Cải lương là ai

Cải lương là ai

Tháng 12-1966, Trường quốc gia Âm nhạc Sài Gòn tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập nghệ thuật cải lương. Tại buổi lễ kỷ niệm này, một diễn giả đã khẳng định cải lương ra đời năm 1916!

Cuối năm đó, tạp chí Tin Văn do nhà văn Nguyễn Ngọc Lương bút danh Nguyễn Nguyên ra số đặc biệt, số 13, để "Kỷ niệm nửa thế kỷ sân khấu cải lương"!

Vậy cải lương ra đời năm 1916?

Gốc gác của năm 1918

Không! Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng nói "quý vị mặc tình muốn đặt năm sanh của cải lương vào năm nào tùy ý mỗi người" (Vương Hồng Sển, 50 năm cải lương, Tủ sách Nam Chi Sài Gòn 1968, trang 18).

Năm 1997, nhạc sĩ Kiều Tấn trong luận án làm tại Berlin, Đức "Cây đàn ghita phím lõm" quả quyết: "Đến năm 1918, nghệ thuật sân khấu cải lương được chính thức ra đời tại Mỹ Tho bởi gánh hát Thầy Năm Tú của Châu Văn Tú với vở Kim Vân Kiều đầu tiên của Trương Duy Toản, tự Mạnh Tự" (Kiều Tấn, Cây đàn ghita phím lõm, Berlin 1997, trang 29).

Năm 2007, Tuấn Giang trong tác phẩm Lịch sử cải lương phổ biến trên mạng Internet tỏ ra chắc chắn: "Sự ra đời sân khấu cải lương, số đông các nhà nghiên cứu thống nhất vào ngày 15-11-1918, hoặc năm 1918 là năm ra đời sân khấu cải lương.

Có hai ý kiến cho rằng sân khấu cải lương ra đời năm 1919, sau khi so sánh nhiều nguồn tư liệu tôi đồng tình với nhận định của các nhà nghiên cứu và giới báo chí Sài Gòn lấy năm 1918 xuất hiện nghệ thuật cải lương.

Người đầu tiên trương biển hiệu "hát cải lương" là ban ca kịch của ông Châu Văn Tú, ông luyện tập hai vở: Kiều Nguyệt Nga và Kim Vân Kiều, nhưng khi công diễn chọn vở Kim Vân Kiều. Người đầu tiên phát minh ra trò diễn carabộ là cô Ba Đắc.

Tác giả đầu tiên của trò diễn carabộ có tính cải lương là ông phó Mười Hai. Tác giả đầu tiên có vở diễn cải lương diễn trọn tác phẩm Kim Vân Kiều, ba đêm mới hết là ông Trương Duy Toản".

Thế nhưng, ngược dòng lịch sử thì thấy rằng năm 1918, Thầy Năm Tú (tên thật là Châu Văn Tú, còn gọi là Pierre Tú vì có quốc tịch Pháp) chưa có gánh hát mà chỉ mới cất rạp chiếu phim; ông Trương Duy Toản chưa thoát án "an trí" còn bị bó chân ở Cần Thơ và chưa có tuồng Kim Vân Kiều với bài ca vọng cổ.

Theo Sở VH-TT&DL Bạc Liêu, "bản Dạ cổ hoài lang được ông (Cao Văn Lầu) sáng tác năm 1919" (Vọng mãi bản Dạ cổ hoài lang, Sở VH-TT&DL Bạc Liêu, 2008, trang 7). Dạ cổ hoài lang sau này được gọi là bản vọng cổ.

Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong 50 năm cải lương ghi rõ "mấy buổi diễn của gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho lên Sài Gòn hát tại rạp Modern cinema ở đường D’Espagne số 212 đêm thứ bảy 11 và chúa nhựt 12 Novembre 1922.

Hát cải lương tuồng Kim Vân Kiều. Hát hai hồi. Hồi thứ nhứt Túy Kiều du thanh minh ngộ Kim Trọng. Hồi thứ nhì - Kiều nữ mại thân cứu phụ...

Tuần tới ngày thứ bảy 18 và chúa nhựt 19 Novembre 1922 sẽ hát tuồng Kim Vân Kiều tiếp theo: Hồi thứ ba Kiều nhập thanh lâu và thứ tư Hoạn Thơ ghen bắt Túy Kiều" (Vương Hồng Sển, sách đã dẫn, trang 226-227).

Tuồng Kim Vân Kiều tôi có do nhà in Saigon Nguyễn Văn Viết in vào tháng 3-1926 thì gồm 3 tuồng. Muốn coi hết Kim Vân Kiều phải mất ba đêm diễn!

Cải lương là gì?

Cải lương được các chánh trị gia, nhà báo thời ấy dùng phê phán các chánh sách thay đổi nửa vời, thay đổi chút chút của chánh quyền thực dân. Lần lần hai chữ này thành quen miệng với dân chúng khi thấy cái gì đó thay đổi nhưng không hoàn toàn.

Nghệ thuật cải lương đã "chiếm" hai chữ cải lương khi các gánh hát "cải lương" ra đời.

Thuở ấy, trước áp lực của người thưởng thức nghệ thuật, sân khấu đòi hỏi có cái gì đó mới hơn hát bội, ca tài tử trong phòng trà, lạ hơn kịch Tây thì các sân khấu cải lương ra đời.

Tuồng tích gần với người Việt (hát bội đa số tuồng tích Tàu, kịch thì tuồng Tây hoặc nói toàn tiếng Tây), ăn mặc bình thường, có thoại (nói) giống kịch Tây lại có ca như ca tài tử có ra bộ (gọi là carabau = carabộ), có hát nhạc Tây, dàn nhạc êm ái hơn, lời thoại gần với đời sống.

Các tuồng hát như vậy gọi là tuồng cải lương. Từ năm 1922, cải lương có thêm bài ca Vọng cổ hoài lang viết theo nhịp bài Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu.

Nhà báo hát cải lương

Năm 1916, có phong trào "cải lương hát bội" tức phong trào chấn hưng lại nghệ thuật hát bội đang chết dần.

Người đứng đầu phong trào này là nhà báo Lương Khắc Ninh khi ông lập luôn gánh "cải lương hát bội", diễn thường trực tại rạp Cầu Muối, đường Hồ Văn Ngà (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm).

Cũng thời điểm ấy, Hội khuyến học Long Xuyên thành lập nhóm "Cải lương kịch xã" để diễn thoại kịch hoặc hí kịch.

Ngày 14-7-1917, nhóm Cải lương kịch xã đưa tuồng Vì nghĩa quên nhà bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp do đốc phủ Lê Quang Liêm và đốc phủ Hồ Văn Trung (tên thật của nhà văn Hồ Biểu Chánh) hợp soạn, lên sàn diễn tại Long Xuyên.

Tuồng tạo được tiếng vang nên Cải lương kịch xã được mời lên Sài Gòn diễn tại rạp hát bóng Eden vào hai ngày 11 và 12-9-1917.

Năm 1918, dưới sự cổ võ của toàn quyền Đông Dương Albert Sarrault, giới trí thức nhân sĩ của Sài Gòn và Nam Kỳ tổ chức cuộc hát cải lương quyên góp giúp người Pháp tái thiết sau Thế chiến thứ I.

Cuộc hát do Hội báo chương Nam Kỳ (tương tự Hội nhà báo hiện nay) đứng ra vận động với người đứng đầu là ông Nguyễn Văn Của, huyện hàm, chủ nhà in, tổng lý Nam Trung Nhựt Báo và là chủ tịch Hội báo chương Nam Kỳ.

Tuồng cải lương hát bội biểu diễn là tuồng Pháp Việt nhứt gia do hai nhà báo Đặng Thúc Liêng và Nguyễn Viên Kiều hợp soạn. Diễn viên hầu hết là nhà báo.

Buổi diễn đầu tiên vào đêm 20-10-1918 tại nhà hát Tây (Nhà hát thành phố hiện nay), qua đêm 21-10 diễn tại rạp Eden trong Chợ Lớn, đêm 22-10 diễn ở rạp Hội đồng Ngàn trong Gò Vấp. Sau đó, gánh hát đã đi Lục tỉnh biểu diễn cho đến hết tháng 11-1918 mới rã.

Năm 1919, tại Sa Đéc, ông Lê Văn Thận còn gọi là Andre Thận - nguyên là "cò tàu" (kiểm soát viên tàu bè) - mời một số người trong hội Sadec Amis lập gánh hát xiệc lấy tên Sa Đéc Tâm Chơn Ban, sau đó đổi thành Tân Nam Việt, dân chúng quen gọi là gánh hát xiệc Thầy Năm Thận.

Gánh này trình diễn lần đầu tại Sa Đéc vào tháng 8-1918 với các tiết mục hát bóng, hát xiệc, ảo thuật, đờn ca và chưng bươm bướm (múa theo kiểu Tây phương, diễn viên mặc áo lụa mỏng có thêu kim tuyến).

Sau một thời gian, gánh của Andre Thận được gọi là gánh "hát xiệc cải lương" vì có một số bài bản carabộ do ông Trương Duy Toản viết.

Từ năm 1921 trở đi, nhiều gánh hát ra đời và có sự cạnh tranh. Andre Thận phá sản, ông cho rã gánh sau buổi diễn ngày 19-3-1922. Số đào kép của Andre Thận được sang lại cho thầy Năm Tú để lập gánh hát Thầy Năm Tú.

Như vậy, việc chọn một tiêu chí "cải lương" để kỷ niệm 100 cải lương có thể cần thêm nhiều cuộc bàn thảo.

Nếu chọn kỷ niệm cải lương là lúc có đoàn hát hoặc vở diễn đầu tiên thì là năm 1917, thời điểm ra đời tuồng Vì nghĩa quên nhà của nhóm Cải lương kịch xã ở Sa Đéc.

Nếu chọn gánh hát ra đời đầu tiên thì phải là gánh của thầy Năm Thận ra đời năm 1919. Hoặc chọn tuồng có bài ca vọng cổ, phải chọn Kim Vân Kiều của gánh Thầy Năm Tú thì là năm 1922, tức là năm 2022 sắp tới.

Ai là tác giả tuồng Kim Vân Kiều?

Cải lương là ai

Bìa tuồng Kiều ngộ Từ Hải - Ảnh tư liệu tác giả

Lâu nay, nhiều người cho rằng tác giả tuồng Kim Vân Kiều là ông Mạnh Tự Trương Duy Toản.

Trương Duy Toản (1885-1957) là một nhà cách mạng, một nhà văn, một nhà báo từ đầu thế kỷ 20, từng đi nhiều nơi trên thế giới và là thơ ký của Kỳ ngoại hầu Cường Để.

Năm 1913, ông bí mật xuất cảnh sang Thượng Hải rồi sau đó cùng Cường Để sang Paris. Tại đây ông bị Pháp bắt giam đến năm 1916, bị đưa về an trí ở Nhơn Ái, Phong Điền (Cần Thơ).

Đến năm 1919, nhờ Trần Chánh Chiếu và Nguyễn Văn Của can thiệp ông mới được thong thả và trở lại nghề báo.

Nhưng làm thế nào trong thời gian bị quản chế ở Phong Điền, ông Toản có thể làm "thầy tuồng" cho gánh hát Thầy Năm Tú vào năm 1918?

Trong khi xưa các gánh hát thường không có đạo diễn, một tuồng hát lên sàn diễn, tác giả kiêm đạo diễn ngồi sau cánh gà để chỉ đạo cho diễn viên diễn xuất.

Kim Vân Kiều nếu đúng là của Trương Duy Toản thì ông phải ngồi trong cánh gà, mà thời điểm này ông là chánh trị phạm bị quản thúc ở Phong Điền làm sao có mặt ở Mỹ Tho?

