Các trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Danko City (tên thương mại của Dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thành, được đánh giá sẽ là khu đô thị lớn, hiện đại bậc nhất của TP. Thái Nguyên, do Công ty CP Tập đoàn Danko (Danko Group) đầu tư. Đây cũng là một trong những dự án được tỉnh Thái Nguyên thực hiện theo quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất trong thời gian qua. Dự án có tổng chi phí 1.299,8 tỷ đồng, tổng diện tích 49,94 ha, được công bố danh mục dự án, tổ chức sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư trong đầu năm 2019 và UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt kết quả tháng 5/2019.

Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ có tổng mức đầu tư 4.362 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 94 ha, tại Bình Định, được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư năm 2020, có kết quả vào cuối năm 2020. Nhà đầu tư được lựa chọn là Liên danh Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng - Công ty TNHH Đầu tư FPT - Công ty TNHH Phần mềm FPT.

Tháng 6/2020, Dự án Đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc (Kiên Giang) với tổng chi phí thực hiện hơn 6.800 tỷ đồng, diện tích 101 ha, chọn được nhà đầu tư là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương.

Thông qua cơ chế đấu thầu, Cao Bằng - một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế đã lựa chọn được nhà đầu tư cho nhiều dự án nhà ở thương mại, như Dự án Phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng có tổng chi phí thực hiện 514 tỷ đồng; Dự án Phát triển đô thị số 9A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng (658 tỷ đồng).

Đó chỉ là số ít trong hàng nghìn dự án khu đô thị, khu nhà ở, công trình thương mại dịch vụ... đã lựa chọn được nhà đầu tư thông qua đấu thầu. Tốc độ đô thị hóa của cả nước ngày càng cao, nhiều khu đô thị mới hiện đại đã và đang hình thành làm thay đổi diện mạo của các địa phương. Đồng thời, trong bối cảnh chưa bố trí đủ nguồn vốn giải phóng mặt bằng (GPMB) các quỹ đất lớn, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất giúp địa phương huy động được nguồn lực tư nhân thực hiện nhiều dự án xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh. Bởi vì theo quy định, sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư ứng trước toàn bộ giá trị GPMB cho đơn vị, tổ chức có chức năng theo quy định để tiến hành bồi thường, GPMB khu đất, quỹ đất thuộc dự án theo phương án dự kiến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà cơ quan nhà nước đã xây dựng.

Tính riêng năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), có tổng số 299 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng mức đầu tư khoảng 344.179 tỷ đồng và tổng diện tích đất khoảng 14.800 ha. Trong đó, 234 dự án thực hiện theo quy định của Nghị định 30/2015/NĐ-CP và 65 dự án thực hiện theo quy định của Nghị định 25/2020/NĐ-CP; 113 dự án đã ký hợp đồng, 186 dự án đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư; 227 dự án đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư, 72 dự án còn lại ở bước công bố danh mục dự án hoặc đang trong quá trình sơ tuyển nên chưa xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Trong số các dự án đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư, có 82 dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chiếm 27,4% với tổng mức đầu tư khoảng 70.891 tỷ đồng, tổng diện tích đất của các dự án khoảng 5.676 ha.

Theo Bộ KH&ĐT, số lượng dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2020 giảm 75 dự án, nhưng tổng số vốn đầu tư huy động thông qua các dự án này tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2019 (tăng 189.789 tỷ đồng). Như vậy, có thể thấy sự chuyển biến trong thực hiện dự án của các địa phương: Triển khai các dự án có quy mô lớn, mang tính đồng bộ, tổng thể thay vì chia nhỏ dự án và phải thực hiện nhiều quy trình thủ tục cho các dự án nhỏ riêng rẽ.

Hoàn thiện khung pháp lý

Ngày 16/4/2009, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 03/2009/TT-BKH tạo ra khung hướng dẫn thống nhất đầu tiên về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất. Sau đó, Luật Đấu thầu 2013 đã luật hóa quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án đất, Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định 25/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Khung pháp lý về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất ngày càng được hoàn thiện, để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, đồng thời tạo cơ chế, công cụ hữu hiệu để tăng hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng đất đai, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ nguồn lực đất đai.

