Các bước thực hiện đánh giá chương trình giáo dục mầm non

KẾ HOẠCH Phát triển chương trình giáo dục mầm non hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất trẻ em năm học 2019 - 2020

Đọc bài Lưu

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Căn cứ vào Luật Giáo dục của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Căn cứ Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BGDĐT hợp nhất Quyết định về Điều lệ trường mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 24 tháng 12 năm 2015.

Căn cứ Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình giáo dục mầm non ban hành kèm theo thông tư số 17/2009/TT-BGD&ĐT ngày 25/7/2009 của Bộ GD&ĐT; Quyết định số 777/QĐ-BGDĐT ngày 14/3/2017 về việc đính chính thông tư 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2006 của Bộ GD&ĐT; Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 24 tháng 1 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Thông tư ban hành Chương trình giáo dục mầm non; Công văn số 716/BGDĐT-GDMN ngày 27/2/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi, bổ sung;

Căn cứ Hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, Phòng GD&ĐT Thái Thụy về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 2020 cấp học mầm non;

Căn cứ tình hình thực tế của nhà trường, trường mầm non Thụy Liên xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục mầm non hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất trẻ em năm học 2019 2020 cụ thể như sau:

II. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Theo quyết định số 5 /QĐ-UBND huyện Thái Thụy, ngày 28 tháng 4 năm 2011 V/v chuyển đổi Trường mầm non bán công sang Trường mầm non công lập Thụy Liên từ ngày 01/05/2011. Trải qua thời gian xây dựng và phát triển, trường mầm non Thụy Liên đã góp phần tích cực trong phong trào giáo dục của xã nhà,chát lượng giáo dục Tốt Nhà trường đang từng bước khẳng định sự trưởng thành và là địa chỉ tin cậy của cha, mẹ học sinh và toàn thể nhân dân xã Thụy Liên.

1. Thuận lợi

Trong nhiều năm qua trường luôn thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương, đổi mới các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình Giáo dục mầm non.

Chính quyền địa phương luôn quan tâm, coi trọng công tác giáo dục mầm non. hàng năm đều có kế hoạch phát triển đầu tư về cơ sở vật chất cho nhà trường.

Về nguồn lực: Cơ sở vật chất của trường tương đối đầy đủ theo quy định, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ

Đội ngũ giáo viên có trình độ trên chuẩn cao chiếm 95%, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, yêu nghề mến trẻ, đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác.

Trình độ dân trí ngày càng nâng lên rõ rệt. Phụ huynh hiểu và quan tâm đến giáo dục mầm non nhiều hơn.

Về trẻ: Số trẻ đến trường lớp đông. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo luôn đạt 100%, nhà trẻ trên 70%. Hầu hết trẻ phát triển bình thường ỏ tất cả các lĩnh vực. Theo đánh giá của giáo viên ở các thời điểm có khoảng 87-90% trẻ đạt được kết quả mong đợi trong chương trình giáo dục mầm non. 98% trẻ 5 tuổi đạt được các chỉ số trong bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

2. Khó khăn.

- Còn nhiều điểm trường nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

- Tỷ lệ giáo viên theo TT 06/BGDĐT còn thiếu nhiều.

- Là một xã thuần nông nên công tác huy động XHHGD còn hạn chế.

- Trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác CSGD trẻ chưa đồng bộ nhất là đồ chơi ngoài trời chưa mang tính hiện đại.

- Chế độ chính sách đối với giáo viên tuy đã được quan tâm song vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu hiện tại, Đội ngũ nhân viên hợp đồng thuê khoán của trường chiến đến 30% mức lương quá thấp đời sống gặp nhiều khó khăn.

III. MỤC TIÊU CHUNG

1. Mục tiêu

Giúp trẻ học tại trường mầm non Thụy Liên phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt các điều kiện cho trẻ vào học lớp 1.

Hình thành và phát triển ở trẻ những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lưa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.

Chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho trẻ trong nhà trường.

Bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghiên cứu khoa học giáo dục, phát triển chương trình giáo dục nhà trường mầm non cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường.