Tác giả của tuồng Kim Vân Kiều chúng tôi có trong tay là ông Trương Quan Tiền, một nhà báo thời ấy, sau chuyển sang viết tuồng cải lương.

Và tuồng cải lương "có bản vọng cổ đầu tiên" là Kim Vân Kiều của tác giả Trương Quan Tiền do gánh hát Thầy Năm Tú diễn buổi đầu tiên ở rạp Modern sau chợ Sài Gòn vào tháng 11-1922.

TRẦN NHẬT VY

SƠ LƯỢC VỀ HÁT CẢI LƯƠNG

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Căn cứ vào ngữ nghĩa, chữ “cải lương” (改良) là sửa đổi cho tốt hơn, nói cách khác, làm sao cho những cái dở, kém, thiếu sót trở thành hoàn hảo và thích hợp hơn. Cho nên hát cải lương, không phải là một nghệ thuật trình diễn hoàn toàn sáng tạo, mà trái lại được thoát thai và cải tiến từ bộ môn hát bội. Nói rộng ra, cải lương đã tổng hợp những tinh hoa nghệ thuật của các bộ môn khác như: ca, kịch, nhạc, thi, vũ. Vậy hát cải lương là gì, quá trình hình thành phát triển ra sao, sự khác nhau giữa hát bội và cải lương, tính chất điệu hát, sự phân chia dòng phái, đặc điểm nhạc cụ, các tác gia kịch bản, và vai trò của bộ môn nghệ thuật này như thế nào?

I – HÁT CẢI LƯƠNG LÀ GÌ?

Cải lương là bộ môn nghệ thuật vừa diễn, vừa ca ra bộ, tức điệu bộ phù hợp với lời ca. Từ trước, nước ta đã có hát chèo và hát bội, đến năm 1917, một mô hình nghệ thuật nữa ra đời, đúng hơn biến thể từ hát bội và theo âm nhạc miền Nam, với màu sắc mới mẻ, điệu hát tân tiến, giọng ca mùi mẫn, tạo sự hấp dẫn hơn hai bộ môn trước, nên đặt tên là Cải lương.

Nghệ thuật cải lương hướng về tả thực, diễn xuất giống như ngoài đời, người nghệ sĩ cần phải từng trải để thấu hiểu tâm lý nhân vật mà nhập vai, từ cách ăn nói, phong thái, xử sự. Vì vậy, điệu bộ và màu mè lấy vẻ tự nhiên làm yếu tố quan trọng, không nên gia tăng, cường điệu và cao giọng hét lớn như hát bội.

Về kỹ thuật trình diễn lại khác xa, hát bội hướng về tượng trưng và ước lệ, trong lúc cải lương là tả chân. Cho nên, lối dàn cảnh ở cải lương thật công phu, phải giống hệt khung cảnh ngoài thiên nhiên, cần nhiều phông màn tranh cảnh khác nhau, thay đổi cho hợp tình tiết vở diễn. Y phục, hóa trang không cần lộng lẫy mà phải ăn mặc y như cách sống nhân vật, đúng vào thời đại nhân vật. Chẳng hạn, diễn tuồng Mông Cổ nhà Nguyên, không thể dùng y phục của triều đại Mãn Thanh.

Về điệu hát, cải lương và hát bội đều sử dụng loại nhạc tuồng, nhưng cải lương không có xướng, bạch, hường, tán, ban… Các giọng khác vay mượn từ hát bội cũng biến thể rất nhiều và cải lương còn phát triển những điệu ca mới hợp với tiếng đờn tài tử. Như vậy, cải lương lấy âm nhạc làm chủ, diễn viên nhả chữ nhả câu phải hòa với tiếng đàn, giọng ca theo sát từng giai điệu và tiết tấu của điệu nhạc. Trong khi hát bội câu ca không gò bó bởi âm nhạc, miễn sao đúng với nhịp chính là được, nên diễn viên có thể tự do phơi bày hết sở trường của mình.

II – SỰ HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

01 – Giai đoạn tiền thân: Đờn ca tài tử

Từ khi Nguyễn Hoàng di cư vào miền Trung, lập nên triều đại ở Thuận Hóa, những đợt Nam tiến không ngừng đưa người dân Xứ Đàng Trong vượt đèo Cù Mông lấn chiếm Champa, rồi Thủy Chân Lạp. Định cư ở miền đất Lục tỉnh xa xôi, từ nỗi buồn ly hương, những nghệ sĩ với ít nhiều vốn liếng Nhã nhạc cung đình, đã phát sinh ra dòng nhạc Đờn Ca Tài Tử Miền Nam, thể hiện một nỗi nhớ nhung vời vợi. Họ tụ họp lại từng nhóm, lập thành các ban đờn ca tài tử ở rải rác khắp miền Lục Tỉnh và sinh hoạt trong các cuộc lễ tại tư gia như hôn quan tang tế. Các tài tử ca độc thoại, những bản như: Bình bán chấn, Lưu thủy trường, Nam ai, Nam xuân, Tứ đại cảnh, Xuân tình,…

Theo Trần Văn Khải, Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam, ông tổ của dòng nhạc này là Nguyễn Quang Đại, thường gọi là ông Ba Đợi, hiện dân chúng còn thờ phượng ở đình làng Vạn Phước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

02 – Giai đoạn phôi thai: Ca trên sân khấu

Lúc bấy giờ, năm 1910, nhóm đờn ca tài tử nổi tiếng nhất miền Lục Tỉnh có ban hát của Nguyễn Tống Triều, người xứ Cái Thia, từng được mời đi Pháp trình diễn ca cổ nhạc. Tư Triều phụ trách đờn kìm, Chín Quán khảy độc huyền cầm, Bảy Võ đờn cò, cô Hai Nhiễu đờn tranh (đàn thập lục), Mười Lý thổi tiêu, cô Ba Đắc chánh ca và cô Hai Nhiễu phụ ca.

Cải lương là ai

H 1: Tài tử Nguyễn TốngTriều.

(Ảnh: Trần Văn Khải,

“Nghệ Thuật Sân Khấu VN”, trang 82)

Nguyễn Tống Triều là người đầu tiên có sáng kiến trình diễn ban ca nhạc trước công chúng. Năm 1911, Trần Chánh Chiếu chủ nhà hàng Minh Tân ở Mỹ Tho (nay là thành phố của tỉnh Tiền Giang) mời ban nhạc của Tư Triều ra mắt thực khách, được hoan nghênh nồng nhiệt. Thấy thế, ông Hộ, chủ rạp hát bóng Casino, cũng ở Mỹ Tho, mời ban nhạc Tư Triều phụ diễn hằng tuần vào tối thứ tư và thứ bảy, trước khi chiếu phim. Điển hình có bản Tứ Đại Oán (kể truyện tích Lục Vân Tiên, đoạn Bùi Kiệm thi hỏng) được khán giả ưa chuộng, tuy đã có đối đáp giữa Bùi Ông và Bùi Kiệm, nhưng chỉ một người diễn ca và chưa ra bộ.

Nguyễn Tống Triều là người mở màn cho nền ca kịch cải lương vì đã đưa đờn ca cổ điển lên sân khấu, và có thể nói ông là vị tổ thứ hai của bộ môn nghệ thuật này.

03 – Giai đoạn hình thành: Ca kịch cải lương

Tiến trình này có những dấu ấn đáng ghi nhớ:

a/ Bước mở đầu: Ca ra bộ

Năm 1915, Tống Hữu Định (1869 – 1932) thường gọi là Phó Mười Hai, Trần Quang Quờn (hay Huờn, Huyền?) quen gọi Kinh lịch Quờn và Phạm Đăng Đàng (gốc miền Trung), cả ba đều ở Vĩnh Long, lập ban ca kịch tài tử, trình diễn bản Tứ Đại Oán trên sân khấu, có đào kép đóng vai Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga, vừa ca vừa ra bộ.

Năm 1916, ở thị xã Sadec (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), có gánh xiếc của ông Lê Văn Thận (André Thận), kèm theo phụ diễn vài tiết mục ca ra bộ do kép Bảy Thông, Tám Cang, đào Hai Cúc đảm nhận.

Nghệ thuật ca ra bộ là lối trình diễn trên sân khấu mà điệu bộ phù hợp với lời ca; nhưng còn ảnh hưởng nhiều lối đờn ca tài tử, vì thế hát là chánh, ra bộ là phụ. Diễn viên cần giọng hát cho thật mùi để diễn đạt tình cảm của bài ca, còn bộ tịch chỉ là để minh họa cho lời ca.

b/ Điểm mốc định hình:

Năm 1917, ông Pierre Châu Văn Tú, tên thường gọi là Thầy Năm Tú, người Mỹ Tho, sang lại gánh hát của André Thận, lập ra gánh cải lương đầu tiên, có nhà hát riêng, đào kép được hóa trang, sắm y phục thích hợp với nhân vật, sân khấu có phông màn, có vẽ cảnh và trang trí phù hợp với nội dung vở diễn như Hạnh Nguyên Cống Hồ (dựa vào truyện Nhị Độ Mai), Trang Tử Cổ Bồn Ca (từ Nam Hoa Kinh).

Xét về nghệ thuật, hát cải lương mang tính ca diễn nên giọng hát và điệu bộ trong không gian sân khấu phải được coi trọng như nhau. Ở ca ra bộ đòi hỏi diễn viên có giọng hát thật hay, thì với hát cải lương nếu giọng ca tương đối nhưng diễn xuất hay vẫn được liệt vào hạng đào kép giỏi.

c/ Quê hương của cải lương:

Mỹ Tho còn là chiếc nôi của cải lương, liền sau đó cũng tại nơi đây, ba ban hát nữa đua nhau thành lập, đó là Đồng Bào Ban của cô Tư Sự, Nam Đồng Ban của thợ kim hoàn Hai Cu, và Tái Đồng Ban cũng của ông bầu Hai Cu. Có thể nói, đây là bốn gánh hát cải lương đầu tiên, quy tụ nhiều diễn viên danh tiếng. Về đào, có các cô: Ba Liên, Ba Nhàn, Hai Quờn (kết hôn với Ba Du), Năm Phỉ, Tư Sang. Về kép, có các ông: Ba Du (Phan Văn Hai), Hai Bông, Hai Giỏi, Năm Châu, Năm Long, Năm Tỵ, Tám Mẹo, Tư Chơi, Tư Út, Từ Anh,… Soạn giả lớp tiên phong, sau Trương Duy Toản còn có: Giáo Hiến, Nguyễn Công Mạnh, và Trần Phong Sắc.

Theo Trần Văn Khải, Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam, nhà văn Trương Duy Toản đã soạn những kịch bản cải lương cho gánh hát Thầy Năm Tú. Nếu vậy, năm 1917, bộ môn cải lương mới thực sự chào đời, và Mỹ Tho là nơi chôn nhau cắt rốn. Từ đấy, cải lương trình diễn độc lập, không còn mang tính phụ diễn nữa và Trương Duy Toản là người đầu tiên soạn thành kịch bản.

d/ Nghệ sĩ tiêu biểu:

Năm Phỉ (1907 – 1954), tên thật Lê Thị Phỉ; người làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Năm 1917, bà bắt đầu diễn xuất cho gánh Đồng Bào Ban, sau đó lập gia đình với nghệ sĩ Hai Giỏi. Năm 1924, chồng mất, bà hát cho gánh Phước Cương, rồi tái giá với Nguyễn Ngọc Cương, tức ông bầu Cương, chủ nhân của đoàn hát này. Từ đó tên tuổi bà càng ngày càng vang dội qua tài diễn xuất độc đáo. Vương Hồng Sển viết: “Cô đã tạo được nhiều kịch phẩm bất hủ. Về ai oán não nùng, trong Tơ Vương Đến Thác, Lan Và Điệp, Bàng Quý Phi; đường bệ, trang hoàng, đài các, như Túy Hoa Vương Nữ, bà huyện trong Vì Đâu Nên Nỗi?; lả lướt quyến rủ, đắm say như trong Sắc Giết Người, Phụng Nghi Đình; và thông minh ngớ ngẩn như vai Mọi trong Đóa Hoa Rừng.” [1]. Bà được tuyển đi trình diễn ở Pháp, Thái Lan.

04 – Giai đoạn phát triển, từ 1917 đến 1922

Ca kịch cải lương không những được trình diễn ở Mỹ Tho và Sài Gòn, mà nhanh chóng được phổ biến khắp miền Lục Tỉnh.

Tại Sài Gòn có gánh Tân Thịnh của Trương Văn Thông, lập năm1920, dùng tên “cải lương” trên bản hiệu của đoàn hát và treo câu đối làm tôn chỉ cho lối diễn xuất này:

CẢI cách hát ca theo tiến bộ;

LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh.

Và cũng từ đấy, từ ngữ “cải lương” trở thành tên gọi chính thức của bộ môn nghệ thuật này.

Ở Chợ Lớn có gánh Văn Hí Ban của Huỳnh Kim Vui, và gánh Tập Ích Ban (1921) chuyên diễn tuồng Tàu. Long Xuyên có gánh Sĩ Đồng Ban của ông Bảy Sô. Vĩnh Long có gánh Kỳ Lân Ban của bà Huyện Xây ở Vũng Liêm. Sóc Trăng có gánh Tân Phước Nam của Bác sĩ Trần Văn Minh.

a/ Soạn giả và kịch bản:

Các kịch tác gia nổi tiếng có Đào Châu, Ngô Vĩnh Khang, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Trần Phong Sắc, Trương Duy Toản… Số lượng tuồng hát tăng khá nhanh, nhưng các đề tài vẫn còn ảnh hưởng hát bội, nên không thoát khỏi các truyện, tích xưa và lịch sử; tạm chia làm hai nhóm:

– Nguồn gốc Việt có: Cao Hoàng Phục Quốc, Kim Vân Kiều, Lâm Sanh Xuân Nương, Lê Lai Cứu Chúa, Lê Lợi Khởi Nghĩa, Nữ Vương Trưng Trắc, Thạch Sanh Lý Thông, Thoại Khanh Châu Tuấn, Trần Đại Lang Xướng Tử Ca, Triệu Ai Vương với bà Cù Thị, Trọng Thủy Mỵ Châu, Vân Tiên Nguyệt Nga,…

– Nguồn gốc Tàu có các kịch bản tiêu biểu như: Anh Hùng Náo, Đơn Hùng Tín, Hoàng Phi Hổ Đầu Châu (của Nguyễn Công Mạnh), Phụng Nghi Đình của Trương Quang Tiền [2], Thôi Tử Thí Tề Quân, Tống Tửu, Xử Bá Đao Từ Hải Thọ,…

b/ Đội ngũ nghệ sĩ:

Ngoài các diễn viên xuất hiện ngay thuở đầu tiên (1917) đang sung sức, còn có nhiều nghệ sĩ mới gia nhập.

– Về đào, có các cô: Ba Hui, Ba Nhàn, Bảy Ngọc, Hai Cúc, Hai Vui, Hai Phụng, Hai Xiêm, Mười Nhường, Tư Mão,…

– Về kép, có Bảy Thông, Bộ Thế, Hai Bông, Hai Quản, Mười Mùi, Sáu Cụt, Tám Cang, Tư Thạch,…

05 – Giai đoạn cực thịnh, từ 1923 đến 1945.

Thấy bộ môn cải lương thu hút nhiều khán giả, các gánh hát đều khắm khá, nhiều người đầu tư vào bộ môn này. Thời ấy có những gánh hát nổi tiếng như: Hậu Tấn, Hề Lập, Huỳnh Kỳ, Kim Thoa, Mộng Vân, Nam Phi, Nhạn Trắng, Năm Châu, Phụng Hảo, Phước Cương, Sao Mai, Tân Hí Ban, Tân Thịnh, Tập Ích Ban, Trần Đắc, Việt Kịch, Võ Hí Ban,… Cải lương không chỉ phổ biến ở Nam Kỳ, mà còn có triển vọng lan rộng đến Trung và Bắc Kỳ.

a/ Kịch tác gia: nổi tiếng có Đặng Công Danh, Huỳnh Thư Trung (thường gọi là Tư Chơi), Lê Hoài Nở, Lê Văn Tiếng, Mộng Vân, Ngô Vĩnh Khang, Nguyễn Công Mạnh, Nguyễn Thành Châu, Trần Duy Lân, Trần Hữu Trang (1906- 1966, người Mỹ Tho).

b/ Về kịch bản, giai đoạn này rất phong phú cả lượng và phẩm, có đủ 5 loại đề tài:

– Tuồng lịch sử: Gia Long Tẩu Quốc, Gương Liệt Nữ (Bà Triệu), Hận Nước Thù Chồng (Trưng Vương), Tam Đồng Trung Liệt (1925, của Trương Ngọc Thới), Võ Tánh Tử Tiết,…

– Tuồng truyện: Giọt Máu Chung Tình (truyệnVõ Đông Sơ và Bạch Thu Hà),…

– Tuồng Tàu: Dự Nhượng Đả Long Bào (của Nguyễn Thành Long), Đường Hoài Ân Bị Tình Trù, Huê Dung Đạo, Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu (của Lâm Hoài Nghĩa), Mạnh Lệ Quân Thoát Hài, Mộc Quế Anh Dâng Cây, Quan Công Tẩu Mạch Thành, Quần Anh Kiệt, Tranh Châu Mộng Hồ Điệp, Trường Hận (tuồng Dương Quý Phi), Xử Án Bàng Quý Phi (của Lê Văn Tiếng), Xử Án Quách Què.

– Tuồng tôn giáo, hầu hết là Phật giáo: Bố Thí Bất Nghịch Ý, Quan Âm Thị Kính, Thích Ca Đắc Đạo, Tiền Thân Phật Tổ, Trần Huyền Trang (Tây Du Ký),…

– Tuồng xã hội, còn gọi là tuồng Tây xuất hiện và phát triển nhanh chóng, tiêu biểu có: Áo Người Quân Tử, Cánh Lan Phương Tử, Duyên Chị Tình Em, Đoạn Tuyệt, Đời Cô Lựu, Giá Trị Và Danh Dự, Giấc Mộng Cô Đào; Gió Ngược Chiều (phóng tác theo Ruy Blas), Hai Khối Tình Hàm Lê, Hồn Bướm Mơ Tiên; Khi Người Điên Biết Yêu (Lê Hoài Nở, Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang hợp soạn), Khúc Oan Vô Lượng và Tội Của Ai (đều của Huỳnh Thủ Trung, tức Tư Chơi), Lan Và Điệp, Lỡ Tay Trót Đã Nhúng Chàm, Men Rượu Hương Tình, Tham Phú Phụ Bần; Tiếng Nhạn Kêu Sương (của Lê Hoài Nở), Tiếng Nói Trái Tim, Tình Trường Nham Hiểm, Tô Ánh Nguyệt; Tơ Vương Đến Thác (tức Trà Hoa Nữ, soạn giả Ngô Vĩnh Khang), Trọn Tiết Với Chồng; Túy Hoa Vương Nữ (phóng tác theo Marie Tudor của Victor Hugo), Tứ Đỗ Tường (của Đặng Công Danh), Vì Nghĩa Liều Mình; Vó Ngựa Truy Phong (của Lê Hoài Nở),…

Cải lương là ai

H 2: Từ trái sang phải có Từ Anh, Năm Châu, Tư Út,

Phùng Há, Ba Liên diễn vở Khúc Oan Vô Lượng [3], năm 1931.

Ảnh từ vi.wikipedia [4].

c/ Diễn viên tiêu biểu: Đội ngũ nghệ sĩ phát triển khá nhanh

– Về đào, có các cô: Bảy Lựu, Bảy Nam (1913 – 2004, người làng Điều Hạ, tỉnh Mỹ Tho), Bích Thuận, Chín Bia, Chín Lê, Hai Đàng, Kim Cúc, Kim Lan, Kim Thoa, Mười Truyền, Năm Phỉ, Năm Sadec, Ngọc Xứng, Phùng Há (tên thật là Trương Phụng Hảo, thường gọi là Cô Bảy Phùng Há, sinh ngày 30- 4- 1911 tại làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, vào nghề từ lúc 13 tuổi, mất ngày 5- 7- 2009, thọ 99 tuổi, an táng tại chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp), Thanh Loan, Thanh Tùng, Tư Kỳ, Tư Sạng,…

– Các kép có Ba Vân (tên thật Lê Long Vân; sinh năm 1908, tại làng An Bình Đông, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; mất ngày 24- 8- 1988, thọ 80 tuổi), Ba Thâu, Bảy Nhiêu, Duy Lân, Hai Hoành, Hai Thiêng, Hai Tiền, Mười Bửu, Năm Định, Năm Nở, Năm Châu, Tám Danh, Tám Mẹo, Tư Chơi, Tư Út, Từ Anh, Văn Ngân,…

Cải lương là ai

H 3: Phùng Há (1911 – 2009), nghệ sĩ nổi danh [5].

06 – Giai đoạn bão hòa, từ 1946 đến 1975.

Cuộc chiến lan tràn trên đất nước ta, ban đêm thường giới nghiêm, việc hát xướng cũng bị ảnh hưởng. Nhiều đoàn cải lương được thành lập, trong sự cạnh tranh không ít gánh hát tăm tiếng vẫn bị tan rã, như đoàn Hoa Sen. Tuy vậy, cũng có những đoàn hát vượt qua sự khó khăn để tồn tại và phát triển. Ngoài ra, cải lương còn sinh sôi nảy nở ngoài miền Lục Tỉnh, hoặc lập căn cứ vững chắc ở Bắc Kỳ, rồi biến cố năm 1954, theo một triệu người di cư vào Nam tìm tự do, đó là đoàn Kim Chung.

Tuy có những trở ngại trên, nhưng sân khấu cải lương trong giai đoạn này, nhất là những năm từ 1954 đến 1975, là thời vàng son qua tính đa dạng và phong phú.

a/ Về kịch đoàn:

Các gánh Cải lương nổi tiếng trong giai đoạn này có: Ánh Chiêu Dương, Bạch Lan Thành Được, Dạ Lý Hương, Hoa Sen, Hoa Thủy Tiên, Hương Mùa Thu, Kim Chung, Kim Chưởng, Phước Chung, Sao Ngàn Phương, Thanh Hương, Thanh Minh Thanh Nga, Thanh Tao, Thống Nhất, Thủ Đô, Trăng Mùa Thu, Tuấn Kiệt,… Ngoài ra còn những gánh nhỏ lưu diễn ở các tỉnh, không tính hết.

b/ Về tác gia và kịch bản:

01/ Anh Tuấn có vở Trăng Rụng Bến Từ Châu (tuồng Tàu, hợp soạn với Nhị Kiều).

02/ Anh Phương có kịch bản Vó Ngựa Đêm Trăng (hợp soạn với Thu An).

03/ Bá Chi có Bích Vân Cung Kỳ Án (tuồng Tàu, hợp soạn với Phương Hà).

04/ Bạch Diệp có vở Chiều Con Non Thái (tuồng xã hội, hợp soạn với Minh Nguyên).

05/ Châu Sơn Dũng có tuồng Đồng Xanh Cát Trắng (hợp soạn với Quy Sắc).

06/ Hà Triều Hoa Phượng là hai người. Hà Triều (1931 – ?), tên thật là Đặng Ngươn Chúc, người xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá, nhưng sống ở Sài Gòn từ năm 1955. Hoa Phượng (1933 – 1984), tên thật là Lương Kế Nghiệp, sinh tại núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sau năm 1954, ông lên Sài Gòn sinh sống, gặp Hà Triều và kết thân.

Hai người hợp soạn vở đầu tay là Vì Quê Hương, tiếp đến vở Cơn Gió Lốc, vẫn chưa gây được tiếng vang. Vở thứ ba là Lối Vào Cung Cấm, đổi tên Khi Hoa Anh Đào Nở, đoàn Thanh Minh Thanh Nga trình diễn liên tục bốn tuần mà vẫn có người xem, làm chấn động kịch trường ở thủ đô Sài Gòn lúc bấy giờ. Hà Triều Hoa Phương đóng góp rất lớn cho bộ môn cải lương với trên 60 kịch bản, gồm các loại:

– Tuồng xã hội có: Bụi Mờ Ải Nhạn (hợp soạn với Tuấn Khanh), Con Gái Chị Hằng, Đêm Vĩnh Biệt, Nỗi Buồn Con Gái, Nửa Đời Hương Phấn, Rồi 30 Năm Sau, Sương Mù Trên Non, Tấm Lòng Cửa Biển.

– Tuồng Tàu có: Anh Hùng Xạ Điêu, Cô Gái Đồ Long, Khói Sóng Tiêu Tương (soạn chung với Cô Nguyệt), Vô Kỵ Triệu Minh.

– Tuồng Nhựt có Nỗi Buồn Thu Thảo, Khi Hoa Anh Đào Nở.

– Tuồng hương xa có Mưa Rừng.

07/ Hoài Hương với kịch bản Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài (hợp soạn cùng Ngọc Văn).

08/ Hoài Nhân với vở Nối Quãng ĐườngTình.

09/ Hoài Sơn soạn Thuyền Về Bến Ngự.

10/ Hoài Thanh có tuồng Đồ Long Đao

11/ Hoàng Khâm soạn các tuồng xã hội như: Bông Hồng Cài Áo, Cô Giáo Hiền, Hắc Y Nữ Hiệp, Lỡ Bước Sang Ngang (hợp soạn vói Thu An), Vàng Sáu Bạc Mười, Vụ Án Song Hôn. Ông cũng soạn tuồng Tàu như: Người Đẹp Bạch Hoa Thôn, Một Trang Tình Sử.

12/ Hoàng Quân có kịch bản Qua Mùa Phượng Vĩ (tuồng xã hội, hợp soạn với Phượng Hà).

13/ Hoàng Tiên Thúy có vở Mây Trái Hướng (tuồng xã hội, hợp soạn với Thái Thụy Phong).

14/ Kiên Giang, tên thật là Trương Khương Trinh, sinh năm 1927, tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ông vừa là nhà thơ, nhà báo, soạn giả với các kịch bản: Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Mây Chiều Xuyên Nguyệt Thôn (hợp soạn với Hà Triều Hoa Phượng), Người Đẹp Bán Tơ (tuồng dã sử), Ngưu Lang Chức Nữ, Sơn Nữ Pha Trà,…

15/ Mộc Linh với kịch bản Tiếng Sét Nửa Đêm (tuồng xã hội).

16/ Lê Khanh có kịch bản Bên Hào Lạc Thủy (tuồng dã sử, hợp soạn với Lê Minh Hùng và Thái Sơn).

17/ Lê Minh Hùng có vở Bên Hào Lạc Thủy (tuồng dã sử, hợp soạn với Lê Khanh và Thái Sơn).

18/ Lê Tri có 2 vở tuồng: Gươm Ngũ Đế và Trống Hoàng Hôn (đều hợp soạn với Thu An).

19/ Minh Nguyên, tuồng xã hội có Chiều Con Non Thái (hợp soạn với Bạch Diệp).

20/ Mộc Linh với các kịch bản Người Gọi Đò Bên Sông, Quỹ Bảo, Nhà Sư Và Tướng Cướp.

21/ Ngọc Điệp có vở Hoa Thơm Phong Nhụy (hợp soạn với Trần Hà).

22/ Ngọc Huyền Lan, các tuồng Tàu có Tình Nở Đào Hoa Thôn và tuồng Hoa Mộc Lan (đều hợp soạn với Viễn Châu).

23/ Ngọc Huyền Quân có kịch bản Đêm Buồn Tàn Thu (hợp soạn với Vạn Lý), Tiếng Hát Trên Sông Loa (hợp soạn với Thanh Cao).

24/ Ngọc Văn có kịch bản Anh Hùng Lã Phụng Tiên, Nụ Cười Bao Tự, Rừng Thẳm Giao Duyên; Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài (hợp soạn với Hoài Hương).

25/ Nguyễn Huỳnh soạn vở Hoa Đào Trước Gió.

26/ Nguyễn Phương, tên thật là Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 1922 tại Mỹ Tho. Ông là nhà soạn tuồng cải lương, theo lời tác giả, có 13 năm cộng tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga và 8 năm với đoàn Dạ Lý Hương, tốc độ viết trung bình 3 tháng xong một vở. Vào khoảng năm 1955 – 1956, đoàn trả lương soạn tuồng mỗi tháng 6000 đồng, trong lúc giá vàng 3800 đồng 1 lượng, ngoài ra còn được hưởng tác quyền 6% tiền lợi tức của mỗi xuất hát. Ông là tác giả hơn 100 kịch bản, về tuồng xã hội tiêu biểu có Bóng Chim Tăm Cá, Bọt Biển, Đôi Mắt Người Xưa, Ngả Rẽ Tâm Tình, Người Tình Của Biển, Tiền Rừng Bạc Biển…; tuồng hương xa có Mộng Đẹp Nửa Đời Hoa,… Ra hải ngoại, ông còn soạn tuồng Giấc Mộng Trường Sinh, trình diễn tại Toronto năm 1990.

27/ Nguyễn Thành Châu, trong giai đoạn này có các vở tiêu biểu: Sân Khấu Về Khuya, Chàng Đi Theo Nước, Người Kép Hát Già,…

Cải lương là ai

H 4: Nguyễn Thành Châu: soạn giả, đạo diễn,

diễn viên, bầu hát Ánh Chiêu Dương.

(Ảnh: “Nghệ Thuật Sân Khấu VN” trang 227)

28/ Nhị Kiều: loại tuồng Tàu có Tình Nở Hoa Xuân (hợp soạn với Thanh Xuân), Trần Thế Mỹ, Trăng Rụng Bến Từ Châu (hợp soạn với Anh Tuấn); tuồng Nhựt có Giấc Mộng Vương Phi; tuồng hương xa có Phương Dung Hoàng Hậu (hợp soạn với Trường Xuân Trúc).

29/ Phan Khương viết kịch bản Người Anh Khác Mẹ (hợp soạn với Thu An).

30/ Phong Anh có vở Thuyền Ra Cửa Biển (hợp soạn với Yên Trang).

31/ Phương Hà có Bích Vãn Cung Kỳ Án (tuồng Tàu, hợp soạn với Bá Chi), Trăng Rừng Vẫn Sáng (tuồng hương xa, hợp soạn với Trang Khanh).

32/ Phương Ngọc với kịch bản Võ Tắc Thiên (tuồng Tàu).

33/ Phượng Hà viết vở Qua Mùa Phượng Vĩ (tuồng xã hội, hợp soạn với Hoàng Quân).

34/ Quy Sắc có các tuồng: Đồng Xanh Cát Trắng (hợp soạn với Châu Sơn Dũng), Hoa Nở Cuối Mùa, Khi Rừng Núi Mới Sang Thu.

35/ Thái Sơn có vở Bên Hào Lạc Thủy (tuồng dã sử, hợp soạn với Lê Khanh và Lê Minh Hùng).

36/ Thái Thụy Phong soạn các tuồng xã hội như: Hai Nàng Dâu Trẻ (hợp soạn với Trần Đình), Mây Trái Hướng (hợp soạn với Hoàng Tiên Thúy), Hai Chuyến Xe Hoa,…

37/ Thanh Cao có kịch bản Lối Mộng Vào Tim, Sầu Qua Mấy Nhịp Cầu Duyên, Tiếng Hát Trên Sông Loa (hợp soạn với Ngọc Huyền Quân).

38/ Thanh Xuân có vở Tình Nở Hoa Xuân (tuồng Tàu, hợp soạn với Nhị Kiều).

39/ Thiếu Linh soạn các tuồng: Người Đao Phủ, Người Không Mẹ, Sầu Quan Ải (hợp soạn với Thu An), Thành Cát Tư Hãn, Võ Tòng Sát Tẩu.

40/ Thu An có các kịch bản: Bà Chúa Ăn Mày, Châu Bích Lệ, Chiều Lạnh Tuyết Băng Sơn, Gươm Ngũ Đế (hợp soạn với Lê Tri), Hai Chiều Ly Biệt, Lá Của Rừng Xanh, Lỡ Bước Sang Ngang (hợp soạn với Hoàng Khâm), Người Anh Khác Mẹ (hợp soạn với Phan Khương), Nước Ngược Dòng, Quán Ma, Sầu Quan Ải (hợp soạn với Thiếu Linh), Tiếng Súng Một Giờ Khuya, Tiếng Trống Sang Canh, Trống Hoàng Hôn (hợp soạn với Lê Tri), Vó Ngựa Đêm Trăng (hợp soạn với Anh Phương), Xác Áo Bên Cầu Gỗ.

41/ Trang Khanh với vở Trăng Rừng Vẫn Sáng (tuồng hương xa).

42/ Trần Duy Lâu đã soạn Đoạn Tuyệt (tuồng xã hội).

43/ Trần Đình có vở Hai Nàng Dâu Trẻ (tuồng xã hội, hợp soạn với Thái Thụy Phong).

44/ Trần Hà với kịch bản Hoa Thơm Phong Nhụy (hợp soạn với Ngọc Điệp).

45/ Trọng Điệp soạn vở Mộng Giai Nhân (tuồng Tàu).

46/ Trương Vũ có vở Dương Quý Phi (tuồng Tàu).

47/ Trường Xuân Trúc viết Phương Dung Hoàng Hậu (tuồng hương xa, hợp soạn với Nhị Kiều).

48/ Tuấn Khanh soạn Hận Tình Vương Nữ (tuồng hương xa), Mặt Trời Đêm.

49/ Vạn Lý có kịch bản: Cánh Hồng Tả Tơi, Đêm Buồn Tàn Thu (hợp soạn với Ngọc Huyền Quân), Thượng Phương Bảo Kiếm.

50/ Viễn Châu, tên thật Huỳnh Trí Bá, thường gọi là Bảy Bá. Ông sinh năm 1924, người xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; sống ở Sài Gòn, mất năm 2016. Về sự nghiệp sáng tác, ông đã đóng góp cho bộ môn cải lương hơn 70 kịch bản, tiêu biểu có vở: Nát Cánh Hoa Rừng (tác phẩm đầu tay), Duyên Nợ Của Ai, Đời Cô Nga, Đường Ra Biên Ải, Người Mẹ Mù, Tình Mẫu Tử, Viên Ngọc Rắn Thần; Tình Nở Đào Hoa Thôn và Hoa Mộc Lan (là hai tuồng Tàu và hợp soạn với Ngọc Huyền Lan), Con Gái Hoa Mộc Lan,… Và hơn 2000 bản vọng cổ, người đời tặng danh hiệu “Vua soạn Vọng Cổ,” bản Tình Anh Bán Chiếu (soạn năm1961) là tác phẩm để đời. Năm 1959, ông cho ra đời loại vọng cổ hài và tỏ ra sở trường với hình thức này, tiêu biểu có bản: Ba Chàng Rể Quý, Ba Râu Đi Chợ Lớn, Tâm Sự Văn Hường, Tôi Đi Làm Rể, Tư Ếch Đi Sài Gòn, Văn Hường Nể Vợ, Vợ Tôi Nói Tiếng Tây, Vợ Tôi Tôi Sợ,…

Ông còn là cha đẻ của Tân Cổ Giao Duyên, là một thể hát pha trộn tân nhạc vào bản vọng cổ, được khai sinh năm 1964; dường như có phép lạ tạo cuộc hôn nhân êm đẹp giữa hai loại hình âm nhạc tưởng chừng đối nghịch nhau. Và ông cũng là người tạo danh cho các nghệ sĩ như Mỹ Châu ca bản Hòn Vọng Phu, Út Trà Ôn nổi tiếng qua bản Tình Anh Bán Chiếu.

