Cách quản lý lớp học hiệu quả

MỘT SỐ KĨ NĂNG QUẢN LÍ LỚP HỌC TRONG GIỜ HỌC CỦA GIÁO VIÊN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY

TS Phạm Thị Kim Anh

Viện NCSP-Trường ĐHSP Hà Nội

(Bài đăng tạp chí Dạy và Học ngày nay, số kì 1-7/2020, tr49, 63)

Abstract: Among the factors that affect the success of a lesson in a class, the classroom management skills play the most important and fundamental role. Indeed, if the teacher could not manage the classroom, all their teaching efforts failed. This article focuses on three main issues: What are the skills to manage the classroom? To manage the classroom, what skills does the teacher need? How to manage and educate special students?
Keywords
: Classroom management, classroom management skills, teachers, high school.

1. Đặt vấn đề

Giáo viên (GV) không chỉ là chuyên gia về dạy học các môn học mà còn là một nhà tâm lý giáo dục dìu dắt học sinh (HS), một nhà đạo đức truyền luân lý, một nghệ sĩ thích ứng với mọi đối tượng người học. Đặc biệt, GV còn một nhà tổ chức và quản lí HS trong các giờ học. Robert J. Marzano đã khẳng định: GV là người đóng nhiều vai trò khác nhau trong một lớp học, nhưng chắc chắn một trong những vai trò quan trọng nhất đó là quản lý lớp học [1, tr8]. Một GV thiếu kĩ năng quản lí lớp học (QLLH) chắc chắn sẽ không thành công trong giờ dạy và mọi nỗ lực của GV đều không đạt được mục tiêu dạy học. Bởi vậy, kĩ năng QLLH đặc biệt quan trọng đối với mọi GV. Nó là nền tảng rất quan trọng để đảm bảo sự thành công cho mọi tiết học, tạo môi trường thúc đẩy việc giảng dạy và học tập tốt.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều GV bất lực, không vượt qua được những cú sốc thực tế về tình trạng lộn xộn, vô kỉ luật, bất trị của một số HS cá biệt mang danh con ông trời tại các lớp học trong trường phổ thông. Thực tế đó đã làm nản lòng người GV và làm cho họ không còn tha thiết, say mê với nghề, không ít thầy cô đã bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông để chuyển sang lĩnh vực khác, vì không chịu nổi những áp lực của nghề và những hành vi rất vô lễ, ngỗ ngược của học trò. Những lí luận và kĩ năng về QLLH mà trường sư phạm trang bị cho GV dường như đã lỗi thời và không bắt kịp với những thay đổi, thách thức mà thực tiễn tại các lớp học đang diễn ra.

Bởi vậy, việc trang bị cho GV những kĩ năng để QLLH trong giờ học là vô cùng cần thiết. Cho đến nay, tuy có nhiều sách, công trình nghiên cứu về QLLH trong giờ học, song các nghiên cứu đó phần lớn mang tính lí luận chung, rất ít những nghiên cứu đi vào tầng bậc cụ thể về mặt kĩ năng QLLH . Do vậy, trong bài viết này chúng tôi tập trung vào 3 câu hỏi chính: Kĩ năng quản lí lớp học là gì? Để quản lí lớp học, GV cần có những kĩ năng gì? Và làm thế nào để quản lí và giáo dục được những HS cá biệt trong lớp học?

2.Nội dung

2.1. Kĩ năng quản lí lớp học là gì?

Khi xem xét bản chất của kĩ năng, các nhà giáo dục như Nguyễn Quang Uẩn, Trần Quốc Thành, Vũ Dũng, X.I. Ki xê gôp, N.D.levitôv xem kĩ năng như là biểu hiện của năng lực cá nhân và là điều kiện cần thiết để có năng lực trong một lĩnh vực nhất định (tức là một trong những thành tố cấu trúc nên năng lực). Vũ Dũng cho rằng, kĩ năng là năng lực vận dụng có kết quả tri thức về phương thức hành động, được chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng.

Nhiều nhà giáo dục khác xem kĩ năng như là mặt kĩ thuật, thủ thuật của thao tác hành động hay hoạt động. Theo Trần Trọng Thủy, kĩ năng là mặt kĩ thuật hành động, con người nắm được cách hành động là con người có kĩ năng . Kĩ năng thể hiện qua các mẫu hành vi, hành động, những quy tắc làm việc và những yêu cầu về tiêu chuẩn sư phạm. Chúng tôi đồng tình với quan niệm này và cho rằng, kĩ năng là biết thực hiện một hành động hay hoạt động nào đó một cách thành thạo và có kết quả. Kĩ năng biểu hiện trình độ của các thao tác tư duy, năng lực hành động và mặt kĩ thuật của hành động. Kĩ năng luôn gắn với một hoạt động cụ thể; có tính chính xác, tính linh hoạt; có tốc độ thực hiện hoạt động nhanh, hợp lí, và thực hiện công việc một cách độc lập.

Từ cách hiểu đó, một số tác giả đã đưa ra những khái niệm về kĩ năng QLLH. Theo Khúc Năng Toàn: Kĩ năng QLLH được hiểu là khả năng thực hiện có hiệu quả các hành động cụ thể, được xác định trên cơ sở các khía cạnh việc làm trong QLLH [2,tr 94].

Chúng tôi quan niệm: kĩ năng QLLH những thao tác hành động mang tính kĩ thuật, thủ thuật cao mà người GV thực hiện thành thạo để kiểm soát, xử lí và điều chỉnh các hành vi của HS trong lớp học, nhằm thiết lập và duy trì trật tự lớp học một cách có kết quả, phù hợp với thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng lớp học.

QLLH mang nghĩa rất rộng, nó không chỉ liên quan tới việc quản lí hành vi (tích cực và tiêu cực) của từng cá nhân cụ thể trong lớp học mà nó liên quan tới toàn bộ môi trường lớp học nói chung. Môi trường đó, không chỉ bao hàm bầu không khí lớp học, thái độ, cảm xúc và các quan hệ tương tác giữa các thành viên trong lớp học, mà còn bao gồm không gian lớp học, các điều kiện cơ sở vật chất của lớp học. Theo Wong & Wong (2001), QLLH bao hàm cả quản lí không gian, thời gian, cơ sở vật chất và các nguồn lực học tập trong lớp học, cũng như quản lí hành vi và các quan hệ tương tác để xây dựng bầu không khí lớp học [3] .

Trong bài viết này, chúng tôi không có điều kiện để trình bày hết những vấn đề liên quan đến QLLH theo quan niệm trên, mà chỉ tập trung vào những kĩ năng cần thiết của người GV để thiết lập và duy trì trật tự lớp học trong giờ học.

2.2. Để quản lí lớp học trong giờ hoc, GV cần có những kĩ năng gì?

Trước hết, GV cần phải có các kĩ năng cơ bản sau:

- Kĩ năng xây dựng nội qui và qui tắc ứng xử trên lớp học (qui định những điều được làm và không được làm; những yêu cầu hoặc tiêu chuẩn chung về các hành vi ở trong lớp). Ý nghĩa của nó là để thiết lập và duy trì ý thức kỉ luật của HS. Jim Rohn đã từng nói: Kỉ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thực thi. Bởi vậy xây dựng ý thức kỉ luật là để thực hiện mục tiêu giáo dục. Để làm tốt việc này, ngay từ đầu năm học, GV hãy chỉ ra cho HS biết rằng, điều gì là quan trọng và cần thiết nhất để giúp các em thành công trong học tập, từ đó tiến hành tổ chức cho HS tham gia vào quá trình xây dựng nội quy và quy tắc ứng xử một cách dân chủ, cởi mở với sự thống nhất ý kiến cả lớp.Trên cơ sở đó qui định những hình thức thưởng, phạt rõ ràng để HS tuân thủ và tự điều chỉnh các hành vi. Một nội quy và quy tắc ứng xử được cho là tốt nhất không nên quá nhiều quy định, chỉ nên đặt ra từ 8 đến 10 quy định để HS dễ nhớ và dễ thực hiện. VD: (1) Đi học đúng giờ; (2) Mang đầy đủ sách vở, tài liệu đến lớp; (3) Ngồi đúng chỗ của mình từ đầu giờ học; (4) Tôn trọng và lịch sự với thày cô và bạn bè; (5) Phát biểu đúng lúc, không ngắt lời GV và người khác; (6) Tôn trọng tài sản của lớp học, của bạn bè; (7) Không gây gổ, đánh nhau với bạn bè; (8) Không làm việc riêng và sử dụng điện thoại....vv.

