Chiến lược phát triển công nghệ thông tin Việt Nam

Trụ cột quan trọng  Trước đó, cuối tháng 11-2021, Bộ TT-TT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” thay cho “Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Cùng với việc chấp thuận đề xuất này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ TT-TT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiệm vụ xây dựng “Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030”, sau khi “Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khoa học, tránh trùng lặp giữa các chiến lược. Trong định hướng phát triển ngành CNTT năm 2022 và giai đoạn 2022-2024, Bộ TT-TT đã xác định rõ việc hoàn thiện và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực công nghiệp CNTT và truyền thông [ICT] trong năm 2022. Theo đó, công nghiệp công nghệ số là trụ cột cho xây dựng Chính phủ số, hiện đại hóa, thông minh hóa ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp và mọi mặt đời sống xã hội; có sức mạnh, vị thế và tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.  Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của lĩnh vực công nghiệp ICT trong năm 2022 và giai đoạn trung hạn, Bộ TT-TT cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam; hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, không chỉ cho thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế; phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với đó, tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất các thiết bị 5G để hoàn thành mục tiêu triển khai cung cấp thương mại dịch vụ 5G bằng thiết bị sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống quản lý, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số quốc gia…

Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ 

Trong giai đoạn 2022-2024, Bộ TT-TT xác định, sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng và cập nhật, triển khai áp dụng chuẩn kỹ năng nhân lực công nghệ số; tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP ở mức 6-6,5% trong giai đoạn 2022 - 2024. 

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hơn 3 năm qua, mô hình vườn ươm cho các ý tưởng sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ non trẻ, sản phẩm công nghệ mới ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Đó là sự tham gia và cộng hưởng của 3 thành phần: Nhà nước, tập đoàn lớn và các doanh nghiệp công nghệ. Mô hình này cho thấy sự ưu việt và tính hiệu quả khi mỗi bên đều phát huy được sức mạnh của mình và góp phần mang lại giá trị chung. Nhà nước ban hành chiến lược, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, đưa ra các bài toán quy mô quốc gia, đầu tư cho nghiên cứu dài hạn; tập đoàn lớn có sức mạnh về tài chính, thị trường và các yêu cầu khắt khe của hệ thống lớn; doanh nghiệp công nghệ có ý tưởng, sự sáng tạo và nhanh nhạy… “Sự cộng hưởng này sẽ góp phần thúc đẩy sáng tạo, tạo ra thị trường để khích lệ các công ty công nghệ non trẻ, hướng tới mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào năm 2025. Sự cộng hưởng này cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam vì sẽ có những giải pháp có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống. Sự cộng hưởng này còn góp phần xây dựng những sản phẩm, giải pháp công nghệ ưu việt, quy mô lớn và vươn ra toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT thương hiệu Việt Nam. Doanh thu ngành công nghiệp ICT năm 2021 đạt 136,153 tỷ USD [năm 2020 là 124,678 tỷ USD]. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam là 18,779 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT. Trong năm 2022, Bộ TT-TT đặt mục tiêu đưa tổng số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 70.000 doanh nghiệp; tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đạt 148,5 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT là 9,2%; tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là 3 tỷ USD.

TRẦN LƯU

công nghiệp số công nghệ số Việt Nam Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phát triển công nghiệp ICT đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ những giai đoạn rất sớm như một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước thông qua nhiều chủ trương, chính sách lớn. Ngày 17/10/2000, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 58- CT/TW về ứng dụng và phát triển CNTT trong đó xác định tầm nhìn đến năm 2010 “Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển hàng năm cao nhất so với các khu vực khác; có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước ngày càng tăng” và khẳng định “Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt là phát triển công nghiệp phần mềm”. 

Sau 6 năm triển khai, Luật CNTT ra đời vào năm 2006 đã đặt một nền móng pháp lý quan trọng cho phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT bằng việc quy định các lĩnh vực phát triển công nghiệp ICT gồm phát triển công nghiệp phần cứng, điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số và dịch vụ CNTT, từ đó nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phát triển quan trọng đã được xây dựng và triển khai. 

Với việc ghi nhận vị trí và vai trò đóng góp của ngành công nghiệp ICT, 8 năm sau vào năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong đó khẳng định “ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thu hút các tập đoàn công nghiệp CNTT đa quốc gia, hình thành các trung tâm nghiên cứu - phát triển”.

Năm 2018, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh” đồng thời định hướng chủ trương giai đoạn đến năm 2030 “tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: CNTT và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác”. Đến năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với chủ trương “Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: Công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh....” và đề ra giải pháp “Ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về các công nghệ ưu tiên, trọng tâm là: CNTT và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh”.