Mới đây nhất, ngày 16/11/2021, Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT (TT 09) hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất được ban hành thay thế Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT. TT 09 bảo đảm thi hành thống nhất, đồng bộ và hiệu quả quy định tại các luật, nghị định mới, sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập nhằm tạo thuận lợi hơn cho quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; bảo đảm thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả kinh tế trong việc lựa chọn nhà đầu tư...

Trong báo cáo công tác đấu thầu hàng năm, các địa phương đánh giá việc ban hành các nghị định, thông tư cùng với việc triển khai thi hành các văn bản khác có liên quan trong thời gian qua đã góp phần tạo dựng khung pháp lý đồng bộ cho việc thu hút đầu tư. Đồng thời nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả kinh tế trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, qua đó góp phần thu hút nguồn lực đầu tư, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả lựa chọn nhà đầu tư, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch và danh mục dự án thu hồi đất, làm cơ sở để xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư. Tăng cường cạnh tranh thực sự trong đấu thầu, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực…

Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường đầu tư cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, cắt giảm thủ tục hành chính hơn nữa…

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành văn bản số 4925/HD-UBND ngày 23/5/2019 hướng dẫn thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Nội dung hướng dẫn như sau:

A- QUY ĐỊNH CHUNG

I. Phạm vi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh:

1. Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (có sử dụng đất) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo quy định pháp luật về đấu thầu trong các trường hợp:

a) Dự án đầu tư sử dụng các khu đất bên ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có giá trị thương mại cao thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật về đất đai (không thuộc quỹ đất do nhà nước đang quản lý).

b) Dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa gồm giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, môi trường, giám định tư pháp thuộc diện được hưởng các chính sách ưu đãi về đất (miễn hoặc giảm tiền thuê đất) và thủ tục cho nhà đầu tư thuê đất thực hiện dự án không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai.

c) Dự án kêu gọi đầu tư thuộc một số lĩnh vực thuộc diện được hưởng ưu đãi về đất (miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất) và việc cho nhà đầu tư thuê đất, lựa chọn nhà đầu tư không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai.

d) Ngoài các trường hợp trên, các khu đất do UBND tỉnh quyết định chọn thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thay cho thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất hoặc các hình thức khác.

2. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng để thực hiện dự án đầu tư và kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu thực hiện theo quy định Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm Nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu UBND Tỉnh thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.

II. Đối tượng áp dụng:

1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư quy định tại Mục I.1, phần A;

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động lựa chọn nhà đầu tư không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư chọn áp dụng quy định của Nghị định này. Trường hợp chọn áp dụng thì tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định có liên quan của Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015/NĐ- CP ngày 17/3/2015, bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

III. Các bước thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án:

1. Lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án có sử dụng đất.

2. Lập phương án sơ bộ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư có sử dụng đất (nếu có).

3. Phê duyệt giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án có sử dụng đất.

4. Sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư (nếu có).

5. Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư.

6. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư:

a) Đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa (thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản b, mục I.1, phần A):

Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư đăng ký thực hiện: trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thẩm định, tham mưu UBND tỉnh về chủ trương đầu tư dự án theo quy định pháp luật về đầu tư.

Trường hợp có 02 nhà đầu tư trở lên đăng ký thực hiện tại cùng 01 khu đất: thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế.

b) Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất khác (thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản a, c, d mục I.1, phần A):

Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển; chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển; Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn: thực hiện theo hình thức chỉ định thầu.

Trường hợp có 02 nhà đầu tư trở lên đăng ký vào cùng 01 khu đất: thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế.

7. Đàm phán, hoàn thiện, kết hợp đồng dự án.

IV. Hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:

Hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 30/2015/NĐ-CP:

1. Chỉ định nhà đầu tư: trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển; hoặc chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển; hoặc chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu.

2. Đấu thầu rộng rãi trong nước: trong lĩnh vực đầu tư mà pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện; hoặc Nhà đầu tư nước ngoài không tham dự sơ tuyển quốc tế hoặc không trúng sơ tuyển quốc tế; hoặc Dự án đầu tư có sử dụng đất mà sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) dưới 120.000.000.000 (một trăm hai mươi tỷ) đồng.

3. Đấu thầu rộng rãi quốc tế: trừ các trường hợp quy định thực hiện hình thức chỉ định nhà đầu tư và đấu thầu rộng rãi trong nước.

