt Nam?

PGS.TS Đồng Văn Hệ: Hiện nay, trình độ và trang thiết bị tại cơ sơ y tế để thực hiện việc ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người không phải là quá khả năng của ngành y tế nước ta. Kể cả vấn đề chăm sóc sau khi ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người vì sau ca phẫu thuật, cả người hiến và người nhận đều phải có chế độ sinh hoạt riêng, chế độ chăm sóc y tế theo định kỳ một tháng một lần, chế độ thuốc uống. Nếu người dân nghĩ ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người là khó nhưng đối với ngành y thì cái khó lại là việc rối loạn sau ghép. Những việc này hiện chúng ta đang làm tốt.

Tôi có thể khẳng định, ở Việt Nam, khó khăn nhất không phải là kỹ thuật ghép vì ghép gan, tim, thận chúng ta đã làm từ lâu. Ghép tụy khó như vậy mà chúng ta vẫn làm được, hiện chỉ chưa thực hiện ghép phổi. Khó nhất vẫn là nguồn hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người.

Chúng ta đang có 13-14 trung tâm y tế có thể thực hiện ca ghép trên toàn quốc. Có người chết não ở nơi và đồng ý hiện tặng thì việc vận chuyển các mô, tạng, bộ phận cơ thể đến các cơ sở y tế khác để ghép đã được thực hiện. Cách đây chưa lâu, truyền thông đã đăng tải câu chuyện về ca hiến tạng vượt hàng ngàn km, cứu sống nhiều người ở BV Chợ Rẫy. BV Việt-Đức đã thực hiện hai ca như vậy và BV ở Huế thì thực hiện một ca.

Có lần tôi đi công tác Quảng Ninh gặp một người chết não đồng ý hiến tặng. Khi đó, tôi chỉ liên lạc qua điện thoại và một ê kíp bác sĩ ở bệnh viện Quảng Ninh đã đưa người này về Việt-Đức bằng đường bộ để phục vụ việc ghép. Thật là cảm động vì sau đó, có 4 người được ghép tạng từ người bị chết não này trong cùng một ngày và các phần khác như da, gân, giác mạc của người đó cũng được dùng để cứu vài người khác.

Lấy một thận, tim, gan từ nơi khác đóng hộp chuyên dụng rồi vận chuyển bằng nhiều đường như đường bộ, đường hàng không tới nơi để ghép hoặc vận chuyển người đang chết não về cơ sở y tế lấy tạng không còn mới ở Việt Nam. Chúng tôi còn đang trăn trở việc tại sao vẫn chưa có máy bay lên thẳng cứu thương để tham gia việc này.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Một nhà sư ngay ở Hà Nội đây cũng đã tìm đến chúng tôi xin hiến thận. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện rằng cách đây 8 năm, ông có một người em bị suy thận và khi ông tình nguyện cho thận người em, đến tìm hiểu tại bệnh viện thì được biết ghép một quả thận hết 500 triệu đồng. Gia đình quá nghèo, không có tiền, có mỗi mảnh đất hương hỏa của tổ tiên để lại thì người em không chấp nhận bán. Người em đã xin bệnh viện được về và cái ngày cô ý ra viện, ông đã tâm nguyện rằng nếu có điều kiện thì sau này ông sẽ xin hiến thận. Và khi biết trung tâm điều phối ra đời, ông đã tìm đến với chúng tôi.


Bán gan giá bao nhiêu
BTV Báo điện tử tác nghiệp tại buổi GLTT

* Bao nhiêu tuổi thì không nên hiến mô, tạng?

Độc giả Ngô Việt Hưng ở Ba Vì (HN): Năm nay tôi 73 tuổi. Cách đây 5 năm tôi đã viết di chúc ý nguyện hiến xác cho y học. Qua tìm hiểu tôi được biết, người cao tuổi vẫn có thể hiến mô, tạng. Tôi muốn hỏi bao nhiêu tuổi thì không được hiến mô tạng? Và thủ tục hiến như thế nào?

PGS.TS Đồng Văn Hệ: Ai cũng có thể hiến tạng nếu khoẻ mạnh và đạt đủ những tiêu chí mà luật pháp quy định liên quan đến hiến tạng. Tuy nhiên, hiện quy định về mặt khoa học liên quan đến độ tuổi của của người hiến tạng vẫn chưa được rõ ràng do còn phụ thuộc vào tình trạng nội tạng của người muốn hiến tạng.