-Kĩ năng xây dựng môi trường tâm lý lớp học. Môi trường tâm lí lớp học đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, cuốn hút HS vào các hoạt động học tập, hạn chế được tình trạng bỏ học, lười học, phá rối, mất trật tự... Làm thế nào để lớp học thực sự trở thành nơi lí tưởng để học là vấn đề không phải GV nào cũng làm được. Bên cạnh tạo ra bầu không khí vui vẻ, GV cần xây dựng mối quan hệ giao tiếp giữa thày và trò gần gũi, thân thiện, cởi mở, hợp tác, bình đẳng, đồng cảm, khoan dung, biết lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Một môi trường lớp học mang nặng bầu không khí phê phán, nhục mạ, đố kị, thiếu trung thực và không công bằng sẽ tạo ra sự đối đầu căng thẳng giữa GV và HS, làm nảy nở tính thù địch, ganh đua, đố kị và tạo ra thói ích kỉ, vô cảm, mất lòng tin trong các mối quan hệ. Chỉ khi nào GV xây dựng được môi trường lớp học tốt, mới có thể QLLH một cách tốt nhất.

-Kĩ năng bao quát, kiểm soát, ngăn chặn và xử lí các hành vi không cho phép của HS trong lớp học. Kĩ năng này được xác định là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa những GV xuất sắc với những GV trung bình. Bởi việc ứng phó, xử lí các hành vi sai phạm (mất trật tự, gây rối, hỗn láo...) của HS trong lớp học luôn là vấn đề nan giải, khó khăn nhất mà GV thường xuyên phải đối mặt. Thông thường, khi thấy HS nói chuyện, phá rối, ngủ gật, dùng điện thoại, đánh bạn, nói bậy, không làm bài tập, lấy cắp tài sản của bạn, hoặc vô lễ với thày cô ... GV thường sử dụng lời nhắc hoặc nhìn thẳng vào HS đó, có thể di chuyển tới gần và gõ nhẹ vào bàn của HS, thậm chí dừng hoạt động học tập của cả lớp để tập trung xử lí hành vi đó một cách thẳng thắn, trực diện bằng các hình phạt trực tiếp. Nhưng đôi khi cách làm đó vẫn không có tác dụng đối với một số HS cá biệt. Bởi vậy, GV cần phải có những hành động kiên quyết và cứng rắn. Chẳng hạn, khi thấy HS nói chuyện hoặc ngủ gật trong lớp, GV yêu cầu HS đó đứng lên nhắc lại nội dung cô vừa giảng hoặc trả lời câu hỏi GV đưa ra. Khi thấy HS không thực hiện bài tập vừa giao, ngồi sử dụng điện thoại, hay gục đầu xuống bàn ngủ, GV có thể buộc HS đó lên bảng để làm bài tập, nếu thấy HS ném đồ ăn trong lớp học, gây bẩn ra sàn thì phải buộc HS đó lau dọn lại phòng học ngay lúc đó....vv. Trường hợp nghiêm trọng, có thể buộc HS ngồi cách li trong phòng học hoặc khu vực cách li ngoài lớp học; có thể gọi điện cho bố mẹ để đón HS đó về nhà, cao hơn là đình chỉ đến trường và từ chối dạy HS đó. GV tránh quát mắng, lăng mạ, đuổi HS ra ngoài lớp bằng những ngôn từ xúc phạm.... Tùy trường hợp và mức độ biểu hiện của HS mà GV đưa ra các cách xử lí khác nhau. Tuyệt đối GV không được bỏ qua hoặc phớt lờ những hành vi bất thường của HS. Trong mọi trường hợp, GV không bao giờ trừng phạt toàn bộ lớp học, bởi việc phạt cả lớp chỉ kích thích thêm sự quậy phá nhiều hơn của HS. GV hãy nói cho cả lớp rằng Những gì các em làm khiến cho thầy/cô vô cùng buồn và thất vọng.

Để có những kĩ năng xử lí tình huống tốt, GV thường xuyên xem xét lại những hành động hay phản ứng nào của mình là hiệu quả và không hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng để loại bỏ hoặc thay thế cho phù hợp.

