Cách trị viêm xoang bằng tỏi

Tỏi là gia vị quen thuộc trong bếp nhà. Chữa viêm xoang bằng tỏi là phương pháp được nhiều người tin là đem lại hiệu quả đáng kể. Thực hư ra sao?

Công dụng của tỏi

Từ lâu, người ta đã dùng tỏi để chữa các bệnh thường gặp như cảm cúm, đau bụng, đầy bụng, khó tiêu. Nguyên nhân là vì trong tỏi chứa các chất có công dụng chữa và cải thiện tình trạng bệnh.

Một số thành phần trong tỏi:

  • Trong tỏi có alliin, chất này sẽ được chuyển hóa thành allicin khi tỏi bị cắt nhỏ, đập giập. Allicin có tính kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, làm sạch ổ nhiễm trùng.
  • Chất scordinin trong tỏi giúp tăng cường miễn dịch và hạn chế sự phát triển của các tế bào bất thường liên quan tới viêm xoang.
  • Tỏi còn giàu vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin B6, magiê, selen, đồng, canxi, sắt. Lượng magiê trong 100g tỏi đáp ứng được 85% nhu cầu magiê của cơ thể trong một ngày.
  • Tỏi không có cholesterol và hầu như không có chất béo.

Tỏi có tác dụng cải thiện tình trạng của một số bệnh như:

  • Các bệnh xương khớp [viêm đau khớp, vôi hóa các khớp]
  • Các bệnh về đường hô hấp [viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản]
  • Bệnh đường tiêu hóa [ợ chua, khó tiêu, viêm loét dạ dày, tá tràng]: Tỏi sẽ cải thiện tình trạng đối với những trường hợp bị bệnh nhẹ. Tuy nhiên, ở những người bị bệnh nặng, xuất huyết đường tiêu hóa, đau thắt, viêm loét dạ dày, tá tràng thì dùng tỏi không những không chữa được bệnh mà còn gây hại.
  • Bệnh tim mạch [huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch].

Công dụng của tỏi đương nhiên không chỉ dừng lại ở đó. Từ xa xưa, ông bà ta đã dùng tỏi để phòng chống các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm. Tỏi cũng được coi là phương thuốc dân gian trị viêm xoang hiệu quả nhờ khả năng kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, chống lại tình trạng viêm và nhiễm trùng, chống sung huyết. Tỏi vừa làm giảm triệu chứng giúp người bệnh dễ chịu hơn, lại vừa có đặc tính chữa bệnh, chống virus, vi khuẩn, làm sạch nấm gây viêm xoang.

Cách chữa viêm xoang bằng tỏi

Xông mũi bằng tỏi

Xông mũi bằng tỏi được cho là cách hỗ trợ điều trị viêm xoang hiệu quả.

Xông tỏi có tác dụng gì?

Xông tỏi giúp làm loãng dịch nhầy trong xoang để chúng dễ dàng thoát ra ngoài, từ đó giảm áp lực bên trong xoang gây đau nhức. Đồng thời, xông tỏi còn trị nghẹt mũi, giúp người bệnh hít thở dễ dàng hơn.

Cách xông mũi bằng tỏi

Cho vài tép tỏi sống đã bóc vỏ và đập giập vào một chén nước sôi, lấy khăn trùm đầu lại hoặc tự chế một phễu giấy chụp vào chén, đầu nhọn của phễu được khoét lỗ nhỏ để điều hướng tinh chất tỏi vào mũi. Hít thở sâu và chậm rãi. Xông tỏi thường xuyên vào mỗi tối trước khi đi ngủ.

Ăn tỏi sống

Ăn tỏi sống mỗi ngày [1-2 tép nhỏ] sẽ cải thiện tình trạng bệnh viêm xoang rõ rệt. Không những thế, ăn tỏi sống còn mang lại nhiều lợi ích khác như:

  • Tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng ngừa và điều trị bệnh cảm cúm
  • Lọc độc tố trong máu, chống oxy hóa, chống lão hóa, cải thiện làn da
  • Hạ huyết áp
  • Ngăn ngừa bệnh tim mạch
  • Phòng ngừa bệnh Alzheimer
  • Giúp xương chắc khỏe
  • Phòng bệnh ung thư

Tuy tỏi sống có nhiều công dụng nhưng cần dùng đúng cách thì công dụng đó mới được phát huy, nếu không sẽ gây những tác dụng phụ không tốt cho người dùng.

