Cách làm từ thiện có ý nghĩa

Hội Chữ thập đỏ TPHCM trao quà cho người dân bị lũ lụt năm 2020 tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

[Stxdd.thanhuytphcm.vn] - Hoạt động từ thiện xã hội là hoạt động nhân đạo, phù hợp với văn hóa, đạo đức của nhân dân ta, nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước giải quyết các khó khăn cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về điều kiện cơ sở hạ tầng, các điều kiện chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt trong hoàn cảnh bị thiệt hại do thiên tai, dịch họa. Sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong thời gian qua ngoài giá trị bằng vật chất to lớn, còn phản ảnh về mặt tinh thần, cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời truyền cảm hứng của lòng yêu nước, sự đoàn kết thương yêu nhau trong nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân thực hiện công tác từ thiện xã hội không có động cơ, mục đích trong sáng, đánh bóng tên tuổi, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, trong đó cụ thể là các địa phương có người dân cần được giúp đỡ. Hệ lụy của tình trạng này là nội bộ của người dân giữa người được giúp đỡ, người chưa được giúp đỡ, người không có lý do gì để được giúp đỡ, bị rạn nứt, tình làng nghĩa xóm bị nhạt phai. Ngay cả những cá nhân tổ chức giúp đỡ trực tiếp cũng gặp không ít phiền toái về tính công khai minh bạch, những khiếu nại của người dân về những điều có liên quan. Các tồn tại, hạn chế về việc cá nhân trực tiếp tổ chức vừa qua đang gây bức xúc với nhiều ý kiến khác nhau, tựu trung là mong muốn nâng cao vai trò nhà nước trong việc quản lý vấn đề này một cách chặt chẽ để việc làm tốt đẹp giúp đỡ người dân, địa phương trong lúc bị hoạn nạn được phát huy, tình nghĩa đồng bào được thắt chặt, niềm tin của người dân, của các tổ chức tham gia đóng góp sẽ được giữ vững, tăng lên.

Vì vậy, về quy định pháp luật, đề nghị cần sửa đổi Nghị định 64/2008/NÐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, sao cho vừa huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia, vừa bảo đảm việc quản lý, giám sát các hoạt động theo đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng vận động quyên góp, phân phối, cứu trợ để trục lợi hoặc thực hiện các mưu đồ, mục đích khác gây mất an ninh, trật tự ở địa phương. Ðồng thời, để giúp nâng cao hiệu quả, tăng tính minh bạch trong các hoạt động từ thiện, Chính phủ cũng từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động từ thiện.

Hội Chữ thập đỏ TPHCM tiếp nhận ủng hộ hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2021 từ các cấp hội chữ thập đỏ và các doanh nghiệp. [Ảnh: voh.com.vn]

Khi các quy định được rõ ràng, các cá nhân có uy tín, tên tuổi trong xã hội cũng có thể tham gia các hoạt động xã hội một cách tích cực nhất, góp phần nâng cao uy tín trách nhiệm của cá nhân trong nghề nghiệp của mình. Những người muốn tham gia đóng góp có thể tìm hiểu, gia nhập các tổ chức có chức năng thực hiện hoạt động xã hội từ thiện để tích cực giới thiệu vận động và cùng tổ chức đó [như hội chữ thập đỏ các cấp] để tổ chức làm việc, khảo sát, thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện tại các địa phương, có sự giám sát, kiểm tra của nhà nước, có công khai minh bạch cụ thể sau mỗi lần tổ chức một cách kịp thời, đầy đủ. Họ cũng có thể làm cầu nối giữa tổ chức có chức năng nhiệm vụ tổ chức hoạt động từ thiện và địa phương, cá nhân cần giúp đỡ, tham gia trong công tác quản lý hoạt động xã hội từ thiện đó.