Cải lương là ai

H 5: Viễn Châu (1924 – 2016), soạn giả

kịch bản Cải lương và Vọng cổ nhiều nhất [6].

51/ Yên Lang có kịch bản Mảnh Áo Quê Nghèo, Tình Hận Trên Băng Hồ, Trời Lạnh Sương Khuya.

52/ Yên Trang có vở Thuyền Ra Cửa Biển (hợp soạn với Phong Anh).

53/ Yến Linh Hoa Phượng có soạn Mây Bốn Phương Trời (tuồng dã sử).

c/ Đội ngũ nghệ sĩ và các đoàn hát nổi tiếng:

Các nghệ sĩ có thể thay đổi đoàn hát khi mãn hợp đồng, như cô Ngọc Giàu đầu tiên hát cho đoàn Kim Chưởng, rồi sang đoàn Thanh Minh Thanh Nga, xong lại cộng tác với đoàn Bạch Lan Thành Được. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp chuyển đổi bất thường như Đệ Nhất danh ca Út Trà Ôn đang thời hạn với đoàn Thanh Minh, nhưng buồn lòng với bà bầu Nguyễn Thị Thơ, đã bồi hoàn tiền hợp đồng, về với bầu Ba Bản để lập ra đoàn Thủ Đô (1959).

Thời kỳ này, tiêu biểu có các đoàn hát với những nghệ sĩ cộng tác sau đây:

– Đoàn Dạ Lý Hương, nguyên có tên là Hoa Mùa Xuân, năm 1964 đổi tên. Thành phần diễn viên, về đào có: Bạch Tuyết (giải Thanh Tâm triển vọng năm 1963, Huy chương vàng năm 1965), Hồng Nga, Kim Ngọc, Mai Lan, Như Ngọc…; về kép có Ba Xây, Hoàng Long, Minh Đức, Minh Tấn, Tấn Tài (Huy chương vàng, giải Thanh Tâm năm 1963), Thanh Sang (HCV giải Thanh Tâm năm 1964), Tư Rọm,…

– Đoàn Hương Mùa Thu, về đào có: Bạch Lê, Bạch Liên, Bo Bo Hoàng, Hoài Mỹ, Ngọc Hương (HCV giải Thanh Tâm năm 1962)…; về kép có: Bảy Xê, Công Khanh, Hề Minh, Hoàng Kim Bằng, Huỳnh Minh (HCV giải Thanh Tâm năm 1959), Minh Đạt, Thanh An, Út Hiền, Văn Khoe,… Đặc biệt Hương Mùa Thu chỉ trình diễn các kịch bản của Thu An, ông vừa soạn giả hữu danh, vừa là Giám đốc của đoàn, vừa là đạo diễn có tài, nên đoàn có nhiều khởi sắc.

– Đoàn Kim Chung được tổ chức quy mô thành một công ty kinh doanh ngành Cải Lương, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, lập nên bốn đoàn hát. Thành phần diễn viên, về đào có: Ái Lan, Ánh Hồng (HCV giải Thanh Tâm năm 1962), Bích Hợp, Diệu Hiền, Hà Mỹ Xuân, Kiều Lễ Tâm, Kim Chung, Lệ Thủy (HCV giải Thanh Tâm năm 1964), Mỹ Châu, Thu Hương, Thúy Liễu; về kép có: Hề Ba Hội, Hề Văn Hường, Hề Tư Vững, Hùng Cường, Huỳnh Thái, Kim Nguyên, Minh Cảnh, Ngọc Ấn, Phước Hậu, Quan Hữu, Thanh Hải, Thanh Nhàn, Thanh Phương, Út Hậu,…

– Kim Chưởng là đoàn hát hàng đầu về địa bàn lưu diễn và có tuổi đời cao nhất của giai đoạn này. Thành phần diễn viên, về đào có: Kim Nên, Mộng Thu, Phượng Liên, Thanh Nguyệt, Thanh Nhàn, Trương Ánh Loan (HCV giải Thanh Tâm năm 1963)…; về kép có: Diệp Lang (HCV giải Thanh Tâm năm 1962), Dũng Thanh Lâm (1944 – 2004), Hề Chơn Tâm, Hề Vui, Hữu Nhiêu, Phi Hùng, Phương Quang, Trường Xuân, Vũ Phương Giang…

– Bạch Lan – Thành Được là đoàn cải lương hợp lực của hai nghệ sĩ lừng danh là Thành Được (giải Diễn Viên Xuất Sắc năm 1967) và Út Bạch Lan, lại thêm các diễn viên, về đào có: Hoàng Vân, Kim Huệ, Ngọc Giàu (HCV giải Thanh Tâm năm 1960), Thanh Thanh Hoa (HCV giải Thanh Tâm năm 1961), Thanh Thanh Nga…; về kép có: Ba Vân, Nam Hùng, Thanh Kỳ, Thanh Sơn, Út Nhị, Văn Chung, Văn Nga, Văn Sa,…

– Đoàn Thanh Minh Thanh Nga: Về đào có Bé Hương Lan, Kim Giác, Kim Loan (HCV giải Thanh Tâm năm 1963), Kim Nga, Ngọc Nuôi (kết hôn với Việt Hùng), Phương Ánh, Thanh Lệ, Thanh Nga (HCV giải Thanh Tâm đầu tiên, năm 1958.

Cải lương là ai

H 6: Nghệ sĩ Thanh Nga (1942 – 1978)

được mệnh danh là “Nữ Hoàng Sân Khấu.” [7]

Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31- 7- 1942 ở Tây Ninh, pháp danh Diệu Minh, mất ngày 26- 11- 1978 tại Sài Gòn, hưởng dương 36 tuổi, an táng ở Chùa Nghệ Sĩ, quận Gò Vấp). Về kép có Ba Nghĩa, Bảo Quốc, Chí Hiếu, Hoàng Đức, Hoàng Giang, Hương Huyền, Hữu Phước (người Sóc Trăng, HCV giải Thanh Tâm năm 1960), Kim Quang, Minh Điển, Tám Vân, Thanh Tú (HCV giải Thanh Tâm năm 1963), Việt Hùng (1923 – 2001, tên thật là Nguyễn Hữu Hùng).

– Đoàn Thống Nhất, về đào có: Kim Hà, Mỹ Ngọc, Ngọc Bích, Ngọc Kim, Thanh Xuân, Thu Vân…; về kép có: Chơn Tâm, Minh Châu, Hoàng Liêm, Hoàng Sương, Ngọc Trai, Quang Hiền, Quốc Việt, Văn Núi, Yến Đạt,…

– Đoàn Thủ Đô, thành lập năm 1959, tổ chức hiện đại, đạo cụ tân tiến, trang phục dồi dào, có đoàn xe riêng khi di chuyển, với thành phần diễn viên, về đào có: Hồng Hoa, Huỳnh Hoa, Mỹ Quyên Chi, Phương Lan Y, Tô Kiều Lan…; về kép có: Hà Trúc Phương, Hữu Hạnh, Minh Quang, Phương Thảo, Sáu Nhỏ, Thanh Hiền, Tường Lân, Út Trà Ôn (1918 – 2001, tên thật là Nguyễn Thành Út, người quận Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long), Văn Sa,…

Tám đoàn hát kể trên, với 128 nghệ sĩ (51 đào, 77 kép), và hậu trường có 53 kịch tác gia, chưa phải là con số tổng kết, vì còn một số nghệ sĩ chưa kể hết, hơn nữa có nhiều đoàn hát ở các tỉnh chưa thống kê được. Ngoài ra, còn các nghệ sĩ chuyên nghiệp, diễn lời trên đài phát thanh Sài Gòn (thời Việt Nam Cộng Hòa) không lên sân khấu, về đào có Bạch Huệ, Cô Ba Bến Tre, Cô Ba Trà Vinh, Cô Năm Cần Thơ, Hạnh Ngộ, Hương Xuân, Ngọc Ánh, Lê Liễu, Thanh Hoa…; về kép có: Ba Ngươn, Bảy Quới, Chín Sớm, Năm Bửu, Năm Phổi, Sáu Thoàn, Sáu Vị, Tám Bằng, Tám Thưa, Thành Công,…

07 – Cải lương ngày nay:

Ngày xưa, sân khấu rạp đã đưa cải lương đến cực thịnh. Ngày nay, cải lương có sân khấu truyền hình, chắp cánh cho bô môn nghệ thuật này bay vút trời xanh. Để đáp ứng nhu cầu phim ảnh, cải lương truyền hình ra đời, tức là diễn xuất ngoài thiên nhiên phù hợp với tình tiết kịch bản. Tất nhiên, không phải để khán giả thưởng thức trực tiếp như trong rạp, mà vở diễn được quay thành phim, sản xuất bản sao hàng loạt, phát hành rộng rãi. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, khán giả cũng có thể xem cải lương vidéo hay DVD trên màn ảnh nhỏ, và lưu trữ phim với thời gian.

Tiêu biểu có các vở: Ái Tình Hay Ngôi Báu (tuồng Tàu) soạn giả Viên Hoàng, đạo diễn Lê Lộc; Bể Hận Mênh Mông của Nhị Kiều, phóng tác theo tiểu thuyết Lá Ngọc Cành Vàng; Bỏ Vợ của Hoa Trang Nhã, đạo diễn Xuân Phước; Cạn Nguồn Suối Lệ của Thới Lai, đạo diễn Lê Lộc; Đi Biển của Hoa Phượng, đạo diễn Xuân Phước; Giọt Máu Oan Khiên của Anh thư, đạo diễn Phượng Hoàng; Lạc Loài của Yên Ba, đạo diễn Hoàng Dũ; Nối Lại Tình Xưa của Đức Hiền và Thiên Kiều, đạo diễn Xuân Phước; Sóng Gió Làng Chài của Mỹ An, đạo diễn Xuân Phước; Trời Cao Nhỏ Lệ của Viên Hoàng, đạo diễn Hoàng Dũ.

Một kịch bản cải lương muốn thực hiện thành phim, ngoài số diễn viên đóng các vai, còn có những nhân sự khác tuy không thấy mặt trên sân khấu truyền hình, nhưng lại quan trọng không kém, gồm: Chủ nhiệm (bầu gánh), Đạo diễn, Biên tập, Trợ lý đạo diễn, Thư ký, Quay phim, Phụ quay phim, Kỹ thuật, Ca khúc trong phim, Âm thanh, Ánh sáng, Cổ nhạc, Tân nhạc, Hóa trang, Đạo cụ, Đồ họa vi tính, Nhắc tuồng, Thiết kế, Thực hiện chương trình. Các phần việc và số nhân sự có thể gia giảm tùy theo kịch bản.

