Cáp treo núi bà đen 2023

14:18 15/06/2022

Theo kế hoạch phát triển Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Tây Ninh nỗ lực xây dựng núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối, lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam Bộ.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Giai đoạn 2016-2020, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả hoạt động kinh doanh tăng. Sự phát triển của ngành du lịch đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch theo hướng tích cực, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, cải thiện bộ mặt nông thôn, phát triển đô thị.

Thời gian qua, Tây Ninh chọn Khu du lịch núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư, tạo động lực lan tỏa du lịch tỉnh nhà. Tỉnh đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược xây dựng các dự án lớn như: Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, shophouse, khách sạn 5 sao Vincom plaza, hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen và các công trình phụ trợ... Các sản phẩm, dịch vụ du lịch được cải thiện về số lượng, chất lượng, lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều. Doanh thu du lịch đạt 4.320 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần giai đoạn 2011-2015.

Cảnh đẹp trên đỉnh núi Bà Đen - Ảnh: TTXTDLTN

Theo kế hoạch đến năm 2025, Tây Ninh nỗ lực xây dựng Khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối, lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam Bộ. Qua đó, giải quyết được khoảng 7.400 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch, trong đó lao động trực tiếp khoảng 2.600 người, lao động giản tiếp của xã hội khoảng 4.800 người.

Về doanh thu du lịch, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt 9.000 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lữ hành giai đoạn 2021-2025 đạt 130 tỷ đồng; khách tham quan du lịch giai đoạn 2021-2025 đạt 18 triệu lượt.

Theo định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hàng năm từ 25%/năm trở lên; ch tiêu bình quân khách du lịch đến Tây Ninh đạt trên 1,3 triệu đồng/người/ngày.

Qua đó, góp phần giải quyết được khoảng 21.000 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch, trong đó lao động trực tiếp khoảng 7.000 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 14.000 người. Doanh thu du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 35.000 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lữ hành giai đoạn 2026-2030 đạt 235 tỷ đồng; khách tham quan du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 37 triệu lượt.

Chú trọng các giải pháp phát triển du lịch

Từ nay đến năm 2025, Tây Ninh tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với du khách, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Tây Ninh;

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, chèo kéo khách du lịch, gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm, du lịch, không để xảy ra hiện tượng người ăn xin hoạt động trên địa bàn; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên lĩnh vực du lịch;

Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi, nhất trong đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện vai trò “đầu tàu” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển; 

Đưa du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh: TTXTDLTN

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; công khai, minh bạch thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư; tăng cường công tác hậu kiểm đối với các dự án đầu tư chậm triển khai, các dự án triển khai nhưng không hiệu quả; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch;

Tập trung đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án kết nối Tây Ninh với các tỉnh giáp ranh và các dự án trọng điểm như: Cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, đường kết nối tử ĐT.784 [Tây Ninh] đến ĐT.744 [Bình Dương], đường ĐT.782-ĐT.784, đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B ĐT.789, cầu An Hoà;

Đầu tư các dự án giao thông theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, chú trọng các tuyến đường kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, các trục giao thông chính của Thành phố Tây Ninh, gồm: đường Trường Chinh, đường Hoàng Lê Kha nối dài, đường Nguyễn Chí Thanh nối dài, đường Nguyễn Trọng Cát;

Đoàn check-in cột mốc chủ quyền biên giới Quốc gia tại Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát - Ảnh: TTXTDLTN

Phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình, phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn, nghiên cứu đưa vào khai thác các tuyến vận tải khách cố định, xe buýt kết nối đến các khu du lịch, điểm du lịch; triển khai hệ thống wifi công cộng phục vụ chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch; triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh cho Thành phố Tây Ninh và Thị xã Hòa Thành;

Khuyến khích, đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú du lịch hiện có theo tiêu chuẩn quốc gia; khuyến khích, ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú có chất lượng, đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; khôi phục và phát triển các loại hình vui chơi giải trí dân gian lành mạnh; hình thành hệ thống các trung tâm vui chơi giải trí hỗn hợp về văn hoá, thể thao;

Quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn; phát triển và xây dựng thương hiệu ẩm thực truyền thống đặc sắc của địa phương; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đại hóa và mở rộng mô hình sản xuất, giới thiệu, trưng bày, phân phối

Đoàn chụp ảnh lưu niện tại Trung ương Cục Miền Nam - Ảnh: TTXTDLTN

Chủ động triển khai kịp thời các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập, nắm bắt, cung cấp nhu cầu thị trường để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm, hàng hóa nhằm đáp ứng phù hợp yêu cầu phát triển của các hoạt động du lịch;

Tạo điều kiện thuận lợi phát triển hoạt động thương mại qua biên giới; thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics…

Cạnh đó, Tây Ninh chú trọng phát triển nguồn nhân lực; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ; quản lý nhà nước về du lịch…

Về khách tham quan du lịch, kế hoạch năm 2022 phấn đấu đạt 3.100.000 lượt khách; năm 2023 đạt 3.590.000 lượt khách; năm 2024 đạt 4.200.000 lượt khách; năm 2025 đạt 5.110.000 lượt khách. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đạt 18.000.000 lượt khách; Tăng trưởng bình quân 2021-2025, phấn đấu đạt 26,4%; Giai đoạn 2026-2030, đạt 37.000.000 lượt khách.

Doanh thu du lịch, năm 2022 phấn đấu đạt 1.300 tỷ đồng; năm 2023 đạt 1.625 tỷ đồng; năm 2024 đạt 2.210 tỷ đồng; năm 2025 đạt 3.215 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt 9.000 tỷ đồng; Tăng trưởng bình quân 2021-2025 đạt 49%; Giai đoạn 2026-2030 đạt 35.000 tỷ đồng.

Chủ Đề