Tại một số quốc gia khác, có nhiều trường hợp người có địa vị xã hội, người nổi tiếng, nhất là các cá nhân làm công tác nghệ thuật, thể dục thể thao đã phối hợp để tổ chức các chương trình, sự kiện vận động ủng hộ, bán đấu giá kỷ vật; tất cả nguồn vận động đều được thực hiện ủng hộ bằng các nội dung cụ thể, được công bố các đối tượng hưởng thụ biết và công khai rộng rãi trên mạng xã hội... Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ TPHCM sẽ nghiên cứu tổ chức và rất mong được các doanh nghiệp, doanh nhân, các văn nghệ sĩ, các vận động viên đạt thành tích cao, người nổi tiếng quan tâm, ủng hộ, cùng bàn bạc thảo luận tổ chức để đạt hiệu quả tốt.

Thời gian qua, những sự cố không lường của Hội Chữ thập đỏ thành phố trong việc tổ chức vận động về cơ bản ít xảy ra, vì quy trình tổ chức vận động, điều phối, tổ chức chăm lo đã được hệ thống hội chữ thập đỏ thành phố thiết lập, các khâu trong hệ thống vận động, điều phối, tổ chức chăm lo, hệ thống các văn bản, chứng từ đều được quy định rõ ràng. Áp lực của đơn vị tiếp nhận và phân phối tiền, hàng một mặt là phải đáp ứng các yêu cầu chính đáng của đơn vị, cá nhân ủng hộ cho Hội để thực hiện nhiệm vụ cứu trợ, hỗ trợ và giữa các yêu cầu và các quy định pháp luật phải được đảm bảo. Trong đó, yêu cầu về thời gian thực hiện, kinh phí chuyên chở hàng hóa, có nhận sự tham gia cùng đối tác để đến tận nơi khảo sát, kiểm tra và tổ chức trao tặng, trong đó chính là thuyết phục đơn vị vận động chuyển hướng đến các địa bàn, đối tượng còn gặp nhiều khó khăn hơn so với dự tính ban đầu, vì cơ sở, địa phương đó đã được nhiều đơn vị, cá nhân ủng hộ rất nhiều hay các hàng hóa đã thừa không phù hợp với nhu cầu của người dân, người thụ hưởng trong thời điểm đó.

Chẳng hạn, mới đây, có đơn vị đề nghị thực hiện thăm tặng quà nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại các cơ sở nhà mở, tuy nhiên nhằm thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Hội đã thuyết phục để đơn vị có thư ngỏ thăm hỏi và chuyển quà tận nơi, nhưng đối tác đề nghị đi bằng được. Với những trường hợp như vậy, Hội không đồng ý phối hợp, vì giữ gìn sức khỏe cho các cháu, nhất là các cháu có sẵn bệnh nền, phải bảo đảm an toàn là điều rất quan trọng.

Để vận động thực hiện các hoạt động thiện nguyện được tốt, trước hết cần tuân thủ pháp luật, câu hỏi đầu tiên là tổ chức, cá nhân đó có cơ sở pháp lý, chức năng để thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ trong tình huống có thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc chăm lo bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo hay không nhằm đảm bảo không gặp rắc rối về pháp lý khi có các sự việc không tốt xảy ra trước, trong và sau khi thực hiện công tác thiện nguyện. Hai là, phải có cơ sở, chủ trương, nắm được nhu cầu thực tế về việc giúp đỡ đối với các cá nhân, địa phương cần được hỗ trợ giúp đỡ. Ba là, xây dựng kế hoạch bám theo quy trình từ vận động, phân phối, thực hiện các quyết toán, công khai minh bạch. Bốn là, phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền tại nơi làm công tác xã hội để đảm bảo được an ninh trật tự; bảo đảm về đối tượng, tất nhiên bên hỗ trợ phải làm công tác giám sát, kiểm tra ngẫu nhiên hoặc nghi ngờ có sự khuất tất thì có biện pháp kiểm tra phối hợp cấp ủy, chính quyền xử lý. Năm là, phải đảm bảo trao đúng, đủ về tiền và đối với hàng hóa còn phải đảm bảo chất lượng, giá trị món quà hoặc giá trị các công trình, dự án. Sáu là, phải phối hợp thực hiện công tác quyết toán tài chính, công khai minh bạch từ trong nội bộ đến thông tin đến các đối tác, trong một số trường hợp thông tin trên hệ thống truyền thông.

Trần Trường SơnChủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề