Các cổ phiếu ngành thủy sản

Những thông tin tích cực liên quan đến xuất khẩu và kỳ vọng khả quan trong thời gian tới đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự chuyển hướng mạnh mẽ của dòng tiền sang nhóm cổ phiếu ngành thuỷ sản, nhiều cổ phiếu tăng trần liên tiếp, thậm chí có mã đã vượt đỉnh lịch sử.

Triển vọng lớn

Trong những ngày vừa qua, cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt đang gây sự chú ý của các nhà đầu tư khi đạt mức đỉnh giá 32.500 đồng/cp vào phiên giao dịch ngày 18/6, tăng khoảng 50% so với đầu tháng 5, đây là mức giá cao nhất kể từ khi Nam Việt chính thức niêm yết trên sàn HoSE.

Tương tự, sau khi sụt giảm mạnh, thị giá cổ phiếu VHC của CTCP Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cũng quay đầu bứt phá kể từ tháng 5 đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, VHC đang giao dịch tại vùng giá 47.000 đồng/cp tăng khoảng hơn 30% so với đầu tháng 5. Đáng chú ý, tại phiên giao dịch ngày 17/6, cổ phiếu này ghi nhận mức giá 47.500 đồng/cp - gần bằng với mức đỉnh 51.000 đồng/cp hồi tháng 11/2018.

Các cổ phiếu ngành thủy sản

Theo các chuyên gia, nếu vẫn muốn đầu tư vào cổ phiếu thuỷ sản thì nhà đầu tư nên ưu tiên doanh nghiệp đầu ngành.

Kể từ tháng 5 đến nay, nhiều cổ phiếu thuỷ sản cũng lội ngược dòng tăng ngoạn mục như FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta, MPC của Thuỷ sản Minh Phú, ACL của Thuỷ sản Cửu Long An Giang... với mức tăng trung bình khoảng 20%.

Trước đà tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu này, Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, các biện pháp phòng chống Covid-19 trên thế giới đang được nới lỏng nhờ vaccine Covid -19 đang được triển khai gấp tại tất cả các quốc gia.

Với xu hướng hiện nay, việc nhu cầu tiêu thụ thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới phục hồi là tất yếu và dữ liệu tích cực về giá trị xuất khẩu cá tra, tôm trong tháng 3 - 4/2021 vừa qua đã khẳng định điều này.

Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong giai đoạn tháng 3 - 4/2021, xuất khẩu thủy sản tăng lần lượt 17% -30% so với cùng kỳ. Trong quý II/2021, VASEP dự kiến xuất khẩu tôm và cá tra sẽ tăng lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ.

Đến cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính gồm giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến.

Theo đó, Mirae Asset cho rằng, thị giá cổ phiếu xuất khẩu thuỷ sản có thể đã hoàn thành tạo đáy, giá các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản sẽ bước vào giai đoạn phục hồi trong tháng 6 và nửa sau năm 2021.

Sức tăng có thể chưa bền vững

Mặc dù triển vọng của ngành thuỷ sản là rất hấp dẫn, nhưng ngành thuỷ sản vẫn đang phải đối mặt với khá nhiều rủi ro như việc chi phí tăng gây áp lực lên biên lợi nhuận.

Cụ thể, theo tính toán của Mirae Asset, trong 4 tháng đầu năm 2021 trung bình giá cá tra nguyên liệu tăng khoảng 11%, còn giá tôm thẻ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển đường thủy bằng container từ Châu Á đi các châu lục khác tăng phi mã (tuyến Thượng Hải Los Angeles tăng 238% so cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2021, trong khi giá bán cá trung bình không có sự thay đổi so với cùng kỳ.

Ngoài ra, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đang gây lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Đã có hơn 5.000 ca nhiễm tại 34/64 tỉnh thành của Việt Nam kể từ 24/4/2021. Nếu các vùng nguyên liệu thủy sản chính ở Việt Nam bị buộc phải cách ly sẽ dẫn đến gián đoạn nguồn cung, làm khả năng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị giảm.

Doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuỷ sản cũng đang bị đe dọa với các mức thuế chống bán phá giá sơ bộ có thể bị phía Mỹ thay đổi như đã từng xảy ra ở POR13 và POR14, cảnh báo Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu chưa được tháo dỡ.

Trong khi đó, nhìn vào thị giá cổ phiếu thuỷ sản trong suốt thời gian qua, các nhà đầu tư cho rằng chỉ có thể miêu tả bằng 2 từ "tăng nóng", đã có nhiều cổ phiếu vượt qua mức giá lịch sử như FMC, ANV... Thậm chí, trong "cơn say" của nhóm cổ phiếu ngành thuỷ sản vừa qua, ông Doãn Chí Thiên - Thành viên HĐQT Nam Việt đã có thông báo đăng ký bán bớt 5 triệu cổ phiếu ANV trong tổng số gần 17,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,45%) đang sở hữu để giải quyết nhu cầu cá nhân.

Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 15/6 đến 14/7/2021. Động thái này diễn ra trong bối cảnh, các giao dịch của lãnh đạo doanh nghiệpluôn là một chỉ báo cho niềm tin của các nhà đầu tư đối với đà tăng giảm của cổ phiếu.

Đáng chú ý, các chuyên gia phân tích cho rằng, những triển vọng tích cực về giá trị xuất khẩu và lợi nhuận gần như phản ánh hết vào giá cổ phiếu thuỷ sản trong suốt tháng 5 vừa qua khi nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh ấn tượng.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư muốn đầu tư cổ phiếu thuỷ sản thì nên ưu tiên các doanh nghiệp đầu ngành, nắm được thị phần lớn trong xuất khẩu hoặc những công ty đang đầu tư công nghệ và vùng nuôi để làm chủ nguyên liệu, từ đó kiểm soát, giảm thiểu được chi phí đầu vào; hoặc các công ty vừa đẩy mạnh đầu tư, vừa đa dạng thị trường xuất khẩu.

Minh Khuê