Ca sĩ thùy dung thanh hóa là ai?

Ca sĩ Thùy Dung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình có tình yêu với nghệ thuật. Năm 4 tuổi, Thùy Dung đã bắt đầu được học đàn piano. Năm 1979, khi lên 6 tuổi Thùy Dung đã có vinh dự chơi đàn cho Phó chủ tịch nước khi ấy là ông Nguyễn Hữu Thọ nghe.

Năm 17 tuổi, Thuỳ Dung đạt giải Ba cuộc thi Piano toàn quốc mang tên Mùa thu. 18 tuổi đạt giải Nhì cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc.

Sau mối nhân duyên ban đầu, hiện tại, Thuỳ Dung đã hầu như không còn xuất hiện trên sân khấu ca nhạc. Chị đã chính thức rời xa showbiz, tập trung đầu tư cho một công việc mới là cô giáo dạy nhạc.

Ngoài công việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia, Thuỳ Dung và chồng còn mở ra trường nghệ thuật Seedlink dành cho những ai yêu nghệ thuật.

Nhớ đến Thuỳ Dung, công chúng yêu nhạc vẫn nhớ về một nghệ sĩ có phong cách chơi nhạc sang trọng, vừa đàn, vừa hát.

Mới đây, nữ nghệ sĩ có những chia sẻ xúc động về cha - người có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc đời cô.

Ba tôi - người điên rồ nhất trong mắt bạn bè

Mẹ kể : Khi sinh tôi ra, ba lao sầm sập vào bệnh viện, việc đầu tiên ông làm là xòe bàn tay bé tẹo của tôi ra xem các ngón tay có dài không để còn học piano, quên cả việc hỏi thăm vợ có đau không, có mệt không.

Sau đó ba cho tôi nghe piano suốt ngày. Đến khi 4 tuổi, ông dậy tôi những nốt nhạc đầu tiên trên phím đàn vẽ ra đất.

Nghệ sĩ Thuỳ Dung và cha.

Tôi lên 5, ba thuyết phục mẹ bán tất cả những gì có giá trị trong nhà. Kể cả áo dài cưới, áo vest cưới, nhẫn cưới để mua cho tôi cây đàn piano cũ kỹ đầu tiên. Một gia tài khổng lồ với nhà tôi và vô nghĩa với nhiều gia đình khác. Tất cả bạn bè của ba đều nói: Điên à, nhạc nhẽo có ăn được đâu. Cơm còn đang độn mỳ. Đàn địch nỗi gì. Lãng mạn vặt thôi chứ thế này thì quá lắm.

Mặc kệ! Ba kèm tôi tập 3 tiếng mỗi ngày. Thời ấy ba là kỹ sư vô tuyến điện, mẹ kể là chỉ cần đi chữa một chiếc là có cả nửa chỉ vàng, bao nhiêu người gọi nhưng chỉ khi nào hết tiền ba mới đi chữa một vài chiếc, còn lại tuyên bố xanh rờn: Tôi sẽ chết trên đàn với con Thùy Dung. Bạn bè ngán ngẩm: Lão này điên hết thuốc chữa.

Ba cho tôi theo học thầy Đại, ông thầy nổi tiếng nghiêm khắc nhưng cũng chẳng là gì với ba. Không tập đàn, nghĩa là ăn đòn. Đòn đau luôn. Tập ngoan thì ba kiệu lên vai đi vòng quanh khu tập thể.

Rồi vinh dự lớn đã đến: Năm 1979 là năm tôi 6 tuổi, tôi được chọn biểu diễn piano cho Phó chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ nghe. Sự kiện làm xôn xao nơi tôi ở và cả xí nghiệp của ba mẹ tôi nữa. Hình như mọi người thấy ông đỡ điên hơn phần nào...

Rồi 7 tuổi tôi thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội. Chế độ tem phiếu cán bộ hẳn hoi. Có học bổng, có tiền Thanh sắc. Ba hàng ngày vẫn gọi tôi dậy từ 5h30 sáng, tập đàn đến 6h30 rồi đi học. Lịch tập đàn này kéo dài cả chục năm, đến nỗi hôm nào tôi không tập, khối người đi làm muộn, đi học muộn.

Nếu ba không quyết liệt như vậy, sẽ chẳng có tôi như bây giờ dù ngày bé, cũng như bọn trẻ bị ép học, tôi cũng đã từng mơ tất cả đàn piano trên thế giới sẽ cháy hết sạch sanh.

Giờ bạn bè của ba mẹ đến chơi, cứ vỗ vai: Hóa ra ông cũng điên... bình thường nhỉ. Con Dung đâu, ra đàn hát cho các bác nghe một bài nào... Con cái cả xí nghiệp được mỗi mày nổi tiếng.

Và người lãng mạn điên rồ nhất cười vang".

Phương Nhung

Rời xa ánh đèn sân khấu không có nghĩa là rời xa âm nhạc

- Phóng viên: Đã khá lâu khán giả không thấy chị xuất hiện trong các chương trình âm nhạc, người ta đồn chị bỏ nghề rồi?