Trước đây có nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế lấy tạng của người sau 60 tuổi. Gần đây người ta lại cho rằng những người khoảng 70 tuổi vẫn có thể hiến tạng nếu cơ thể khoẻ mạnh, ví dụ một người 70 tuổi không sử dụng rượu bia và có lối sống lành mạnh thì gan, thận vẫn tốt hơn những người 40 tuổi thường xuyên lạm dụng đồ uống có cồn thì nhiều tạng, đặc biệt là gan đã hư hỏng thì khó có thể hiến tạng.

Tôi xin kể một câu chuyện, cách đây 2 năm, tôi tham gia cấp cứu 2 bệnh nhân nam người miền núi 28 và 29 tuổi. 2 người này bị chết não, sau khi vận động, gia đình đồng ý hiến một số bộ phận cơ thể. Nhưng sau khi làm các xét nghiệm thì hầu hết các bộ phận của 2 thanh niên này đều không đủ tiêu chuẩn để ghép. Do thói quen uống rượu, hút thuốc lá, gan, phổi... của 2 bệnh nhân này đều đã "xuống cấp" trầm trọng, đang mắc bệnh. Chính vì vậy, không phải cứ trẻ có thể hiến tạng được mà nó phụ thuộc vào sức khỏe, cơ địa của từng người.

Hiện nhu cầu

ghép mô, tạng hiện nay tại nước ta là hơn 13.500 người, trong đó: g

hép thận khoảng 6.000 trường hợp; g

hép gan: 1.500 trường hợp (riêng một số thành phố lớn trong cả nước) và g

hép giác mạc khoảng 6.000 trường hợp....


Bán gan giá bao nhiêu
Ban Biên tập Báo CAND và các vị khách mời.

* Để ngăn chặn việc mua bán nội tạng, cần làm gì?

Độc giả Trần Tuấn (Đà Nẵng): Cách đây chưa lâu, báo chí đã phanh phui một đường dây mua bán thận trải dài từ Bắc vào Nam. Để ngăn chặn mua bán tạng ghép ở Việt Nam để tránh lùm xùm như đã xảy ra về đường dây mua bán tạng mà báo chí đã phản ảnh chúng ta cần phải làm gì?

Đại tá Trần Mười: Thứ nhất để làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, chống buôn bán nội tạng thì cần phải có những quy định cụ thể của luật pháp. Những quy định này sẽ là căn cứ pháp lý để các cơ quan, tổ chức và người dân thực hiện. Trong quá trình làm, chúng tôi đã gặp chuyên án mà không khởi tố được vì luật hình sự chưa có chế tài quy định đối với tội danh này.

Rất may là hiện tại dự thảo sửa đổi Luật hình sự đã bổ sung những quy định này. Như PGS.TS Đồng Văn Hệ đã nói, không phải bộ phận cơ thể người nào cũng hiến tặng được. Những bộ phận nào hiến tặng được thì cần được quy định trong luật để tránh vi phạm. Có quy định của luật pháp một cách rõ ràng thì việc phòng chống tội phạm cũng tốt hơn.

Bên cạnh đó cũng cần phải chú trọng công tác tuyên truyền để người dân biết được rằng, thế nào là buôn bán, thế nào là hiến tặng theo đúng quy định trong luật pháp để người cho và người nhận để thực hiện đúng và cả người thân trong gia đình cũng hiểu, biết rõ về việc này.

Các tổ chức y tế từ đó cũng áp dụng các quy định của luật để làm hết trách nhiệm. Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cùng các cơ quan chức năng khác đều phải vào cuộc. Bên cạnh đó lực lượng Công an cũng làm được tốt hơn công tác phòng chống tội phạm. Khi có hành lang pháp lý chặt chẽ, công tác truyền thông tốt, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì sẽ nâng cao ý thức của mỗi người về việc hiến mô, tạng, cũng như người dân cần cảnh giác để không tham gia hoặc rơi vào bẫy các đối tượng lừa đảo, trục lợi.

Bán gan giá bao nhiêu
Đại tá Trần Mười.