2. Yêu cầu:

2.1. Yêu cầu về nội dung giáo dục mầm non.

Đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó, đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi, giữa nhà trẻ, mẫu giáo và cấp tiểu học. Thống nhất giữa các nội dung giáo dục với cuộc sống hiện thực, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hòa nhập vào cuộc sống

Phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục, giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khỏe mạnh , nhanh nhẹn, cung cấp kỹ năng sống phù hợp với lứa tuoir, giúp trẻ em biết kính trọng, yêu mến, lế phép với ông bà, cha mẹ thày giáo, yêu quý anh, chị, em, bạn bè, thật thà, mạnh dạn, tự tin và hồn nhiên, yêu thích cái đẹp, ham hiểu biết, thích đi học...

2.2 Yêu cầu về phương pháp giáo dục mầm non

Đối với giáo dục nhà trẻ, phương pháp giáo dục phải chú trọng giao tiếp thường xuyên, thể hiện sự yêu thương và tạo sự gắn bó của người lớn với trẻ, chú ý đặc điểm cá nhân trẻ để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, tạo cho trẻ có cảm giác an toàn về thể chất và tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được tích cực hoạt động giao lưu cảm xúc, hoạt động với đồ vật và vui chơi, kích thích sự phát triển các giác quan và chức năng tâm - sinh lý, tạo môi trường giáo dục gần gũi với khung cảnh gia đình, giúp trẻ thích nghi với nhà trẻ.

Đối với giáo dục mẫu giáo, phương pháp giáo dục phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm "chơi mà học, học bằng chơi, học bằng trải nghiệm". Chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ở các khu vực hoạt động một cách vui vẻ. Kết hợp hài hòa giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp. Tổ chức hợp lý các hình thức hoạt động cá nhân, theo nhóm nhỏ và cả lớp, phù hợp với độ tuổi của nhóm/ lớp, với khả năng của từng trẻ, với nhu cầu và hứng thú của trẻ và với điều kiện thực tế.

2. 3. Yêu cầu về đánh giá sự phát triển của trẻ.

Nhà trường chỉ đạo đánh giá sự phát triển của trẻ (Bao gồm đánh giá trẻ hằng ngày và đánh giá trẻ theo giai đoạn, theo chủ đề ...) nhằm theo dõi sự phát triển của trẻ, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và kịp thời điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho phù hợp với trẻ, với tình hình thực tế của địa phương. Trong đánh giá phải có sự phối hợp nhiều phương pháp, hình thức đánh giá, coi trọng đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ, đánh giá trẻ thường xuyên qua quan sát hoạt động hàng ngày.

IV. NHIỆM VỤ CỤ THỂ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

1. Thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục.

* Mục tiêu:

100% nhóm lớp xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình giáo dục mầm non ban hành kèm theo thông tư số 17/2009/TT-BGD&ĐT ngày 25/7/2009 của Bộ GD&ĐT;

Đảm bảo phù hợp với thực tế trường mầm non Thụy Liên, huyện Thái Thụy và khả năng tiếp thu kiến thức, kĩ năng của trẻ.

* Giải pháp:

Theo điều kiện nhu cầu thực tế của cha mẹ trẻ và điều kiện thực tế về CSVC và giáo viên hiện nay nhà trường sẽ thực hiện xây dựng khung chương trình giáo dục mầm non từ độ tuổi 13-24 tháng đến 72 tháng tuổi.

Đồng chí Phó hiệu trưởng và các đồng chí tổ chuyên môn căn cứ:

+ Kết quả đánh giá chất lượng trẻ và nội dung đánh giá rút kinh nghiệm của tổ chuyên môn về thực hiện chương trình giáo dục mầm non năm học 2018-2019;

+ Căn cứ kế hoạch nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của phòng giáo dục và đào tạo;

+ Từ đó các khối điều chỉnh nội dung và kết quả mong đợi của chương trình nhà trường năm học 2019 - 2020 cho phù hợp, đảm bảo thời lượng 35 tuần.

