Chủ nghĩa xã hội tất nhiên đã kế thừa của chủ nghĩa tư bản, một mặt, là những sự phân biệt cũ về nghề nghiệp và về phường hội là những cái đã được thiết lập lên từ bao thế kỷ giữa công nhân, và mặt khác, là các công đoàn tức những tổ chức hiện nay chỉ có thể phát triển và chỉ sẽ phát triển rất chậm, trong hàng bao nhiêu năm, thành những công đoàn công nghiệp rộng lớn hơn, ít có tính chất phường hội hơn (bao gồm cả từng ngành công nghiệp, chứ không phải chỉ đơn thuần gồm những phường hội, những tổ chức nghề nghiệp). Thông qua những công đoàn công nghiệp ấy mà sau này, người ta sẽ xoá bỏ được sự phân công lao động giữa con người với nhau; người ta sẽ chuyển sang việc giáo dục, huấn luyện và đào tạo những con người phát triển về mọi mặt, được chuẩn bị về mọi mặt và biết làm mọi việc. Đó là cái đích mà chủ nghĩa cộng sản đang đi tới, phải đi tới và nhất định sẽ đi tới, nhưng phải trải qua một thời gian lâu dài. Ngay bây giờ mà trên thực tiễn muốn đạt được cái kết quả tương lai đó của chủ nghĩa cộng sản đã phát triển đầy đủ, đã hình thành vững chắc và đã hoàn thành chín muồi rồi, thì chẳng khác gì muốn dạy toán cao cấp cho một em bé lên bốn.

Chúng ta có thể (và phải) bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội không phải với cái nhân lực tưởng tượng hay do chúng ta đặc biệt tạo ra để dùng vào việc xây dựng đó, mà với cái nhân lực do chủ nghĩa tư bản đã để lại cho chúng ta; điều đó chắc chắn là rất "khó", nhưng mọi cách khác để giải quyết vấn đề đều là quá ư mơ hồ, đến nỗi không đáng nói nữa.

Viết hồi tháng Tư tháng Năm 1920.

V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, t.1, tr.53.