Ngày nay, ngoài số nghệ sĩ quen thuộc của thế hệ trước tiếp tục sinh hoạt, còn có rất nhiều diễn viên trẻ nổi tiếng và không ít những mầm non đầy hứa hẹn. Cả ba thế hệ đều có mặt trên sân khấu cải lương. Và dưới đây là vài khuôn mặt nghệ sĩ tiêu biểu của thời đại:

Về đào có: Ngọc Huyền (sở trường đào thương), Tài Linh (tên thật là Huỳnh Thị Phú Nhuận, sinh năm 1957, nguyên quán ở Bình Định), Thanh Ngân (chuyên đào thương, HCV Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005), Thoại Mỹ (HCV Hội diễn sân khấu 2005), Trinh Trinh (HCV giải Trần Hữu Trang năm 1995),…

Về kép có: Bảo Chung (hài), Kim Tiểu Long (tên thật là Trương Hoàng Kép, sinh năm 1975, người Vĩnh Long, HCV Hội diễn Sân khấu Cải lương 2005), Kim Tử Long (tên thật là Hoàng Kim Long, sinh năm 1966 tại Sài Gòn, vào nghề 1982, HCV giải Trần Hữu Trang 1992), Linh Tâm, Vũ Linh (tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại Chợ Lớn, vào nghề 1972, HCV giải Trần Hữu Trang 1991),…

III – GIỌNG HÁT CẢI LƯƠNG

Có nhiều người cho rằng, chỉ cần luyện cho thật mùi sáu câu Vọng cổ là có thể hát cải lương. Và ngay cả những chủ đoàn hát đôi khi cũng căn cứ vào ca Vọng cổ của mỗi diễn viên để xếp hạng đào kép. Thật ra hát cải lương có đến sáu giọng: Bắc, Nam, Oán, Thán, Lý, Bình, Ngâm; mỗi giọng đều có tiết điệu riêng, khác biệt nhau. Nhưng Vọng cổ là một điệu rất quan trọng và độc đáo của bộ môn này. Đúng vậy, trong vở cải lương, bắt buộc mỗi màn phải có ít nhất một bản Vọng cổ. Và mối tương quan nồng thắm, cải lương nhờ Vọng cổ đã vươn lên đến tuyệt đỉnh, còn Vọng cổ cũng nhờ cải lương mà trở thành bất tử trong lòng người dân Việt.

01 – Vậy Vọng cổ là gì?

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 – 1976), tục gọi là Sáu Lầu, sinh ngày 22- 12- 1892, tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sáp nhập với làng Thuận Lễ thành xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành [8] tức huyện Vàm Cỏ (cũ), tỉnh Long An. Năm 1901, ông theo cha mẹ đến Bạc Liêu lập nghiệp và ở luôn đấy. Năm 1920 (có sách ghi năm 1918 hay 1919), Sáu Lầu lập gia đình đã mười năm mà chưa có con, phải vâng lệnh cha mẹ cưới vợ khác để nối dòng. Vì thương người vợ trước, ông cảm tác ra bản nhạc Hoài Lang (nhớ người tình) gồm 20 câu, nói lên nỗi lòng của vợ và đờn cho ông Trần Xuân Thơ, thầy tuồng gánh Tân Minh Kế, nghe. Cảm tiếng đờn, ông Thơ viết lời ca và đề nghị lấy tên Dạ Cổ Hoài Lang (nghe trống canh khuya nhớ chồng).

Trời đất không phụ người có nghĩa, liền sau đó vợ ông mang thai và chuyện gia đình được thu xếp ổn thỏa. Bản ca trước cũng được đổi tên lần nữa là Vọng Cổ Hoài Lang (trông chuyện xưa nhớ đến chồng), rồi gọi tắt là Vọng Cổ (tưởng đến chuyện dĩ vãng).

Cải lương là ai

H 7: Cao Văn Lầu (1892 – 1976)

cha đẻ của Vọng cổ [9].

Vọng cổ nguyên thủy ca giọng Bắc, nhịp hai, bản đờn: “Hò liu xang xế cống, Líu cổng líu cổng xê xang, Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò, Liu xế xang xự xể xang lìu hò… Lời ca: Từ là từ phu tướng, Bửu kiếm sắc phong lên đàng, Vào ra luống trông tin chàng, Đêm năm canh mơ màng…” (trích 4/20 câu đầu).

Vọng cổ không dừng lại ở trạng thái ban đầu mà biến chuyển không ngừng để đáp ứng nhu cầu nghệ thuật ngày càng cao và thị hiếu của quần chúng. Vọng cổ, từ giọng Bắc chuyển dần sang Nam có pha điệu Oán và từ nhịp hai không đủ chỗ để viết lời nên tăng dần đến nhịp 128. Nhưng rồi, rốt cuộc nhịp 32 vẫn được mọi người tán đồng và giữ mãi cho đến ngày nay. Theo Trần Văn Khải, Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam, Vọng cổ có 6 thời kỳ tăng nhịp và mỗi thời kỳ chia làm hai: đợt nhất lời ca hơi ít chữ, đợt nhì ca nhiều chữ hơn, nhưng vẫn giữ y nhịp:

Thời kỳ 1: từ 1920 – 1926, Vọng cổ nhịp 2 nguyên thủy có 20 câu, được đón nhận nồng nhiệt và dần dần thay thế cho bài Tứ Đại Oán. Đợt đầu, có bản Vọng Cổ Hoài Lang; đợt hai, điển hình có bản Vọng cổ trong tuồng Tham Phú Phụ Bần diễn năm 1926 tại Biên Hòa, do các nhân vật Ái Châu (nữ) và Huỳnh Kỳ Thoại (nam) ca đối đáp.

Thời kỳ 2: từ 1927 – 1935, Vọng cổ tăng lên nhịp 4, lời ca có nhiều chữ hơn, giọng kéo dài ngân nga, nên phải chuyển sang điệu Nam cho thích hợp và bài ca chỉ còn 12 câu. Đợt đầu, tiêu biểu có bản Giá Trị Danh Dự do Tư Chơi ca chuyển điệu Nam, trong vở Giá Trị Và Danh Dự của Nguyễn Thành Châu. Đợt hai, điển hình có bản vọng cổ do Phùng Há đơn ca, trong vở Khúc Oan Vô Lượng của Huỳnh Thư Trung.

Thời kỳ 3: từ 1936 – 1945, Vọng cổ tăng lên nhịp 8, nhưng bài chỉ còn 6 câu, với điệu ca chậm rãi, ngân nga hơn bản nhịp tư và xuống giọng ở cuối câu. Đợt đầu, tiêu biểu có bản Gánh Nặng Tình Đời của Lưu Hoài Nghĩa, tức Năm Nghĩa ca. Đợt hai, điển hình là bản Vọng cổ do Tư Út ca, trong vở tuồng Tô Ánh Nguyệt của Trần Hữu Trang.

Thời kỳ 4: từ 1946 – 1954, Vọng cổ tăng lên nhịp 16, bài vẫn 6 câu, nhưng lối ca buông nhịp mới mẻ, mở ra một bước ngoặc mới câu nhạc bắt đầu đa dạng và phong phú cho Vọng cổ. Nhờ sáng kiến của Út Trà Ôn (tên thật là Nguyễn Thành Út, thường gọi Mười Út; sinh năm 1919, tại ấp Phú Đông, làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long; mất ngày 13- 8- 2001 tại Sài Gòn, an táng ở Chùa Nghệ Sĩ, quận Gò Vấp). Ông đưa vào bản Vọng cổ, nhịp 16, những câu thơ ngâm điệu tao đàn hay ngâm Lục Vân Tiên mùi mẫn và những câu hò vui tai. Đợt đầu, tiêu biểu có bản Tôn Tẫn Giả Điên, Út Trà Ôn đơn ca trên đĩa hát hãng Asia; đợt hai, điển hình có bản Xử Tội Bàng Quý Phi.

Cải lương là ai

H 8: Nghệ sĩ Út Trà Ôn (1919 – 2001),

vua ca Vọng cổ [10].

Thời kỳ 5: từ 1955 – 1964, Vọng cổ tăng lên nhịp 32, bài vẫn 6 câu. Đợt đầu, tiêu biểu có bản Đội Gạo Đường Xa (gương hiếu thảo của thầy Tử Lộ) soạn giả Viễn Châu, do Hữu Phước đơn ca, thu vào đĩa hát hãng Lam Sơn. Đợt hai, điển hình có bản Nguyệt Kiểu Xuất Gia, cũng của Viễn Châu, do Thanh Nga đơn ca thu vào đĩa hãng Hồng Hoa.

Thời kỳ 6: từ 1965 đến nay, vọng cổ tăng nhịp 64, rồi nhịp 128, bài vẫn sáu câu. Tiêu biểu cho nhịp 64 có bản Ba Râu Đi Chợ Lớn của Viễn Châu, do Văn Hường đơn ca trên đĩa hát hãng Hồng Hoa. Nhưng vì chẻ nhịp nhiều quá, không ăn khách, khiến vọng cổ lại trở về nhịp 32, và dừng lại ở trạng thái viên mãn này, được coi là tiêu chuẩn hiện nay.

Từ năm 1964, một cải tiến quan trọng, nghệ sĩ Viễn Châu đưa tân nhạc vào vọng cổ, tạo thành mô hình Tân cổ giao duyên. Vọng cổ ở trường hợp này, chỉ còn 4 câu thay vì 6 câu thông thường.

Ngoài việc đem vọng cổ vào kịch bản cải lương, trong đờn ca tài tử, điệu ca này còn được khai thác tối đa trên các đĩa nhạc đủ loại đề tài như: đạo hạnh, hiệp sĩ, luân lý, nhân vật lịch sử, sự tích, tâm lý, tình cảm, truyện Tàu, xã hội,… Đó là đặc điểm của Vọng cổ mang tính đa dạng có khả năng biến thái của bài hát theo lời ca.

02 – Ca Bắc:

Thường là văn vần, diễn trong tình tiết vui, ca Bắc được dùng để tả cảnh vật, bày tỏ cái chí khí của đấng nam nhi, cái tiết tháo của kẻ sĩ, hoặc nói lên cái ý hướng của mình. Đôi khi ca Bắc cũng dùng tả cảnh sinh ly tử biệt, nhưng đượm vẻ hào hùng. Tuy là ca Bắc nhưng hoàn toàn ngôn từ Việt Nam, rất phổ biến trong cải lương, và không như hát Khách (hát Bắc) của hát bội nặng nề chữ Nho.

03 – Ca Nam:

Cũng như nói Lối ai, ca Nam là giọng buồn thảm nhất trong các điệu cải lương. Ca Nam thường dùng văn vần để có thanh bằng trắc, giọng trầm bổng thì ca mới nghe được. Tùy theo mức độ bi ai, điệu ca này chia làm 5 loại:

– Nam xuân có 8 lớp, mỗi lớp gieo một vần cho cả 8 câu. Giọng Nam xuân buồn nhẹ, dịu hòa.

– Nam ai gồm 14 lớp, mỗi lớp có 8 câu và gieo một vần, ca nhịp lơi nên giọng buồn thảm thê lương nhất.

– Nam bình, còn gọi là Trường tương tư, chữ cuối câu gieo một vần và đều thanh bằng, giọng buồn miên man. Điệu ca này gốc ở miền Trung, mới gia nhập vào cải lương khoảng đầu thập niên 1930.

– Nam chạy trong cải lương cũng giống như Nam tẩu trong trong hát bội, dùng khi bị rượt đuổi, vừa chạy vừa ca nhịp thúc để phù hợp với điệu bộ chạy giặc. Bài Nam chạy cũng gồm nhiều lớp, mỗi lớp có 8 câu, và thường xen nói lối giữa hai lớp.

– Nam Đảo ngũ cung là bài Nam gồm 8 lớp, mỗi lớp có tám câu một vần. Và thường mang thanh trắc, nghe chói tai xóc dựng, tạo âm điệu độc đáo trong cổ nhạc Việt Nam.

