Các nước có quá trình đô thị hóa năm 2024

Là một trong những quốc gia được đánh giá có tốc độ đô thị hóa cao nhất ở châu Á, Hàn Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu cũng như nhìn ra được những mặt trái của quá trình đô thị hóa. Đây là những bài học kinh nghiệm đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Thành phố Xơ-un [Hàn Quốc]

Những thành tựu đạt được

Ngay từ những năm 70, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chính sách điều chỉnh nhanh chóng chiến lược phát triển đô thị bằng cách mở rộng vùng đô thị, nâng cấp mở rộng các đô thị đã có. Một loạt các thành phố vệ tinh mới có quy mô vừa và nhỏ lần lượt được xây dựng. Các thành phố mới đều là các trung tâm công nghiệp lớn, tạo thành hành lang đô thị nối từ thành phố trung tâm thông ra các cảng biển nằm ở miền Nam của Hàn Quốc.

Những thành phố này có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Chẳng hạn như thành phố Un-xan vào năm 1960 còn là một làng chài nhỏ bé với vài ngàn dân, nhưng sau 20 năm [đến năm 1980] đã trở thành thành phố lớn thứ 7 của Hàn Quốc, nơi có công ty Hun-đai và tổ lọc dầu lớn nhất Hàn Quốc. Việc xây dựng các đô thị vừa và nhỏ một cách kịp thời đã khiến Hàn Quốc tránh khỏi những đổ vỡ lớn mà các quốc gia khác gặp phải trong tiến trình đô thị hoá nhanh như ở châu Á và châu Phi.

Đô thị hóa ở Hàn Quốc gắn liền với quá trình công nghiệp hoá và là hệ quả trực tiếp của quá trình này. Sau 5 năm đầu thực hiện đô thị hóa nhanh chóng, các thành phố lớn như Xơ-un, Pu-san của Hàn Quốc đã trở thành “khối nam châm” khổng lồ thu hút nguồn tài nguyên và lao động từ các vùng miền khác nhau trên cả nước. Chỉ trong vòng 15 năm [1975-1990], các thành phố vệ tinh của Xơ-un đã tăng từ 4 [Kung-nam, Ư-giông-bu, An-yang, Bu-chon] với số dân là 7.514 người lên 11 thành phố [thêm các thành phố Koan-mi-ung, Koa-che-on, Ku-ri, Si-hung, Kun-po, I-oan, Ha-nam] với dân số là 13.431 người. Đây là một kỳ tích mà chưa quốc gia châu Á nào đạt được. Các thành phố vệ tinh của Xơ-un nằm cách trung tâm 40km, được nối bằng hệ thống tàu điện ngầm và đường cao tốc. Cho đến năm 1990, 45% dân số của Hàn Quốc tập trung sống ở vùng đô thị Xơ-un. Những khu định cư mới dành cho tầng lớp trung lưu được hình thành xung quanh Xơ-un từ sau năm 1980 như vùng Bun-dang, I-li-xan, Py-ung-chon, hình thành nên một khuynh hướng mới trong việc sử dụng các chung cư cao tầng.

So sánh mức độ đô thị hóa

Đơn vị tính: %

Khu vực

1950

1975

2000

Các nước kém phát triển

16,5

26,68

40,67

Các nước tư bản phát triển

28,2

37,73

47,52

Châu Á

34,62

37,68

Hàn Quốc

18,4

48,04

86,22

Nguồn: Phát triển và xã hội - Trường đại học Xơ-un, tập 27, 6-1998, tr 100

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Hàn Quốc đã có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đến quá trình đô thị hóa nông thôn và tỷ lệ dân cư đô thị, đánh dấu trình độ văn minh hóa của đất nước. Kinh tế đô thị phát triển đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và nông thôn ven đô của các đô thị lớn. Cơ cấu kinh tế nông thôn được chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng dịch vụ và các ngành phi nông nghiệp. Điều này góp phần điều chỉnh cơ cấu các ngành kinh tế của các đô thị lớn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ trong giá trị tổng sản phẩm quốc nội. Các đô thị là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, thúc đẩy tỷ trọng GDP ngày càng tăng. Chỉ tính riêng một số vùng đô thị lớn như Xơ-un, Pu-san và Kung-nam đã cung cấp 66% vào GDP chung của cả nước.

Sau hơn 35 năm đô thị hóa [1970 - 2007], Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể: xây dựng và phát triển những khu đô thị lớn, trung tâm công nghiệp khổng lồ với hơn 88% dân số sống ở đô thị.

Đi cùng với tốc độ đô thị hóa ở Hàn Quốc là sự gia tăng dân số tại các thành phố lớn như Xơ-un [năm 1960 tăng 2.445 người, đến năm 1990 tăng 10.613 người], Pu-san [những con sô tương ứng là 1.163 người, và 3.798 người], Ti-gu [là 676 người, và 2.229 người]; các thành phố còn lại có tốc độ tăng dân số đô thị từ 3 đến 5 lần kể từ năm 1970.