Trong bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới - sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư [CMCN 4.0] đang diễn ra rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, đã ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh việc “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đặt ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số [CĐS] là động lực chính của tăng trưởng kinh tế... Đẩy nhanh CĐS đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp [DN] nhỏ và vừa, ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số; Phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, CNTT, doanh nghiệp số chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số”.

Để hiện thực hóa những chủ trương, định hướng này, cần có một chiến lược, lộ trình cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp ICT đủ tầm với tầm nhìn và mục tiêu đột phá nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của ngành thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng thời dẫn dắt các ngành kinh tế phát triển, đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp ICT - kinh nghiệm từ quốc tế

Trước xu thế phát triển kinh tế số, nhiều quốc gia phát triển đã ban hành Chiến lược, chính sách, đạo luật để thúc đẩy phát triển công nghiệp ICT, cụ thể:

Vương quốc Anh đã ban hành Chiến lược số [UK Digital Strategy] và coi công nghệ số là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của đất nước. Tư tưởng và tham vọng của Chiến lược là tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu thế giới cho tất cả mọi người; bảo đảm Vương quốc Anh là nơi tốt nhất để bắt đầu và phát triển một doanh nghiệp kỹ thuật số, thử nghiệm một công nghệ mới hoặc thực hiện các nghiên cứu tiên tiến. Bảy trụ cột trong Chiến lược số của Anh bao gồm: Kỹ năng số; Môi trường phát triển doanh nghiệp công nghệ số doanh nghiệp kỹ thuật số; Chuyển đổi mọi doanh nghiệp thành doanh nghiệp công nghệ số; Dữ liệu; Hạ tầng số; An ninh mạng; Chính phủ số. Ngành công nghệ số tăng trưởng nhanh hơn sáu lần so với bất kỳ lĩnh vực nào khác ở Anh vào năm 2019, vượt cả Mỹ và Trung Quốc. Số lượng kỳ lân công nghệ được tạo ra ở Anh chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc. 08 công ty trị giá hàng tỷ USD được thành lập ở Anh vào năm 2019 - nâng tổng số có trụ sở tại Vương quốc Anh lên 77, gấp đôi tổng số ở Đức [34] và gần gấp bốn lần Israel [20].

Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp phần cứng. Các ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt các phần mềm và dịch vụ kết hợp có giá trị cao. Việc triển khai hệ sinh thái được xây dựng bởi các doanh nghiệp CNTT lớn, được tạo điều kiện bởi một môi trường chính sách phù hợp là yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc đạt được những thành tựu trong phát triển công nghiệp CNTT. Từ năm 2019, mỗi năm, Chính phủ Hàn Quốc dành một khoản ngân sách 1,6 nghìn tỷ won [tương đương 1,41 tỷ USD] để đầu tư phát triển công nghiệp CNTT, đặc biệt là các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm dựa trên dữ liệu - mạng - trí tuệ nhân tạo với các sản phẩm công nghệ mới nổi như điện thoại 5G, thiết bị IoT, thực tại ảo, thực tại tăng cường, sản phẩm dựa trên trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, màn hình độ phân giải siêu cao,... Chính sách hỗ trợ tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Đáng chú ý, từ tháng 01/2019, Hàn Quốc ban hành Đạo luật Hội tụ ICT [Đạo luật đặc biệt thúc đẩy ICT, thúc đẩy hội tụ] trong đó có các quy định để phát triển công nghiệp ICT như: Tạo điều kiện cho triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới; Phát triển nhân lực [đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực]; R&D; Quản lý chất lượng; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp; Thành lập bộ máy hỗ trợ phát triển ICT; Hỗ trợ thị trường, thương mại hóa sản phẩm, công nghệ. Đạo luật này có một số quy định về khung thử nghiệm chính sách [sandbox] để hỗ trợ sự phát triển của công nghệ mới, mô hình mới. Theo đó, nếu hệ thống pháp luật hiện hành có quy định cấm hoặc quy định không rõ ràng, không hợp lý để áp dụng cho DN ICT mới/hoạt động mới liên quan đến ICT thì Đạo luật Hội tụ ICT quy định rằng người nộp đơn sandbox có thể xin miễn tạm thời “thử nghiệm”. Theo quy định miễn trừ này, người đăng ký sandbox sẽ có cơ hội thực hiện thử nghiệm mô hình mới, sản phẩm mới dưới một số giới hạn nhất định về thời gian, lãnh thổ và phạm vi. 

