Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tự Nam nào



Ngày 2-9-1945tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản
Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp, linh hoạt. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945. Về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc ta và có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất, một điểm sáng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là một bước ngoặt lịch sử, đã mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra đời. Đại biểu cho cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Những tư tưởng về quyền con người đã được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 là "những tư tưởng bất hủ", những "lẽ phải không ai chối cãi được". Nhưng dân tộc có được độc lập thì con người mới có thể có tự do, hạnh phúc. Không thể có được quyền con người, quyền công dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Con người ở đây phải là mọi người. Trước hết là những người lao động bị áp bức, bóc lột chiếm đại bộ phận trong nhân dân Việt Nam. Độc lập-tự do-hạnh phúc, những nội dung ấy đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền con người, quyền công dân. Đó cũng là tư tưởng bất hủ mà Hồ Chí Minh đã đặt ra với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và đứng vào hàng ngũ tiên phong của các dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thực sự là một mũi đột phá vào khâu yếu nhất của chủ nghĩa thực dân, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo giành được thắng lợi đầu tiên ở thế kỷ XX, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, như Hồ Chí Minh đã xác định ngay từ khi Người mới tìm thấy con đường cứu nước. Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, là một đóng góp có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam vào việc mở ra một thời đại thắng lợi của độc lập dân tộc, của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nhưng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là sự kết thúc, mà mới chỉ là sự mở đầu cho thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công khẳng định sự vận dụng tài tình nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng ta. Thời điểm này, phong trào cách mạng nước ta đã lên tới cao trào, quần chúng cách mạng, mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng hành động với một khí thế chưa từng có. Lực lượng cách mạng đã lôi kéo được các tầng lớp trung gian, trước đó còn lừng chừng, ngả hẳn về phía cách mạng. Đảng Cộng sản Đông Dương có kế hoạch cử cán bộ chủ chốt về các địa phương lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Đó là lúc quân Anh chưa vào miền Nam và quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật, cũng là lúc quân Nhật bại trận, mất tinh thần, ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí, ngụy quyền tay sai bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng. Nhờ vậy, sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước một cách nhanh, gọn, ít đổ máu và thành công triệt để.

Đảng ta đã sử dụng phương thức quân sự, chính trị phối hợp, đồng thời với đòn tiến công của LLVT cách mạng và sự nổi dậy của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó, lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, tiến hành mít tinh, biểu tình, thị uy, bao vây các công sở, gây sức ép, kêu gọi địch đầu hàng, tuyên truyền thanh thế của cách mạng, thị uy biểu dương lực lượng. LLVT làm hậu thuẫn cho lực lượng chính trị nổi dậy và giải quyết các tình thế đột xuất: Diệt ác ôn trừ gian, bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân.

Việc chọn địa bàn Tổng khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị với tinh thần đồng loạt nổi dậy. Khi nhận được “Quân lệnh số 1”, cả nước đều nhất loạt khởi nghĩa, làm cho quân Nhật không kịp trở tay, không còn khả năng giải tỏa, ứng cứu chi viện cho nhau. Mục tiêu khởi nghĩa được chọn là các cơ quan đầu não, các công sở chính quyền địch, như ở Hà Nội là Tòa Khâm sai, Phủ Toàn quyền và các cơ quan đầu não ở các tỉnh, thành phố... Việc lựa chọn mục tiêu chính xác góp phần thúc đẩy Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng trên cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, là tài sản vô giá trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng bài học của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta cần tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khơi dậy lòng tự tin dân tộc…, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.



Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

[ĐCSVN] - Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự kết hợp gắn bó hữu cơ giữa hai quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa không chỉ là minh chứng cho sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa giai cấp với dân tộc mà còn là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Đây là một trong những đóng góp xuất sắc của Người vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho thành công của cách mạng Việt Nam.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với cách mạng xã hội chủ nghĩa được hình thành và phát triển từ cơ sở lý luận, thực tiễn của mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược [1858] và đặt ách thống trị ở nước ta cho đến đầu thế kỷ XX, các ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và tư sản đã liên tục dấy lên. Nhân dân ta đã chiến đấu rất quyết liệt và anh dũng, song tất cả đã bị đàn áp đẫm máu và thất bại. Bởi lẽ lãnh đạo các cuộc kháng chiến là các sỹ phu, văn thân mang nặng ý thức hệ phong kiến hoặc ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản, đường lối cứu nước không rõ ràng. Thực tiễn lịch sử các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến đầu thế kỷ XX đã chứng tỏ rằng, không thể giải quyết vấn đề dân tộc, giành độc lập dân tộc dựa trên những quan điểm phong kiến, hay tư sản.