* Có ngày Thứ bẩy, Chủ nhật Bệnh viện Việt Đức có 18 người chết não, nhưng không có trường hợp nào hiến mô, tạng

Độc giả Dạ Miên (Thanh Hóa): Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 vạn người bị TNGT, một nguồn tạng để ghép không nhỏ, nhưng hiện số người hiến rất nhỏ. Có phải do công tác truyền thông của ngành y tế chưa tốt?

PGS.TS Đồng Văn Hệ: Như chúng ta đã biết, dân số Mỹ hiện nay khoảng 300 triệu dân, và cứ 1 năm có khoảng 1 triệu người bị trấn thương sọ não (trong đó khoảng 50% do TNGT; 30% do tai nạn lao động). Còn ở Việt Nam, với gần 100 triệu dân, và hàng năm có tới khoảng 1 triệu người bị trấn thương sọ não (trong đó tới 70-80% do TNGT).

Thống kê tại một số bệnh viện lớn: BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy trung bình một ngày có từ 2-4 bệnh nhân chết vì trấn thương sọ não, có ngày thứ bẩy, chủ nhật tôi trực ở Việt Đức có đến 18 ca chết não nhưng rất tiếc là không có trường hợp nào tự nguyện hiến mô, tạng. Như vậy có thể thấy, số lượng người không may bị TNGT, bị trấn thương sọ não dẫn tới tử vong là rất lớn, song số lượng mô, tạng được hiến và cứu sống người bệnh vẫn ít là do chúng ta làm truyền thông chưa tốt.

Do quan niệm, do phong tục tập quán nên hầu hết người Việt hiện nay là chết phải toàn thây nên không có ý định hiến mô, tạng sau khi qua đời. Theo tôi, việc này không chỉ 1-2 năm mà phải cần tới 10-20 năm thậm chí nhiều hơn nữa. Muốn vậy phải làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân.

Và đặc biệt, công tác tuyên truyền không chỉ gói gọn trong phạm vi ngành y tế mà cần sự phối hợp tham gia của tất cả các ban ngành. Đặc biệt là trong giáo dục, cần phải dạy cho học sinh nhận thức được ý nghĩa nhân văn của hành động hiến mô, tạng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tôi suy nghĩ cũng như việc hiến máu nhân đạo, cách đây hơn chục năm việc hiến máu là cái gì đó rất khó, người ta chỉ bán mà ít khi hiến. Nhưng bây giờ đã khác, hiến máu nhân đạo đã trở thành phong trào được nhiều người tham gia, hằng năm bổ sung hàng trăm ngàn đơn vị máu cho các ngân hàng máu, các bệnh viện, cứu sống hàng trăm ngàn người. Đến một lúc nào đó, hiến tạng cũng giống như hiến máu thì nhân văn biết bao.

Bán gan giá bao nhiêu
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

* Người bình thường có thể hiến những bộ phận cơ thể nào?

Bạn Hoàng Thương (Diễn Châu - Nghệ An): Một người bình thường có thể hiến những bộ, phận nào?

PGS.TS Đồng Văn Hệ: Những bộ phận người bình thường có thể hiến rất nhiều mô như: gân, da, giác mạc Tạng gồm có: gan, phổi, tim, thận, ruột, tủy

Tuy nhiên với trường hợp là người sống muốn hiến mô, tạng thì chỉ hiến được một số bộ phận như:

- Thận nếu nhưng quả thận còn lại hoàn toàn khỏe mạnh.

- Có thể hiến một phần của lá gan

- Trường hợp với người chết não, có thể hiến tim, phổi.

Tim chỉ có thể hiến trong trường hợp chết tim 4 tiếng và chết não trong vòng 24h. Đặc biệt một người chết não với các tạng bình thường có thể tận dụng tất cả các mô tạng này, cứu sống tới 50 người.

Bán gan giá bao nhiêu
Ba vị khách mời tại buổi giao lưu.

* Người hiến mô, tạng sẽ được những quyền lợi gì?