-Kĩ năng cuốn hút sự chú ý của học sinh vào các hoạt động học tập. Đó chính là đỉnh cao của kĩ năng QLLH. Làm thế nào để HS không nói chuyện, làm việc riêng, không phá rối, không ngủ gật và luôn bị cuốn hút vào các hoạt động học tập trên lớp là một việc làm không hề đơn giản và đòi hỏi phải có nghệ thuật sư phạm. Để làm được điều này, GV phải có những chiến thuật như một người thôi miên. Thực tế cho thấy, những GV có kinh nghiệm thường tổ chức các trò chơi học tập ngay đầu giờ học hoặc cuối giờ học để gây cảm hứng; kể những câu chuyện vui để dẫn vào bài hoặc cho HS xem một số hình ảnh, đoạn phim mang tính thời sự liên quan tới nội dung bài học. Trong tiến trình bài giảng, GV không bao giờ để thời gian chết mà luôn tạo ra các tình huống bằng các câu hỏi nêu vấn đề để HS tìm tòi, khám phá thông qua tổ chức thảo luận nhóm, hoặc cho HS đóng vai, thuyết trình, báo cáo,... Đôi khi thấy HS mệt mỏi, mất tập trung, GV có thể thay đổi giọng điệu giảng bài, hoặc kể những mẩu chuyện vui, hài hước, thậm chí cho cả lớp đứng dậy vận động vài động tác thể dục theo nhịp của bài hát hay đoạn nhạc. Các hoạt động đó cần đa dạng, đan xen trong tiết học, tạo nên những điều thú vị bất ngờ để HS không cảm thấy nhàm chán mà tập trung vào việc học.

Ngoài những kĩ năng trên, GV luôn chú ý dành những lời khen ngợi hoặc phần thưởng đúng lúc để khích lệ sự cố gắng và tiến bộ của HS (khen ngay tại lớp hoặc gọi điện, gửi thư riêng cho cha mẹ để chuyển lời khen ngợi). Từ đó nâng cao ý thức, tính kỉ luật của HS đối với việc học tập trên lớp. GV cũng nên thường xuyên dùng lời nói và cảm xúc của mình để gây ấn tượng với lớp học: Lớp mình luôn khiến cô cảm thấy rất vui khi dạy, Thầy cảm thấy rất tự hào về lớp chúng ta.

Đối với những HS lười học, chậm tiến bộ, hay gây rối trong lớp, GV thường xuyên giao các nhiệm vụ học tập vừa sức, đúng sở trường của em đó để phát huy mặt tích cực (chẳng hạn treo hoặc dán các sản phẩm của nhóm tại góc lớp hay trên bảng; kẻ, vẽ, trang trí một sản phẩm học tập nào đó; quay phim, chụp ảnh làm tư liệu cho nhóm; hỗ trợ kĩ thuật cho các bạn khi trình bày bằng máy tính; hoặc yêu cầu trả lời một số câu hỏi đơn giản để HS vượt qua sự tự ti, nỗi sợ hãi và sự mặc cảm trong tương tác với GV. Đây chính là thể hiện việc dạy học phân hóa, đồng thời hạn chế được các nguy cơ tiềm ẩn về hành vi sai phạm của những HS hay phá rối trong lớp học.

Với những HS cá biệt, GV cần hết sức khéo léo, mềm dẻo nhưng cứng rắn trong xử lí tình huống để tránh sự căng thẳng, xung đột và tổn thương.

2.3. Làm thế nào để quản lí và giáo dục được những HS cá biệt trong lớp học? Những hành vi lệch chuẩn về đạo đức của HS diễn ra trong lớp học đang là nỗi lo lắng của những người làm giáo dục và là thách thức lớn đối với năng lực của người thày. Làm thế nào để quản lí, giáo dục HS cá biệt trong các giờ học là một việc vô cùng nan giải và đau đầu đối với GV hiện nay, nhất là những GV mới vào nghề hoặc làm công tác chủ nghiệm lớp. Thực tế cho thấy, HS ngày nay nói không nghe, mắng không được, thậm chí chỉ lườm một cái, đánh HS vài cái vào mông, không chừng bị ông bà, bố mẹ chúng quở trách, kiện cáo vì GV quá nghiêm khắc. Bởi vậy, nhiều GV đành chấp nhận dùng biện pháp nhượng bộ HS. Đó là cách giáo dục rất sai lầm. Trong quản lí, giáo dục HS cá biệt, muốn thành công, cần phải nghiêm khắc và kiên trì, nhẫn nại, đặc biệt phải có nghệ thuật cảm hóa HS. Dưới đây chúng tôi xin gợi ý một số việc nên làm:

- Phát hiện các HS thường xuyên vắng mặt trong các giờ học, hoặc những HS hay gây gổ đánh nhau, bất hợp tác và phản kháng với GV, những HS sa vào các tệ nạn xã hội (nghiện game, cờ bạc, hút thuốc, chơi bời lêu lổng) để theo dõi và quản lí chặt chẽ.

