Cách mạng tháng tám thành công thể hiện rõ nét nhất tính chất nào?

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công viết nên bản anh hùng ca của thời đại, khẳng định sức mạnh của Lòng Dân tin theo Đảng, theo Bác Hồ Chí Minh, đập tan xiềng xích nô lệ của bọn thực dân, phát xít, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám gióng lên những hồi chuông đầu tiên làm thức tỉnh khát vọng độc lập, tự do của các dân tộc từ Á tới Phi, quyết vùng lên cho một ngày toàn thắng.

Và ngày 02/9/1945, từ thành công của cuộc Cách mạng ấy đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự thật ấy vốn hiển nhiên như trời đất đã thành, bác bỏ toàn bộ luận điệu của những kẻ cho rằng đó là một sự “ăn may”, một hành động “bất chính” và chẳng có một nền dân chủ nào ra đời từ nhà nước đó cả…      

Lịch sử thì không thể quay lại được. Và nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ không có nền nền độc lập, tự do của dân tộc, không có Nhà nước Việt Nam mới của ngày hôm nay. 

Cách mạng tháng tám thành công thể hiện rõ nét nhất tính chất nào?
 

Ngày 2/9/1945, bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc trước quốc dân đồng bào đã dõng dạc tuyên bố với toàn thể thế giới rằng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một tất yếu, hợp pháp, hợp đạo lý. Chính phủ lâm thời do cuộc cách mạng của Nhân dân lập nên cũng là hợp pháp, hợp công lý. 

Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra với chế độ phổ thông đầu phiếu. Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 06/1/1946, với hơn 90% số cử tri khắp Bắc – Trung - Nam đi bỏ phiếu, tới nay đã là khóa thứ XIV. Nhà nước Việt Nam hoạt động và phát triển không ngừng vì Nhân dân, "dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân"(1) , "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ"(2)  như Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn. Để thể hiện và khẳng định được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, một bản hiến pháp dân chủ - Hiến pháp 1946 do Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo đã sớm ra đời. Kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam đã xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp mới năm 2013 vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Và tiếng Người vẫn như còn vang vọng khi trịnh trọng tuyên bố tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 03/9/1945 (Ba tháng trước ngày Tổng tuyển cử): “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(3) . Ngày 31/12/1945, Hồ Chí Minh viết bài đăng trên báo Cứu quốc số 130. Người kêu gọi: “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ bầu ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Trong Tổng tuyển cử, Người nêu, “hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó” …

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 đã đánh dấu bước phát triển mới về xây dựng thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam trở thành chủ nhân của một nước tự do, độc lập và thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh dân tộc, tự lựa chọn và xây dựng chế độ mới.

*****

Trên con đường đi tới, chúng ta hiện nay phải xây dựng cho được Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó không chỉ là xu thế thời đại, là quy luật vận động của lịch sử nước nhà mà còn là nhu cầu, là khát vọng của toàn dân. Xuất phát từ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã, đang và nhất định tiếp tục làm tốt nhất trọng trách đó. 

Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa đó phải thấm đẫm và thể hiện sinh động tư tưởng pháp quyền của Hồ Chí Minh, đó là "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền" mà tinh thần của nó đã có từ năm 1919 trong bản Yêu sách của Nhân dân An Nam, Người gửi tới Hội nghị Véc-xây (Pháp). Và từ ngày lập nước đến nay, Nhà nước ta đang từng bước hiện thực điều đó. Quốc hội của chúng ta đã xây dựng, thông qua gần 240 bộ luật và luật cùng hàng trăm pháp lệnh , trong đó có những bộ luật hết sức cơ bản và quan trọng, hình thành một hành lang pháp lý rộng mở nhưng chặt chẽ, phù hợp với thông lệ và pháp lý quốc tế, bảo đảm cho công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, vận hành tập trung, hiệu quả trên con đường phát triển, chủ động và tích cực hội nhập. 

Bộ máy nhà nước liên tục được cải cách để mạnh hơn, hiệu lực cao hơn, quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu quả trên thực tế. Trong nhiều chỉ dẫn của mình, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu, một nhà nước mạnh, có hiệu lực phải quản lý bằng pháp luật, không một giờ, một phút nào thiếu pháp luật, coi thường pháp luật. Không chỉ có vậy, đến lượt Nhà nước, dù trong bất cứ tình huống nào, cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đó là một chỉnh thể toàn vẹn các phương châm chỉ đạo cơ bản trong công cuộc xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay(4).      