- Ca sĩ Thùy Dung: Đúng là 7-8 năm nay tôi không còn đi diễn thường xuyên. Nhưng thỉnh thoảng nếu các chương trình từ thiện có lời mời thì tôi cũng sẵn lòng vì muốn cho các con và học sinh đi cùng, để các bạn ấy có cơ hội chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Tuy không đi diễn nhiều nhưng tôi dành trọn thời gian cho việc giảng dạy, truyền cảm hứng nghệ thuật với thế hệ tiếp theo. Rời ánh đèn sân khấu không có nghĩa là tôi rời xa âm nhạc. Tốt nghiệp, tôi được ở lại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam làm việc. Bây giờ tôi có thêm ngôi trường nhỏ do mình sáng lập, dạy âm nhạc cho các con và các học viên mọi lứa tuổi. Tôi nghĩ mình là người hạnh phúc và may mắn. Khi trẻ được đi hát, được bay nhảy, được khán giả yêu quý. Bây giờ tôi được đi dạy, được giúp các học sinh bằng kiến thức và kinh nghiệm của gần 30 năm đứng trên sân khấu.

- Nhìn các thế hệ học trò của mình tỏa sáng, có phút giây nào chị cũng mong muốn hào quang sẽ trở lại với mình?

- “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại” - câu hát ấy ai rồi cũng phải hát trong tràn đầy tiếc nuối. Và tôi cũng phải theo quy luật của thời gian thôi. Tôi sẽ gửi lại ánh sáng và sự mê hoặc của sân khấu tới các học sinh của mình, dành trọn vẹn nỗi nhớ ấy để giảng dạy, truyền cảm hứng nghệ thuật với thế hệ tiếp theo.

- Gắn bó với sân khấu nhiều năm như vậy mà chị không thấy nhớ sao?

- Nếu thực sự nhớ thì tôi nghĩ mình vẫn sẽ tham gia. Nhưng phải nói thật là tôi đã không nhớ sân khấu lắm. Chính tôi cũng ngạc nhiên về điều đó. Thế nhưng còn công việc giảng dạy ở trường, còn việc nhà và các con nữa. Thậm chí thời gian đi chơi cuối tuần với cả nhà tôi cũng không có nên đúng là... không kịp nhớ. Thỉnh thoảng ngồi xem các chương trình trên tivi, tôi cũng nao nao lắm. Lúc ấy ai mà mời đi diễn thì nhận lời ngay đấy. Nhưng chỉ lúc đó thôi, trở về với guồng quay công việc thì lại quên mất.

- Nghĩa là vì chị bận quá nên không có thời gian để nhớ chứ không phải không nhớ?

- Tôi nghĩ cuộc sống vẫn dành đủ sự say mê lẫn sự lo lắng cho mình. Tôi cũng rất bất ngờ về điều này, bởi từng nghĩ rời xa sân khấu sẽ rất khó khăn. Nhưng có lẽ vì công việc hiện giờ vẫn cho tôi sự yêu quý của nhiều người, của phụ huynh và học sinh. Tôi dạy thanh nhạc, piano, kỹ năng biểu diễn, có quá nhiều điều để truyền đạt cho các em từ kinh nghiệm và vốn kiến thức tích lũy hơn 20 năm qua của mình. Mỗi dịp 20-11, tôi nhận được rất nhiều hoa, nhiều hơn bất cứ số hoa nào mà tôi có khi đi diễn [cười].

- Ngôi trường chị sáng lập thu hút được khá nhiều học sinh, vậy chị nghĩ danh tiếng giúp ích gì cho việc mở trường và đào tạo nghề?

- Tôi yêu và say nghề, nhưng luôn biết dạy ngoại khóa rất khó. Nếu ngủ quên, cứ nghĩ mình nổi tiếng là sẽ đông học sinh là sai lầm. Vì là môn không bắt buộc nên phải thực sự thấy thú vị thì các con mới đến lớp. Có rất nhiều nơi mở thì làm sao mỗi giờ dạy của mình phải đem lại chất lượng, niềm vui cho học sinh và sự hài lòng của phụ huynh. Không dễ chút nào, nhưng hòa nhịp cùng các con là một điều rất thú vị.

Niềm vui giản dị của ca sỹ Thùy Dung và gia đình

Dạy học chưa bao giờ giàu

- Dù không hoạt động showbiz nhưng chị vẫn có cuộc sống khiến nhiều người đồn thổi, chị là một đại gia ngầm?