Đô thị hóa bền vững góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, gia tăng xã hội hóa giáo dục, dịch vụ y tế và văn hoá xã hội, mở rộng quy mô và chất lượng của hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Hàn Quốc đạt được những thành công nhất định như vậy, trước hết phải kể đến vai trò chỉ đạo của chính phủ trong việc tập hợp mọi nguồn lực trong nước cho công cuộc đô thị hóa đất nước. Thứ hai là những chiến lược phát triển cụ thể được vạch định phù hợp với khả năng của từng địa phương, tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng kinh tế, lấy mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu làm nhiệm vụ trọng tâm của mọi kế hoạch kinh tế. Thứ ba là vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống đã tạo nên một đội ngũ lao động giỏi, tính kỷ luật cao, một nền công nghiệp đồ sộ có cơ cấu quản lý chuyên biệt.

Những hạn chế

Theo các chuyên gia nghiên cứu quy hoạch đô thị, hệ thống đô thị Hàn Quốc bắt đầu bộc lộ những hạn chế sau:

Một là, sự mất cân đối nghiêm trọng giữa đô thị và nông thôn. Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đã dẫn đến tình trạng di dân từ nông thôn lên thành thị. Vào năm 1960, 78% lao động Hàn Quốc là ở nông thôn, đến năm 1990 còn 19,5% và năm 2000 chỉ còn 10%. Việc mất đất canh tác, thiếu lao động nông nghiệp là khó tránh khỏi. Đây là những trở ngại khiến Hàn Quốc gặp khó khăn trong vấn đề “an toàn lương thực”, cân đối lực lượng lao động khi có biến động ở khu vực công nghiệp và đô thị.

Dân số ở các vùng đô thị tăng từ 28% [năm 1960] lên 74,4% [năm 1990], tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn Xơ-un và Pu-san. Mức độ đô thị hoá ngày một nhanh đã làm nảy sinh một số vấn đề về nhà ở, giao thông, dịch vụ và sự cân bằng trong phát triển kinh tế theo lãnh thổ; xuất hiện sự chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn. Vào đầu những năm 1990, thu nhập trung bình của nông trại chỉ bằng 81% thu nhập của một hộ gia đình công nhân trên thành thị. Sự chênh lệch này còn thể hiện ở chất lượng giáo dục, cơ hội nâng cao thu nhập gia đình, chất lượng các phúc lợi xã hội và các dịch vụ công cộng khác giữa vùng nông thôn và thành thị. Các yếu tố này đã giải thích vì sao chỉ trong vòng 5 năm [1985-1990], Hàn Quốc đã có tới 1,2 triệu lao động nông thôn đổ ra thành phố tìm việc làm.

Hai là, sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã dẫn đến mức độ đô thị hoá nhanh chóng, dẫn theo quy mô và vị trí của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế bị giảm dần. Do không chú trọng đúng mức đến phát triển nông nghiệp, khu vực nông thôn Hàn Quốc đã gặp phải các vấn đề như ô nhiễm môi trường sinh thái do chất thải công nghiệp và phân hoá học, năng suất nông nghiệp thấp do đất đai bị ô nhiễm, mức sống của nông dân không được nâng cao. Chính sách cơ giới hoá nông nghiệp đã khiến nông dân lâm vào cảnh nợ nần do gánh nặng về vốn nông nghiệp, chi phí thuê lao động do thiếu nhân công ở vùng nông thôn, cùng các chi phí sinh hoạt...

Ngoài ra, đô thị hoá còn làm nảy sinh sự phân hoá xã hội giữa thành thị và nông thôn. Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng thực hiện công bằng xã hội trong tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện tượng phân hoá xã hội ngày càng tăng đã trở thành nguy cơ lớn, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời và nhất quán.

Ba là, nhiều thành phố không phát huy tác dụng. Từ sau năm 1980, sự phát triển đô thị và việc xây dựng các thành phố mới diễn ra như một cơn sốt. Bất kỳ tỉnh hay vùng nào cũng quy hoạch, vay tiền để xây dựng các đô thị mới với kỳ vọng các thành phố này sẽ trở thành đòn bẩy kinh tế của tỉnh. Nhưng thực tế là không phải thành phố nào cũng thu hút được đầu tư. Do đó đã xảy ra tình trạng mà các chuyên gia gọi là các thành phố “bong bóng” [bubble cities]. Nhiều thành phố không tăng dân số mà chững lại và bị giảm dần khi không còn khả năng phát triển [như thành phố Chun-chon, Un-du, Ku-ăng-du, Xun-chon]

Chủ Đề