Lịch sử dân tộc đặt ra một đòi hỏi cần có một lực lượng lãnh đạo đất nước với một con đường cứu nước mới, có khả năng tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân tộc để đưa dân tộc ta đến độc lập tự do thực sự. Trong điều kiện lịch sử ấy, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước. Điểm xuất phát và là động lực tinh thần của sự ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân của Hồ Chí Minh là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Người đặt cho mình cái tên Nguyễn Ái Quốc là để luôn nhắc nhở bản thân và cổ vũ đồng bào mình. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đã nghiên cứu khảo sát nhiều cuộc cách mạng trên thế giới. Nghiên cứu cuộc đấu tranh giành độc lập của nước Mỹ 1776, cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789, Người đã chỉ ra rằng, mặc dù cách mạng tư sản đã thành công, chủ nghĩa tư bản đã xây dựng và phát triển hàng trăm năm ở những nước này, nhưng “công nông vẫn cực khổ”, vì tính chất không triệt để của cách mạng tư sản, trong thì “tước lục công nông, ngoài thì áp bức thuộc địa”.

Nghiên cứu Cách mạng Nga và Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, Người dã rút ra kết luận quan trọng: Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như thực dân Pháp khoe khoang bên An Nam. Người rút ra kết luận: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới”[1]. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người tiếp tục khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là cách mạng vô sản”[2].

Tư tưởng này của Người đã chỉ ra rằng, ở Việt Nam cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa địa chủ với nông dân, giữa giai cấp vô sản với tư sản, giữa toàn dân tộc với thực dân đế quốc xâm lược phải theo lập trường của giai cấp công nhân. Cuộc cách mạng đó phải dựa vào lực lượng của toàn dân tộc, của nhân dân, nòng cốt là liên minh công nông do chính Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin - hệ tư tưởng của giai cấp công nhân làm nền tảng. Xuất phát từ quan điểm đó, Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Sau nhiều năm chuẩn bị, Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng vào mùa xuân 1930. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo đã khẳng định tư tưởng con đường cứu nước đúng đắn là phải gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và xã hội. Đường lối chiến lược đó đáp ứng nhu cầu lịch sử của dân tộc và phù hợp với xu thế thời đại.

Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng hy sinh, phấn đấu vì độc lập thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng hết lòng phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với những thắng lợi mà nhân dân ta đã giành được, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế ngày càng rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và thế giới. Những thắng lợi đó có được là nhờ nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu. Đây chính là minh chứng hùng hồn về sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về việc giải quyết vấn đề dân tộc theo lập trường của giai cấp công nhân: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”[3].

Vậy mà hiện nay, một trong những ngón đòn tấn công phá hoại nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng ta, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc. Các thế lực thù địch cố chứng minh rằng, mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đúng với một nước nào đó, còn ở Việt Nam vốn là nước thuộc địa, nửa phong kiến, vấn đề dân tộc bao giờ cũng chi phối; rằng nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc; rằng Hồ Chí Minh du nhập học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin đã dẫn đến cảnh “nồi da nấu thịt”.

Theo họ ở nước ta hiện nay chỉ nên đề ra giải quyết vấn đề dân tộc còn vấn đề giai cấp không nên đặt ra. Thực chất của những luận điệu xuyên tạc lừa mị ấy là phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam; tiến tới loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và giải quyết vấn đề dân tộc theo lập trường của giai cấp tư sản. Những quan điểm ấy đã bị cả lý luận và thực tiễn thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua bác bỏ.

2. Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, là tiền đề để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đặt cách mạng dân chủ nhân dân trong phạm trù của cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội chính là tính toàn diện, triệt để của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Xuất phát từ thực tế xã hội Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, Hồ Chí Minh chỉ rõ mâu thuẫn chủ yếu, nổi bật cấp bách cần giải quyết là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược và tay sai bán nước. Vì vậy, ở giai đoạn đầu của cách mạng cần đặt vấn đề dân tộc lên trên hết. Từ đó, Hồ Chí Minh xác định mục tiêu cốt yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam là giành độc lập dân tộc.

Đây là quan điểm mà Hồ Chí Minh kiên trì và nhất quán từ khi Người tìm ra con đường cách mạng Việt Nam. Năm 1941, Hồ Chí Minh về nước, trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã triệu tập và chủ trì hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Tám của Đảng [5-1941]. Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc.

Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[4]. Ở đây, rõ ràng vấn đề giai cấp được Hồ Chí Minh đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với lợi ích quốc gia dân tộc, vấn đề dân tộc được giải quyết theo lập trường của giai cấp công nhân, chứ đâu phải là sự “hy sinh cái nọ cho cái kia” như có người đã cố tình xuyên tạc. Thực tiễn cho thấy, mục tiêu độc lập dân tộc được đặt ra và giải quyết theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua đội tiền phong của của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam đã thức tỉnh cổ vũ động viên cả dân tộc Việt Nam đấu tranh chống thực dân, đế quốc.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng tám 1945 đã minh chứng tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sau cách mạng Tháng tám năm 1945, độc lập dân tộc đứng trước thủ thách mới, bảo vệ độc lập dân tộc lúc này là sự sống còn đối với đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Thời kỳ đất nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước [1954 -1975], Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cùng với tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc phải đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước. Như vậy, với Hồ Chí Minh để đi lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề cần giải quyết trước tiên là phải có độc lập dân tộc. Giành độc lập dân tộc mới có điều kiện xây dựng, phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Độc lập dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh mang nội dung sâu sắc và triệt để. Đó phải là một nền độc lập thật sự, các quyền dân tộc cơ bản được bảo đảm, độc lập, dân chủ phải trên nguyên tắc nước Việt Nam của người Việt Nam; độc lập phải gắn với quyền tự quyết dân tộc.

3. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là làm cho cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được tiến hành triệt để, bảo đảm cho nền độc lập dân tộc được giữ vững, nhân dân có đời sống ấm no, tự do hạnh phúc.

Theo Hồ Chí Minh, sau khi giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phải quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”[5]. Đây là sự khẳng định một hướng đi mới phù hợp với xu thế của thời đại, khác về căn bản so với các lãnh tụ của phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Giải thích vì sao cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhằm xoá bỏ mọi chế độ người bóc lột người ở nước ta, nhằm đưa lại đời sống ấm no cho nhân dân ta. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là cuộc cách mạng gay go, phức tạp và khó khăn nhất”[6]. Từ bản chất của nó, chủ nghĩa xã hội, tạo ra các khả năng điều kiện phát triển bền vững của dân tộc, loại bỏ được ách thống trị nô dịch dân tộc. Với ý nghĩa ấy cách mạng xã hội chủ nghĩa là làm cho cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được tiến hành triệt để; đồng thời tạo ra những cơ sở bảo đảm cho nền độc lập dân tộc được giữ vững.

Hồ Chí Minh là người đầu tiên xác định cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như nước ta có khả năng tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Theo Người, sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đế quốc đã thức tỉnh nhân dân các dân tộc bị áp bức: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi”; và Người chỉ ra các khả năng, điều kiện để cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cộng sản; Xây dựng củng cố tăng cường khối liên minh công nông trí thức làm hạt nhân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; Phối hợp chặt chẽ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản ở chính quốc [cách mạng vô sản Pháp]. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng ở các nước thuộc địa có thể và cần phải nổ ra trước cách mạng vô sản ở chính quốc là hoàn toàn đúng đắn sáng tạo.

Xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lừa mị rằng, ở Việt Nam hiện nay chỉ nên đề ra và giải quyết vấn đề dân tộc, dân chủ theo chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh, nên gác định hướng xã hội chủ nghĩa lại. Từ đó họ đòi đổi tên nước, đổi tên Đảng. Ý đồ xấu xa, nham hiểm của các thủ đoạn xuyên tạc, lừa mị đó là bác bỏ đường lối giải quyết vấn đề dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa đất nước ta vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong 25 năm đất nước đổi mới đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phải tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là cái bảo đảm cho độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

[1] .Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, CTQG, Hà Nội, 2002,tập1, tr.416.

[2] . Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, CTQG, Hà Nội, 2002,tập10, tr.9.

[3] . Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, CTQG, Hà Nội, 2002,tập10, tr.128.

[4] . Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.7, tr.113.

[5] . Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, CTQG, Hà Nội, 2002,tập12, tr.305.

[6] .Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, CTQG, Hà Nội, 2002,tập9, tr.156.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Đêm múa cổ điển Ấn Độ tại Hà Nội
  • Hoà nhạc Giáng sinh kỷ niệm 66 năm VNAMYO
  • Cuộc thi “Tổ quốc bên bờ sóng”: Lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước
  • 'Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách bảo vệ khẩn cấp
  • Đẩy mạnh thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc
  • Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 sẽ diễn ra từ ngày 2 - 7/12
  • Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh chú trọng đạo đức công vụ, sát dân, gần dân

Video liên quan

Chủ Đề