Bạn đọc Lê Hiếu Minh (Quảng Nam): Bên cạnh ý nghĩa nhân văn là sẻ chia sự sống thì người hiến mô, tạng sẽ được những quyền lợi gì?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Đây là một câu hỏi hay, xoáy vào vấn đề nhiều người quan tâm. Thực tế thì hiến tạng là việc làm nhân đạo, một nghĩa cử cao đẹp có thể góp phần cứu sống tận cùng cho người bệnh. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn trân trọng hành động này. Nhưng một khi hiến tạng mà kèm điều kiện thì không phải hành động nhân đạo mà là một hình thức trao đổi, mua bán vốn bị pháp luật cấm. Với bất kỳ một người nào tình nguyện hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào khác thì cần tôn vinh.

Chính sách của nhà nước đối với người hiến tạng khi còn sống rất rõ ràng. Cho đến nay, chúng tôi đã nhận được đơn của nhiều người sẵn sang hiến mô, tạng khi còn sống vì khi còn sống, có thể hiện một phần lá gan, thận. Nhà nước quy định rõ chính sách đối với người hiến tạng khi còn sống gồm: Tặng thẻ bảo hiểm miễn phí cả đời, Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, chăm sóc miễn phí ngay sau khi hiến tạng và thăm khám sức khỏe định kỳ miễn phí hàng năm Với những người hiến tạng và bộ phận cơ thể người sau khi chết não, luật quy định truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, để thể hiện việc trân trọng giá trị nhân đạo, nhân văn của việc hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người, tùy từng cơ sở y tế tiếp nhận tạng của người hiến sau khi chết sẽ tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của người này và nếu gia cảnh khó khăn thì cơ sở y tế có thể tìm nhà hảo tâm để hỗ trợ một phần chi phí như chuyến xe về nhà mai táng hoặc miễn giảm một phần viện phí. Nhưng nếu trước khi hiến mà người hiến đưa ra yêu cầu thì việc này sẽ bị dừng ngay.

Bán gan giá bao nhiêu
BTV tại buổi giao lưu.

* Vì sao 24 năm Việt Nam mới chỉ ghép tạng được 2.000 ca?

Độc giả Thanh Hằng (Nam Định): Chúng ta đã triển khai việc ghép tạng được hàng chục năm nay, nhưng con số ghép hiện nay còn khá khiêm tốn? Vậy theo PGS.TS Đồng Văn Hệ nguyên nhân là do đâu?

PGS.TS Đồng Văn Hệ: Đúng là con số 1.000-2.000 ca ghép tạng thành công trong 24 năm (năm đầu tiên 1992) là khiêm tốn. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, Không phải ở Việt Nam không đủ bác sĩ chuyên môn cao hay trang thiết bị hiện đại để thực hiện các ca ghép tạng, ở Việt Nam, các bệnh viện lớn như viện Việt Đức, Bệnh viện 103, Chợ Rẫy một ngày có đủ khả năng triển khai 5-6 ca ghép tạng.

PGS.TS Hệ khẳng định nguyên nhân là do ở Việt Nam không có đủ tạng hiến để ghép cho các bệnh nhân cần được ghép tạng. Ví dụ, hiện tại ở Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày có tới 3-4 người bị chết não do chấn thương sọ não nhưng không ai trong số đó hiến tạng. Các bác sĩ tham gia điều trị mặc dù biết rõ khả năng hiến tạng của những người không may chết não nhưng không được quyền động viên thân nhân đồng ý hiến tạng do luật đã quy định rõ bác sĩ không được động viên bệnh nhân hiến tạng nếu có tham gia quá trình điều trị trước đó. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến con số ghép tạng ở Việt Nam rất khiêm tốn.

Việt Nam thực hiện ca ghép tạng (thận) đầu tiên (15/6/1996). Cho đến nay, chúng ta đã thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép khối thận tụy và 1 ca ghép khối tim phổi, đây là con số ít ỏi so với tiềm năng. Mặc dù trình độ tiếp cận của nước ta được đánh giá ngang tầm khu vực và quốc tế.


Bán gan giá bao nhiêu
PGS.TS Đồng Văn Hệ.

* Tội phạm buôn bán người ngày càng tinh vi, phức tạp

Độc giả Hồng Hải (Hà Nội): Nhu cầu ghép tạng hiện nay là rất lớn mà nguồn tạng lại khan hiếm nên vấn đề mua bán nội tạng trái phép rất dễ xảy ra. Trong thực tế, các tỉnh biên giới Việt Nam là địa bàn nóng về tội phạm buôn bán người, và không thể khẳng định sẽ không có nạn buôn bán nội tạng.

