Chấp hành viên làm việc ở đâu

Trong hoạt động thi hành án dân sự, chấp hành viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là lực lượng nòng cốt, chủ lực, có vai trò quyết định đối với hiệu quả thi hành án. Điều 17 luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật thi hành án dân sự) định nghĩa: Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật này.

Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp. Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên.

1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên

Khoản 1 Điều 18 Luật thi hành án dân sự quy định chấp hành viên phải là: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Cụ thể hơn, tiêu chuẩn để trở thành chấp hành viên là:

1.1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp:

- Đáp ứng điều kiện ở khoản 1 Điều 18 nêu trên;

- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;

- Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;

- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.

1.2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp:

- Đáp ứng điều kiện ở khoản 1 Điều 18 nêu trên;

- Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên;

- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.

1.3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp:

- Đáp ứng điều kiện ở khoản 1 Điều 18 nêu trên;

- Có thời gian làm Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm trở lên;

- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên cao cấp.

1.4. Trường hợp đặc biệt:

- Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, là sỹ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm Chấp hành viên trong quân đội.

- Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên được điều động đến công tác tại cơ quan thi hành án dân sự, người đã từng là Chấp hành viên nhưng được bố trí làm nhiệm vụ khác và có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật thi hành án dân sự thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên ở ngạch tương đương không qua thi tuyển.

- Trường hợp đặc biệt do nhu cầu bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật thi hành án dân sự đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp; có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp; có 15 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp không qua thi tuyển.

2. Miễn nhiệm Chấp hành viên

Điều 19 Luật thi hành án dân sự quy định hai trường hợp miễn nhiệm Chấp hành viên là:

- Đương nhiên miễn nhiệm:

Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp:

+ Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên;

+ Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên

Điều 20 Luật thi hành án dân sự quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chấp hành viên là:

1. Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.

2. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.

3. Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.

4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.

5. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.

6. Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.

7. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

8. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.

9. Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.

10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.

4. Những việc Chấp hành viên không được làm

Điều 21 Luật thi hành án dân sự quy định các hành vi bị cấm đối với chấp hành viên là các hành vi sau đây:

- Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm.

- Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.

- Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.

- Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án.

- Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên; Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

- Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.

- Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.

Trên đây là quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện miễn nhiệm và nhiệm vụ, quyền hạn cũng như hành vi bị cấm đối với chấp hành viên.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thi hành án dân sự

               Luật Hoàng Anh

Thi hành án là một trong những hoạt động thể hiện sự nghiêm minh của Pháp luật, của Nhà nước, thể hiện tính uy nghiêm của Nhà nước, là quá trình thực thi chân lý, đưa chân lý đi vào cuộc sống. Hoạt động thi hành án là hoạt động đưa các bản án, quyết định nhân dân nhà nước của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. Do đó, hoạt động thi hành án có hiệu quả sẽ tác động trực tiếp đến lòng tin của nhân dân đối với pháp luật; có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho quyền lực tư pháp được thực thi trên thực tế. Mặc dù hoạt động thi hành án ở nước ta hoạt động ngày càng hiệu quả, chất lượng thi hành án ngày càng nâng cao nhưng vẫn còn số lượng án tồn đọng nhiều; nhiều vụ việc quá trình thi hành án còn chậm so với qui định. Dẫn đến các khiếu nại về việc thi hành án nói chung ngày càng nhiều. Trong đó, việc khiếu nại chậm thi hành án luôn chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số các khiếu nại thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự. Việc chậm thi hành án đã làm giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời chính hành vi chậm thi hành án cũng có thể ảnh hướng trực tiếp đến lợi ích của người được thi hành án. Trong một số trường hợp cụ thể, chính hành vi chậm thi hành án của chấp hành viên sẽ dẫn đến thiệt hại về kinh tế của người được thi hành án và phải có trách nhiệm bồi thường theo luật định. Cụ thể: Từ năm 2007 đến đầu năm 2011, bà Nguyễn Thị L làm chủ đầu thảo hụi nhưng đến tháng 2/2011 thì bà L tuyên bố bể hụi. Sau khi bà L tuyên bố bể hụi thì những thành viên tham gia chơi hụi với bà L khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng góp hụi. Trong đó có bà N khởi kiện và có bản án trước (vào tháng 7/2011). Bản án đã tuyên buộc bà L phải trả cho bà N số tiền gần 500 triệu đồng. Ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật thì bà N đã làm các thủ tục cần thiết để nộp đơn yêu cầu thi hành án và đã được Cơ quan thi hành án thụ lý vào tháng 8/2011. Quá trình thi hành án được biết bà L có tài sản là thửa đất vườn có diện tích khoảng 3.000m2 nhưng bà L không tự nguyện thi hành án và Chấp hành viên cũng không tiến hành cưỡng chế thi hành án theo qui định vì cho rằng: đây là vụ án chùm, bà L thiếu nợ nhiều người nên phải đợi các đồng chủ nợ của bà L cùng khởi kiện rồi cưỡng chế luôn. Đến đầu năm 2012, các chủ nợ khác của bà L đồng loạt khởi kiện và đã được tòa án thụ lý giải quyết; các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; các chủ nợ của bà L cùng nộp đơn yêu cầu thi hành với số tiền lên đến 8 tỉ đồng. Sau đó, cơ quan thi hành đã tiến hành ban hành quyết định cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá tài sản là thửa đất nêu của bà L thu được gần 5 tỉ đồng. Sau khi thu được tiền bán đấu giá trừ chi phí, thì số tiền còn lại phân phối cho mỗi người được thi hành án là 50% số nợ của mỗi người; như vậy bà N chỉ nhận được 250 triệu đồng. Không đồng tình với cách làm của cơ quan thi hành án, bà N đã khiếu nại việc chi tiền thanh toán và hành vi chậm thi hành án của chấp hành viên đã gây thiệt hại cho bà và yêu cầu phải bồi thường cho bà số tiền 250 triệu đồng. Trong nội dung đơn khiếu nại bà nêu rõ: căn là cứ vào Điều 47 Luật Thi hành án dân sự có qui định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án như sau: Đồng thời, sau khi hết thời gian tự nguyện thi hành án thì bà N đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu chấp hành viên tiến hành các biện pháp cưỡng chế thi hành án do bà L không tự nguyện thi hành án nhưng chấp hành viên chỉ giải thích miệng làm theo chỉ đạo của trưởng ban chỉ đạo thi hành án vì đây là vụ án nhạy cảm ảnh hưởng đến tình hình chính trị, trật tự an ninh tại địa phương. Nếu tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo yêu cầu của bà N thì các chủ nợ khác của bà L sẽ hưởng tỉ lệ khác với bà N, làm cho các chủ nợ khác của bà L so đo, gây bức xúc dư luận. Riêng về phía bà N cho rằng, việc làm và chỉ đạo của trưởng ban chỉ đạo thi hành án là sai luật, bởi lẽ nếu trong trường hợp này, khi hết thời gian tự nguyện thi hành án, chấp hành viên tiến hành cưỡng chế kê biên thì số nợ của bà sẽ được thu hồi 100% theo qui định tại Điều 47 Luật thi hành án dân sự, chứ không phải như 50% như phân phối của chấp hành viên. Chính hành vi chậm thi hành án (chậm ra quyết định cưỡng chế) của chấp hành viên đã vi phạm trình tự thủ tục thi hành án và trực tiếp xâm hại đến quyền lợi của bà, gây thiệt hại nên bà yêu cầu bồi thường là có cơ sở. Trên thực tế, những vụ án tương tự như trên diễn ra là rất phổ biến, một số đương sự, thậm chí là một số cán bộ ngành tư pháp (toà án, cơ quan thi hành án) đã lợi dụng kẽ hở này để trục lợi: thẩm phán giải quyết vụ án có thể giải quyết vụ trước vụ sau để “chạy thời điểm thi hành” hoặc “chạy thời điểm ra quyết định cưỡng chế thi hành án”; chấp hành viên cũng “chạy thời điểm ra quyết định cưỡng chế thi hành án”. Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quí đọc giả góp ý!