2. Xây dựng các chủ đề hoạt động:

* Mục tiêu:

Các chủ đề hoạt động đảm bảo gần gũi với trẻ

Số lượng các chủ đề trong chương trình phù hợp với từng độ tuổi, thời gian hoàn thành mỗi chủ đề không quá 4 tuần.

* Giải pháp:

Khuyến khích các tổ/khối chuyên môn, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề hoạt động trong mỗi giai đoạn và các chủ đề mang tính thời sự, phù hợp với thực tiễn

Xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp các chủ đề với hình thức, phương pháp tổ chức dạy học tích cực; chú trọng giáo dục đạo đức, lễ giáo, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường các hoạt động trải nghiệm nhằm giúp trẻ vận dụng kinh nghiệm vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Tên chủ đề và tổng số các chủ đề trong năm của từng độ tuổi được thống nhất trong tổ, khối, nhóm, lớp ngay từ đầu năm học.

Kế hoạch thực hiện các chủ đề thực hiện đến đâu xây dựng đến đó. Việc thực hiện mang tính kế thừa để đảm bảo kiến thức phù hợp vừa sức trẻ.

Các chủ đề cần được công khai trên Websize của trường:

+ Căn cứ kế hoạch tháng của PHTCM và tổ chuyên môn giáo viên phụ trách đăng kế hoạch thực hiện chủ đề các độ tuổi (BGH phê duyệt bài trước khi dạy)

+ Phân công đồng chí Dương Thị Lành- PHT phụ trách trang web của trường biên soạn, duyệt bài trước khi đăng, phân công đồng chí Bùi Thị Băng, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Thấm, Nguyễn Thị Bích Doanh viết bài theo kế hoạch.

3. Thực hiện các chủ đề thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo:

* Mục tiêu:

100% CBGV được học tập bồi dưỡng chuyên môn hè 2019, đặc biệt quan tâm chuyên đề Tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non

100% các chủ đề được cụ thể hóa bằng từng hoạt động cụ thể

Phấn đấu các hoạt động trong mỗi chủ đề trẻ được tham gia bằng Học bằng chơi, bằng trải nghiệm

Kế hoạch thực hiện các hoạt động trải nghiệm được xây dựng cụ thể thông qua hoạt động học và các sân chơi đảm bảo vừa sức, an toàn với trẻ, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

* Giải pháp:

Mỗi CBGV cần hiểu được giáo dục theo hướng trải nghiệm cho trẻ mầm non là phương thức sử dụng các hoạt động giáo dục, trong đó giáo viên là người thiết kế tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để trẻ được tham dự hay tiêp xúc, tương tác trực tiếp, được chiêm nghiệm, tự lực tích lũy kiến thức, kỹ năng thái độ, tạo thành kinh nghiệm riêng của bản thân.

Xây dựng kế hoạch chương trình theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ tăng các hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm trong và ngoài lớp học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức các CLB, giáo dục thông qua di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, mô hình

Khi giáo viên XD kế hoạch hoạt động trải nghiệm cho trẻ cần đảm bảo qui trình:

+ Trải nghiệm thực tế: Trẻ được tham gia trực tiếp vào các hoạt động do giáo viên tổ chức theo các chủ đề, các sự kiện có liên quan trực tiếp đên cuộc sông hàng ngày. Chất lượng trải nghiệm cao hay thấp phụ thuộc vào mức độ tham gia của trẻ, chất lượng của tình huống cụ thể, thực tế mà trẻ được trải nghiệm.(Thông qua hoạt động khám phá tìm hiểu)

+ Chia sẻ kinh nghiệm: Kinh nghiệm của trẻ thu được cần chia sẻ với người khác. Nó sẽ giúp trẻ khắc sâu hơn kiến thức được ghi nhận. (Thông qua trao đổi với cô giáo và các bạn)

+ Rút ra kinh nghiệm cho bản thân

+Vận dụng kinh nghiệm vào cuộc sống: Trẻ vận dụng những kinh nghiệm thu được để tiếp tục tham gia các hoạt động hằng ngày trong cuộc sống của trẻ.

Hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm:

Tổ chức hoạt động theo hướng trải nghiệm cho trẻ ở trường mầm non

+ Đối với giáo dục nhà trẻ

Chú trọng giao tiếp thường xuyên, thể hiện sự yêu thương và tạo sự gắn bó của người lớn với trẻ.

Chú ý đặc điểm cá nhân trẻ để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, tạo cho trẻ có cảm giác an toàn về thể chất và tinh thần (hướng dẫn tổ chức hoạt động giao lưu đối với trẻ )

Tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được tích cực hoạt động giao lưu cảm xúc, hoạt động với đồ vật và vui chơi, kích thích phát triển nhảy cảm của các giác quan và các chức năng tâm sinh lý (Hướng dẫn tổ chức hoạt động học, chơi theo hướng trải nghiệm)

+ Đối với giáo dục Mẫu giáo

Tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh, dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu hứng thú của trẻ theo phương châm (chơi mà học, học bằng trải nghiệm )

Chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ở các khu vực hoạt động một cách vui vẻ.

Kế hợp hài hòa giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để phương pháp giáo dục phù hợp.

Tổ chức hợp lý các hoạt động cá nhân, hoạt động theo nhóm nhỏ và cả lớp, phù hợp với độ tuổi của nhóm, lớp với khả năng của từng trẻ, với nhu cầu và hứng thú của trẻ và với điều kiện thực tế

Lưu ý: Các giáo viên căn cứ vào tình hình thực tế về điều kiện cơ sở vật chất, khả năng kinh nghiệm, kiến thức vốn có của mình, cũng như nhận thức của học sinh để xây dựng kế hoạch hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ cho phù hợp.

1. Hướng dẫn tổ chức hoạt động học theo hướng trải nghiệm cho trẻ mầm non.

2. Hướng dẫn tổ chức hoạt động chơi theo hướng trải nghiệm cho trẻ mầm non

3. Hướng dẫn tổ chức hoạt động lao động theo hướng trải nghiệm cho trẻ mầm non

4. Tổ chức hoạt động thăm quan theo hướng trải nghiệm cho trẻ mầm non

5. Tổ chức hoạt động lế hội theo hướng trải nghiệm cho trẻ mầm non

6. Tổ chức hoạt động giao lưu theo hướng trải nghiệm cho trẻ mầm non

Ví dụ: Trải nghiệm thông qua ngày hội, ngày lễ: khai giảng; ngày hội thể thao; lễ hội trung thu. Câu lạc bộ nghệ thuật (Múa, hát); ngày hội tiếng anh; hoạt động lao động

Ngoài việc tổ chức cho trẻ thực hiện các nhiệm vụ học tập ở lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn gia đình để trẻ được học tập trải nghiệm ở nhà, ở ngoài nhà trường.

Tóm lại: Việc tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho nhóm lớp đòi hỏi giáo viên cần linh hoạt vận dụng mô hình, nội dung trải nghiệm cho phù hợp với điều kiện của lớp, trường, không nên đặt ra mục tiêu quá cao để khó thực hiện. Việc khảo sát đánh giá sự tiến bộ của trẻ qua từng chủ đề giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh hoạt động sát với thực tế của nhóm lớp mình phụ trách hơn.

Các hoạt động trải nghiệm đều được đưa vào kế hoạch giáo dục năm của từng độ tuổi Hiệu trưởng phê duyệt trước ngày 09/9/2019. Đồng thời đề có kế hoạch cụ thể trước khi thực hiện

4. Giáo dục tích hợp các nội dung khác:

4.1 Tổ chức học ngoại ngữ

Trường tổ chức cho trẻ làm quen với Tiếng anh qua phần mềm Esing

4.2 Tổ chức các lớp năng khiếu (âm nhạc, tạo hình.)

Từng nhóm lớp xây dựng kế hoạch và thực hiện các nội dung sao cho phù hợp:

Tiếp tục thực hiện tích hợp giáo dục đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật; giáo dục phòng chống bạo lực học đường, Bình đẳng giới tính

Chú trọng tuyên truyền, giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên; giáo dục về tài nguyên và môi trường biển; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai kết hợp hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Giáo dục an toàn giao thông; giáo dục kỹ năng sống kết hợp thực hiện các hoạt động ngoại khóa.

