Đánh giá những ý tưởng sáng tạo trong học tập

 Tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia không chỉ đơn thuần vì giải thưởng, mà rất nhiều trong số các em muốn hiện thực hóa các ý tưởng xuất phát từ nhu cầu học tập và thực tế cuộc sống của mình. Các đề tài đã đi vào chiều sâu, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày và đặc biệt là trong hoạt động dạy và học. 

Phần thuyết trình của nhóm tác giả Phạm Mạnh Cường, Nguyễn Ngọc Linh tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 - 2018 khu vực phía Bắc

Sáng kiến mang ý nghĩa nhân văn

Đề tài khoa học của các học sinh đến từ Trường THPT Chuyên Hùng Vương mang tên “Các giải pháp cải thiện gánh nặng chăm sóc và chất lượng cuộc sống cho người nhà nạn nhân dioxin” sẽ còn được nhắc mãi có lẽ bởi giá trị nhân văn và ý nghĩa cộng đồng to lớn mà nó mang lại, dù tác giả chỉ là hai học sinh lớp 11 là Nguyễn Ngọc Linh và Phạm Mạnh Cường. Đề tài nghiên cứu tập trung vào hình thức can thiệp không dùng thuốc với các nhóm giải pháp cụ thể là: Nâng cao sức khỏe của nạn nhân dioxin, dự phòng stress và nâng cao kỹ năng chăm sóc cho người nhà nạn nhân dioxin.

Khi được hỏi về lý do lựa chọn đề tài, em Phạm Mạnh Cường chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế đất nước ta chịu ảnh hưởng rất nặng nề của chiến tranh và chất độc da cam dioxin, không chỉ những nạn nhân dioxin chịu nhiều thiệt thòi mà những người chăm sóc cũng gặp phải nguy cơ cao đối với gánh nặng, sang chấn tâm lý và những vấn đề khác về sức khỏe. Từ đó, chúng em đã trăn trở và mong muốn nghiên cứu sâu hơn về nhóm đối tượng này để có thể đề xuất các giải pháp giúp giảm thiểu gánh nặng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ”.

Trong suốt một năm nghiên cứu đề tài, hai em Phạm Mạnh Cường và Nguyễn Ngọc Linh đã tiếp xúc với 426 người nhà nạn nhân dioxin sinh sống trên địa bàn thành phố Việt Trì và các huyện: Lâm Thao, Thanh Ba, Hạ Hòa, Yên Lập, Thanh Sơn. Trong đó, người chăm sóc các nạn nhân dioxin chủ yếu là vợ/chồng của họ là 59%; nữ giới 66,6%; độ tuổi từ 45 trở lên chiếm 80,0%; đang có việc làm và có thu nhập 62,4%. Đáng chú ý là một phần tư số người chăm sóc trên 65 tuổi, là lứa tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, chăm sóc. Nhóm tác giả đã khảo sát về gánh nặng chăm sóc và thực trạng chất lượng cuộc sống của người nhà nạn nhân, xây dựng các nhóm giải pháp nâng cao sức khỏe cho nạn nhân. Giải pháp nhóm nghiên cứu đưa ra là các bài tập thư giãn, tập dưỡng sinh, Yoga và các bài tập phục hồi chức năng vận động. Các bài tập tương đối đơn giản, không đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, có tính khả thi cao và có thể ứng dụng trong các chương trình quản lý, chăm sóc nạn nhân dioxin tại cộng đồng. 

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, sau can thiệp, gánh nặng chăm sóc giảm đi 42,7%, tình trạng sức khỏe thể chất tăng 5,4% và tình trạng sức khỏe tinh thần tăng thêm 23%. Đề tài khoa học đã được Ban giám khảo đánh giá cao về ý nghĩa và tính ứng dụng trong thực tế của đề tài sẽ là niềm hy vọng xoa dịu phần nào nỗi đau của các gia đình nạn nhân dioxin. Đây là đề tài đạt giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học khu vực phía Bắc.

Sáng kiến mang tính ứng dụng cao

Quá trình sấy giềng

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về năng lượng đang ngày càng cao trong khi nguồn nhiên liệu dự trữ như than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên đang ngày càng khan hiếm, nguồn năng lượng thủy điện thì có hạn khiến cho nhân loại đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Hiện nay, nguồn năng lượng mặt trời [NLMT] - là nguồn năng lượng sạch và rất tiềm tàng đang được quan tâm đặc biệt. Do đó, việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời và triển khai ứng dụng chúng vào thực tế đời sống sản xuất là vấn đề cần thiết. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, dược, việc làm khô nông sản, thực phẩm, thảo dược phần lớn vẫn đang được thực hiện bằng các biện pháp thủ công hoặc với các thiết bị sấy điện hoặc lò đốt thông thường với năng suất thấp chất lượng chưa cao và không chủ động trong quá trình sản xuất. Vì vậy, việc nghiên cứu để thiết kế, chế tạo thiết bị sấy nông sản, thực phẩm, thảo dược có có độ chính xác cao đang rất cần thiết.

Trước thực trạng đó, hai em Đoàn Trung Nghĩa và Nguyễn Bình Vương, học sinh lớp 9, Trường THCS Văn Lang đã nghiên cứu đề xuất ý tưởng khoa học về một thiết bị sấy tự động đa năng sử dụng tích hợp năng lượng điện và năng lượng mặt trời. Dự án đã thuyết phục Ban giám khảo bởi tính ứng dụng và những sáng kiến mới mẻ. Đó là việc có thể sử dụng tích hợp các nguồn năng lượng khác nhau thông qua hệ thống pin năng lượng mặt trời, đồng thời có thể sử dụng nguồn nhiệt trực tiếp từ năng lượng mặt trời. Điều này giúp thiết bị có thể được sử dụng ở những điều kiện khác nhau. Đặc biệt, máy sấy năng lượng mặt trời này có chi phí đầu tư thấp vì được thiết kế, sản xuất bằng cách tận dụng các nguồn nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như gỗ, gạch, tre, ...

Kết quả chạy thử cho thấy, thiết bị sấy được chế tạo hoạt động ổn định, đáp ứng các yêu cầu trong sấy nông sản, thảo dược, với nhiệt độ sấy từ 40 độ C đến 55 độ C, dung tích sấy là 0.245m3. Thiết bị sấy có thể dùng được trong điều kiện đầy đủ ánh sáng mặt trời cũng như khi thiếu ánh sáng mặt trời thông qua hệ thống cấp bù bằng đèn hồng ngoại; thời gian gia nhiệt trung bình của thiết bị sấy là 12 phút. Thiết bị có thể sấy nhiều loại nông sản, thảo dược khác nhau như giềng, củ kiệu... Sản phẩm sấy thu được có chất lượng đồng đều nhau tại mỗi mẻ sấy và giữa các mẻ sấy nhờ hệ thống tuần hoàn khí sấy và hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm của không khí sấy. Đây là dự án đạt giải Ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học khu vực phía Bắc.

Với hàng trăm ý tưởng khoa học trong 4 năm tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học, Phú Thọ liên tiếp đứng trong top 5 khu vực miền Bắc về tỷ lệ đạt giải và chất lượng các dự án. Đây không chỉ là nỗ lực của thầy trò các trường THCS, THPT mà còn có sự quan tâm, động viên khuyến khích của các ngành, góp phần đổi mới giáo dục, phát triển trí tuệ, sự sáng tạo của học sinh.

Chủ Đề