Ngược dòng thời gian, nhìn lại những năm tháng gian khổ sau ngày độc lập Người lãnh đạo một nhà nước non trẻ, bước đầu xây dựng hệ thống pháp luật. Ngoài hai bản Hiến pháp 1946, 1959, trong thời gian còn làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho công bố 16 đạo luật và gần 1300 văn bản dưới luật khác. Điều mà Người hết sức nhấn mạnh là tính nghiêm minh, không trừ một tổ chức nào và một ai trong thi hành pháp luật. Đó là biểu hiện tập trung, rõ nét và nổi bật về bản chất dân chủ, bình đẳng của pháp luật mà chúng ta hiện nay đang quyết tâm giữ vững và nâng cao(5) . 

Có pháp luật, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân cũng phải thực hiện đồng thời. Hồ Chí Minh luôn chú ý đến giáo dục, cảm hoá mọi người trong việc thực hành pháp luật(6). Ngay cả việc dùng pháp luật cũng chính là vì mục đích ngăn cái xấu, cái ác, phát huy cái tốt, cái thiện chứ không phải đơn thuần là trừng phạt, răn đe. Để hiện thực điều đó, cần có đội ngũ cán bộ, công chức và nhân viên có đạo đức, gương mẫu trong chấp hành pháp luật; đồng thời, phải am hiểu pháp luật và có trình độ chuyên môn thành thạo. Trên phương diện này những chỉ dẫn của Người hết sức rõ ràng, cụ thể và thiết thực, nhất là việc thể chế hóa đào tạo, sử dụng cán bộ nhà nước. Năm 1948, Người phê chuẩn Sắc lệnh về "lập một chế độ công chức mới", trong đó ấn định các kỳ thi tuyển (với nội dung rất phong phú, toàn diện: chính trị, kinh tế, pháp luật, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ...) viên chức vào các ngạch, bậc của ngành hành chính. Người tiếp tục cho ban hành Sắc lệnh về "Quy chế công chức Việt Nam" bao gồm 82 điểm quy định nghĩa vụ, quyền lợi, tổ chức, quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức... Đó thực sự là những mẫu mực mà chúng ta lấy đó làm căn bản để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các luật và văn bản dưới luật về vấn đề này trong tình hình hiện nay.

*****

Bánh xe lịch sử vẫn quay, nhưng bài học về thời cơ và động lực với thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cách hôm nay 75 năm, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là vô giá, tiếp tục tạo nên hào khí và sức mạnh dân tộc cho công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, làm bùng cháy lên khát vọng một Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và hùng cường!

Ngày Quốc khánh 2/9 - ngày hội lớn biểu dương sức mạnh của toàn dân tộc, chúng ta nhớ ơn Người - Hồ Chí Minh – người sáng lập và rèn luyện Đảng ta – Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh -  người mang số Thẻ Đảng viên 01- người đại biểu của nhân dân trong vị thế là Người Công dân số 1 của nước Việt Nam mới, mà tư tưởng của Người là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Và Cách mạng Tháng Tám – Hồ Chí Minh cùng sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới sẽ mãi là “thiên anh hùng ca nghìn năm sáng chói, lưu danh tới muôn đời”./.

----------

Ghi chú:

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb CTQG, H.1995, tr.579-597. (2). Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.368. (3). Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.8. (4). Xem thêm: Ngô Ngọc Thắng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền (http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201402/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-nha-nuoc-phap-quyen-293760/)  (5). (6). Xem thêm: Bùi Thị Ngọc Mai, Một số vấn đề của tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 7/2009.

Nhà báo, TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
 


Cách mạng tháng tám thành công thể hiện rõ nét nhất tính chất nào?