- Biết tên từng HS đó cũng như hiểu rõ hoàn cảnh sống, tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu, sở thích, khả năng nhận thức, những trở ngại, khó khăn ) để tìm cách tác động và dạy học phù hợp.

- Phải biết chấp nhận, hiểu và thích ứng với các hành vi của những HS cá biệt để không bị sốc. Từ đó có cách ứng xử và xử lí phù hợp với những hành vi sai phạm mà HS gây ra.

- Phối hợp chặt chẽ với GV dạy các bộ môn, các tổ chức đoàn thể trong lớp, trong trường và cha mẹ HS để tìm biện pháp quản lí và giáo dục.

- Cố gắng cải thiện mối quan hệ với các HS cá biệt, không ghét bỏ và luôn lắng nghe, gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ, động viên khi HS đó gặp khó khăn trong các hoạt động học tập ở trên lớp (kể cả ngoài giờ lên lớp) như một người bạn.

- Có giờ làm việc hành chính để cá nhân HS có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, nhận sự giúp đỡ. Ở đó, GV sẵn sàng chia sẻ với HS về kinh nghiệm cá nhân và các kĩ năng sống, giá trị sống, chỉ ra cho HS thấy rõ những hành vi sai trái cần từ bỏ.

-Sẵn sàng tha thứ, khoan dung và có niềm tin vào sự thay đổi để cảm hóa HS bằng nghệ thuật sư phạm của mình. Xin dẫn ra một câu chuyện để chúng ta cùng tham khảo:

Tại 1 trường học ở Mĩ, lớp có 26 HS cá biệt, có tiểu sử không hay ho: có em từng tiêm chích ma túy, có em vào trại cải tạo, thậm chí có em HS nữ phá thai 3 lần /năm. Gia đình chán nản và đã buông bỏ chúng. Các thày cô giáo trong trường cũng coi đó là đồ bỏ đi. Phi La là một cô giáo đã tình nguyện làm chủ nhiệm lớp cá biệt này. Ngày đầu tiên nhận lớp, cô giáo không hề quát nạt hay ra oai với chúng. Cô dịu dàng nhìn lũ trẻ một lượt rồi trầm ngâm cất tiếng nói:

Cô sẽ kể cho các em về quá khứ của 3 người đàn ông khác nhau:

Người thứ nhất từng có vụ bê bối về chính trị, rất tin vào y thuật của thày cúng, từng có 2 tình nhân, hút thuốc nhiều và uống từ 8-10 li rượu mạnh mỗi ngày.

Người thứ hai, có hai lần bị đuổi việc, hay ngủ tới trưa mới dậy và tối nào cũng uống một lít rượu. Ông ta từng hít thuốc phiện khi còn là SV.

Người thứ ba, là anh hùng chiến tranh của một đất nước, ông ăn chay trường, không bao giờ hút thuốc và thỉnh thoảng uống rượu nhưng không nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì bị phạm pháp và chưa từng có vụ bê bối tình ái nào.Theo các em, trong ba người đó, ai có cống hiến nhiều nhất cho nhân loại?

Những đứa trẻ đồng thanh chọn người thứ ba, sau khi nghe xong câu chuyện.

Cô biết là các em sẽ chọn người thứ ba, nhưng các em đã sai rồi đấy!

Ba người này đều là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2.

Người thứ nhất là Roosevent- tuy tàn tật, nhưng ý chí kiên cường. Ông đã giữa chức vụ tổng thống Mĩ 4 nhiệm kì liên tiếp.

Người thứ hai, là Sơc sin-Vị thủ tướng tài ba nhất của nước Anh.

Người thứ ba là Hít Le, tên Ác quỷ phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội. Lũ trẻ ngây người và không thể tin nổi vào những gì chúng vừa nghe thấy.