Tổ chức tập luyện và duy trì nền nếp tập thể dục vệ sinh buổi sáng, thể dục giữa giờ để tạo môi trường học tập gần gũi, thân thiện đối với học sinh.

Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa chuyển mạnh sang hướng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đồng thời quản lí các hoạt động giáo dục kỹ năng sống theo Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 ban hành quy định về Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và theo Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT- BVHTTDL ngày16 tháng 01 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

5. Công tác kiểm tra đánh giá.

Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra dưới nhiều hình thức như kiểm tra đột xuất, kiểm tra có báo trước, thực hiện chuyên đề, kiểm tra chuyên môn và kiểm tra toàn diện. Để từ đó đánh giá kết qả áp dụng thực hiện chương trình phát triển của nhà trường vào quá trình chăm sóc giáo dục trẻ của từng giáo viên cũng như sự nhận thức tích lũy được kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của học sinh thông qua các chủ đề.

Mỗi giáo viên thường xuyên theo dõi đánh giá trẻ thông qua hoạt động hàng ngày một cách chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của trẻ. Xác định cách đánh giá kết quả giáo dục hợp lý là rất quan trọng và cần thiết. Đánh giá kết quả giáo dục là đánh giá sự phát triển của trẻ

Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả trẻ: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập; về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng các mục tiêu cần đạt ở từng độ tuổi của từng lĩnh vực phát triển, hướng tới phát triển năng lực của trẻ theo quy định hiện hành. Các tổ, khối chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá cho từng nhóm lớp.

Lưu ý khi đánh giá sự phát triển của trẻ

Khi đánh giá sự phát triển của trẻ là quá trình thu thập thông tin về trẻ một cách có hệ thống và phân tích, đối chiếu với mục tiêu đã đặt ra, nhận định mức độ phát triển của trẻ nhằm điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ một cách phù hợp.

Tập trung đánh giá theo các nội dung như.

Tình trạng sức khỏe trẻ.

Trạng thái cảm xúc, thái độ hành vi của trẻ.

Kiến thức kỹ năng của trẻ.

Đánh giá mức độ phát triển của trẻ về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm kỹ năng xã hội, thẩm mỹ.

Khi đánh giáo viên cần sử dụng phương pháp sau.

Quan sát.

Trò chuyện, giao tiếp với trẻ

Phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ

Sử dụng tình huống và bài tập trắc nghiệm

Trao đổi với cha mẹ/ người chăm sóc trẻ

Kết quả đánh giá được ghi chép lưu giữ để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chăm sóc cho phù hợp

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các tổ, khối chuyên môn

Xây dựng kế hoạch các hoạt động phát triển chương trình giáo dục nhà trường; trình Hiệu trưởng phê duyệt trước ngày 09/9/2019.

Điều chỉnh kế hoạch (nếu có).

Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch các hoạt động phát triển chương trình giáo dục nhà trường sau khi Hiệu trưởng phê duyệt.

2. Trách nhiệm Ban giám hiệu nhà trường

Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn kiểm tra kế hoạch hoạt động phát triển chương trình giáo dục nhà trường của các tổ chuyên môn;

Hiệu trưởng nhà trường kiểm tra và quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực của trẻ trong nhà trường;

Báo cáo kế hoạch thực hiện tới phòng GD- ĐT Thái Thụy;

BGH kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hỗ trợ các tổ/khối chuyên môn và giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm Kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường mầm non, điều chỉnh phù hợp.

V. NGUỒN KINH PHÍ

Nguồn kinh phí chi cho các hoạt động phát triển chương trình giáo dục nhà trường bao gồm: Kinh phí ngân sách chi thường xuyên của nhà trường.

Nơi nhận:

- Phòng GD &ĐT Thái Thụy;

- BGH nhà trường;

- Tổ, khối CM;

- Giáo viên;

- Lưu: VT.

HIỆU TRƯỞNG

Nguyễn Thị Hằng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết