Cảnh sát tư pháp là gì

Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp tại toà án. Ảnh: Anh Tuấn

Bộ Tư pháp đề xuất chuyển giao cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp [bảo vệ phiên tòa, dẫn giải bị can - bị cáo, bảo vệ trại giam] từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm nêu quan điểm: "Việc này sẽ gây xáo trộn lớn an ninh quốc gia và xã hội, không lường hết được những khó khăn xảy ra". Những quy định về lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp này vừa nêu trong luật Công an Nhân dân. Nếu theo phương án của Bộ Tư pháp sẽ phải điều chỉnh luật này mà đây là dự án vừa được Quốc hội thông qua.

Thứ trưởng Tiệm nêu ví dụ, việc quản lý phạm nhân, nếu họ trốn trại ngay lập tức lực lượng công an sẽ dễ dàng huy động được các lực lượng tham gia vây bắt. "Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án, không có nghĩa là trực tiếp tham gia quản lý", Thứ trưởng Tiệm gay gắt.

Tán thành với quan điểm của Bộ Công an, đại diện Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, lực lượng vũ trang có những đặc thù riêng nên công tác quản lý trại giam, trại tạm giam... sẽ thuận tiện hơn những đơn vị khác.

Không đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp, đại diện Uỷ ban pháp luật nêu ra hàng loạt vấn đề bất cập. Ông nhấn mạnh, lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là lực lượng vũ trang do Bộ Công an quản lý, có nhiệm vụ dẫn giải người làm chứng, bảo vệ nhà tạm giữ, trại tạm giam, hỗ trợ công tác điều tra, truy tố, xét xử... Thực tiễn cho thấy trong quá trình điều tra truy tố, xét xử, ngoài lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp còn phải huy động và có sự phối hợp của nhiều lực lượng khác của công an nhân dân trong việc bảo vệ phiên tòa, dẫn giải bị can, bị cáo.

"Việc chuyển cảnh sát tư pháp từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp quản lý về bản chất là chuyển một nửa lực lượng vũ trang sang một cơ quan nhà nước có tính chất quản lý dân sự..", vị đại diện nhận định.

Theo phân tích của ông Tráng A Pao [Chủ tịch Hội đồng dân tộc], cảnh sát tư pháp do Bộ Công an quản lý là phù hợp và thống nhất. Bởi lẽ, khi một người đã bị kết án tù, chấp hành xong hình phạt được tha thì việc dõi sự tiến bộ của họ trong 5-10 năm vẫn là do lực lượng công an đảm nhiệm.

Trước những ý kiến phản đối có phần quyết liệt, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu phân trần: "Bộ được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án dân sự và thi hành án hình sự trong cả nước. Nhưng lực lượng cảnh sát tư pháp lại thuộc Bộ Công an". Vì lẽ đó, Bộ trưởng Lưu cho rằng: "Nếu không trực tiếp điều hành thì không thể làm tròn công tác quản lý".

Không đồng tình với lập luận này, Chủ tịch Nguyễn Văn An nói: "Quản lý nhà nước không đồng nghĩa với việc trực tiếp quản lý hoạt động". Ông lấy ví dụ, bệnh viện có thể thuộc cấp tỉnh, huyện... thậm chí là công ty, hay tư nhân, nhưng Bộ Y tế vẫn là đơn vị quản lý chung. Vấn đề trường học, giáo dục cũng vậy, mọi cơ sở đều chịu sự giám sát, chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dự án Bộ luật thi hành án sẽ được trình Chính phủ trước khi quyết định có đưa ra lấy ý kiến đại biểu tại kỳ họp tới Quốc hội tới hay không.

Bộ luật có 20 chương với 335 điều, đề cập tới quy định thi hành án dân sự [án phá sản, án kinh tế, kê biên đấu giá quyền sử dụng đất...]; thi hành án hình sự [hình phạt tù, hình phạt tử hình...]; và kiểm sát thi hành án.

Anh Thư

Video liên quan

Chủ Đề