Nhân dân và lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn ngày 19-8-1945. (Ảnh tư liệu)

NƠI HỘI TỤ “Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN”
Dù ở mỗi thời kỳ cách mạng, trong từng nhiệm vụ mang những tên gọi khác nhau nhưng có thể nói Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam chính là nơi hội tụ của “ý Đảng, lòng Dân”, là nơi tập hợp các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định rất rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là đánh đổ đế quốc thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, đưa người dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Ngay từ khi thành lập, trong Chánh cương vắn tắt, Đảng ta xác định nhiệm vụ của cách mạng đó là: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập...”(1).
Cần khẳng định, đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng mà Đảng ta xác định là hoàn toàn đúng đắn. Trên cơ sở nền tảng ấy, trong quá trình lãnh đạo căn cứ vào biến chuyển cụ thể của tình hình từng giai đoạn, Đảng ta không ngừng bổ sung, phát triển cho sát hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu. Những mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng mà Đảng ta xác định đó cũng là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta - khát vọng được làm chủ đất nước, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân” đã trở thành sợi dây gắn kết cả dân tộc Việt Nam lại với nhau tạo thành sức mạnh tổng hợp của cách mạng. Xuyên suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn nhất quán và đặt nội dung ấy vào nhiệm vụ trung tâm của cách mạng. 
Từ năm 1930 đến 1945, Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bám sát tình hình thế giới và trong nước, đề ra nhiều chủ trương, đường lối, giải pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp lãnh đạo toàn dân kết thành một khối đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. 
Ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã kịp thời lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến bằng cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Mặc dù chưa thành công và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu nhưng cao trào cách mạng 1930-1931 đã khẳng định sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây chính là cuộc tổng diễn tập đầu tiên nhằm chuẩn bị thế và lực cho tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám sau này. 
Tình hình thế giới và trong nước sau cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất có những diễn biến mới. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 7-1936), Đảng ta xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và chống phong kiến; nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình. 
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Đảng ta xác định thay đổi chủ trương, hình thức và phương pháp cách mạng, bằng việc kêu gọi các đảng phái chính trị, các tổ chức quần chúng và nhân dân hành động, đấu tranh thông qua phong trào dân chủ 1936-1939. Mục tiêu của phong trào dân chủ là đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Để tập hợp quần chúng nhân dân, phát huy được sức mạnh “lòng dân”, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương. Bằng sức mạnh đoàn kết và tinh thần đấu tranh kiên quyết của quần chúng, phong trào dân chủ 1936-1939 đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách cụ thể trước mắt về dân sinh, dân chủ. Thông qua phong trào, quần chúng nhân dân được giác ngộ về chính trị, tích cực tham gia vào Mặt trận Dân tộc thống nhất và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng… Có thể nói phong trào dân chủ 1936-1939 là cuộc tổng diễn tập lần thứ hai chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 
Trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ngày 6/11/1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 được triệu tập. Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị đã đề cập tới việc tận dụng thời cơ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và đề ra đường lối đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Với đường lối cách mạng được đề ra tại Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương Đảng lần thứ 6, cách mạng Việt Nam bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn trực tiếp chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân.
Đặc biệt, trước những chuyển biến mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn, mau lẹ của tình hình thế giới, tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 của Đảng họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh để quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Nghị quyết Hội nghị đã chỉ rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(2).
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đó, vấn đề đặt ra là phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng, mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Nhằm giải quyết vấn đề này, ngày 19/5/1941, Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát-xít Pháp - Nhật lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh được thành lập. Trong tuyên bố của mình, Việt Minh đã chỉ rõ: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn"(3). Việt Minh cũng nhận thấy rõ tinh thần và ý chí cách mạng của quần chúng nhân dân là rất lớn, nhân dân luôn sẵn lòng hy sinh tài sản và tính mạng để thực hiện mục tiêu làm chủ đất nước, sống trong hòa bình, độc lập, tự do. 
Bằng những chủ trương đúng đắn, chỉ trong thời gian ngắn dưới ngọn cờ cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội đã quy tụ, tập hợp, phát huy cao độ tinh thần cố kết cộng đồng, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh anh dũng, quật cường của toàn dân tộc để góp phần vào thành công của cách mạng. Có thể nói dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, tinh thần yêu nước, sức mạnh quật cường của “lòng Dân” được nhân lên gấp bội. Các đoàn thể cứu quốc như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… là những hình thức được Mặt trận Việt Minh tổ chức và phát triển rộng khắp. Khi sức mạnh của “ý Đảng, lòng Dân” hội tụ thì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức cùng các tầng lớp lao động khác đã thực sự trở thành động lực chủ yếu của cách mạng. 
Đầu tháng 8/1945, tình hình thế giới, đặc biệt là Chiến tranh thế giới thứ 2 diễn ra theo chiều hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhìn thấy thời cơ ngàn năm có một đang đến gần. Trong bối cảnh cùng lúc phải đối phó với nhiều lực lượng quân sự nước ngoài tràn vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật, Đảng ta nhận thấy nếu không đón bắt được thời cơ và kịp thời hành động thì cách mạng sẽ khó khăn. Từ những nhận định, phân tích ấy, chớp thời cơ Đảng ta đã đoàn kết và khơi dậy, phát huy sức mạnh của “lòng Dân”, phát động Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên toàn quốc. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. 
 

