Công dụng của thuốc ho Prospan

Thuốc ho Prospan là thuốc gì? Prospan hoạt động thế nào để có thể mang lại hiệu quả điều trị? Nên dùng với liều lượng thế nào? Cần lưu ý những gì trong quá trình dùng thuốc? Tất cả những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây!

Thành phần hoạt chất: Cao khô lá Thường xuân.

Nội dung bài viết

  • 1. Thuốc ho Prospan là gì?
  • 2. Công dụng của thuốc ho Prospan
  • 3. Không nên dùng thuốc Prospan nếu
  • 4. Cách sử dụng thuốc hiệu quả
  • 5. Tác dụng phụ của thuốc Prospan
  • 6. Tương tác xảy ra khi dùng chung với Prospan
  • 7. Những lưu ý khi dùng Prospan
  • 8. Các đối tượng đặc biệt
  • 9. Xử trí khi dùng quá liều thuốc ho Prospan
  • 10. Xử trí khi quên một liều Prospan
  • 11. Cách bảo quản

Các thành phần có trong công thức thuốc:

Hoạt chất: Cao khô Lá thường xuân (Hederae helicis folii extractum siccum).

  • Với chai 70 ml thì hàm lượng hoạt chất chiếm 0.49 g.
  • Với chai có dung tích 100 ml thì hàm lượng là 0.7 g.
  • Cao được chiết bằng ethanol 30% theo tỉ lệ [(5-7.5): 1].

Thành phần tá dược: nước tinh khiết, gôm xanthan, kali sorbat acid citric khan, hương Anh đào, dung dịch sorbitol 70%.

Công dụng của thuốc ho Prospan
Sản phẩm thuốc ho Prospan

2. Công dụng của thuốc ho Prospan

Với vai trò tiêu nhầy, chống co thắt và giảm ho, thuốc Prospan được dùng với mục đích:

  • Giúp điều trị tình trạng viêm đường hô hấp cấp có kèm theo ho.
  • Ngoài ra, thuốc ho Prospan còn có tác dụng điều trị triệu chứng trong các bệnh lý viêm phế quản mạn tính.

3. Không nên dùng thuốc Prospan nếu

Dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong công thức thuốc.

Đối với những trường hợp bất dung nạp fructose.

4. Cách sử dụng thuốc hiệu quả

4.1. Cách dùng

Lắc kỹ bình thuốc cẩn thận trước khi dùng.

Sử dụng ly đong liều hoặc muỗng đong liều để lấy liều dùng tương đối chính xác.

Sau khi uống xong, tráng phần thuốc còn dính trên dụng cụ đong liều với một ít nước và dùng hết thuốc.

4.2. Liều dùng

Với đối tượng là người lớn thì dùng liều 5 – 7.5 ml/ lần, dùng một ngày 3 lần.

Đối tượng là trẻ em:

  • Trẻ đang trong độ tuổi đi học (6 – 9 tuổi) và thiếu niên (> 10 tuổi): dùng liều 5 ml x 3 lần/ngày.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (< 6 tuổi): uống với liều thấp hơn là 2.5 ml x 3 lần/ngày.

4.3. Thời gian dùng

Tuỳ thuộc vào mức độ trầm trọng của các triệu chứng thì thời gian điều trị sẽ khác nhau. Tuy nhiên, phải dùng ít nhất là 1 tuần, ngay cả khi chỉ bị nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ.

Ngoài ra, để đảm bảo việc điều trị được thành công, nên dùng thuốc ho Prospan thêm 2 – 3 ngày mặc dù đã hết các triệu chứng của bệnh.

Trong một số trường hợp bệnh vẫn còn dai dẳng và xuất hiện tình trạng khó thở, sốt, đàm có mủ hoặc máu, phải đi khám bác sĩ ngay lập tức.

5. Tác dụng phụ của thuốc Prospan

Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn vì thuốc có thành phần sorbitol nên có tác dụng nhuận tràng.

Mặc dù rất hiếm gặp nhưng có thể sẽ xuất hiện phản ứng dị ứng với các triệu chứng khó thở, sưng, đỏ da, nổi mẫn hoặc xuất hiện tình trạng ngứa sau khi dùng thuốc có chứa cao khô lá Thường xuân.

Công dụng của thuốc ho Prospan
Bạn có thể bị tiêu chảy sau khi dùng thuốc

6. Tương tác xảy ra khi dùng chung với Prospan

Cho đến hiện tại, vẫn chưa phát hiện được việc dùng thuốc ho Prospan cùng với các thuốc khác có gây những tác dụng không mong muốn hay không.

Do đó, việc sử dụng Prospan cùng lúc với các thuốc khác (kháng sinh) được đánh giá là an toàn.

7. Những lưu ý khi dùng Prospan

Cũng như các chế phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, Prospan có thành phần hoạt chất chiết xuất từ thực vật, do đó màu của thuốc đôi khi có thể bị thay đổi. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc.

Prospan là thuốc điều trị ho, không phải là thực phẩm chức năng.

8. Các đối tượng đặc biệt

8.1. Đối tượng là phụ nữ có thai và cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ nghiên cứu đánh giá mức an toàn của thuốc trên phụ nữ có thai.

Do đó chỉ dùng thuốc cho phụ nữ có thai hoặc phụ nữ cho con bú nếu có chỉ định kê đơn của bác sĩ. Nghĩa là sau khi cân nhắc lợi ích vượt trội ở mẹ hơn là nguy cơ gây hại cho trẻ khi dùng thuốc thì mới quyết định dùng.

8.2. Lái xe và vận hành máy móc

Thuốc không gây tác động lên thần kinh trung ương như buồn ngủ hay đau đầu cũng như chóng mặt. Do đó, vẫn có thể dùng thuốc ở những đối tượng này.

Tuy nhiên, nếu tình trạng ho nặng và dai dẳng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung khi lái xe. Do đó, nên để tình trạng ho thuyên giảm thì hãy thực hiện công việc.

9. Xử trí khi dùng quá liều thuốc ho Prospan

Hiện tại, vẫn chưa rõ liều gây độc của Prospan.

Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng bất thường nào hãy đến gặp bác sĩ. 

Lưu ý: nhớ mang theo loại thuốc vừa dùng để bác sĩ dễ xác định được nguyên nhân. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra cách điều trị nhanh chóng và kịp thời.

>> Tìm hiểu thêm: Các loại thuốc ho Prospan bạn cần biết.

10. Xử trí khi quên một liều Prospan

Uống ngay sau khi nhớ ra đã quên một liều.

Nếu liều đã quên gần với liều kế tiếp thì bỏ qua liều đó và dùng theo lịch trình bình thường.

Không nên dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên vì có thể làm tăng nguy cơ tiếp xúc với tác dụng phụ.

11. Cách bảo quản

  • Bảo quản thuốc trong hộp kín. Tốt nhất là với nhiệt độ < 30°C.
  • Thuốc có hạn dùng 3 năm kể từ ngày sản xuất.
  • Tuy nhiên, sau khi mở nắp, chỉ có thể sử dụng thuốc trong vòng 90 ngày.
  • Lưu ý, không dùng thuốc quá thời hạn sử dụng.

Bên trên là thông tin về hướng dẫn sử dụng sản phẩm thuốc ho Prospan. Hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Hô hấp nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường để có thể được hỗ trợ và xử trí kịp thời nhé!