Cha đẻ của thuyết toàn cầu hóa là ai

QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:42 [GMT+7]

Toàn cầu hóa kinh tế và vấn đề đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Trong vài ba thập kỷ gần đây, toàn cầu hóa kinh tế trở thành một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn nổi bật trong đời sống thế giới. Toàn cầu hoá kinh tế có bản chất kép. Một mặt, nó là một xu thế khách quan, kết quả của sự phát triển cao của lực lượng sản xuất và các yếu tố vật chất khác. Mặt khác, nó cũng là một quá trình kinh tế - xã hội, chính trị và văn hoá của mỗi quốc gia. Và đáng quan tâm là, nó đang bị một số thế lực quốc tế lợi dụng, chi phối nhằm mục đích chính trị. Sự đan xen giữa cái khách quan và cái chủ quan đã làm cho toàn cầu hoá kinh tế, về bản chất, trở thành quá trình đầy mâu thuẫn, chứa đựng cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực đối với từng quốc gia-dân tộc, cũng như toàn thể nhân loại. Đại hội IX của Đảng ta xác định: “Toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh”.

Xu thế toàn cầu hoá có nhiều tác động tích cực, tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các quốc gia-dân tộc, như: thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của các quan hệ kinh tế quốc tế, tạo cơ hội cho từng quốc gia tận dụng được thị trường thế giới cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình; mở ra khả năng cho các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển, tham gia nhanh chóng và hiệu quả vào hệ thống phân công lao động quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển; làm lưu chuyển tự do các nguồn vốn, công nghệ sản xuất tiên tiến và khoa học quản lý hiện đại, đặt các yếu tố quan trọng này vào khả năng tiếp cận, sử dụng của mọi quốc gia; tạo điều kiện cho tất cả các nước tham gia vào đời sống quốc tế, bày tỏ chính kiến, bảo vệ lợi ích, tập hợp lực lượng… nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của mình; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động giao lưu văn hoá và tri thức quốc tế, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tình hữu nghị giữa các dân tộc; làm cho các quốc gia-dân tộc ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Đây là cơ hội tích cực để loại bỏ mọi biểu hiện của ý đồ thiết lập mối quan hệ một chiều chứa đựng sự áp đặt, chi phối, thống trị của các siêu cường đối với đông đảo các quốc gia-dân tộc khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hoá kinh tế có thể gây ra những tác động tiêu cực sau đây đối với các quốc gia-dân tộc, nhất là các nước đang phát triển. Trên lĩnh vực kinh tế, đông đảo các nước trên thế giới phải chịu sự ràng buộc của các quy tắc kinh tế, thương mại, tài chính – tiền tệ, đầu tư… chủ yếu do các nước phương Tây áp đặt; phải chịu sức ép cạnh tranh bất bình đẳng và sự điều tiết vĩ mô bất hợp lý của các nước tư bản phát triển. Trên lĩnh vực xã hội, cơn lốc toàn cầu hoá đang và có thể tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng loại trừ xã hội [social exclusion]. Trên lĩnh vực văn hoá, xu thế toàn cầu hoá đặt các quốc gia vào nguy cơ bị các giá trị phương Tây xâm nhập ồ ạt, làm tổn hại bản sắc văn hoá dân tộc. Trên lĩnh vực quốc phòng- an ninh, xu thế toàn cầu hoá làm trầm trọng thêm các nguy cơ đe doạ an ninh, trong đó nhiều nguy cơ phi truyền thống, làm thay đổi cục diện an ninh và các công cụ, biện pháp, hình thức, cơ chế bảo đảm an ninh. Trên lĩnh vực chính trị, xu thế toàn cầu hoá đang tạo ra một số nguy cơ đe doạ vai trò của nhà nước, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ …

Những tác động tích cực và những tác động tiêu cực nêu trên do xu thế toàn cầu hoá tạo ra đối với các quốc gia-dân tộc đều tồn tại dưới dạng tiềm năng. Mặt tích cực và mặt tiêu cực cùng tồn tại một cách hữu cơ trong một xu thế, có thể chuyển hoá lẫn nhau và bởi vậy, có thể tạo ra thuận lợi hay khó khăn; cơ hội hay thách thức; thời cơ hay nguy cơ. Điều đó phụ thuộc vào tình hình cụ thể và hiệu quả hoạt động thực tiễn của nhân tố chủ quan. Trên thực tế, toàn cầu hoá không chỉ là một quá trình kinh tế - kỹ thuật, mà chủ yếu là một quá trình kinh tế - xã hội chứa đựng những bất công và nghịch lý lớn. Bởi vậy, toàn cầu hoá chính là một cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc gay gắt vì những mục tiêu vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài.

Sự khác nhau về nhận thức, quan điểm dẫn đến những cách thức hành động trái ngược nhau đối với xu thế toàn cầu hóa. Một bên là những người cổ vũ, chủ trương hội nhập quốc tế thật nhanh, toàn diện và triệt để nhằm tránh nguy cơ tụt hậu so với thời cuộc; bên kia là những người phản đối toàn cầu hóa, nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống lại mọi nguy cơ về một thế giới nhất thể hóa. Những khuynh hướng tư duy và hành động đối lập nhau như vậy là sản phẩm tất yếu của một quá trình kinh tế- xã hội, chính trị, văn hóa... phức tạp, chứa đựng nhiều mâu thuẫn bên trong. Với tư duy biện chứng và kinh nghiệm chính trị thực tiễn dày dạn, Đảng ta chủ trương tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững chế độ xã hội, bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc vì mục tiêu, định hướng XHCN.

Sau khi Liên Xô tan rã, các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ và trong bối cảnh toàn cầu hóa, cục diện thế giới có nhiều diễn biến tác động theo những véc tơ ngược chiều nhau đến quốc phòng và an ninh của các quốc gia-dân tộc. Mỹ nổi lên như siêu cường duy nhất bên cạnh các cường quốc vừa cũ, vừa mới, sẵn sàng vừa đấu tranh vừa thỏa hiệp với nhau. Họ đã đưa ra thuyết nhân quyền cao hơn chủ quyền, nhân quyền không biên giới. Với học thuyết đó, họ đã tiến hành hàng loạt cuộc chiến tranh với vũ khí công nghệ cao; đã tung ra chiến lược toàn cầu đánh đòn phủ đầu; đã khôn khéo lợi dụng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố để can thiệp sâu vào nội bộ các nước... Trước bối cảnh mới của thế giới và thời đại, Đảng ta đã khẳng định đường lối quốc phòng và an ninh trong giai đoạn hiện nay là: “Thực hiện mọi biện pháp cần thiết, có hiệu quả để xây dựng nền quốc phòng toàn dân [QPTD] và an ninh nhân dân [ANND] vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hóa- tư tưởng và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ”.

Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đã tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang không ngừng hiện đại hóa từng bước về phương tiện chiến đấu và cả phương pháp tác chiến. Trên ý nghĩa nhất định, có thể nói đã ra đời những dạng thức chiến tranh mới như chiến tranh bằng vũ khí thông minh, chiến tranh điện tử, chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố... Trong tình hình như vậy, một số học giả đã tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí, phương tiện chiến tranh, xem đó là yếu tố quyết định, thậm chí duy nhất quyết định kết cục của chiến trường.