4. Bên mời thầu đề xuất hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trước khi trình thấm định và phê duyệt theo quy định.

V. Thẩm quyền trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:

1. UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh là người có thẩm quyền quyết định phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc ủy quyền cho người đứng đầu của bên mời thầu phê duyệt.

2. Tùy theo tính chất, quy mô dự án, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở chuyên ngành hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố làm Bên mời thầu, thực hiện trách nhiệm của bên mời thầu, cụ thể như sau:

- Cơ quan nhà nước được Ủy ban nhân dân tỉnh giao làm bên mời thầu dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện trách nhiệm của bên mời thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và pháp luật khác có liên quan về các nhiệm vụ được giao. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật có liên quan về nội dung được giao nhiệm vụ. Bên mời thầu có thể lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập có đủ năng lực để thực hiện một số hoặc toàn bộ nội dung công việc thuộc trách nhiệm của mình.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với bên mời thầu có trách nhiệm xác định giá đất cụ thể để đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất; gửi Hội đồng thẩm định giá đất tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Đối với các trường hợp dự án được hưởng các chính sách ưu đãi về đất, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở quản lý chuyên ngành xác định các điều kiện để được hưởng ưu đãi về đất, các điều kiện cho nhà đầu tư thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để làm cơ sở áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng lập phương án sơ bộ về bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, trên cơ sở đề nghị của bên mời thầu để làm cơ sở lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

5. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập phương án sơ bộ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư có sử dụng đất đầu tư xây dựng trên khu đất đang quản lý hoặc dự án đầu tư trên địa bàn từ 02 huyện trở lên, trên cơ sở đề nghị của bên mời thầu làm cơ sở lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt các công việc:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án do Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người có thẩm quyền.

b) Hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời yêu cầu, danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án do Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người có thẩm quyền.

VI. Thời gian thực hiện trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:

Theo quy định tại điều 6, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

B- QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ:

I. Lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất:

1. Căn cứ lập danh mục:

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

- Kế hoạch sử dụng đất hàng năm, danh mục dự án cần thu hồi đất đã được phê duyệt;

- Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (nếu có).

2. Lập và phê duyệt danh mục:

- Các Sở chuyên ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất dự án sử dụng khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao cần lựa chọn nhà đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất. Nội dung đề xuất dự án phải gồm các thông tin như; Tên dự án, địa điểm thực hiện dự án, diện tích khu đất, chức năng sử dụng đất, các chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt, hiện trạng khu đất, các thông tin cần thiết khác; (trong đó yêu cầu đề xuất rõ đơn vị được giao nhiệm vụ làm bên mời thầu đối với từng dự án sử dụng đất theo nguyên tắc quy định tại mục V.2, phần A văn bản này).

- Các dự án sử dụng đất đề xuất phải phù hợp theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 10 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

- Trường hợp dự án do các địa phương, đơn vị đề xuất đưa vào danh mục nhưng chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm, chưa có trong danh mục dự án cần thu hồi đất đã được phê duyệt; Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra rà soát, đánh giá về sự cần thiết, xác định sự phù hợp với các quy hoạch và các điều kiện khác có liên quan; tham mưu đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý cụ thể.

3. Công bố danh mục dự án: Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang web của Sở Kế hoạch và Đầu tư không muộnhơn 07 ngày làm việc kể từ ngày danh mục được phê duyệt.

Khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư quan tâm. Nội dung công bố phải bao gồm các thông tin về: Địa điểm thực hiện dự án, diện tích khu đất, chức năng sử dụng đất, các chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt, hiện trạng khu đất, các thông tin cần thiết khác.

4. Đối với việc lập, phê duyệt danh mục dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa: được thực hiện theo trình tự quy định tại Quy chế phối hợp trong thực hiện thủ tục đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp của UBND tỉnh phê duyệt.

II. Lập phương án sơ bộ bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư có sử dụng đất và tài sản trên đất (nếu có):

1. Trên cơ sở danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Bên mời thầu chủ động phối hợp với UBND cấp huyện hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (cơ quan được giao nhiệm vụ theo quy định tại khoản 4, khoản 5 mục V, phần A) trong việc lập phương án sơ bộ về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để làm cơ sở lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.