Thưa Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục C45 có thể thông tin khái quát về tình hình buôn bán người và những nguy cơ của nạn buôn bán nội tạng hiện nay ở Việt Nam?

Đại tá Trần Mười: Tình hình tội phạm mua bán người và mua, bán nội tạng người có liên quan đến nhau. Tình hình này trên thế giới và Việt Nam diễn ra rất phức tạp. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Interpol trên thế giới có khoảng 63 triệu người bị đưa ra nước ngoài một cách trái phép mỗi năm. Trong đó, khá đông là nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Tội phạm mua bán người có tính quốc tế hóa, không chỉ diễn ra ở duy nhất một quốc gia, khu vực nào, hoạt dộng thành những mạng lưới, đường dây mua bán. Trong đó, địa bàn mua bán chủ yếu từ Việt Nam là sang Trung Quốc (chiếm đến 60 đến 70% tổng số vụ), ngoài ra còn sang các nước như Lào, Đài Loan, Nam Phi, Campuchia

Tội phạm mua bán người thường thu lợi nhuận khổng lồ, được đánh giá là chỉ sau mua bán ma túy.

Về vấn đề mua bán nội tạng trái phép: Ước tính có đến hàng chục ngàn vụ mua bán nội tạng người trái phép xảy ra hàng năm, nhưng trên thực tế, con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Ở Việt Nam mỗi năm có đến hơn 1.000 ca ghép tạng, nhưng rất khó để xác minh được là có trái phép hay không.

Nguyên nhân trước hết là do cầu vượt quá cung. Chúng ta còn thiếu những quy định của Pháp luật, nhận thức của người hiến và tạng còn thấp và sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn chưa thực sự hiệu quả.. Nhu cầu ghép tạng, nhu cầu được chữa bệnh của người dân là rất lớn, nhưng hiểu biết về pháp luật còn hạn chế dẫn đến tình trạng ghép chui. Tội phạm mua bán nội tạng người lợi dụng những nhu cầu và sự kém hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi phạm tội của mình.

Trên thực tế, nhiều người hiến tạng ở trong độ tuổi còn rất trẻ, thanh niên, sinh viên, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nên đã trở thành nạn nhân của tội phạm này.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang phối hợp rất chặt chẽ để phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý những trường hợp mua bán trái phép nội tạng người.

* Trường hợp nào bị cấm hiến, lấy, ghép tạng?

-Bạn Thanh Hải (Tây Ninh): Trường hợp nào bị cấm hiến, lấy, ghép tạng?

- Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Theo quy định tại điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, nếu không đủ các điều kiện trên, sẽ bị nghiêm cấm hiến, lấy và ghép tạng.

Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô, tạng còn phải bảo đảm nguyên tắc: Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; Không nhằm mục đích thương mại; Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, việc hiến, lấy, ghép tạng còn phải tuân thủ quy định tại Điều 11 (Các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến;

Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi; Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định; Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời;

Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Bán gan giá bao nhiêu
Các khách mời đang trả lời tại buổi giao lưu.

* Những cơ sở đăng ký hiến mô, tạng ở Việt Nam

Bạn đọc Lê Thị Lan ở Thái Bình: Tôi có nghe nhiều về ý nghĩa của việc hiến tạng. Vậy ai có thể tham gia vào danh sách hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người? Làm thế nào để đăng ký hiến mô, tạng hoặc hiến xác? Và những cơ sở nào ở Việt Nam được phép lấy và ghép mô, tạng? Câu hỏi này xin được đề nghị PGS.TS Đồng Văn Hệ trả lời giúp độc giả.

PGS.TS Đồng Văn Hệ: Theo luật hiến ghép mô, tạng đã có hiệu lực từ tháng 7-2007, tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên được quyền đăng ký tự nguyện hiến tạng, xác. Về khía cạnh pháp lý là như vậy, tuy nhiên có hiện mô, tạng được hay không còn phụ thuộc lớn vào khía cạnh chuyên môn. Sau khi đăng kí hiến mô, tạng, các bác sĩ tại các cơ sở y tế sẽ tiến hành các hoạt động chuyên môn để xem xét từng trường hợp cụ thể để tư vấn có thể hiến mô, tạng được hay không. Việc này được thực hiện trên cơ sở đảm bảo tốt nhất cho người được ghép mô, tạng.