Lịch sử phong trào chống thực dân, đế quốc vì mục tiêu giải phóng dân tộc trong suốt thế kỷ XX vừa qua đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, mặc dù quân không nhiều, vũ khí thô sơ, trang bị thiếu thốn, nhưng các lực lượng cách mạng ở nhiều thuộc địa á, Phi, Mỹ La tinh đã đánh bại hết thực dân cũ đến thực dân mới và chủ nghĩa đế quốc, viết nên một trong những trang sử hoành tráng nhất của thời đại. Yếu tố nào đã tạo ra sức mạnh phi thường ấy? Đó chủ yếu là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của đường lối chiến lược đúng đắn, của phương pháp cách mạng và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh sáng tạo, độc đáo, của đội tiền phong chính trị sáng suốt, kiên cường, của mặt trận đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế..., nói tóm lại, đó là sức mạnh của con người. Trong dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc của thời đại, Việt Nam trở thành lực lượng tiên phong và tấm gương ngời sáng bởi học thuyết và thực tiễn thắng lợi của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; có đường lối chính trị, đường lối quân sự và khoa học nghệ thuật quân sự đúng đắn, sáng tạo qua từng thời kỳ lịch sử, đã đánh bại nhiều chiến lược chiến tranh hiện đại của thực dân, đế quốc.

Đời sống thế giới chắc chắn sẽ có nhiều đổi thay, nhưng những sự thật lịch sử vừa nêu khẳng định một chân lý vững bền rằng: các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có điều kiện và khả năng bảo vệ Tổ quốc mình ngay trong bối cảnh hiện nay của thời đại, bằng một đường lối quốc phòng- an ninh đúng đắn, sáng tạo; xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, quốc tế; vũ khí, trang bị ngày càng được hiện đại hóa, kể cả các vũ khí thông minh, nhưng chúng không thể và không bao giờ thay thế được nhân tố con người với tính cách là nhân tố quyết định hàng đầu đối với sự thành - bại của chiến tranh.

Với tư duy sáng tạo, độc lập, tự chủ, Đảng ta đã tích cực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận quân sự, quốc phòng, an ninh của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đồng thời nắm bắt những động thái kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh đang diễn ra trên thế giới và khu vực hiện nay để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nhận thức về đường lối quốc phòng- an ninh trong thời kỳ mới. Mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN không chỉ là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, mà còn là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội, sự nghiệp đổi mới, lợi ích quốc gia, nền văn hóa dân tộc, an toàn- trật tự xã hội... Sức mạnh và lực lượng bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt, phát huy nội lực là chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, kết hợp quân sự với kinh tế, quốc phòng- an ninh với đối ngoại, ngăn ngừa không để xảy ra chiến tranh nhưng sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống chiến tranh. Phương thức bảo vệ Tổ quốc là kết hợp hài hòa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, trong đó xây dựng là gốc, xây dựng phải gắn với bảo vệ và bảo vệ phải nhằm mục đích xây dựng; kết hợp đấu tranh vũ trang với các hình thức đấu tranh khác; quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công, tăng cường xây dựng vững chắc thế trận QPTD và thế trận ANND trên cơ sở nền tảng của khu vực phòng thủ tỉnh [thành phố].

Những quan điểm, đường lối quốc phòng- an ninh đúng đắn ấy của Đảng là nhân tố cơ bản đem lại thành tựu to lớn của quân và dân ta trên lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc những năm qua. Chúng ta đã giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo lập môi trường quốc tế thuận lợi, tăng cường thế và lực cho đất nước. Tiếp tục chăm lo xây dựng các lực lượng vũ trang cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đường lối quốc phòng - an ninh do Đại hội X nêu ra, với những nội dung cơ bản nêu trên, là đường lối kế thừa khoa học và nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; và nó đã được bổ sung, phát triển phù hợp với những sự vận động mau lẹ của đời sống chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh trong thế giới hiện đại và trong công cuộc đổi mới đất nước đã được kiểm nghiệm qua công cuộc đổi mới 20 năm qua. Bởi vậy, với tất cả sự cảnh giác cách mạng và sự khiêm tốn của những người cộng sản, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng đó là nhân tố cơ bản đảm bảo hòa bình, an ninh cho đất nước ta vững bước tiến vào thời kỳ mới, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

TS. Nguyễn Viết Thảo

Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị

Video liên quan

Chủ Đề