2. Việc xác định chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng căn cứ theo quy định của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Tỉnh và các quy định hiện hành.

III. Phê duyệt giá đất để đấu thầu dự án sử dụng đất

Tùy vào hình thức thuê đất được xác định theo từng dự án cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bên mời thầu chịu trách nhiệm xác định giá đất cụ thể để đấu thầu dự án có sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

Trên cơ sở danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất được UBND tỉnh phê duỵệt, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với bên mời thầu xác định giá đất cụ thể để đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất; Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Hội đồng giá thẩm định giá đất thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

IV. Sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư

1. Áp dụng sơ tuyển:

a) Trên cơ sở danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất được phê duyệt, bên mời thầu tiến hành thủ tục sơ tuyển theo quy định. Việc sơ tuyển nhà đầu tư được thục hiện trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư để xác định các nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của dự án và mời tham gia đấu thầu rộng rãi theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 hoặc chỉ định nhà đầu tư theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

b) Hình thức sơ tuyển:

+ Sơ tuyển trong nước: áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư mà pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện.

+ Sơ tuyển quốc tế: áp dụng đối với các dự án sử dụng đất, trừ trường hợp không áp dụng sơ tuyển hoặc đã áp dụng sơ tuyển trong nước.

c) Không áp dụng sơ tuyển đối với dự án đầu tư có sử dụng đất mà sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) dưới 120.000.000.000 (một trăm hai mươi tỷ) đồng.

2. Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển và công khai danh sách ngắn:

a) Bên mời thầu chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị liên quan hoặc thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời sơ tuyển. Nội dung hồ sơ mời thầu sơ tuyển thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả sơ tuyển theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 82 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

c) Sau khi hồ sơ mời sơ tuyển được UBND tỉnh phê duyệt, bên mời thầu tổ chức mời sơ tuyển và mở thầu, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, bên mời thầu lập Tờ trình thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt kết quả sơ tuyển.

d) Việc trình, thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển và công khai danh sách ngắn thực hiện theo Điều 21 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ. Kết quả sơ tuyển phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả sơ tuyển. Trường hợp lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản trình thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển phải bao gồm tên các nhà đầu tư trúng sơ tuyển và các nội dung cần lưu ý (nếu có). Trường hợp không lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản phê duyệt kết quả sơ tuyển phải nêu rõ lý do không lựa chọn được danh sách ngắn.

Danh sách ngắn được bên mời thầu đăng tải công khai theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 4 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ và gửi thông báo đến các nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển.

đ) Trường hợp tại thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển, thì bên mời thầu báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 87 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

V. Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

1. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư: Bên mời thầu đề xuất hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt làm cơ sở triển khai lựa chọn nhà đầu tư. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 30/2015/NĐ- CP

2. Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư:

a) Bên mời thầu căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ, tiến hành lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

b) Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 16/2016/TT-BKHĐT ngày 16/12/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; cụ thể như sau:

- Tên dự án.

- Giá sàn = m1 + m2, trong đó:

  + m1 là sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng), m1 do bên mời thầu xác định đối với từng dự án cụ thể bảo đảm phát huy khả năng, hiệu quả sử dụng tối đa khu đất, quỹ đất, diện tích đất, hệ số sử dụng đất và quy hoạch không gian sử dụng đất căn cứ vào quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (nếu có) được phê duyệt;

  + m2 là toàn bộ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng do bên mời thầu xây dựng căn cứ phương án quy định tại mục II, phần A văn bản này.

Trường hợp giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng thực tế thấp hơn mức giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư đề xuất thì phần chênh lệch sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cao hơn mức giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư đề xuất thì nhà đầu tư phải bù phần thiếu hụt. Nhà đầu tư sẽ được khấu trừ giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng thực tế vào tiền thuê đất nhưng không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai.

c) Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chỉ định thầu; đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

d) Phương thức lựa chọn nhà đầu tư: Áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ trong trường hợp chỉ định thầu; Áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ trong trường hợp đấu thầu rộng rãi.

đ) Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư: được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, được ghi rõ theo tháng hoặc quý trong năm.

e) Loại hợp đồng: Áp dụng theo quy định tại Điều 68 của Luật Đấu thầu.

g) Thời gian thực hiện hợp đồng: Là số năm hoặc tháng tính từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.

