Chích viêm màng não khi trẻ đủ bao nhiêu tuổi năm 2024

Thời gian qua, chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi thắc mắc về tiêm chủng. Những câu hỏi này đã được chuyển đến Thạc sĩ Bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn và được trả lời như sau:

Hỏi: Con trai lớn tôi năm nay được 7 tuổi, tôi cho cháu chích ngừa đều đặn theo lịch ở sổ theo dõi sức khỏe, nhưng tôi nghe nói là đến 6 tuổi phải tiêm nhắc lại những mũi từ sơ sinh, xin bác sĩ cho biết đến tuổi này cần tiêm nhắc lại những mũi nào? Nếu có thể, xin bác sĩ cho biết lịch tiêm chủng đến 10 tuổi kể cả những mũi nhắc lại [không có trong chương trình].

Cháu nhỏ tôi xin ở BV Từ Dũ, nhưng tôi không biết là có uống vitamine K hay không ? Đến nay cháu đã 10 tháng tuổi uống có được không? Xin hỏi đăng ký ở đâu ? Cám ơn vtt_van2004@yahoo.com

Trả lời: Chị Vân thân mến,

Các cháu từ 6 tuổi trở lên nên chích nhắc lại mũi Bạch hầu-uốn ván [DT vax] và mới đây theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng nên chích nhắc lại mũi sởi [mũi đầu tiên chích lúc 9 tháng]. Vắc xin ngừa lao [BCG] không cần chích nhắc lại. Các vắc xin khác như viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ, trái rạ, sởi-quai bị - rubella, thương hàn, viêm não Nhật Bản, não mô cầu A-C, cúm thì nhắc lại hay không tùy theo lịch chích ngừa của cháu trước đó. Lịch tiêm chủng đã có sẵn trên trang web của Bệnh viện Nhi đồng 1: nhidong.org.vn ở mục “Sức khỏe trẻ em” ]

Mục đích của việc uống hoặc chích vitamin K1 là để phòng bệnh xuất huyết não –màng não do thiếu vitamin K. Bệnh này thường chỉ xảy ra ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, do cơ thể các cháu chưa tổng hợp được vitamin K. Cháu nhỏ nhà chị đã 10 tháng thì không cần uống hoặc tiêm vitamin K1 nữa vì ở tuổi này các cháu khỏe mạnh [không mắc bệnh gan nặng] đã tổng hợp được vitamin K1.

Hỏi:Con tôi lúc nhỏ đã tiêm ngừa bệnh viêm màng não mủ đủ liều rồi, hiện nay cháu được 4 tuổi, ngày 22/3/2007 cháu nhập viện vì viêm màng não mủ. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện hiện nay sức khỏe cháu rất tốt và đi học bình thường. Như vậy có cần chích ngừa bệnh viêm màng não mủ nữa không ? Tại sao chích ngừa rồi cháu vẫn bị nhiễm bệnh ?.ngocdung765@yahoo.com.vn

Trả lời: Viêm màng não mủ là thuật ngữ chỉ bệnh viêm màng não do vi trùng nhằm phân biệt với viêm màng não nước trong do siêu vi trùng gây ra. Vi trùng gây viêm màng não có nhiều loại như: Hemophilus influenza type b [Hib], phế cầu khuẩn, não mô cầu, tụ cầu khuẩn, và các loại vi khuẩn gram âm. Trong đó, Hib là loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ thường gặp nhất ở các trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi, kế đến là phế cầu khuẩn, não mô cầu và tụ cầu khuẩn. Ở nước ta hiện nay chỉ phổ biến hai loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não mủ là Hib và não mô cầu. Vắc xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn đã có nhưng chưa phổ biến ở nước ta. Một cháu đã chích viêm màng não mủ đủ liều mà vẫn bị viêm màng não thì nhiều khả năng là do nhiễm vi trùng khác- chưa có vắc xin phòng bệnh.

Chị Dung thân mến, cháu nhà chị đã được chích ngừa viêm màng não mủ đủ liều rồi thì không cần chích lại nữa. Tuy nhiên, chị nên kiểm tra lại xem cháu được chích ngừa não mô cầu chưa ? Nếu chưa, nên tiêm ngừa vắc xin này cho cháu.