Ảnh: Business Korea

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã ưu tiên phát triển công nghiệp và công nghệ là trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trung Quốc đã triển khai một số chính sách để phát triển công nghiệp ICT như: Ưu đãi thuế thu nhập DN cho DN công nghệ cao và mới; Miễn thuế nhập khẩu vật liệu phục vụ sản xuất; Trợ cấp lãi suất cho các khoản vay từ các ngân hàng thương mại; Chính phủ tham gia góp vốn đầu tư vào các dự án sản xuất [ví dụ: sản xuất chip] như một trong số các nhà đầu tư; Chính phủ phát triển công nghiệp Internet vạn vật [IoT] ở quy mô quốc gia nằm trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 12 và 13 giai đoạn 2011-2015, và 2015-2020 với một loạt các giải pháp như thành lập Ủy ban Chuyên gia tư vấn về phát triển IoT và ban hành 10 kế hoạch hành động, bao gồm: xây dựng lộ trình cho phát triển và ứng dụng IoT, phát triển tiêu chuẩn, nghiên cứu và phát triển công nghệ [R&D], thúc đẩy ứng dụng qua các dự án ươm tạo, hỗ trợ DN phát triển, nghiên cứu về an toàn thông tin, tăng cường sự hỗ trợ của chính quyền trong phát triển IoT, xây dựng các văn bản luật và pháp quy có liên quan, và phát triển nguồn nhân lực. Các lĩnh vực trọng tâm được ưu tiên đầu tư, ứng dụng IoT bao gồm: hiện đại hóa ngành nông nghiệp, hệ thống công nghiệp hiện đại và được tối ưu hóa, nền kinh tế số [cyber economy], mạng lưới hạ tầng hiện đại, nền đô thị mới,... 

Để phát triển khu CNTT, Trung Quốc đã thực hiện chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong khu CNTT tập trung tương tự như khu công nghệ cao, cụ thể gồm các ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập DN; cho phép thành lập DN cổ phần trong các khu phát triển; giảm các loại thuế nhập khẩu, thuế đối với sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm dùng cho chế biến hoặc lắp ráp để xuất khẩu; giảm thuế xuất khẩu cho các sản phẩm xuất khẩu; giảm thuế nhập khẩu cho các thiết bị, máy móc trong nước chưa sản xuất được;...

Nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài [FDI] cho phát triển công nghệ, từ năm 1995, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ DN nội địa như miễn thuế thu nhập DN trong hai năm đầu tiên sau khi có được lợi nhuận đầu tiên và giảm 50% cho 3 năm tiếp theo, miễn thuế nhập khẩu cho thiết bị và công nghệ nhập khẩu phục vụ cho nghiên cứu - phát triển [R&D] của các phòng thí nghiệm, khấu trừ 50% tổng chi phí phát triển công nghệ trong thuế thu nhập doanh nghiệp của năm hiện tại nếu DN FDI chi tiêu tối thiểu 10% cho R&D của năm trước,...

Hiện trạng phát triển công nghiệp ICT của Việt Nam

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước cũng như Việt Nam, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang suy giảm, công nghiệp ICT tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với việc luôn giữ vững được sự tăng trưởng qua từng năm. Tổng doanh thu công nghiệp ICT năm 2020 đạt 123,5 tỷ USD, gấp 20 lần so với năm 2009 [6,2 tỷ USD] và gấp hơn 2 lần năm 2015. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 15,2%/ năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước với ước tính đóng góp khoảng 5,5% cho GDP. Năm 2020, Việt Nam đã hình thành trên 60.000 doanh nghiệp ICT, gấp đôi so với năm 2015 đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 60 nghìn tỷ đồng năm 2020 và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Các mặt hàng công nghiệp ICT đặc biệt là điện thoại và máy tính vẫn đứng vững trong danh sách top 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2020, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu hơn 15 tỷ USD. 

Công nghiệp phần cứng, điện tử viễn thông [bao gồm sản xuất máy tính và linh kiện, thiết bị điện tử viễn thông gồm điện thoại di động và linh kiện] có tốc độ tăng trưởng cao, tính riêng giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 15,7%, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước về các loại sản phẩm điện tử dân dụng, điện lạnh và máy tính. Năm 2020, doanh thu xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử viễn thông [kể cả từ khối FDI của Việt Nam] được xếp vào top 2 thế giới về sản xuất điện thoại di động và linh kiện, top 10 thế giới về xuất khẩu mạch điện tử và linh kiện và top 12 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính. Năm 2020, doanh thu xuất khẩu sản phẩm phần cứng ước đạt trên 95,8 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử đã được xuất khẩu tới 35 nước trong khu vực và trên thế giới.

