Chuẩn mực hành vi đạo đức là gì

Gần đây, trong rất nhiều bài viết, tài liệu về các vấn đề đạo đức kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội cũng như trong mối quan hệ kinh tế chính trị quốc tế, thuật ngữ chuẩn mực đạo đức [Code of Conduct] được nhắc đến thường xuyên. Vậy chuẩn mực đạo đức là gì?

Định hướng phát triển môi trường đạo đức của tổ chức

Chuẩn mực đạo đức là một hệ thống các nguyên tắc có ảnh hưởng chi phối hành vi đạo đức được chấp nhận bởi xã hội. Chúng là hệ thống các phương pháp, cách thức thực hiện một việc gì đó theo một quy tắc chính thức được chấp nhận rộng rãi và có tác dụng điều chỉnh hành vi xã hội của một cá nhân, nhóm người hay xã hội.

Chuẩn mực đạo đức phản ánh những kết quả nghiên cứu về bản chất tự nhiên của đạo đức, luân lý, nhân cách, về sự lựa chọn về mặt đạo đức của con người, về cách thể hiện triết lý đạo đức. Chuẩn mực đạo đức thường được thể hiện thành những quy tắc hay chuẩn mực hành vi của các thành viên một xã hội, nhóm cá nhân, tổ chức chuyên môn, nghề nghiệp. Khi đó, chuẩn mực đạo đức chính là tiêu chuẩn hành vi đạo đức của tổ chức. Đây là hình thức vận dụng phổ biến nhất của các chuẩn mực đạo đức trong thực tiễn.

Chuẩn mực đạo đức thường được những người quản lý các tổ chức, doanh nghiệp vận dụng vào thực tiễn quản lý, không phải bởi nó quan trọng hơn sứ mệnh công ty. Chuẩn mực đạo đức được coi là biện pháp thực hành cần thiết để điều hành một tổ chức trong một xã hội hỗn tạp, nơi mà các khái niệm đạo đức đóng vai trò quan trọng. Chuẩn mực đạo đức khác biệt với các chuẩn mực luân lý [moral code] ở chỗ, chuẩn mực luân lý thường được sử dụng ở phạm vi lớn hơn cho một nền văn hoá, một một tôn giáo hay một xã hội. Chuẩn mực đạo đức là các giá trị, triết lý hành động được chắt lọc từ các chuẩn mực luân lý vận dụng trong những hoàn cảnh nhất định cho một phạm vi hẹp hơn các đối tượng và mối quan hệ.

Chuẩn mực đạo đức không phải là chuẩn mực bắt buộc về mặt xã hội. Tuy vậy, chúng cũng chứa đựng một chút yếu tố bắt buộc đối với những thành viên của tổ chức. Việc áp dụng những quy tắc trong chuẩn mực đạo đức đối với các cá nhân, nhóm cá nhân hay nhóm xã hội khác nhau có thể không giống nhau xét từ góc độ yêu cầu về mức tính nghiêm ngặt và chi tiết. Vận dụng vào một tổ chức, doanh nghiệp, chuẩn mực đạo đức được cụ thể hoá theo các cấp độ khác nhau, cho các đối tượng khác nhau thành: [a] tiêu chuẩn đạo đức áp dụng cho cấp tổ chức và những người đại diện cho toàn bộ tổ chức; [b] quy tắc ứng xử áp dụng đối với cá nhân, nhân viên, thành viên tổ chức khi tiến hành các công việc chuyên môn thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; hay [c] tiêu chuẩn hành nghề áp dụng cho các thành viên thuộc một ngành nghề, nghề nghiệp chuyên môn cụ thể].

Tiêu chuẩn đạo đức [code of ethics, business ethics] là một hệ thống các chỉ dẫn quy định cách thức hành động đối với một tổ chức và các thành viên của tổ chức khi tiến hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Chúng bao gồm những nguyên tắc về hành vi áp dụng trong phạm vi một tổ chức, doanh nghiệp, có tác dụng hướng dẫn hành vi của các thành viên tổ chức khi ra quyết định và hành động.

Quy tắc ứng xử [code of conduct, employee ethics], còn được gọi là chuẩn mực hành vi, là những quy định về trình tự, thủ tục cần được áp dụng trong những tình huống liên quan đến đạo đức, ví dụ như mâu thuẫn lợi ích hay trao và nhận quà biếu cũng như cách thức xác minh khả năng vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức của tổ chức và các biện pháp xử lý cần thiết.

Tiêu chuẩn hành nghề [code of practice, professional ethics] là những quy định, tiêu chuẩn do một tổ chức nghề nghiệp, ngành cơ quan chính phủ hay phi chính phủ ban hành nhằm quản lý một ngành, nghề. Tiêu chuẩn hành nghề có thể được soạn thảo dưới hình thức Tiêu chuẩn về trách nhiệm nghề nghiệp để chỉ dẫn về những vấn đề và quyết định phức tạp mà những người trong ngành, nghề, các thành viên của tổ chức nghề nghiệp thường xuyên phải đối đầu, cũng như đưa ra những định nghĩa rõ ràng về những trường hợp hành vi được coi là có đạo đức, phù hợp hay đúng đắn.

Trong tài liệu International Good Practice Guidance: Defining and Developing an Effective Code of Conduct for Organizations, của Hiệp hội Kế toán Quốc tế [IFAC - the International Federation of Accountants], xuất bản năm 2007, có định nghĩa rõ: Tiêu chuẩn hành nghề là những nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực, hay quy tắc hành vi có tác dụng hướng dẫn các quyết định, quy trình và hệ thống của một tổ chức theo cách [a] có thể đóng góp phúc lợi cho những người hữu quan chính, và [b] tôn trọng quyền của tất cả cử tri hữu quan đối với các hoạt động của thành viên hiệp hội. Trong các tổ chức nghề nghiệp, vi phạm tiêu chuẩn hành nghề có thể bị trừng phạt bằng cách loại bỏ tư cách thành viên của người vi phạm.

Video liên quan

Chủ Đề