Hỏi: Tôi có con gái đầu lòng 11 tháng tuổi, hiện nay cháu đã chích đầy đủ tất cả các mũi trong chương trình. Tôi xin hỏi, muốn chích ngừa cho bé các bệnh ngoài chương trình thì khi bé được bao nhiêu tháng tuổi mới chích được ? và tôi có thể đưa bé đến đâu để chích ngừa cho bé. Hiện tại hàng tháng tôi cho bé đến chích tại trạm y tế phường. Còn nữa, tôi muốn trở thành thành viên của trang web, xin hỏi đăng ký như thế nào ? maidiemdưa7@yahoo.com

Trả lời: Hiện nay cháu được 11 tháng nên chích vắc xin ngừa viêm màng não do Hib trước. Khi đủ 12 tháng tuổi, cháu cần được chích thêm các vắc xin: trái rạ, sởi-quai bị-rubella, viêm mão Nhật Bản. Lưu ý, vắc xin trái rạ và sởi-quai bị-rubella nên chích cách nhau ít nhất một tháng. Đến 18 tháng, cháu có thể được chích thêm não mô cầu AC. Anh nên đưa cháu đến các Trung tâm Y tế quận huyện, Bệnh viện Nhi đồng, Trung Tâm Y tế dự phòng TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM để được khám và tham vấn trước khi tiêm ngừa.

Anh muốn trở thành thành viên của trang web, chúng tôi rất hoan nghênh. Tuy nhiên, trang web của Bệnh viện Nhi đồng 1 được thiết kế gồm hai phần riêng biệt: một dành cho bà mẹ, một dành cho nhân viên y tế. Phần dành cho nhân viên y tế bao gồm những bài viết chuyên sâu và sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành nên phần này chúng tôi chỉ dành cho cán bộ y tế. Phần dành cho bà mẹ, anh có thể vào xem bất cứ lúc nào mà không cần tên đăng nhập và mật khẩu

Hỏi:Bé gái của tôi hiện gần 22 tháng tuổi. Lúc cháu dưới 12 tháng tuổi, tôi đã đưa cháu đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ngoài ra, tôi còn cho cháu chích ngừa các bệnh theo lịch tiêm chủng theo yêu cầu như: Viêm màng não mũ [Hib] và viêm não Nhật Bản. Cháu đã bị thủy đậu lúc 12 tháng tuổi.

Xin Bác sĩ tư vấn thêm những bệnh nào cần phải tiêm chủng cho cháu. Tôi thấy trong lịch còn Viên gan siêu vi khác, viêm màng não mủ do não mô cầu, phế cầu. Một vấn đề nữa là từ lúc cháu 15 tháng tuổi đến nay, tôi vẫn rất phân vân về việc tiêm chủng bệnh Quai bị - Sởi - Rubella và chưa đưa bé đi chích. Do thấy thông tin có bé bị chết do tiêm mũi này nên tôi rất sợ rủi ro. Bệnh Sởi thì cháu đã được chủng ngừa lúc 9 tháng tuổi [theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia]. Quai bị thì cháu là gái nên không sợ bị vô sinh như bé trai ? Bệnh Rubella thì để sau này lớn lên cháu lập gia đình và muốn có con thì chích ngừa luôn được không Bác Sĩ ? CongHan@saigontourist.net

Trả lời: Bạn Han thân mến, có thể nói bạn là người rất am hiểu về tiêm chủng. Như vậy, bạn đã tiêm ngừa gần như đầy đủ các loại vắc xin cần thiết theo lứa tuổi của cháu. Các loại vắc xin khác như viêm gan siêu vi A và não mô cầu AC nếu có điều kiện bạn nên tiêm ngừa thêm cho cháu. Nếu đúng là cháu đã bị trái rạ rồi thì không cần tiêm ngừa trái rạ nữa. Về vấn đề bạn đang cân nhắc có nên chích ngừa Sởi-Quai bị-Rubella cho con mình hay không, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin về biến chứng của các bệnh trên để bạn suy nghĩ thêm: Bệnh quai bị ngoài biến chứng vô sinh ở trẻ trai còn có các biến chứng nguy hiểm khác như viêm cơ tim, viêm não. Bệnh sởi ngoài việc làm cho trẻ phải nghỉ học còn có biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy do sức đề kháng của bệnh nhi bị giảm khi mắc bệnh này. Một biến chứng khác của sởi tuy rất hiếm gặp nhưng đã từng thấy ở Bệnh viện Nhi đồng 1 là viêm não hậu sởi.

Hỏi: Em bé của tôi được 3 tuổi. Tôi đã cho bé chích ngừa cúm 2 mũi, mũi 1 lúc 6 tháng, mũi 2 lúc 9 tháng tuổi. Nhưng tôi nghe nói chích ngừa cúm mỗi năm nhắc lại một lần. Vậy xin bác sĩ cho biết như vậy có đúng không ? thuyanhmeo2004@yahoo.com

Trả lời: Do vi rút cúm liên tục thay đổi týp huyết thanh gây bệnh, nên các nhà sản xuất vắc xin thường lấy chủng vi rút năm trước để bào chế cho vắc xin năm sau. Vì vậy, vắc xin cúm thường chỉ có hiệu quả trong một mùa dịch, năm sau phải chích nhắc lại thì hiệu giá kháng thể mới cao.

Hỏi: Con trai tôi 9 tháng tuổi. Đúng lịch cháu sẽ tiêm ngừa sởi trong tháng này. Tuy nhiên, tôi đọc trên website của bệnh viện thấy có loại thuốc ngừa chỉ cần chích một lần ngừa được 3 loại bệnh: Sởi-Quai bị-Rubella. Như vậy, tôi có thể không đưa cháu đi chích ngừa sởi trong tháng này, và đợi bé đủ 1 tuổi rồi chích luôn một mũi kia được không ? Có hại gì không ?. Con trai tôi bị suy dinh dưỡng độ I, mỗi lần chích về bé rất mệt, không lên ký, kém ăn. Vì vậy, tôi rất ngại đưa cháu đi chích ngừa. Rất mong được bác sĩ tư vấn. Xin hỏi thêm bác sĩ, ngoài mũi sởi tháng thứ 9, cho đến 1 tuổi con trai tôi có cần chích thêm loại bệnh nào không ? hoasaoly@yahoo.com

Trả lời: Một số nghiên cứu cho thấy, thời điểm chích sởi hiệu quả nhất là lúc cháu được 15 tháng tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ mắc sởi trước 1 tuổi cao nên chúng ta chích sởi lúc các cháu được 9 tháng. Bạn có thể đợi đến một tuổi để chích luôn sởi-quai bị-rubella cũng được, nhưng bạn phải chấp nhận nguy cơ cháu có khả năng bị sởi trong khoảng thời gian 9 đến 12 tháng tuổi. Suy dinh dưỡng độ I không phải là chống chỉ định chích ngừa. Ngược lại, những cháu bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém hơn các cháu bình thường nên cần được tiêm ngừa đúng lịch. Hiện tại, cháu có thể chích thêm vắc xin viêm màng não mủ [Hib].

Hỏi: Thưa bác sĩ, con gái tôi được 12 tháng tuổi. Tôi cho bé đi tiêm chủng ở phường đầy đủ. Tuy nhiên, tôi nghe nói bé cần được tiêm thêm 4 loại vắc xin nữa bao gồm: Sởi-Quai bị-Rubella, thủy đậu, viêm màng não do Hib, viêm gan A. Nhưng bé đã được tiêm sởi lúc 9 tháng tuổi rồi, vậy vắc xin Sởi-Quai bị - Rubella và vắc xin sởi có giống nhau không ? Có bị lập lại hai lần sởi không ? Viêm màng não và viêm màng não do Hib khác nhau như thế nào?. Nếu tôi cho bé đi tiêm 4 loại vắc xin nêu trên thì tiêm mũi nào trước, mũi nào sau ? Hiện nay cháu chưa đi nhà trẻ, ở nhà với ông bà. yenhanhson@yahoo.com

Trả lời: Vắc xin Sởi-Quai bị-Rubella là một loại vắc xin sống giảm độc lực gồm 3 thành phần sởi, quai bị và rubella. Vắc xin sởi cũng là vắc xin sống giảm độc lực chỉ có 1 thành phần sởi. Một cháu đã chích sởi lúc 9 tháng tuổi, đến 12 tháng chích thêm Sởi-Quai bị-Rubella thì ngoài việc giúp cho trẻ có kháng thể chống lại bệnh quai bị và bệnh rubella còn làm tăng đáp ứng miễn dịch đối với bệnh sởi. Tuy nhiên, hai vắc xin này phải chích cách nhau từ ít nhất 1 tháng.

Viêm màng não là một bệnh nhiễm trùng ở màng não. Có nhiều tác nhân gây bệnh viêm màng não như: vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng và nấm. Hib là từ viết tắt của Hemophilus influenza type b là loại vi trùng gây bệnh viêm màng não thường thấy nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Một bé được chẩn đoán là viêm màng não khi chưa xác định được tác nhân gây bệnh trong dịch não tủy. Nếu xác định được tác nhân gây bệnh là Hib thì gọi là viêm màng não do Hib.

Bạn nên chích vắc xin ngừa viêm màng não do Hib trước. Kế đến là thủy đậu. Ít nhất một tháng sau ngày chích thủy đậu bạn cho cháu chích Sởi-Quai bị-Rubella. Viêm gan siêu A nên chích khi cháu được 2 tuổi.

Hỏi: Tôi muốn hỏi bác sĩ là khi tiêm phòng cho cháu thì nên tiêm ở đâu ?

Tôi đọc thấy trên trang trang web trẻ thơ có một số bà mẹ bảo là khi đi tiêm phòng thì bác sĩ khuyên là tiêm ở đùi không tiêm ở tay. Nhưng ở Đà Nẵng, tất cả các trạm y tế khi tiêm đều tiêm ở tay. Như vậy có ảnh hưởng gì cho cháu bé không ? Và tôi có thêm 1 thắc mắc nữa là mũi tiêm phòng viêm gan B sau 4 tháng tuổi bị tiêm trễ 1 tháng [phải tiêm lúc 5 tháng tuổi do trạm hết thuốc] thì có còn hiệu quả không ? tranlan2008@yahoo.com.vn

Trả lời: Mỗi một loại vắc xin các nhà sản xuất đều có hướng dẫn là tiêm trong da, tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc uống. Vắc xin ngừa lao [BCG] tiêm trong da ở vai nên trái là qui định chung của chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc xin Sabin ngừa bệnh bại liệt thì uống. Vắc xin Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván, viêm gan siêu vi B, thương hàn, viêm màng não do Hib thì phải tiêm bắp. Các vắc xin Sởi, Sởi-Quai bị-Rubella, trái rạ, viêm não Nhật Bản và Não mô cầu AC thì phải tiêm dưới da. Những vắc xin phải tiêm dưới da thì nên tiêm ở phần trên cánh tay do dễ thực hiện hơn ở đùi. Những vắc xin phải tiêm bắp thì nên tiêm ở đùi. Tuy nhiên ở trẻ trên 2 tuổi, cơ cánh tay đã phát triển nên thường được chích ở cánh tay. Tóm lại, chỉ tiêm ở đùi trong các trường hợp sau: Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván, viêm gan siêu vi B và viêm màng não do Hib ở trẻ dưới 2 tuổi.

Vắc xin phòng viêm gan siêu vi B chích trễ một tháng vẫn có hiệu quả và không cần phải chích lại từ đầu.

Hỏi: Con trai tôi vừa tròn 2 tháng tuổi. Cháu đã được chích ngừa viêm gan siêu vi B [2 mũi], lao tại khoa Sản Bệnh viện Đại học Y Dược. Qua báo chí tôi được biết thời gian gần đây công tác tiêm chủng có vài sự cố nên tôi rất hoang mang. Nhà tôi ở gần Bệnh viện Nhi đồng 1 nên tôi xin chuyển về chích ngừa tại đây được không?. Cần làm thủ tục gì? Bệnh viện có các vắc xin ngoài chương trình không ? quyentrinh@hcm.vnn.vn

Trả lời: Chị Quyên thân mến, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ tiêm các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho các cháu đang nằm viện và các cháu bị bệnh mãn tính không tiện chích tại trạm y tế phường vào sáng thứ năm hàng tuần. Ngoài ra, các vắc xin khác như viêm màng não mủ, trái rạ, Sởi-quai bị-rubella, viêm não Nhật Bản, Não mô cầu AC, viêm gan siêu vi B là các vắc xin chích có thu phí từ thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần. Chị có thể mang cháu đến phòng A6 Bệnh viện Nhi đồng 1 để được khám và tham vấn thêm.

Hỏi: Con tôi hiện nay 7 tháng tuổi, tôi muốn cho cháu đi chích những mũi tiêm chủng theo yêu cầu: Hib, viêm gan siêu vi khác, Sởi-quai bị-rubella, trái rạ, viêm màng não mủ do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, dại, thương hàn. Bác sĩ cho biết khi nào mới chích được những mũi này ? huebui@atlanticvn.com

Trả lời: Hiện nay, bé được 7 tháng tuổi, chích được viêm màng não do Hib, sau 1 tuổi chích được trái rạ, Sởi-quai bị-rubella, viêm não Nhật Bản. Đến 18 tháng chích viêm màng não do não mô cầu và 5 tuổi chích thương hàn.

Hỏi: Con tôi đã được tiêm phòng lao [BCG] lúc 1 tháng tuổi nhưng đến nay đã 4,5 tháng nhưng sao tôi không thấy nổi hột đậu rổi vỡ ra trên bắp tay như người ta thường bảo, như vậy có phải là tiêm phòng không đạt và không ngừa được bệnh lao phải không ? và có cần phải tiêm lại không ?tvhuy@vdc.com.vn

Trả lời:Bốn tháng sau khi tiêm ngừa lao [BCG] nếu không thấy sẹo thì cần kiểm tra lại IDR. Nếu IDR âm tính thì phải chích lại.

Hỏi: Xin bác sĩ cho biết, cháu tôi được 18 tháng tuổi, ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng cần chích những loại vắc xin nào nữa ?

Trả lời: Trước mắt, cháu cần chích thêm viêm màng não do Hib, viêm não Nhật Bản, Não mô cần AC, trái rạ, Sởi-quai bị-rubella. Anh có thể tham khảo thêm lịch chủng ngừa ở mục ”Sức khỏe trẻ em” trên trang web: www. nhidong.org.vn.

Hỏi: Bác sĩ ơi, con em 13 tháng tuổi, đã tiêm phòng 7 bệnh Quốc gia nhưng em nghe nói trẻ còn cần được tiêm nhắc sau 1 năm tuổi đối với bệnh Viêm gan, BCG, Sabin phải không ạ ? Nếu đã tiêm người Sởi lúc 10 tháng thì khi tiêm thêm mũi: Sởi -Quai bị-rubella trẻ có bị ảnh hưởng gì không? có nên tiêm không? hovietha78@yahoo.com.vn

Trả lời: Chị Hà thân mến, Những trẻ đã chích đủ 7 mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên nhắc lại các mũi sau: viêm gan siêu vi B, Bạch hầu-ho gà-uốn ván, bại liệt. Chị kiểm tra xem bên vai trái của bé có sẹo BCG không ?. Nếu có thì không cần chích lại. Về vắc xin Sởi-quai bị-rubella, thắc mắc của chị giống như của hai phụ huynh ở địa chỉ email: hoasaoly@yahoo.com và yenthanhson@yahoo.com. Xin chị xem phần trả lời ở phía trên.

Hỏi: Hiện nay tôi thấy các gia đình có xu hướng tiêm chủng cho các trẻ rất nhiếu vì hiện giờ giá thành cho một mũi tiêm không cao quá, mà cho dù có cao thì các gia đình cũng cố gắng để tiêm chủng ngừa cho trẻ, như vậy việc chủng ngừa nhiều loại có ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ hay không ?.thanhthaivtec@gmail.com

Trả lời: Ngày càng có nhiều loại vắc xin chứng tỏ nhiều bệnh đã được phòng ngừa. Việc chích ngừa sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà còn giúp bé chống lại bệnh tật. Bạn nên đưa cháu đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn về thời điểm và lịch chích phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của cháu.

Chủ Đề