Công nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT có tốc độ phát triển cao, được ghi nhận trên bản đồ CNTT thế giới. Nhiều DN phần mềm có chứng chỉ quản lý chất lượng sản xuất phần mềm CMMi, trong đó có những DN đã đạt CMMi mức cao nhất [mức 5] như: Fsoft, Luxoft, Global Cybersoft, CSC và TMA. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt khoảng hơn 12,1%/năm. Doanh thu năm 2020 ước đạt 12,4 tỷ USD. Nhiều DN phần mềm Việt Nam đã có khả năng cạnh tranh được với các doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc trên thị trường dịch vụ phần mềm thế giới. Việt Nam thường xuyên được các tổ chức có uy tín đánh giá và xếp hạng cao trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về dịch vụ ủy thác phần mềm xuất khẩu [1]. Năm 2021, Việt Nam được xếp thứ 6/60 về gia công dịch vụ phần mềm theo đánh giá của AT. Kearney.

Công nghiệp nội dung số được kỳ vọng có nhiều tiềm năng về giá trị gia tăng và năng suất lao động cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp nội dung số giai đoạn 2015 - 2020 chỉ đạt 7,9% khá khiêm tốn so với tốc độ phát triển chung của ngành. Về số lượng DN, đến năm 2020 có gần 4.600 doanh nghiệp tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này so với số lượng DN 2.339 năm 2015. Doanh thu của lĩnh vực ước đạt 934 triệu USD. Một số DN chiếm lĩnh được thị trường nội địa và bước đầu đầu tư, cung cấp dịch vụ ra thị trường nước ngoài. Năm 2020, Việt Nam được xếp top 7 trong các nước xuất khẩu trò chơi điện tử [video games] lớn nhất thế giới chiếm 4,4% thị phần với 954,7 triệu USD - theo Worltopexports [lớn hơn doanh thu của ngành nội dung số do một phần được tính vào phần mềm].

Nguồn nhân lực CNTT nước ta luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, đến năm 2020, tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp CNTT ước tính là 1.030.000 người, tăng bình quân 7,38%/năm trong giai đoạn 2015- 2020. Tuy nhiên, chiếm phần lớn lực lượng lao động trong ngành hiện nay là lao động ngành công nghiệp phần cứng, điện tử ước tính khoảng 760.000 người, chiếm 73,9% tổng số lao động toàn ngành thì trình độ chủ yếu là trung cấp hoặc phổ thông trung học. Trong khi đó, lao động ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT ước tính khoảng 211.000 người, chiếm 20,54% tổng số lao động toàn ngành và lao động ngành nội dung số ước tính 57.000 người làm chiếm 5,5% tổng số lao động toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT nhưng trình độ chủ yếu là cao đẳng và đại học. Về năng lực và kỹ năng, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam được đánh giá khá cao trên bình diện quốc tế. Việt Nam xếp hạng 29 trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng kỹ năng lập trình viên của Skill value report năm 2018. Năm 2017, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC].

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các khu CNTT tập trung tại một số địa phương với vai trò là hạ tầng quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ICT. Đến năm 2020, số lượng Khu CNTT tập trung là 06 [Công viên phần mềm Quang Trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu CNTT tập trung TP. Cần Thơ]. Các khu đã thu hút trên 800 DN CNTT với hơn 42.000 nhân lực. Bên cạnh đó, mô hình thí điểm Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung được Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập, hoạt động theo chức năng của khu CNTT tập trung đang tạo ra sự tác động phát triển lan tỏa công nghiệp ICT tại nhiều địa phương trên cả nước. Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã có 8 địa phương đạt doanh thu công nghiệp ICT trên 1 tỷ USD gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hải Phòng.

Mặc dù đạt được những thành tựu ấn tượng nêu trên song 90% DN CNTT là nhỏ và vừa, phần lớn phụ thuộc vào FDI, chủ yếu tập trung vào gia công, xuất khẩu. Việc thực thi chính sách ưu đãi, thúc đẩy phát triển lĩnh vực còn dàn trải, chưa hiệu quả, chưa có chính sách thúc đẩy công nghiệp nội dung số, hệ sinh thái số cũng như chính sách ưu đãi và thu hút nguồn nhân lực ICT còn hạn chế. Luật CNTT năm 2006 quy định mục chi riêng cho CNTT nhưng đến nay đã 15 năm nhưng chưa thực hiện được. Trong khi đó, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, công nghệ số, công nghệ 4.0 làm thay đổi bản chất ngành công nghiệp ICT, biến đổi thành ngành công nghiệp công nghệ số nên khung pháp lý cũ không điều chỉnh được, cụ thể là Việt Nam cũng như nhiều nước chưa có sandbox cho các mô hình kinh doanh mới, công nghệ số mới. 

4 nguyên tắc và 10 giải pháp phát triển công nghiệp ICT

Mặc dù trên thế giới chưa có định nghĩa thống nhất về công nghiệp công nghệ số tuy nhiên ITU, EU và một số quốc gia [2] đều khẳng định công nghiệp công nghệ số là sự phát triển của công nghiệp ICT và các công nghệ mới. Vì vậy, trước hết, cần mở rộng khái niệm và định nghĩa lại ngành công nghiệp ICT với tên gọi và nội hàm mới là công nghiệp công nghệ số nhằm sửa đổi khung pháp lý và các văn bản hiện tại cho phù hợp. Trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển công nghiệp ICT đột phá nhằm xứng tầm với vai trò dẫn dắt nền kinh tế số, xã hội số, trước hết cần xác định các định hướng phát triển:

Một là, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam theo tinh thần “Make in Viet Nam” - làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới, đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển bằng công nghệ số. Tăng cường hợp tác, trao đổi công nghệ, thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới.

Hai là, thị trường định hướng, Nhà nước dẫn dắt: DN phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong nước và tham gia thị trường quốc tế; Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt và kiến tạo chính sách để phát triển công nghiệp công nghệ số.

Ba là, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với doanh nghiệp là trung tâm, chất lượng là nền tảng, nhân lực là then chốt.

Bốn là, công nghệ mới, công nghệ mở là đột phá để nhanh chóng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở phạm vi và định hướng phát triển, đồng thời khắc phục những hạn chế của ngành công nghiệp ICT trong giai đoạn vừa qua và tận dụng những cơ hội của công nghệ số thời gian tới, phát triển công nghiệp ICT cần tập trung vào 10 nhóm giải pháp chính, cụ thể:

Một là, hoàn thiện môi trường pháp lý: Xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số; rà soát sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành về DN [khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh, R&D, thuế, vốn]; chính sách sandbox cho mô hình kinh doanh mới.

Hai là, phát triển DN công nghệ số: Xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia phát triển DN công nghệ số Việt Nam.

Ba là, làm chủ công nghệ mới, công nghệ mở: Danh mục các công nghệ số cần ưu tiên nghiên cứu, làm chủ; Nhà nước ưu tiên vốn, nhân lực; kết nối chuyển giao công nghệ mới, công nghệ lõi; sửa chính sách ưu đãi về thuế.

Bốn là, nhà nước kiến tạo thị trường thông qua việc xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia; kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; kinh tế số, xã hội số và phát triển sản phẩm nội dung số.

Năm là, quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số: rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý chất lượng; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định và hướng dẫn kỹ thuật; hệ thống đánh giá kiểm định; tổ chức đánh giá và công bố chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.

Sáu là, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực số chất lượng cao: Đào tạo các cấp học, mở rộng chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở đào tạo; đại học số; gắn kết doanh nghiệp và nhà trường, đào tạo theo đặt hàng; mở rộng các khoá học trực tuyến MOOC; chính sách sử dụng, thu hút nhân lực; đánh giá chất lượng đầu ra; phân tích dự báo nhân lực số; nền tảng số kết nối cung cầu nhân lực số; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm các ý tưởng đột phá.

Bảy là, tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại: Thu hút FDI có chọn lọc, hàm lượng công nghệ cao; phát triển các thị trường mới cho các doanh nghiệp công nghệ số.

Tám là, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công nghiệp công nghệ số: vai trò trụ cột; phổ cập kỹ năng công nghệ số; tôn vinh; tổ chức diễn đàn và Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chín là, tổ chức bộ máy thúc đẩy công nghiệp công nghệ số: Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số; Huy động chuyên gia trong và ngoài nước; hiện đại hóa, thông minh hóa công tác quản lý, phát triển.

Cuối cùng, định kỳ đo lường, giám sát, đánh giá triển khai chiến lược: đo lường mục tiêu chiến lược; đánh giá, xếp hạng các chủ thể thực hiện chiến lược 

[1]. //www.kearney.com/digital/article/?/a/the-2021-kearney-global-services-location-index

[2] . ITU: coi một số công nghệ như điện toán đám mây, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, di động, thực tế ảo, thiết bị không người lái, IoT, in 3D là công nghệ số.

EU coi công nghệ số là 5G, IoT, AI, Robot... Trung Quốc đề cập đến định hướng thêm các công nghệ 4.0 vào công nghiệp ICT. Vương Quốc Anh đề cập: “Lĩnh vực công nghệ số là phần mở rộng của lĩnh vực ICT ”.

[Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2021]

Video liên quan

Chủ Đề