04 – Ca Bắc biến thể giọng Nam:

Gồm 3 điệu:

– Hành vân hơi Nam: nguyên Hành vân là bản ca Bắc, được biến thể chuyển qua ca Nam, nhịp lơi và ngân nga, để diễn tả tâm sự buồn của nhân vật.

– Chuồn chuồn hơi Nam: nguyên Chuồn chuồn là bản ca Bắc, được biến thể chuyển qua ca Nam và vô Vọng cổ khi vai tuồng diễn cảnh gặp cơn hoạn nạn.

– Vọng cổ cũng là bản Bắc chuyển sang giọng Nam, nhưng là một điệu ca quan trọng nên có chỗ đứng riêng.

05 – Nói lối:

Nói lối trong cải lương thường là những câu văn vần, mỗi câu từ 4 đến 9 chữ, có thể dài hơn, đôi khi có văn xuôi, và chia làm ba loại:

a/ Lối Bắc, nói chậm từng tiếng, rõ ràng và nghiêm trang, không có đàn đưa hơi. Diễn viên nói lối Bắc xong, thì tiếp đến ca Bắc.

b/ Lối Ai (tức lối Nam), nói chậm, giọng buồn não ruột, có đờn đưa hơi qua bản Xuân Nữ; và xong lối Ai thì tiếp đến ca Nam.

c/ Lối giặm, khi diễn viên ca vọng cổ, vừa dứt một câu, đờn nổi lên, trong thời gian chờ diễn viên ca tiếp, nhân vật đối thoại xen vào câu Lối giặm, không nhất thiết là phải văn vần, để trám khoảng trống và tránh bị nguôi tuồng. Vậy Lối giặm phải gọn, không được dài dòng, làm loãng bài Vọng cổ.

06 – Nói thường:

Dùng để xen giữa các câu nói lối, nên diễn viên phát ngôn bình thường, tự nhiên như kịch nói.

07 – Oán:

Giọng oán thể hiện nỗi đau khổ buồn giận, nhưng mang tính bi hùng, chứ không ủy mị thê lương. Tuy là vậy, các tính chất trên cũng gia giảm tùy theo từng bài. Có bốn bài oán chính:

– Tứ Đại Oán (trong tuồng Vì Nghĩa Liều Mình),

– Giang Nam (thích hợp cho những tuồng có nhân vật nữ trong cô phòng, than thân tủi phận),

– Phụng Cầu (trong tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu),

– Phụng Hoàng (tính chất oán nhẹ nhàng hơn các bản khác);

Và bốn bài oán phụ: Văn Thiên Tường (ca trong lúc vợ chồng quyến luyến trước cảnh chia ly), Bình Sa Lạc Nhạn, Bộc Thủy Ly Tao, Thanh Dạ Đề Quyên.

08 – Bình:

Bài Bình bằng thơ lục bát và nói rõ ràng từng câu, từng điệu. Bình cũng gần như Bạch trong hát bội, nhưng Bạch nói lên cái chí hướng của nhân vật, còn Bình tả cái gia cảnh của vai tuồng.

09 – Ngâm:

Cải lương và hát bội đều có ngâm, tức là đọc thong thả bài thơ với giọng tha thiết diễn cảm qua âm điệu trầm bổng ngân dài, nhưng không theo khuôn nhịp cố định. Ngâm trong cải lương thường là là thể thất ngôn tứ tuyệt, thơ tám chữ bốn câu, cũng có thể dùng lục bát hay song thất lục bát.

10 – Nói thơ, tức là không ngâm mà chỉ đọc thơ với giọng rõ ràng, thong thả.

11 – Thán:

Điệu thán trong cải lương nhất định phải là thơ thất ngôn tứ tuyệt, có đờn đệm đưa hơi, với giọng não nề; chẳng hạn như than khóc người thân lìa đời.

12 – Lý:

Lý là điệu hát ngắn, gọn, tính nhạc phong phú, rất phổ biến trong dân gian. Cải lương thường dùng các điệu Lý sau đây:

– Lý giao duyên dành cho đào hát trong lúc cô đơn, khi trông nhớ chồng, con đi xa lâu về.

– Lý Ngựa ô căn cứ vào nguồn gốc có hai loại: điệu Lý Bắc hát nhanh nhịp 1, điệu Lý Nam hát chậm và nhịp tư lơi.

– Lý Huế cũng hát chậm với nhịp tư lơi và giọng dịu dàng.

– Lý con sáo tức Lý Tam thất, có hơi ca Nam.

– Lý thập tình.

– Lý chuồn chuồn.

13 – Hò:

Hò là điệu hát dân gian có giọng cất cao, to và dài hơi, đồng ca trong khi làm việc cho quên mệt nhọc, hay để hợp sức cùng làm một việc gì. Trong cải lương thường thấy hò cấy lúa, hò chèo ghe, hò đưa đò,…

IV – CÁC DÒNG PHÁI CẢI LƯƠNG

Trong hát bội, người ta phân làm 3 loại tuồng theo nội dung, đề tài, và nơi sử dụng. Trong hát cải lương, chia khuynh hướng tùy theo kịch bản lấy từ truyện tích Tàu, hay kịch bản phóng tác từ các tiểu thuyết của Pháp, hoặc phản ánh từ cuộc sống ngoài xã hội.

01 – Khuynh hướng cải lương tuồng Tàu:

Bộ môn cải lương lúc mới ra đời (1917) thường diễn tuồng Tàu, vì các soạn giả là lớp người cựu học, họ xem sách truyện tích Tàu để soạn tuồng, hay là chuyển thể từ các kịch bản hát bội viết bằng chữ Nho và Nôm.

a/ Trương Duy Toản (1885 – 1957):

Đầu tiên có Trương Duy Toản, soạn tuồng và dạy con hát cho gánh Thầy Năm Tú. Ông là một kịch tác gia, tự Mạnh Tự, bút hiệu Đổng Hổ; người huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Họ Trương tham gia các tổ chức chống Pháp rồi xuất dương sang Nhật. Năm 1908, ông cùng với Cường Để sang Châu Âu. Sau năm 1914, ông bị Pháp bắt, dẫn độ về Sài Gòn, bị nhốt một thời gian rồi được thả. Từ ấy, ông soạn vở cải lương và là một thầy tuồng (đạo diễn) nổi tiếng nhất vào những năm thập niên 1920.

Các tuồng cải lương của ông đều phóng tác theo truyện tích Tàu, như vở Hạnh Nguyên Cống Hồ, Trang Châu Mộng Hồ Điệp, Trang Tử Cổ Bồn Ca, Lưu Yến Ngọc Cứu Cha Đại Hiếu (1930),… Tuy cốt truyện có nguồn gốc Tàu, nhưng không đem nghệ thuật Tàu vào kịch bản.

b/ Nguyễn Trọng Quyền (1876 – 1953):

Người kế tiếp là Nguyễn Trọng Quyền (阮 仲 權), bút hiệu Mộc Quán (đặt theo lối chiết tự: hai chữ Mộc ‘木’ và Quán ‘雚’, viết ra chữ Nho và ghép lại thành chữ Quyền ‘權’). Ông người làng Thạnh Hòa, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh Cần Thơ). Ông gia nhập làng báo, viết cho tờ Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn. Từ năm 1920, ông trở thành nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng cho các gánh hát lớn đương thời suốt trong 33 năm với chừng 85 kịch bản.

Theo Nguyễn Phương [11]: “Ông là người khai sinh ra dòng nghệ thuật sân khấu tuồng Tàu. Ông đã viết lời Việt và sửa cách phát âm theo lối Việt một số bản nhạc của sân khấu hát Tiều, hát Quảng để dùng trong các tuồng Tàu do ông sáng tác. Các bài bản đó đến nay trở thành cổ nhạc Việt Nam tuy vẫn còn giữ cái tên của nhạc Tiều hay nhạc Quảng cũ như : Ú liu Ú xáng, Xang xừ líu, Xáng xáng lìu, Xách xủi, Tân xái phí, Bạc cấm lùng, Dì phảnh, Mành bản,... ”

Và ngay cả nghệ thuật cải lương, ông cũng bớt tả chân để pha trộn cái tượng trưng ước lệ của hát bội với lối hát Tiều và Hí khúc của nhà Nguyên, làm thành một mô hình cải lương tuồng Tàu: động tác được vũ điệu hóa, lời thoại được âm nhạc hóa, và ca diễn tiết tấu được cường điệu hóa. Nhưng lối pha trộn này không ăn khách vì xa rời dân tộc tính, nên không phát triển, mà người đời quen gọi là: Cải lương Hồ Quảng.

02 – Khuynh hướng cải lương tuồng Tây:

Từ năm 1923, bộ môn cải lương phát sinh một dòng phái nữa có tên là tuồng Tây và sau này còn gọi là tuồng xã hội. Năm ấy, nghệ sĩ Năm Châu cộng tác gánh Trần Đắc, soạn tuồng cải lương Nghĩa Bộc Thủ Phần và Tiên Biệt Phu là hai kịch bản cải lương đầu tiên thuộc hệ phái này.

a/ Nguyễn Thành Châu (1906 – 1978):

Nguyễn Thành Châu, thường gọi là Năm Châu, quán làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho; nay là Tiền Giang. Ông bước vào nghệ thuật cải lương từ lúc 15 tuổi, là một kịch tác gia kiêm đạo diễn vừa là diễn viên, với lãnh vực nào cũng tỏ ra xuất sắc. Ông đã đóng góp không nhỏ cho bộ môn này qua 50 kịch bản. Phần lớn tuồng của ông phóng tác từ các truyện của Pháp, các vở kịch cổ điển của Tây phương, soạn thành vở cải lương, tiêu biểu như: Áo Người Quân Tử (theo L’homme en habit), Bằng Hữu Binh Nhung (theo Les troi mousquetaires), Giá Trị Và Danh Dự (Le Cid của Corneille)…

b/ Huỳnh Thư Trung:

Cuối thập niên 1930 có Huỳnh Thư Trung (thường gọi là Tư Chơi) soạn tuồng cải lương mà cốt truyện hoàn toàn sáng tác, không phỏng theo tiểu thuyết Tây, Tàu hay Việt. Ông cũng là soạn giả đầu tiên dùng nhạc Pháp lời Việt trong các kịch bản cải lương.

Nói chung tuồng Tây khác với tuồng Tàu ở phong cách diễn xuất, vì tuồng Tây gần với tự nhiên và cuộc sống thực.

V – CÁC LOẠI NHẠC CỤ

01 – Đờn kìm, còn gọi là nguyệt cầm vì bầu cộng hưởng (bụng đàn, thùng đàn) tròn như mặt trăng rằm, đường kính chừng 40 cm, dày không quá 8 cm, bít kín không có lỗ thoát âm. Cần đàn dài chừng 85 đến 90 cm, gắn 8 phím lõm cách nhau không đều, có hai dây tơ (nay là dây nylông) nối từ con quay ở đầu cần đến cuối bụng đàn mắc trên một cái thú (ngựa đàn). Đờn kìm, tiếng đàn không trong và thanh như đờn tranh hay lục huyền cầm, nhưng với âm hưởng trầm, hòa với cây tranh thì tuyệt vời.

Trong nền âm nhạc cổ điển Việt Nam, cây kìm là đàn chánh, không thể thiếu. Và trong cải lương, người phụ trách đờn kìm được coi như trưởng ban nhạc, ngồi ở vị trí ngó ra sân khấu để điểu khiển giàn nhạc, vừa theo dõi diễn viên giọng cao thấp thế nào mà đờn thay đổi năm bậc, từ Hò (hò nhứt), Xự (hò nhì), Xang (hò ba), Xê (hò tư), Cống (hò năm). Ở vị thế nhạc cụ chủ, đờn kìm giữ nhịp song lang, các cây đàn khác phải so dây theo, và diễn viên cũng lấy hơi ca theo nhịp cây kìm.