Các em có biết không, những điều mà cô vừa nói là quá khứ của họ, còn sự nghiệp sau này của họ là những việc mà họ làm sau khi đã thoát khỏi quá khứ đó. Vinh quang và tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ, còn cái thực sự đại diện cho đời người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ và bắt đầu làm lại từ hôm nay. Cố gắng làm những việc mà các em muốn làm. Cô tin các em sẽ thành những người xuất chúng. Phi La vừa nói, vừa nhìn chúng với ánh mắt đầy hy vọng.

Và sau này khi trưởng thành rất nhiều HS trong đó đã thành đạt trong cuộc sống: Có người trở thành bác sĩ tâm lí, có người trở thành quan tòa, có người trở thành nhà du hành vũ trụ, và trong số đó có Robert Harison-cậu bé thấp nhất và quậy phá nhất lớp này đã trở thành giám đốc tài chính của phố Wall. Đừng bao giờ ngừng hy vọng, ngừng yêu thương HS. Câu chuyện trên cho chúng ta thấy cách giáo dục và cảm hóa của GV với các HS cá biệt rất ấn tượng.

- Cuối cùng, muốn quản lí và giáo dục được những HS cá biệt, GVcũng đừng quên phải dùng đến những hình phạt thích đáng đối với những hành vi hỗn láo, vô ý thức kỉ luật. Bởi không có hình phạt và biện pháp kỷ luật thì sao gọi là giáo dục?. Makarenco là nhà giáo dục nổi tiếng người Ukraina.Trong suốt 34 năm hiến thân cho giáo dục, Ông đã khẳng định, Trong giáo dục mà loại bỏ các hình phạt là thể hiện chủ nghĩa nhân đạo giả dối. Nhân đạo không phải là sẵn sàng bỏ qua những cái sai, cái xấu xa của HS mà phải đấu tranh để loại bỏ nó đến cùng với niềm tin nhất định HS sẽ tiến bộ. Danh ngôn xưa cũng có câu Khoan dung với cái ác là đẩy người lương thiện vào chốn tai ương. Chuyên gia giáo dục hàng đầu Trung Quốc Tiền Văn Trung cho rằng, nền giáo dục hiện nay tại Trung Quốc đang thụt lùi vì sự nhượng bộ con trẻ của chính phụ huynh và nhà trường. Ông cho rằng, không đánh, không mắng, không phạt, sẽ không có học sinh ưu tú. Lối dạy dỗ HS không đi liền với các hình phạt nghiêm khắc sẽ phá hủy tương lai của xã hội. Không thể có cái gọi là dạy học vui vẻ, Giáo dục vui vẻ đối với những HS được coi là bất trị. Cho nên, việc quản lí, giáo dục HS cá biệt rất cần đến hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí là các hình phạt mang tính răn đe.

Kết luận

Sự thành công của một giờ học trên lớp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song yếu tố quan trọng nhất, mang ý nghĩa nền tảng đó chính là kĩ năng QLLH. Không quản lí được lớp học, mọi nỗ lực dạy học của GV đều thất bại. Bởi vậy việc trang bị và rèn luyện những kĩ năng về QLLH luôn là việc hàng đầu của mọi GV. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới GV đều cho rằng cần phải mở những lớp học phổ cập và nâng cao về kỹ năng QLLH, nhất là kĩ năng đối phó và giải quyết tình trạng bạo lực xảy ra trong lớp học. Bài viết này hy vọng sẽ trang bị thêm cho GV phổ thông những kinh nghiệm và bài học mới mẻ về kĩ năng QLLH trong giờ học, nhất là đối với những GV trẻ mới vào nghề còn thiếu kinh nghiệm trong QLLH.

Tài liệu tham khảo

1. Robert J. Marzano, jana S. Marzano& Debra J. Pickerning (2011)-Quản lí hiệu quả lớp học (người dịch Phạm Trần Long). NXBGD Việt Nam.

2.Khúc Năng Toàn (2015), Thực trạng kĩ năng quản lí lớp học của giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tạp chí khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, Volume 60, Number 6A, tr 94-102.

3. Wong, H.K&Wong, R.T, (2001). How To Be an Effective Teacher: The First Days of School. Moutain View, CA: Hary K. Wong Publications, Inc.

4. Nguyễn Thị Hằng-Nguyễn Thị Định (2011), Xác định những kĩ năng quản lí lớp học cần hình thành cho sinh viên sư phạm. Đặc san khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, Vol 56, Tr 81-85.



Publish: 9/7/2020 - Views: 4655 - Lastest update: 9/7/2020 10:54:01 AM