Bị tẩy chay là gì

TT -Trong suốt quãng thời gian cắp sách đến trường, hầu như không có một học sinh nào lại không một lần bị bạn tẩy chay bo xì hay tẩy chay bạn.

Qua 250 phiếu khảo sát học sinh của 15 trường THCS, hai trường THPT tại TP.HCM: Nguyễn Văn Trỗi, Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Văn Nghi, Trần Văn Ơn, Colette, Hồng Bàng, Lê Lợi... chúng tôi thấy thực trạng này diễn ra khá phổ biến, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với trạng thái tinh thần và kết quả học tập của học sinh.

Lý do tẩy chay

Có muôn vàn lý do để các em dẫn tới tẩy chay bạn hay bị bạn tẩy chay, từ những lý do lãng nhách: người mập quá, không tham gia vui chơi cùng các bạn; uống nước, xem phim, đá bóng, mua sắm, mượn tiền mà không cho hay bị cho là liếc nhìn bạn, mặc áo đụng màu đụng kiểu...

Đến các lý do trầm trọng hơn như chửi bạn ngu khi bạn trả lời sai, ở dơ, học kém không trả lời được những câu hỏi quá dễ, nghi ngờ bị ăn trộm, vì mách với thầy cô những việc xấu của mình, không chịu cho xem bài trong giờ kiểm tra.

Có cả lý do đầy ghen tị: Vì bạn nữ ấy là học sinh trường khác mới chuyển đến, học giỏi, ngoại hình xinh xắn nên các bạn nữ trong lớp tẩy chay, Nhà nghèo, ba mẹ chỉ làm công mà lại học giỏi hơn những bạn khác.

Hoặc vì hai người cùng thích một bạn khác giới và cũng có thể là một lần lỡ lời khiến cả lớp giận, hay vì bạn chảnh quá hay nói những lời ngạo mạn.

Ngay cả lớp trưởng cũng bị tẩy chay vì la mắng nặng lời các bạn khác và cả những học sinh giỏi cũng không ngoại lệ vì chỉ ngồi trong lớp đọc sách, không thèm để ý và không nói chuyện với bạn bè - một học sinh Trường Trần Ðại Nghĩa viết.

Cũng có những nguyên nhân tẩy chay mang tính cơ hội trục lợi khi không còn lợi dụng được bạn nữa: Em không còn đủ tiền mua đồ ăn sáng hằng ngày cho bạn, Em không làm bài tập giùm cho bạn nữa như tâm sự của học sinh một trường thuộc quận Gò Vấp.

1.001 hình thức tẩy chay

Khi được hỏi các em thường dùng hình thức nào để tẩy chay bạn hay ngược lại, các em kể lại có rất nhiều hình thức: nói bóng nói gió, kể những câu chuyện có tính chất mỉa mai đến đặc điểm của bạn, lôi kéo bạn bè không chơi cùng, cắt đuôi khi đi chung một nhóm, không nói chuyện, bỏ rơi bạn một mình, ghép hình người bị tẩy chay với cave, xịt lốp xe rồi đổ lỗi cho bạn bị tẩy chay, lấy bút xóa ghi những điều xấu lên giấy rồi gắn lên lưng bạn đó, vẽ lên áo bạn, tạt nước vào người, bỏ giun gián vào cặp bạn, cố tình gạt chân bạn để bạn ngã.

Hình thức được sử dụng nhiều nhất là Facebook trở thành nơi các em bêu riếu bạn bị tẩy chay với đủ những lời mạt sát và tẩy chay không chỉ trong phạm vi một lớp mà liên lớp, toàn trường.

Chung quy lại các hình thức tẩy chay thường là: nói xấu, đánh nhau, chửi bới, chọc phá, không nói chuyện, không chơi chung.

Nhưng mức độ không dừng lại đó, các em còn đi xa hơn: giấu tập vở để thầy cô cho điểm kém vì không có tập ghi bài, học bài; vứt cặp sách vào thùng rác công cộng; tổ chức đánh hội đồng bạn bị tẩy chay.

Các em còn thỏa thuận với nhau không đánh vào mặt để không bị thầy cô và cha mẹ phát hiện. Có em còn ghê gớm hơn khi đổ thức ăn vào cặp sách, vắt nước khăn lau bảng đổ vào chai nước uống của bạn đến nỗi bạn phải đi bệnh viện cấp cứu.

Có những hình thức xúc phạm đến danh dự bởi những điều riêng tư lục cặp lấy nhật ký của bạn đọc giữa lớp cho mọi người cùng nghe để bạn đó khóc, còn các bạn trong lớp thì cười.

Tâm trạngngười bị tẩy chay

Cảm giác của người tẩy chay rất vui, hả hê, đôi khi cảm thấy tội lỗi nhưng chỉ là thoáng qua, sau đó lại thấy rất thoải mái phấn khích - một học sinh viết. Còn người bị tẩy chay thì thế nào? 100% em bị tẩy chay đều trả lời buồn chán, cô đơn, cảm thấy lạc lõng, 50% rơi vào trạng thái tinh thần suy sụp, hoảng loạn.

Em thấy những ngày đó thật khủng khiếp, phải nghỉ học cả tuần, đêm nào em cũng khóc, mỗi ngày đến trường là một cực hình. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ [một học sinh Trường ÐT]. Có những em bị stress, mất ngủ cả tháng để rồi dẫn đến bị tai nạn giao thông.

Trường hợp như em N.M.T. [Trường DH] sau lần bị tẩy chay trở nên trầm cảm, không muốn tiếp xúc với bất kỳ bạn nào nữa. Một số em không chịu nổi phải xin chuyển trường hoặc chuyển lớp mới có thể lấy lại trạng thái tâm lý bình thường.

30% các em học hành sa sút và dư chấn để lại không chỉ là sự trầm cảm, hoảng loạn mà còn là mảnh đất cho sự hận thù phát triển: Bạn kia đã viết cho các bạn tẩy chay mỗi người một lá thư có tựa đề Bạn đã bị đưa hóa đơn trả thù của tôi và Có những lúc em rất muốn trả thù, làm giống những việc mà bạn ấy đã làm với em, rồi lại thấy không muốn, rồi lại muốn trả thù, tâm trạng cứ ray rứt phân vân [một học sinh Trường NVT].

Giải pháp nào...

Tẩy chay giống như một hoạt động của thế giới ngầm trong học sinh, mà nhà trường và thầy cô giáo, kể cả cha mẹ học sinh ít khi phát hiện. Sự can thiệp của người lớn phải tinh tế và khéo léo, phải làm cho các em tâm phục khẩu phục thì tẩy chay mới được chấm dứt.

Bởi đa số các em bị tẩy chay phải âm thầm chịu đựng, rất ngại nói với thầy cô giáo, bởi nếu như các bạn biết được thì sự tẩy chay càng diễn ra nặng nề hơn, trước mặt thầy cô thì các bạn bằng mặt nhưng không bằng lòng, sau lưng thì đâu lại vào đấy [học sinh Trường NVB chia sẻ].

Có những em nhờ sự can thiệp của cha mẹ, cha mẹ đến trường cảnh cáo các bạn trong lớp nhưng tình hình cũng không khá hơn, mọi người càng ghét nó thêm, tiếp tục chơi khăm nó và cho đến nay vẫn chưa có điểm dừng [học sinh Trường NVT].

Học sinh THCS dễ rơi vào tình trạng tẩy chay hơn học sinh THPT, học sinh trường thường tình trạng tẩy chay nhiều hơn học sinh trường khá. Những em có tính cách khác biệt dễ bị tẩy chay hơn học sinh bình thường.

Công bằng mà nói trong một số trường hợp tẩy chay cũng mang lại hiệu quả tích cực: tẩy chay khi cá nhân làm mất thi đua của lớp, giở tài liệu trong giờ kiểm tra, kiêu ngạo coi thường mọi người, làm tổn thương bạn bè hoặc liên tục vi phạm khuyết điểm, lối sống cá nhân ích kỷ.

Sau những lần bị tẩy chay như thế bản thân học sinh vi phạm cũng rút được kinh nghiệm cho mình. Nhưng trường hợp ấy đáng tiếc chỉ có 15/250 phiếu khảo sát, con số quá khiêm tốn.

Làm sao để dẹphiện tượng này?

Không phải em nào cũng muốn tẩy chay nhưng vì sợ áp lực đám đông, nếu đứng ngoài cuộc em sợ mình cũng sẽ trở thành đối tượng tẩy chay của các bạn, phải cùng nhau tẩy chay ghét hội đồng một ai đó mới là đoàn kết - ý kiến của em H.Ð.K.N. [Trường TÐN].

Ðây chính là tâm lý đám đông, bởi vậy cần làm cho các em nhận thức rõ vấn đề đâu là sự đoàn kết thật sự, đâu là sự ngụy biện. Giải thích, phân tích cho các em thấy hậu quả nghiêm trọng của việc tẩy chay đối với sức khỏe và tâm sinh lý của bạn như thế nào.

Hoặc tách khỏi môi trường tẩy chay, chuyển học sinh sang lớp khác cũng là một biện pháp hay như một cô giáo ở Trường Gia Ðịnh đã làm. Kết quả khi sang môi trường mới bạn bè thân thiện hơn, học sinh bị tẩy chay đã nhìn lại mình nên trở lại bình thường, tự tin hơn với bản thân và các mối quan hệ.

Thầy cô chủ nhiệm nắm bắt kịp thời các hiện tượng tẩy chay để có thể ngăn chặn sự việc khi chỉ mới manh nha. Gia đình cần quan tâm đến sự thay đổi của các em để tìm hiểu kỹ những nguyên nhân và có giải pháp hữu hiệu, kịp thời phối hợp với nhà trường để giúp đỡ các em.

Ðừng để các em đơn độc và cô độc trong cuộc chiến không cân sức của mình.

Tuần qua, chuyên mục Giáo dục dưới mắt mọi người và Câu chuyện giáo dục đã nhận được bài viết của các tác giả: Nguyệt Hằng [Thanh Hóa], Ðỗ Tấn Ngọc [Quảng Ngãi], Dương Thanh Huyền [Khánh Hòa], Nguyễn Hoàng Chương [Lâm Ðồng], Vũ Thị Ni Na, Trần Văn Sinh [Ðồng Nai], Lê Quỳnh Anh, Huỳnh Tuyết Mai, Dương Văn Minh Lộc [TP.HCM], Nguyễn Thanh Hùng Hai [Long An], Trầm Thanh Tuấn [Trà Vinh], Nguyễn Thành Công [Bạc Liêu], Lê Ðức Ðồng [Sóc Trăng], Nguyễn Văn Khánh, Lê Tấn Thời [An Giang], Trần Minh Trọng, Trúc Giang, Khanh Dinh, cùng các bạn đọc , ...

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ email  hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ [số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM].

Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng.

Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng.

TUỔI TRẺ

Video liên quan

Chủ Đề