3. Hồ sơ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư bao gồm văn bản trình duyệt và các tài liệu kèm theo. Văn bản trình phê duyệt bao gồm tóm tắt về quá trình thực hiện và các nội dung kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ; Tài liệu kèm theo bao gồm các bản chụp làm căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 30/2015/NĐ- CP.

VI. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư

1. Các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư:

a) Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển; chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển;

b) Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu;

b) Dự án do nhà đầu tư đề xuất đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất bao gồm dự án đầu tư có sử dụng đất có mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu. Dự án khả thi và hiệu quả cao nhất được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Nhà đầu tư đề xuất giá dịch vụ hoặc vốn góp của Nhà nước hoặc lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước hợp lý;

- Đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo.

2. Quy trình chi tiết chỉ định nhà đầu tư:

a) Bên mời thầu nêu rõ hình thức chỉ định nhà đầu tư trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt làm cơ sở triển khai lựa chọn nhà đầu tư.

b) Chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm: Lập hồ sơ yêu cầu; Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu.

c) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm: Phát hành hồ sơ yêu cầu; Tiếp nhận, quản lý hồ sơ yêu cầu; Mở hồ sơ đề xuất.

d) Đánh giá hồ sơ đề xuất và đàm phán sơ bộ hợp đồng.

e) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả chỉ định nhà đầu tư.

f) Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục 1 đính kèm).

VII. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi

1. Các trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi:

a) Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, trừ các trường hợp đấu thầu rộng rãi trong nước nêu tại khoản 2, mục I vả chỉ định nhà đầu tư nêu trên.

b) Áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước trong các trường hợp sauđây:

- Lĩnh vực đầu tư mà pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện;

- Nhà đầu tư nước ngoài không tham dự sơ tuyển quốc tế hoặc không trúng sơ tuyển quốc tế;

- Dự án đầu tư có sử dụng đất mà sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) dưới 120.000.000.000 (một trăm hai mươi tỷ) đồng.

2. Quy trình chi tiết đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư:

a) Bên mời thầu nêu rõ hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (trong nước hay quốc tế) trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt làm cơ sở triên khai lựa chọn nhà đầu tư.

b) Chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm:

- Lập hồ sơ mời thầu;

- Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.

c) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm:

- Mời thầu;

- Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;

- Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;

- Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

d) Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:

- Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

- Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

- Thẩm định, phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

đ) Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại, bao gồm:

- Mở hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại;

- Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại;

- Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại và xểp hạng nhà đầu tư;

- Đàm phán sơ bộ hợp đồng.

e) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

f) Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng, bao gồm:

- Đàm phán, hoàn thiện hợp đồng;

- Ký kết hợp đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục 2 đính kèm).

VIII. Đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng

1. Sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, bên mời thầu tổ chức đàm phán, hoàn thiện hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn. Nội dung đàm phán, hoàn thiện hợp đồng thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 69 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

2. Sau khi đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, bên mời thầu gửi Dự thảo Hợp đồng xin ý kiến của Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư; hoàn thiện đảm bảo theo quy định tại các Điều 69, 70, 71 và 72 của Luật Đấu thầu; trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Nhà đầu tư trúng thầu triển khai thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại hợp đồng, pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

C- GIÁM SÁT, THEO DÕI HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền để giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư.

2. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cử đơn vị có chức năng quản lý về hoạt động đấu thầu tham gia giám sát, theo dõi việc thực hiện quá trình lựa chọn nhà đầu tư đối với nội dung quy định tại khoản 3 Điều này để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

3. Các nội dung trong hoạt động lựa chọn nhà đầu tư phải giám sát, theo dõi bao gồm:

a) Lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

c) Thẩm định và phê duyệt kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

d) Kết quả đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

4. Phương thức giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu:

a) Bên mời thầu có trách nhiệm công khai tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi cho các nhà đầu tư đã mua hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Bên mời thầu có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi khi nhận được yêu cầu bằng văn bản;

c) Khi phát hiện hành vi, nội dung không phù hợp quy định của pháp luật về đấu thầu, cá nhân hoặc đơn vị thực hiện việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời bằng văn bản đến người có thẩm quyền để có những biện pháp xử lý thích hợp, bảo đảm hiệu quả của quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

5. Trách nhiệm của cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu: Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 96 Nghị định sổ 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

D- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước, các quy định của UBND tỉnh và văn bản này trong quá trình thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

2. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý chuyên ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện các nội dung được giao nhiệm vụ tại văn bản này.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện văn bản này, nếu có vướng mắc phát sinh thì các cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để hướng dẫn giải quyết hoặc tổng hợp, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo quy định./.