02 – Đờn cò, còn gọi là đờn nhị, gồm ống đàn (bầu cộng hưởng) mặt bịt da, cần đàn dài không phiếm và có hai dây tơ căng thẳng trợt trên dây của cung đờn, phát ra âm thanh dịu dàng như tiếng đàn Violon của Tây phương. Đờn cò rất phổ biến trong âm nhạc cổ Việt Nam, ở vị thứ hai và có mặt trong tất cả các bộ môn nghệ thuật truyền thống.

03 – Đờn sến có hai hay ba dây tơ, bụng đàn hình hoa thị, cần đàn dài hơn đờn kìm và có 13 phiếm

04 – Đờn tranh còn gọi là Thập lục vì có 16 dây bằng kim loại và khảy cũng bằng móng kim nên tiếng ngân dài, luyến láy già dặn và có được ba âm giai: thượng, trung, hạ. Lại nhờ đôi tay tài nghệ của nhạc công nhấn và rung trên phím tạo âm thanh mùi mẫm, quyến rũ, đi vào lòng người nghe.

05 – Đờn lục huyền, tức Guitare hay Tây Ban cầm, nguyên có 6 dây kim loại và từ Tây Ban Nha nhập vào Việt Nam, khoảng cuối thập niên 1930 đầu thập niên 40. Rồi nhạc sĩ Jean Tịnh là người có sáng kiến đưa cây Guitare cùng đàn Violon gia nhập vào giàn nhạc cải lương, và được cải biến thành đàn 5 dây, với phím móc lõm sâu. Tây Ban cầm khi đàn bực cao, tiếng thanh như đờn Tranh.

06 – Vĩ cầm tức Violon, gốc từ Tây phương, có 4 dây tơ dùng cung kéo phát ra âm thanh như đờn cò nhưng tiếng lớn hơn, làm át cả các đàn khác, cho nên những nhạc công bảo thủ không ưa thích. Tuy vậy, hai cây đàn này được xem như nhóm nhạc cụ cổ điển Việt Nam.

07 – Cây cuỗn, giống như cây kèn, đầu gốc có gắn lưỡi gà để thổi ở vị thế cầm dọc, đầu ngọn suông không có loa nên âm thanh phát ra nhỏ hơn tiếng kèn và không vang xa.

08 – Ống sáo hay ống tiêu làm bằng một lóng cây trúc, dài độ 30 cm, đường kính chừng 1 cm 5, có khoét một lỗ lớn để thổi ở vị thế cầm ngang, và 6 lỗ nhỏ thoát hơi (sáo cải tiến có 10 lỗ bấm) tạo ra âm thanh trầm bổng trong các cung bậc của âm nhạc.

VI – TẦM ẢNH HƯỞNG

Văn cải lương dùng quốc âm, gần với ngôn ngữ đời sống hằng ngày, nếu có chữ Nho cũng chỉ xen lẫn với Nôm và cấu trúc theo Việt văn, ngoại trừ có bài Bình Bán Vắn (22 câu) và Du Xuân Hành Vân Khúc (21 câu) là hoàn toàn chữ Nho. Chính vì ưu điểm đó, mà cải lương gần gũi với quần chúng, dễ đi vào lòng dân tộc.

Cải lương ra đời ở miền Nam, giọng ca điệu hát hoàn toàn thích hợp với phát âm của người Nam, tưởng không bao giờ vượt khỏi biên giới miền Lục Tỉnh. Có ai ngờ, chỉ ba năm sau, bắt đầu từ năm 1920, nhiều gánh cải lương ở Nam Kỳ ra miền Bắc trình diễn như An Lạc Ban, Phúc Lộc Ban, Tân Lập Ban… với những diễn viên nổi tiếng như đào Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Sang…, kép Năm Châu, Tư Chơi, Tư Út… được khán giả giới tân thời ở Hà Nội đón nhận nồng nhiệt.

Năm 1921, nhóm sinh viên Nam Kỳ ra Hà Hội học trường Cao Đẳng, nhớ đến cải lương, đã trình diễn vở Tối Độc Phụ Nhân Tâm (Lòng người đàn bà hết sức độc ác) do Phạm Công Bình soạn và Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền nhuận sắc. Rồi ngay người Bắc cũng lập gánh hát cải lương tại Hà Nội để đáp ứng với lượng khán giả ngày càng nhiều, như các gánh Kim Chung, Huỳnh Lan Anh.

Điển hình là đoàn Kim Chung của Bầu Long. Ông Trần Viết Long sinh năm 1922 tại Hà Nội, du học ở Pháp và Đức về, cùng vợ là Kim Chung lập gánh cải lương, lấy tên vợ đặt tên cho gánh hát, với những diễn viên người Bắc như Anh Đệ, Huỳnh Thái, Kim Chung, Lan Phượng. Sau đó, Bầu Long còn hợp tác với Phạm Thọ Minh lập một đoàn Kim Chung nữa (Tiếng Chuông Vàng thứ 2) ở Hải Phòng. Năm 1954, Kim Chung di cư vào Nam, trụ tại Sài gòn và phát triển thành bốn đoàn.

Với Miền Trung, có lẽ vì quê hương của hát bội nên cải lương xâm nhập chậm hơn, nhưng không kém phần sôi nổi. Theo Trần Văn Chi, Tìm Hiểu Cải Lương, vào thập niên năm 1930, tại bến Thương Bạc ở kinh thành Huế, có ông Tuần phủ lập gánh cải lương Đồng Hỷ Ban, rồi mở rạp Đồng Xuân Lâu sinh hoạt thường trực và tên gánh hát đổi thành đoàn Đồng Xuân. Gia đình ông Phủ cũng mê cải lương, cả ba thế hệ đều tham gia đoàn hát này và duy trì cho đến năm 1945. Ngoài ra, có những người miền Trung vào Nam theo nghiệp cải lương đã thành danh như nghệ sĩ Thanh Tuấn, Việt Hùng và ông bầu Trương Gia Kỳ.

Ngày nay, cải lương là bộ môn nghệ thuật rất phổ biến cho cả nước. Từ thành thị đến miền quê, từ giới trí thức đến lớp bình dân, đều thích xem cải lương. Mọi người không những ghiền giọng mùi mẫn của Vọng cổ, mà còn thưởng thức các điệu khác, dàn nhạc không ồn ào, cốt truyện phản ánh nếp sống thường ngày, với tầm vóc ngành ca kịch xã hội, mang tính dân tộc nên được cả nước ưa chuộng.

VII – LỜI KẾT

Tóm lại, cải lương là bộ môn kịch nghệ vốn thích nghi với cái mới, dễ thanh lọc và cũng dễ tiếp thu. Nói cách khác, cải lương có sự tiếp nhận, chọn lựa và đổi mới; đúng nghĩa với tên gọi của nó. Thật vậy, cải lương mới ra đời vừa một thế kỷ mà cải tiến không ngừng. Chỉ riêng có vọng cổ, cũng biến chuyển từ nhịp 2 đến nhịp 128. Nhạc cải lương cũng không ngớt bổ sung đáp ứng với nhu cầu nghệ thuật, hai loại đàn Tây phương được đón nhận vào dàn nhạc cổ điển, rồi mô hình tân cổ giao duyên, tiếp đến Hồ Quảng cũng được Việt hóa để làm phong phú cho bộ môn này.

Vâng, tiếp thu mà không bị lai căn, vẫn giữ được bản chất Việt Nam, vẫn đi vào lòng dân tộc từ Nam ra Bắc. Đó là đặc tính ưu việt, bộ môn Cải lương sẽ mãi trường tồn và không bị lỗi thời.

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Vương Hồng Sển; Hồi Ký 50 Năm Mê Hát (Sài gòn, Nam Chi Tùng Thư, 1968); trang 105.

[2] Vở cải lương Phụng Nghi Đình, các tài liệu ghi không đồng nhất về soạn giả: Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Văn Hóa Việt Nam, trang 955, chép soạn giả là Nguyễn Trọng Quyền; Trần Văn Chi, Tìm Hiểu Cải Lương, trang 28, cho rằng Trương QuangTiền là soạn giả.

[3] Vở cải lương Khúc Oan Vô Lượng của soạn giả Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi, gánh hát Trần Đắc (Cần Thơ) trình diễn trên sân khấu khoảng năm 1931.

[4, 5, 6, 7] Ảnh từ Wikipedia, bách khoa toàn thư mở (Hình 2, 3, 5, 6)

[8] Nguyên xã Thuận Mỹ thuộc huyện Châu Thành cho đến ngày 11- 3- 1977.

Xã Thuận Mỹ thuộc huyện Tân Châu cho đến ngày 19- 9- 1980 (Theo Quyết định 54-CP ngày 11- 3- 1977 của Hội Đồng Chính Phủ sáp nhập huyện Châu Thành với huyện Tân Trụ, lấy tên là huyện Tân Châu).

Xã Thuận Mỹ thuộc huyện Vàm Cỏ cho đến ngày 4- 4- 1989 (Theo Quyết định 298/CP ngày 19- 9- 1980 của Hội Đồng Chính Phủ, đổi tên huyện Tân Châu thành huyện Vàm Cỏ).

Xã Thuận Mỹ thuộc huyện Châu Thành từ ngày 4- 4- 1989 đến nay (Theo Quyết định 36/ HĐBT ngày 4- 4- 1989 của Hội Đồng Bộ Trưởng chia huyện Vàm Cỏ trở lại hai huyện cũ).

[9, 10] Ảnh từ Wikipedia, bách khoa toàn thư mở (Hình 7 và 8)

[11] Nguyễn Phương; Nghệ Thuật Sân Khấu Cải Lương – 80 Năm…Những Chặng Đường…; Tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long (Santa Ana, CA), số 4, tháng 7 năm 2006; trang 255.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– ĐỖ ĐỨC HIỂU; Từ Điển Văn Học, bộ mới; không đề nơi, nxb Thế Giới, 2004.

– HOÀNG NHƯ MAI; Sân Khấu Cải Lương; “Địa Chí Văn Hóa TP/HCM”, tập III – Nghệ Thuật, Nhóm Chủ biên Trần Văn Giàu (Sài Gòn, nxb Thành Phố, 1990); trang 119- 161.

– NGUYỄN PHƯƠNG; Nghệ Thuật Sân Khấu Cải Lương – 80 Năm…Những Chặng Đường…; Tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long (Santa Ana, CA, Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành), số 4 tháng 7 – 2006; trang 246 – 271.

– NGUYỄN Q. THẮNG; Từ Điển Tác Gia Văn Hóa Việt Nam; Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1999.

– TRẦN VĂN KHẢI; Nghệ Thuật Sân Khấu; Sài Gòn, Khai Trí, 1970.

TRẦN VĂN CHI; Tìm Hiểu Cải Lương; Gardena (CA), Văn Mới xuất bản, 2005.

– TRIỀU GIANG; Chủ Nhân Các Đoàn Kim Chung Nói Về Cải Lương Bắc Và Cải Lương Nam; Nhật Báo Người Việt (Westminster, CA), số 7486, ra Thứ Ba ngày 6- 6- 2006; trang B 6 và B10.

VƯƠNG HỒNG SỂN; Hồi Ký 50 Năm Mê Hát; Sài Gòn, Cơ sở Phạm Quang Khai xuất bản, 1968.

WIKIPEDIA bách khoa toàn thư.

– Thảo luận Cải lương; Phỏng Vấn Của LĐ Với GS Trần Quang Hải; tài liệu từ Internet.

– Xem nhiều tuồng cải lương đã trình chiếu trên đài truyền hình SBTN trong tháng 7 và 8 năm 2006.