Về cơ sở để đăng ký hiến mô, tạng: Hiện nay, hiệu quả của việc hiến mô, tạng chưa cao một phần do việc truyền thông chưa tốt. Dẫn tới rất nhiều các thông tin về cơ sở tiếp nhận đăng ký, địa chỉ tiếp nhận, đăng ký như thế nào người dân chưa được biết.

Việc này cần phải sự kết hợp giữa truyền thông và cơ quan chủ quản. Về nguyên tắc, tất cả các cơ sở y tế đều phải phối hợp cho người dân đăng ký, giúp đỡ, hướng dẫn và trực tiếp triếp nhận thông tin đăng ký hiến tạng.

Bán gan giá bao nhiêu
Khách mời tham gia chương trình: Ths Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép cơ thể người; PGS-TS Đồng Văn Hệ,Phó giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép cơ thể người và Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an

+ Nếu một người muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết nãothì Người đó có thể đến cơ sở y tếgần nhất để bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Trung tâm sẽ thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp để tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng (hiến sau khi chết/chết não).

+Hoặc người hiến có thể trực tiếp tới cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến(khi còn sống hoặc sau khi chết): BV Hữu nghị Việt Đức; BV Quân Y 103; BV Nhi TW; BV Bạch Mai; BV 198 - Bộ Công an; BVĐK Xanh Pôn; BVĐK Phú Thọ; BV TW Huế; BVĐK Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; BV Nhi đồng 2; BV Nhân dân Gia Định; ĐH Y dược Tp. Hồ Chí Minh; BV Nhân dân 115; BVĐK Kiên Giang

+Nếu người hiến muốn đăng ký hiến mô, thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-BV Mắt TW; Trung tâm mô, phôi - ĐH Y Hà Nội; Ngân hàng Mô- BV Bỏng Lê Hữu Trác; ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc: Mekophar

+Nếu người hiến muốn đăng ký hiến xác thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các trường ĐH y để đăng ký hiến xác: ĐH Y Hà Nội; ĐH Y Thái Nguyên; ĐH Y Thái Bình; ĐH Y Hải Phòng; Học viện Quân Y (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Huế (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Tây Nguyên; ĐH Y Cần Thơ (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y dược TP HCM (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Bộ môn giải phẫu)

Ngoài ra, một cách đơn giản hơn, Người hiến có thể tới hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để được tư vấn, trợ giúp hoặc hỗ trợ trực tiếp để đăng ký hiến tạng khi còn sống hoặc cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết/chết não).


Bán gan giá bao nhiêu
Các vị khách mời tại buổi giao lưu.

CAND Online: Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết đã được ghi nhận tại Điều 5 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ: Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Để quí độc giả có thể hiểu hơn về ghép mô tạng, câu hỏi đầu tiên xin được đặt ra với ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người, đó là: Việc hiến tạng được pháp luật hiện hành quy định như thế nào? Chính sách của Nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Thưa các vị khách mời, thưa quí độc giả, mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Một thực tế đều thấy là nhu cầu ghép tạng ngày càng gia tăng, số lượng bệnh nhân có nhu cầu được ghép tạng rất lớn. Chẳng hạn, đối với bệnh nhân có nhu cầu ghép thận thì có 6.000 người suy thận.

Trong những trường hợp như vậy, ghép tạng là giải pháp cuối cùng. Quốc hội đã xây dựng Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và đây là những quy định gốc điều chỉnh toàn bộ hoạt động hiến mô và lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Nếu có người muốn hiến mà không có hành lang pháp lý thì không đủ cơ sơ để tiếp cận nguồn tạng, bộ phận cơ thể người cần ghép.

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 còn quy định quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia; quy định cơ sở vật chất của các trung tâm thực hiện việc ghép tạng, điều kiện chết não của người hiến; việc vinh danh người hiến tạng. Quy định lần đầu tiên là điều phối hiến để đảm bảo tính công khai minh bạch và hiệu quả.