Cách mạng tháng tám thành công thể hiện rõ nét nhất tính chất nào?
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

BẢO VỆ VÀ NHÂN LÊN SỨC MẠNH “Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN” TRONG THỜI KỲ MỚI
Sự thật đã chứng minh thuyết phục, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là thắng lợi của sức mạnh “ý Đảng, lòng Dân”, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc biết chớp thời cơ, vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng dân tộc. Thế nhưng, đâu đó vẫn có một số tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam cố tình bóp méo, xuyên tạc tính chất và ý nghĩa của vấn đề lịch sử này. 
Do động cơ, mục đích đen tối, họ cố tình phủ nhận rằng, chẳng có sự thống nhất, tinh thần đoàn kết nào, dưới sự lãnh đạo của ai cả mà đó chỉ là hành động "bột phát, vô thức" của người dân phẫn uất do bị áp bức, bóc lột đứng lên giành chính quyền. Khi bàn về vai trò của các tầng lớp, các giai cấp trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, họ cho rằng giai cấp nông dân Việt Nam đã nhận thức được “mệnh trời” và vai trò của mình. Bằng cái nhìn chủ quan, phiến diện, thiển cận đó họ cho rằng, thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 vai trò nổi dậy của giai cấp nông dân Việt Nam mới là quyết định.
Luận điệu trên không nằm ngoài mục tiêu phủ nhận giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phủ phận sức mạnh của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Nhưng họ đã lầm. Sự thật lịch sử quá rõ ràng và vô cùng thuyết phục. Cách nhìn nhận phi lý, phản khoa học, những luận điệu sai trái, lập lờ đánh lận con đen của họ không thể lừa bịp được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và những người Việt Nam chân chính.
Hơn thế, tinh thần đại đoàn kết, sự thống nhất đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần đoàn kết, sự thống nhất đã trở thành một trong những nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Nét đẹp ấy càng được khẳng định trong thời đại Hồ Chí Minh toàn thể dân tộc Việt Nam là một. Có thể nói cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đỉnh cao tỏa sáng rực rỡ của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Nước mất thì nhà tan", mỗi người dân Việt Nam luôn nhận thức rõ, ý thức sâu sắc điều này và tinh thần ấy luôn thường trực trong mỗi người con nước Việt. Từ thực tiễn lịch sử, nhân dân Việt Nam từng tổng kết, đúc rút, chỉ khi nào có sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, thì khi ấy mới tập hợp phát huy được sức mạnh nội lực của đất nước, mới xây dựng và bảo vệ nước nhà được hòa bình, thịnh vượng. Cũng chính trên nền tảng ấy mà nhân dân ta đã không cam chịu thân phận, kiếp đời nô lệ, một lòng đi theo Đảng, triệu người như một quyết vùng lên giành độc lập, tự do cho dân tộc, giành địa vị làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh cho mình. 
Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng tuyệt vời của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó cần phải khẳng định, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thành công gắn với vai trò lãnh đạo của Việt Minh, của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chúng ta không phủ nhận vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, trong đó có giai cấp nông dân. Nhưng cần phải nhớ rằng, sự nhất tề vùng lên của quần chúng nhân dân nói chung, của giai cấp nông dân nói riêng không phải là "vô thức, bột phát" vì "phẫn uất" như một số tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam từng xuyên tạc, mà đó là sự vùng lên có giác ngộ, được tổ chức, theo đường hướng lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, của Đảng Cộng sản Đông Dương. 
Bảy mươi sáu năm nhìn lại, chúng ta càng hiểu hơn về sự kiện vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX, càng thấy rõ hơn giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất. Bài học về sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi chỉ khi lòng dân được quy về một mối và tất cả cùng hướng niềm tin vào Đảng - đó sẽ là sức mạnh vô địch để cả dân tộc băng qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục làm nên các kỳ tích mới trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
       Đại tá Phùng Kim Lân
Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
--------------------------------
(1) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.3, tr. 1, 198.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, t.7, tr.112-113.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn