Cách lấy xương cá cho bé ăn dặm

Trẻ con khi bắt đầu ăn được đồ ăn thô thì rất hay bị hóc, sặc do ăn uống vội vàng hoặc nhai không kỹ, mà nhất là hầu như đứa trẻ nào cũng bị hóc xương cá. Mà bình thường khi bị hóc xương cá, người lớn rất hay dùng các mẹo dân gian để chữa, tuy nhiên nếu không cẩn thận thì rất dễ xảy ra những hậu quả đáng tiếc.


Như lúc con em mới ăn dặm, em cũng hay mua cá về nấu cho con, khi cá hồi, khi cá lóc, cá bóp, cá thu, Mỗi lần chế biến là em phải rửa tay sạch sẽ xong dùng tay làm nát miếng cá ra để tìm xương bỏ ra ngoài, có nhiều hôm em tìm xương rồi cho vào nồi nấu lại với rau và cháo, xong lúc múc ra chén cho con lại vô tình thấy xương, cũng may là mắt em còn tinh chứ thằng nhỏ mới mấy tháng thì làm sao mà tự lừa xương ra khỏi miệng. Nay con em hơn 2 tuổi rồi, khôn lắm nha, bữa cho ăn cháo còn dính xương, em đút vào cho ăn mà thấy nhóc cứ lấy tay cho vào miệng như bốc bốc cái gì á, em la cho mấy lần cũng không bỏ tay ra, ai dè tí con em nó chìa tay đưa ra cọng xương cá cho em, hú hồn hú vía!


Mà người lớn trong nhà em cũng quan niệm mỗi lần hóc xương cá là lấy cục cơm to nuốt vào, hoặc uống một cốc nước đầy để trôi xương. Sai lầm hết nha các mẹ, không khéo phải đi mổ gắp xương đấy! Để em kể chuyện này cho các mẹ nghe học hỏi kinh nghiệm luôn này:


Hôm nhà em có khách đến chơi, anh này là là anh họ của chồng em, làm bác sĩ nha, anh dắt theo thằng con 3 tuổi đến chơi, để chơi cùng với con em á mà. Hôm ấy em làm món cá chiên, thằng bé kia vốn thích ăn cá lắm nên ăn nhiệt tình và hào hứng lắm, em còn nghĩ thầm là phải chi thằng con em nó ăn được như anh họ của nó chắc em mừng lắm. Đang lúc ông anh vào toilet thì thằng nhóc òa lên khóc và còn nôn mửa nữa, thằng bé cứ lấy tay cho vào miệng. Theo quan sát và kinh nghiệm nuôi con, em chắc chắn là thằng bé bị hóc xương cá rồi. Thấy thế, má chồng em cũng đang ngồi ăn cơm cùng mới lật đật cho thằng bé ăn một nắm cơm thật to để hy vọng làm xương trôi đi.


Thằng bé vừa ăn vừa khóc to dã man ấy, má em đang tính cho ăn miếng thứ hai thì ông anh bước ra từ toilet do nghe tiếng con khóc lớn. Mặt anh biến sắc, và chạy ào đến ngăn má em lại ngay lập tức, vừa ngăn anh vừa nói Bác ơi, đừng làm thế, chết con cháu đấy!. Anh nói rằng, khi trẻ bị hóc thì đừng bao giờ cho trẻ ăn bất cứ thứ gì để xử lý, nếu không xương có thể sẽ đâm rách thực quản và mạch máu.


Anh ấy nói với em là mắt thường không nhìn thấy xương cá nên cần đưa con tới bệnh viện để khám. Vì thằng bé vẫn còn khóc to nên gia đình em vội vội vàng vàng đưa cháu tới bệnh viện gần nhà. Bác sĩ sau khi khám nội soi, phát hiện một đoạn xương cá hình chữ s đã đâm rách thực quản và cũng tới gần động mạch bên cạnh thực quản. Sau khi được bác sĩ lấy ra cả gia đình em thở phào một hơi dài!


Trên đường từ bệnh viện trở về, anh kể hơn 10 năm trước anh ấy có từng tiếp nhận một ca của một cậu bé 7 tuổi. Đứa trẻ này liên tục bị sốt cao, làm nhiều cách hạ sốt và uống thuốc cũng không có hiệu quả, các bác sĩ cũng không tìm được nguyên nhân. Bố mẹ cậu bé cũng cho biết rằng bé không bị bệnh gì trước đó cả, tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đứa trẻ này sau khi nằm viện hơn một tuần, đột nhiên miệng có máu tươi chảy ra, sau đó động mạch cổ đập yếu ớt, hơn 10 phút sau thì bắt đầu bị hôn mê. Anh họ em khẳng định với gia đình rằng trước khi phát sốt bé chắc chắn đã gặp chuyện gì đó khác thường và yêu cầu gia đình nhớ kỹ lại. Đến lúc này người mẹ mới kể rằng:


Buổi tối hôm trước khi cậu bé bị sốt, cậu bé đã bị hóc xương cá tại cổ họng. Người mẹ thấy con bị như vậy đã cho con nuốt một miếng cơm to để cho xương trôi vào bên trong. Vì nghĩ rằng trẻ hóc xương cá là chuyện rất nhỏ, chỉ cần như vậy là xong, trước đây người ta toàn làm như vậy. Nhưng mà, cậu bé này vẫn bị đau, không thể ăn được và đến ngày hôm sau thì bắt đầu bị sốt. Bố mẹ cậu bé không hề nghĩ rằng việc phát sốt này có liên quan đến việc bị hóc xương cá nên cũng cứ để vậy đến hôm sau nữa mới đưa con đi khám xét.


Quả nhiên, sau khi nghe người mẹ kể như vậy thì anh ấy đã kiểm tra trong thực quản và phát hiện đúng là có một dị vật nằm trong đó. Dị vật này chính là miếng xương cá lớn, xung quanh còn có máu. Sau đó các bác sĩ dốc hết sức cứu chữa mà vẫn thất bại.


Em nghe xong mà điếng hồn luôn, cũng may là thằng con anh không sao, chứ không gia đình em không biết ăn nói thế nào, em cũng lấy làm bài học để sau này chăm con.


Theo anh khi trẻ con mắc xương cá thì thời điểm ban đầu vị trí của xương là tương đối nông, thường thấy nhất là ở chỗ gần amidan, nếu như kịp thời xử lý thì sẽ lấy ra rất dễ dàng. Ngược lại, nếu cho trẻ nuốt thức ăn lớn thì sẽ khiến xương càng vào sâu hơn, xương cá sẽ đâm xuyên qua niêm mạc, đẩy qua cổ họng rồi vào thực quản, khiến cho việc lấy ra khó khăn hơn nhiều.


Ngoài ra xung quanh cổ họng và thực quản có rất nhiều mạch máu, xương cá sau khi đâm vào mạch máu sẽ gây ra xuất huyết, hoặc đâm rách niêm mạc gây ra nhiễm trùng, sưng mủ, cuối cùng có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.


Vì thế khi thấy con bị hóc xương cá, các mẹ có thể dùng ngón tay sạch sẽ của mình cho vào trong miệng con và chặn cái lưỡi lại để khiến cho con nôn mửa ra ngoài. Nếu đã làm vậy mà xương cá không nôn ra, con vẫn khóc và nôn mửa thì các mẹ nên đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ xử lý ngay nhé!


Đi làm về nghe má chồng bảo con ở nhà bị cảm nặng, tối lên phòng nhìn lưng con khiến em điếng người!


10 cách rèn con thông minh được khoa học chứng minh


Kinh nghiệm chữa quai bị cho con 5 ngày là khỏi, chẳng lo vô sinh

Chủ Đề