Thống kê số liệu ghép tạng tính đến ngày 21-10-2016 Ghép thận: 1.637 ca Ghép gan: 61 ca Ghép tim: 20 ca Ghép tủy: 8 ca Ghép thận + tụy: 1 ca Ghép tim + phổi: 1 ca

Tính đến ngày 21-10-2016, có 1.728 ca mô, tạng được ghép. Tuần tới, bệnh viện Bạch Mai cũng kỷ niệm việc ghép ca mô, tạng thứ 100. Đến ngày 6-12-2016, có 6.659 người tình nguyện đăng ký hiến tạng sau khi chết, trong đó có không ít người là phóng viên báo chí. Có thể nói rằng đây là giá trị, lợi ích kết quả quan trọng mà hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được.

Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:

Nếu Bạn muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, bạn có thể thực hiện theo một trong các cách sau:

1. Mời Bạn đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia-Bộ Y tế (40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội: Tầng 2, nhà C2, Bệnh viện Việt Đức) để được trực tiếp tư vấn, hướng dẫn đăng ký hiến tặng mô, tạng và được cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết/chết não) (Hotline: 091.5060550 hoặc 04.39386692/04.39386693).

2. Nếu ở xa hoặc không thể đến trực tiếp Trung tâm, Bạn có thể gửi đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng + 01 ảnh 3x4 chân dung + Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia qua đường Bưu điện để được tiếp nhận và cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết/chết não)

3. Đến một trong các cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng sau để trực tiếp được tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký hiến tạng và cấp thẻ đăng ký hiến tạng cho Bạn (BV.Hữu nghị Việt Đức; BV Bạch Mai; BV Quân y 103; BV. Nhi TW; BV. 198; BV Xanh Pon; BV.ĐK Phú Thọ; BV. ĐK Thái Nguyên; BV. TW Huế; BV ĐK Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; BV Nhi Đồng II, BV Nhân dân 115; BV Nhân dân Gia Định; BV ĐH Y dược Tp. Hồ Chí Minh; BVĐK Kiên Giang).

4. Đến bất kỳ cơ sở y tế nào nơi gần nhất để bày tỏ nguyện vọng đăng ký hiến tặng mô, tạng của mình và cơ sở y tế đó sẽ có trách nhiệm báo cho Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để Trung tâm giới thiệu cơ sở y tế có chức năng gần nhất tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký hiến tặng mô, tạng cho Bạn.

Việc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não phải được thể hiện qua đơn tình nguyện hiến tặng. Trong mẫu đơn đăng ký không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý thân nhân người đăng ký hiến tặng...

Tuy nhiên, trên thực tế nếu việc đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não mà gia đình không biết sẽ rất khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế biết để tiếp nhận mô, tạng hoặc thậm chí nếu gia đình sẽ phản đối thì người đăng ký hiến không thực hiện được nguyện vọng của mình.

Vì vậy, chúng tôi khuyến khích Bạn nên chủ động trao đổi nguyện vọng hiến tặng của mình cùng gia đình để nhận được sự ủng hộ. Việc trao đổi vừa là để giải quyết về mặt tình cảm, vừa là để chắc chắn rằng, tâm nguyện đó sẽ được người thân thực hiện.

Mọi thông tin cụ thể khác, xin mời liên hệ trực tiếp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia
Địa chỉ: 40 Tràng Thi, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0915.060.550/ (043)938.66.93
Bán gan giá bao nhiêu
Toàn cảnh buổi giao lưu.

Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới.

Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim. Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.

Nhằm cung cấp thông tin, giúp người dân hiểu biết về Luật hiến tạng, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người trong cộng đồng, xã hội về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng, Báo CAND phối hợp với Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người và Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và truyền thông LC Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến"Hiến tạng: Sẻ chia sự sống và khía cạnh pháp lý".

Khách mời buổi giao lưu có PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người; ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người; Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

Về phía Báo CAND có Thiếu tướng. TS Phạm Văn Miên, TBT Báo CAND; Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND.

Dự buổi GLTT còn có đại diện Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và truyền thông LC Việt Nam và phóng viên một số cơ quan báo chí.

Bán gan giá bao nhiêu

Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu từ 9h ngày 9/12/2016.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi (phần bình luận) dưới bài viết này hoặc gửi câu hỏi về tòa soạn theo địa chỉ email: [email protected];

Hoặc trên fanpage của Báo Công an nhân dân