- Dạy học chưa bao giờ giàu, tôi phải khẳng định vậy. Trước đây, các ca sĩ đi hát có cát-sê sẽ tích cóp lại, sau đó mua ngôi nhà nhỏ, sửa sang rồi bán lại. Tôi thì tích góp được một ít là xây nhà thật đẹp để ở. Tôi bị mắng là dốt, không biết cách kinh doanh. Thật ra từ hồi 23-24 tuổi, tôi đã đi các tỉnh để tổ chức biểu diễn rồi, mà tôi không ngồi một chỗ chờ người ta mua vé đâu. Tôi mở danh bạ điện thoại xem tên các cơ quan rồi mang vé đến tận nơi mời mọc. Đến gặp giám đốc, tôi trình bày: “Em là ca sĩ Thùy Dung, bọn em về đây biểu diễn, anh/chị mua vé ủng hộ giúp em”. Ấy vậy mà bán được 50% số vé, đủ để chi trả cho cả đoàn 30 con người ăn ở, bồi dưỡng, số còn lại bán ở phòng vé. Và tôi chưa lần nào lỗ vốn.

Trong giới nghệ sĩ, tôi là người chẳng thích chơi bời gì, cũng không hàng hiệu. Lúc nào trong ví tôi cũng chỉ có 1 triệu đồng. Kiếm được bao nhiêu tiền tôi đều đưa cho mẹ giữ hộ, bà muốn tiêu gì thì tiêu. Hết tôi lại xin, chuyện đó kéo dài đến năm tôi 40 tuổi. Tôi nghĩ khi mẹ được tin cậy như vậy sẽ bớt cảm giác cô đơn.

- Khi một người nổi tiếng “mất tích” khỏi showbiz thường đi kèm với các tin đồn. Người ta lại đồn chị chán sân khấu vì bận đau khổ trong tình yêu, bận “lấy nhiều chồng”. Chị nói sao về điều này?

- Tôi lấy chồng năm 29 tuổi, lúc đó còn khóc vì nghĩ sao lấy chồng sớm thế. Mục tiêu của tôi là 33 tuổi mới lấy chồng. Chúng tôi ly hôn vài năm sau đó. Sau 20 năm, tôi và người yêu đầu tiên quyết định quay lại. Khi còn đi học, tôi với anh chơi rất thân với nhau, nhưng rồi mỗi người đều có gia đình riêng. Khi biết chúng tôi quyết định như thế, nhóm bạn thân chúng tôi chơi cùng còn đùa rằng, không mừng cưới vì mỗi người chỉ có 1 suất thôi.

- Là nghệ sĩ nổi tiếng, lại là giảng viên, nói thật, chị có bị áp lực con phải giỏi không?

- Có đấy! Ở trung tâm của tôi cũng có nhiều học sinh tự kỷ. Mình thương phụ huynh lắm, thương vô cùng! Nuôi con như thế quá vất vả, nhìn bố mẹ nào cũng buồn rười rượi. Khi tiếp xúc với những phụ huynh đó thì quan niệm nuôi dạy con của tôi thay đổi. Trước đây, lúc nào tôi cũng mong các con mình, học sinh của mình học thật giỏi vào, thành đạt vào, phải phấn đấu trường top nọ, top kia. Giờ thì chẳng còn top nào nữa. Thế giới quan của tôi thay đổi khi tôi tiếp xúc nhiều với phụ huynh có con chịu số phận không may mắn. Tôi không còn đầu tư để các con phải học “điên cuồng” mà chỉ mong các bạn ấy khỏe, ngoan, lễ phép và có trái tim ấm áp. Cho tiền dễ lắm, cho ấm áp mới khó. Tôi hay nói với các con mình rằng, điều đầu tiên mẹ quan tâm không phải là các con học giỏi mà là các con có ngoan không. Nếu các con hỏi mẹ mất cái gì khiến mẹ đau đớn nhất thì chính là mẹ mất đi sự ngoan ngoãn của các con. Và may mắn là đến giờ các con tôi vẫn giữ được những gì tôi mong muốn.

- Con gái chị đã vào đại học, chị dạy con thế nào để chọn hạnh phúc cho mình?

- Tôi luôn nhắc con đừng vội vã, đừng cuống khi bạn bè dập dìu rồi lại nhầm đấy. Cần có trái tim ấm áp, nhưng phải có cái đầu tỉnh táo. Nếu để cảm xúc cuốn phăng đi tất cả là nguy hiểm cận kề.

- Nhìn lại hành trình đã qua, chị thấy Thùy Dung hiện tại khi đã làm vợ, làm mẹ và Thùy Dung của thời trẻ khác biệt thế nào?

- Gia đình và bạn bè tôi đều bất ngờ khi làm vợ, làm mẹ thì tôi mềm mại đi rất nhiều. Cái tôi quá mạnh của ngày xưa đã được ép plastic và trở thành “di sản” của gia đình. Ba tôi ngày trước hay đùa: “Con mới được một nửa cái tên ba đặt. Mới được “Dung” thôi chứ chưa thấy “Thùy” đâu. Giờ thì ông hài lòng được rồi. Thậm chí đôi lúc bạn bè tôi hét lên: “Thùy quá thể rồi đấy nhé!”.

- Cảm ơn ca sĩ Thùy Dung!

Video liên quan

Chủ Đề