Cách trị tức ngực bằng luyện tập

SKĐS- Tình trạng khó thở, tức ngực ngay sau khi vận động thể lực, luyện tập thể thao khiến cho không ít người lo lắng. Bài viết dưới đây của BS. Nguyễn Tiến Lộc, khoa Y học Thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình 175 sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Không chỉ những người chọn thể thao để rèn luyện sức khỏe mắc phải tình trạng khó thở, tức ngực, mà ngay cả các vận động viên chuyên nghiệp cũng có nguy cơ bị khó thở trong và sau khi thi đấu. Vậy, tức ngực khó thở do đâu? Cần làm gì để phòng ngừa…

1. Nguyên nhân tức ngực, khó thở khi luyện tập

Có thể trong chúng ta cũng từng có cảm thấy khó thở, tức ngực khi luyện tập nhất là sau khi chạy bộ đường dài, hoặc chơi các môn thể thao đòi hỏi thể lực như bóng đá, bơi lội…

  • Thuốc nào dùng để giảm đau cổ vai gáy?
  • Đứt dây chằng: Dấu hiệu, nguyên nhân, biến chứng và điều trị
  • Coi chừng gan nhiễm mỡ có thể gây xơ gan, ung thư gan
  • Liệu pháp mới có thể giúp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
  • Thuốc trị viêm mũi dị ứng từ nhẹ đến nặng

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân vì sao mỗi khi vận động cường độ cao, lại khiến cơ thể trở nên tức ngực, khó thở như thế.

Co thắt phế quản do thể thao (Exercise-Induced Bronchospasm) là một nguyên nhân. Để cắt nghĩa đơn giản nhất có thể, chúng ta có thể hình dung, sở dĩ chúng ta có thể hít thở được là nhờ có “đường ống dẫn khí” kéo dài từ mũi đến phổi.

Trên “đường dẫn khí” này có các cơ để cơ thể có thể điều chỉnh, làm cho “ống dẫn khí” thay đổi đường kính. Nhờ đó mà mỗi khi có các yếu tố gây nguy hiểm đến sức khỏe đi vào “đường ống” thì ống sẽ thu hẹp lại để không cho các yếu tố nguy hại đi sâu hơn nữa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể do tác động của môi trường (ô nhiễm, khói bụi, thuốc lá…), hoặc do tập luyện quá sức mà khiến cho “đường ống” này bị kích thích, gây co thắt.

Và đây cũng chính là lí do khiến chúng ta cảm thấy khó thở sau khi chơi thể thao. Vì thế, cách phòng tránh là thông tin cần thiết để chúng ta có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ và hậu quả mà tình trạng này mang lại.

2. Những lưu ý phòng tránh tức ngực, khó thở khi luyện tập thể thao

2.1. Luôn luôn khởi động trước

Việc khởi động mang lại rất nhiều lợi ích như tránh chuột rút, sốc hông, ngoài ra còn giúp tránh bị co thắt đường thở sau khi chơi thể thao.

Việc khởi động nên bắt đầu từ các bài tập nhẹ nhàng, để cơ thể làm quen dần và sẵn sàng cho buổi tập luyện nhằm tránh các nguy cơ chấn thương không đáng có. Nhờ vào khởi động đúng cách mà cơ quan hô hấp của chúng ta có sự chuẩn bị kịp thời. Vì thế mà nguy cơ bị co thắt đường thở được giảm đi đáng kể.

2.2. Đeo khẩu trang

Phương pháp này dành cho các bạn đang sống ở các khu vực có khí hậu lạnh. Việc đeo khẩu trang giúp không khí ở trong khẩu trang sẽ được làm ẩm nhiều hơn, và ấm hơn so với việc hít vào trực tiếp từ khí trời. Không khí đi vào cơ thể đạt được độ ẩm và độ ấm thích hợp sẽ giúp giảm tỉ lệ khó thở.

Cách trị tức ngực bằng luyện tập

Trước khi luyện tập thể dục thể thao cần khởi động kỹ.

2.3. Tránh các khu vực khói bụi, thuốc lá

Đối với các tác nhân gây hại cho sức khỏe, cơ thể sẽ chống lại bằng cách co hẹp “đường dẫn khí” nhằm hạn chế không cho các yếu tố độc hại này đi vào cơ thể càng ít càng tốt. Tuy nhiên, trong khi chúng ta đang luyện tập, đòi hỏi cơ thể được đáp ứng một lượng khí trời lớn.

Do đó, việc thu hẹp “đường thở” sẽ cản trở quá trình thi đấu, rèn luyện. Thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng nếu như chúng ta bị hen suyễn. Vì thế, khi tập luyện, cần tìm một nơi tránh được càng nhiều khói bụi càng tốt.

2.4. Hít thở bằng mũi

Thông thường, khi chạy bộ hoặc tập luyện gắng sức, chúng ta có xu hướng hít thở bằng miệng nhiều hơn bằng mũi. Việc hít vào bằng miệng có thể giúp lấy được nhiều khí trời hơn, nhưng sẽ khiến các cơ quan bảo vệ, làm ẩm và ấm khí hít vào của cơ thể bị mất đi chức năng. Vì thế không khí vào cơ thể có nhiều tác nhân gây hại và khô, khiến cho “đường dẫn khí” không đạt đủ độ ẩm và dễ bị kích thích hơn.

Thống kê cho thấy tỉ lệ gặp phải trường hợp trên rơi vào khoảng 11-50% số lượng vận động viên thi đấu. Tỉ lệ này càng cao đối với các vận động viên thi đấu ở mùa đông, hoặc các môn thể thao gắn liền với thời tiết lạnh như trượt tuyết, trượt băng nghệ thuật.

Cách trị tức ngực bằng luyện tập

Khi tập luyện, cần tìm một nơi tránh được càng nhiều khói bụi càng tốt.

Tóm lại: Tức ngực, khó thở khi luyện tập thể dục thể thao là điều khó tránh khỏi và tình trạng này cũng rất thường gặp khi thời tiết lạnh. Thông thường, dấu hiệu khó thở sẽ xuất hiện sau khi nghỉ ngơi được 5 đến 10 phút. Các dấu hiệu này có thể kéo dài đến 30 phút, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu như các bạn có các bệnh lý khác kèm theo.

Chính vì vậy khi luyện tập, việc lưu ý với các phương án trên là những cách thức đơn giản, không cần sử dụng thuốc để có thể khắc phục được các vấn đề liên quan đến hô hấp trong và sau tập luyện mà ai cũng có thể làm được. Và dựa vào quỹ thời gian và tính chất công việc của từng người, các bạn sẽ tìm ra cho mình một phương án rèn luyện phù hợp nhất.