(Kèm theo: Phụ lục 1, Phụ lục 2)

PHỤ LỤC 1
CHỈ ĐỊNH NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ SỬ DỤNG ĐẤT 

I. Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu

1. Lập hồ sơ yêu cầu:

Giao bên mời thầu phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức lập hồ sơ yêu cầu, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt, Nội dung hồ sơ yêu cầu thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 76 Nghị định số 30/2015/NĐ- CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

2. Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu:

Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ yêu cầu (trong trường hợp cần thiết có thỂ lấy ý kiến của các ngành liên quan). Nội dung thẩm định thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Nghị định số 30/2015/NĐ- CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

II. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư

1. Bên mời thầu phát hành hồ sơ yêu càu cho nhà đầu tư đã được xác định.

2. Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.

III. Đánh giá hồ sơ đề xuất và đàm phán sơ bộ hợp đồng

1. Bên mời thầu tiến hành mở thầu, đánh giá hồ sơ đề xuất. Việc đánh giá hồ sơ đề xuất phải được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu. Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà đầu tư đến làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất.

2. Việc đàm phán sơ bộ hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 66 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

IV. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả chỉ định nhà đầu tư

1. Bên mời thầu lập báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất (bao gồm đàm phán sơ bộ hợp đồng), lập tờ trình thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư.

2. Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

V. Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng

1. Sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, giao bên mời thầu tổ chức đàm phán, hoàn thiện hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn. Nội dung đàm phán, hoàn thiện hợp đồng thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 69 Nghị định số 30/2015/NĐ- CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

2. Sau khi đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, bên mời thầu trình UBND tỉnh xem xét, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định tại các Điều 69, 70, 71 và 72 của Luật Đấu thầu. Nhà đầu tư trúng thầu triển khai thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại hợp đồng, pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

PHỤ LỤC 2
ĐẤU THẦU RỘNG RÃI LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ SỬ DỤNG ĐẤT

I. Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu

1. Giao bên mời thầu phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức lập hồ sơ mời thầu, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Nội dung hồ sơ mời thầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

2. Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ mời thầu (trong trường hợp cần thiểt có thể lấy ý kiến của các ngành liên quan), trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

II. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, mở và đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật; trình thẩm định, phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật

1. Sau khi hồ sơ mời thầu được UBND tỉnh phê duyệt, giao bên mời thầu tiến hành phát hành hồ sơ mời thầu; mở, đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật; việc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật tuân thủ theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 30/2015/NĐ- CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

2. Thẩm định, phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật:

Bên mời thầu lập báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật gửi Sở Kể hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Việc thẩm định danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

III. Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính - thương mại

1. Sau khi danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được phê duyệt, giao bên mời thầu tiến hành mở và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính - thương mại. Việc mở và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính - thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

2. Đàm phán sơ bộ hợp đồng: Bên mời thầu tiến hành đàm phán sơ bộ hợp đồng với nhà đầu tư. Nội dung và nguyên tắc đàm phán sơ bộ hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 66 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

IV. Thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư

1. Bên mời thầu lập báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất thương mại - tài chính (bao gồm đàm phán sơ bộ hợp đồng), Tờ trình thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

2. Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5 và 6 Điều 42 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

3. Nội dung Tờ trình thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 Nghị định sổ 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

V. Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng

1. Sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, giao bên mời thầu tổ chức đàm phán, hoàn thiện hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn. Nội dung đàm phán, hoàn thiện hợp đồng thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 69 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.

2. Sau khi đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, bên mời thầu trình UBND tỉnh xem xét, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định tại các Điều 69, 70, 71 và 72 của Luật Đấu thầu. Nhà đầu tư trúng thầu triển khai thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại hợp đồng, pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật khác có liên quan.