Đánh giá xếp loại giáo viên thcs năm 2024

Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông áp dụng đối với giáo viên trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên làm căn cứ để giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đồng thời làm căn cứ để cơ sở giáo dục phổ thông đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên; xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và của ngành Giáo dục.

Cụ thể các chuẩn nghề nghiệp giáo viên gồm 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí:

Tiêu chuẩn 1 - Phẩm chất nhà giáo: Tuân thủ các quy định và rèn luyện về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo.

Tiêu chí 1: Đạo đức nhà giáo

  1. Mức đạt: Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo;
  1. Mức khá: Có tinh thần tự học, tự rèn luyện và phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo;
  1. Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo.

Tiêu chí 2: Phong cách nhà giáo

Tiêu chuẩn 2 - Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tiêu chí 3: Phát triển chuyên môn bản thân

Tiêu chí 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Tiêu chí 5: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Tiêu chí 6: Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Tiêu chí 7: Tư vấn và hỗ trợ học sinh

Tiêu chuẩn 3 - Xây dựng môi trường giáo dục

Thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.

Tiêu chí 8: Xây dựng văn hóa nhà trường

Tiêu chí 9: Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường

Tiêu chí 10: Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường

Tiêu chuẩn 4 - Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Tiêu chí 11: Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan

Tiêu chí 12: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh

Tiêu chí 13: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Tiêu chuẩn 5 - Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

Tiêu chí 14: Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc

Tiêu chí 15: Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

Cách xếp loại kết quả đánh giá

Để đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt, giáo viên phải đảm bảo có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt mức tốt, trong đó có các tiêu chí thuộc Tiêu chuẩn 2 - Phát triển chuyên môn nghiệp vụ đạt mức tốt.

Để đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá, phải có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí Tiêu chuẩn 2 - Phát triển chuyên môn nghiệp vụ đạt mức khá trở lên.

Để đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt, giáo viên có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên.

Giáo viên chưa đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên nếu có tiêu chí được đánh giá chưa đạt [tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó].

Các giáo viên sẽ tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, được sự đồng ý của cơ quan quản lý cấp trên, nhà trường rút ngắn chu kỳ đánh giá giáo viên.

Hằng năm, vào dịp cuối tháng 5 là thời điểm các nhà trường từ bậc mầm non đến THPT tổng kết năm học. Cùng với việc đánh giá, xếp loại hai mặt giáo dục của học sinh thì một công việc quan trọng đó là đánh giá, xếp loại viên chức và bình xét thi đua, khen thưởng đối với toàn thể đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các nhà trường. Trên cơ sở các quy định về đánh giá, xếp loại được ghi rõ tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP, ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; các tiêu chí quy định Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định 91/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/20217 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng cùng các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành thị về công tác thi đua, khen thưởng, các nhà trường tiến hành đánh giá, xếp loại và tổ chức bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nhằm phân loại và ghi nhận kết quả công tác của đội ngũ nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong ngành Giáo dục sau một năm học.

Thực chất kết quả của việc đánh giá, phân loại viên chức và công tác thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục là đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của giáo viên sau một năm học, lấy đó làm căn cứ để thủ trưởng các đơn vị giáo dục xếp loại viên chức, có kế hoạch sắp xếp vị trí việc làm, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bổ nhiệm đội ngũ của đơn vị. Bên cạnh đó, thi đua khen thưởng sẽ góp phần nhân rộng những điển hình tiên tiến trong mỗi nhà trường và toàn ngành Giáo dục, tạo động lực để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nỗ lực, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm học tiếp theo.

Tiến sỹ tâm lý Trần Đình Chiến [Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ] chia sẻ: "Việc đánh giá, xếp loại và công tác thi đua khen thưởng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng khá rõ nét đến tâm lý của nhà giáo. Đồng thời, đây là yếu tố để góp phần tạo nên động lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên ở mỗi nhà trường phổ thông".

Tuy nhiên, từ thực tiễn ở nhiều trường phổ thông, sau mỗi lần đánh giá, xếp loại và bình xét thi đua, khen thưởng lại để lại trong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên những tâm tư, trăn trở về việc đánh giá, bình xét, từ đó đã tạo ra những hiệu ứng chưa tích cực về cách nhìn nhận ý nghĩa của thi đua, khen thưởng trong mỗi nhà trường. Cụ thể là, vẫn còn việc đánh giá, xếp loại chưa thực sự căn cứ vào kết quả việc thực hiện nhiệm vụ, những ưu điểm, tồn tại, hạn chế của từng giáo viên, từ đó nảy sinh hiện tượng “cào bằng” trong đánh giá viên chức. Tâm lý “ai cũng tốt tất” sẽ dẫn đến việc xếp loại hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhiều nhà trường luôn ở tỷ lệ cao. Bởi vậy, dẫn đến sự nỗ lực, cố gắng của nhiều giáo viên sẽ chưa được ghi nhận, chưa có tính thúc đẩy, làm việc theo kiểu “bình quân chủ nghĩa”, miễn là làm xong nhiệm vụ được giao.

Bình xét thi đua, khen thưởng hướng đến những giáo viên có thành tích tiêu biểu trong năm học, trong các phong trào thi đua để tạo sự lan toả trong tập thể. Tuy nhiên, hiện nay còn có hiện tượng việc khen thưởng tập trung tỷ lệ nhiều vào đội ngũ lãnh đạo quản lý, tổ trưởng, trưởng các đoàn thể trong nhà trường mà dành cho các giáo viên trực tiếp giảng dạy với tỷ lệ không cao. Những danh hiệu như chiến sỹ thi đua cơ sở, mỗi nhà trường được xét không quá 15% trong tổng số lao động tiên tiến, vì thế, số lượng khá hạn chế. Nếu chia tỷ lệ này theo kiểu “cơ cấu” cho Ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Công đoàn…, thì số lượng dành cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, không đảm nhiệm chức vụ là rất ít ỏi. Từ đó, chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý không mặn mà, không cố gắng để phấn đấu đạt được những danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao ở một bộ phận giáo viên.

Trao đổi về nội dung này, thầy giáo Bùi Chương An, Hiệu trưởng Trường THPT Yển Khê [Phú Thọ] cho biết: "Đánh giá, xếp loại viên chức giáo viên hằng năm là công việc quan trọng đối với mỗi nhà trường. Để đạt hiệu quả, ngoài việc phát huy dân chủ, trong quá trình vận dụng các quy định đánh giá, phân loại, cần xây dựng các tiêu chí có tính định lượng gắn với nhiệm vụ được phân công của mỗi cá nhân giáo viên để đánh giá, tránh vận dụng theo định tính. Trong công tác thi đua, khen thưởng, tổ chức phát động phong trào thi đua phải coi thi đua là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ nhà giáo. Thi đua tạo cơ hội để cho mọi người đều có thể khẳng định được khả năng của mình một cách bình đẳng. Thi đua tránh hình thức và tổ chức theo kiểu chia lượt. Bản thân mỗi giáo viên cũng cần cố gắng, nỗ lực liên tục để đáp ứng được các tiêu chí thi đua, khen thưởng".

Để việc đánh giá, xếp loại, công tác thi đua, khen thưởng hằng năm tại mỗi nhà trường đạt được thực chất, mỗi nhà trường cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và ý nghĩa của nhiệm vụ này trong kế hoạch giáo dục của nhà trường. Từ đó, hằng năm, thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về đánh giá, phân loại viên chức và công tác thi đua, khen thưởng. Trong khi đánh giá, xếp loại giáo viên cần phát huy tính dân chủ trong thực hiện các bước của quy trình đánh giá, mỗi cán bộ, nhà giáo cần nêu cao việc tự đánh giá, đánh giá, góp ý đồng nghiệp. Đồng thời, tránh hiện tượng “cào bằng” khi xếp loại giáo viên, cần căn cứ vào kết quả đạt được, sự cố gắng, tiến bộ và những đóng góp ở từng lĩnh vực nhiệm vụ của mỗi giáo viên trong cả năm học để nhận xét, đánh giá và phân loại.

Thầy giáo Nông Tuấn Trung, giáo viên Trường THPT Thông Nông, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: "Sự thẳng thắn, công tâm, dân chủ và khách quan khi đánh giá, phân loại giáo viên chắc chắn sẽ tạo được sự phân hoá đội ngũ sau mỗi năm học. Đối với các điều kiện, tiêu chí xét thi đua, ngoài điều kiện về sáng kiến thì cần cụ thể hơn các tiêu chí mang tính đồng bộ để các nhà trường cùng thực hiện một cách đồng đều. Cần dành tỷ lệ danh hiệu thi đua cao và các hình thức khen thưởng cho người trực tiếp đứng lớp. Có như thế mới góp phần nâng cao được chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường".

Khi bình xét thi đua, khen thưởng, các nhà trường cần căn cứ vào các quy định, các tiêu chí cụ thể. Trên cơ sở phát động các phong trào thi đua từ đầu năm học, bản đăng kí thi đua cùng những thành tích đạt được của đội ngũ, các nhà trường cần chú trọng đến phương châm thi đua, khen thưởng hướng đến những giáo viên trực tiếp giảng dạy, những người trực tiếp lao động. Trong năm học, với phong trào thi đua xuyên suốt trong ngành Giáo dục là thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, mỗi nhà trường cần theo dõi, phát hiện và biểu dương những điển hình tiên tiến về mô hình, cách làm sáng tạo, về thành tích nổi bật của cá nhân mỗi nhà giáo để kịp thời tôn vinh, khen thưởng, tạo sự lan toả tích cực trong tập thể. Thi đua, khen thưởng cần gắn với việc thực hiện nhiệm vụ được giao của mỗi giáo viên, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ để làm thước đo bình xét thi đua, từ đó, tạo sự tương tác giữa thi đua với công việc, tạo sự thúc đẩy hiệu quả công việc mà mỗi giáo viên đang đảm nhiệm. Tổ chức đa dạng các phong trào thi đua trong mỗi nhà trường theo các chủ điểm trong năm học để từng giáo viên có cơ hội phát huy những điểm mạnh, sở trưởng của bản thân tham gia vào hoạt động thi đua.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai: "Mỗi nhà trường cần có quy trình đánh giá, xếp loại giáo viên một cách công khai, dân chủ gắn với tiêu chí đánh giá cụ thể ngay từ đầu năm học. Trong thi đua, khen thưởng nên nới rộng thêm tỷ lệ giáo viên đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở để tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên được ghi nhận khi hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao".

Việc đổi mới công tác đánh giá, xếp loại viên chức hằng năm và công tác thi đua, khen thưởng trong mỗi nhà trường, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng việc quản lý, đánh giá, phân loại viên chức hiện nay. Đồng thời, việc triển khai thường xuyên và hiệu quả các phong trào thi đua trong các nhà trường, hướng đến đội ngũ nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, ghi nhận, tôn vinh và tạo sự lan toả tích cực sẽ khơi dậy trong mỗi nhà giáo lòng yêu nghề, đổi mới, sáng tạo không ngừng trong dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường./.

Chủ Đề