Ăn tỏi sống đúng cách

  • Tỏi không nên ăn lúc đói vì nó kích thích niêm mạc dạ dày. Người có bệnh nặng về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày hành tá tràng, xuất huyết tiêu hóa không nên ăn tỏi sống.
  • Người có vấn đề về mắt, thị lực yếu, người có bệnh gan, thận cũng không nên ăn tỏi, nhất là tỏi sống.
  • Tỏi sống có mùi hăng, vị cay khó ăn. Bạn nên kết hợp tỏi với các thực phẩm khác sẽ ngon miệng hơn và đỡ bị kích thích niêm mạc dạ dày.
  • Súc miệng bằng nước trà xanh, ăn trái cây, uống sữa, nhai kẹo cao su sau khi ăn tỏi giúp giữ hơi thở thơm tho.

Đối với những người nhạy cảm với mùi tỏi thì có thể dùng tỏi ngâm, sẽ đỡ mùi hăng mà vẫn có tác dụng phòng chống viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp dễ dẫn đến viêm xoang như cảm lạnh, cảm cúm.

Tỏi ngâm giấm dùng trong bữa ăn rất ngon miệng và tốt cho sức khỏe. Nếu muốn dễ ăn hơn, bạn hãy ngâm tỏi cùng mật ong.

Bạn có thể tham khảo thêm: Công thức tỏi ngâm mật ong trị cảm cúm

Người lớn có thể dùng rượu tỏi. Không chỉ cải thiện đáng kể tình trạng viêm xoang mà rượu tỏi còn có hiệu quả với một số bệnh khác nữa.

Bạn có thể tham khảo thêm: Cách ngâm rượu tỏi chữa viêm xoang và nhiều bệnh khác

Lưu ý khi chữa viêm xoang bằng tỏi

Tỏi chỉ có tác dụng khi bệnh viêm xoang còn nhẹ. Đối với người bị bệnh nặng, tỏi chỉ có tác dụng hỗ trợ việc điều trị. Việc tự ý tăng liều dùng tỏi không làm tăng hiệu quả điều trị mà trái lại còn gây hại.

Dùng tỏi điều trị viêm xoang cần có sự kiên trì và điều độ trong liều lượng sử dụng thì mới đạt được kết quả tốt.

Do cơ địa mỗi người mỗi khác nên có người dùng tỏi điều trị sẽ không thấy hiệu quả, trong khi người khác lại nhanh chóng cải thiện được tình trạng bệnh viêm xoang. Nếu nhận thấy việc dùng tỏi không có tác dụng, người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chữa trị. Tránh để bệnh viêm xoang quá nặng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm có khả năng gây tử vong.

Người bệnh nên cẩn trọng với việc nhỏ nước tỏi vào mũi vì tỏi kích ứng niêm mạc có thể gây phù nề, thậm chí gây viêm nhiễm khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng các phương pháp chữa viêm xoang bằng tỏi nếu người bệnh thuộc các trường hợp sau đây:

  • Những người có các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, cao huyết áp
  • Những người chuẩn bị phẫu thuật và có dùng thuốc chống đông máu
  • Những người đang dùng bất cứ loại thuốc nào khác
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Trẻ em dưới 12 tuổi

Bên cạnh việc chữa viêm xoang bằng tỏi, người bệnh cần kết hợp duy trì lối sống lành mạnh:

  • Ăn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, tránh các món cay nóng, thực phẩm dễ gây viêm, phù nề
  • Thường xuyên uống nước lọc để bổ sung đủ nước cho cơ thể
  • Thường xuyên tập thể dục, vận động hợp lý để nâng cao thể lực, tăng cường hệ miễn dịch
  • Tránh xa rượu, bia, thuốc lá
  • Phân bổ thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức để không bị stress thường xuyên.
  • Tránh môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, hóa chất. Đeo khẩu trang ở những nơi đông người, luôn giữ ấm cơ thể, nhất là vùng mũi, cổ, ngực để tránh bị nhiễm lạnh.

Chủ Đề