Đau mỏi vai gáy là triệu chứng bệnh gì

Đau vai gáy gây nên những cơn đau vô cùng khó chịu, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh khá phổ biến và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, song phần nhiều thường gặp ở những người trưởng thành và người cao tuổi. Đặc biệt, vào mùa lạnh thì bệnh đau vai gáy thường nghiêm trọng hơn so với các thời tiết khác, nhất là đối với những người mắc bệnh cột sống cổ. Vậy nguyên nhân nào khiến cho vai gáy bị đau, mỏi? Bệnh này có nguy hiểm không?

[ST]

  1. Đau vai gáy là bệnh gì?

Đau vai gáy là hiện tượng co cứng các cơ tại vùng cổ vai gáy gây ra những cơn đau nhức, khó chịu và hạn chế vận động khi người bệnh quay đầu – cổ. Những cơn đau này thường xuất hiện vào buổi sáng và có thể chỉ là triệu chứng tạm thời do nhức mỏi cơ, song cũng có thể là dấu hiệu của nhóm bệnh liên quan đến hệ cơ – xương – khớp – mạch máu tại vùng vai gáy.

Bệnh đau vai gáy thường xuất hiện một cách bất ngờ, đột ngột và không báo trước sau một đêm ngủ dậy hoặc khi người bệnh quay đầu – cổ. Ban đầu khi bị đau vai gáy, người bệnh có cảm giác đau nhẹ, mỏi vùng vai gáy, cơn đau này có thể tăng thêm về tần suất và mức độ nếu tình trạng bệnh kéo dài. Cơn đau càng biểu hiện rõ nét khi người bệnh vận động cổ, vai, gáy nhiều hoặc khi lao động nặng.

Đặc biệt, khi gặp thời tiết lạnh thì cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn vì thời tiết lạnh có nhiệt độ thấp khiến máu trong cơ thể lưu thông kém hơn, dẫn đến thiếu máu và dịch nuôi cơ – xương – khớp vùng vai gáy. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng gây ra hiện tượng co cứng cơ vai gáy làm cho bệnh cột sống tái phát.

  1. Phân loại bệnh đau vai gáy

Dựa vào thời gian diễn ra bệnh, bệnh đau vai gáy được phân loại thành 2 cấp độ:

– Đau vai gáy cấp tính: Xảy ra khi người bệnh bị chấn thương cơ, dây chằng vùng vai cổ hoặc do người bệnh ngủ không đúng tư thế khiến cho các cơ căng giãn quá nhanh.

– Đau vai gáy mạn tính: Tình trạng đau vai gáy diễn ra thường xuyên,

liên tục và lâu dài cùng với một số triệu chứng khác kèm theo [đau lan sang cánh tay, dị cảm,…] khi người bệnh chưa được thăm khám, điều trị kịp thời.

  1. Nguyên nhân nào gây ra đau vai gáy?

Đau vai gáy là bệnh lý có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, phổ biến nhất là một số nguyên nhân sau đây:

– Nguyên nhân bệnh lý: Thái hóa đốt sống cổ; Rối loạn chức năng thần kinh; Vôi hóa cột sống; Viêm bao khớp vai; Rối loạn khớp bả vai lồng ngực; Ung thư đầu cổ, ung thư phổi hoặc một số bệnh ung thư khác,…

– Hoạt động sai tư thế: Ngồi cong lưng trong thời gian dài, ngủ gục xuống bàn, nằm gối quá cao,…

– Tập luyện sai phương pháp: Không khởi động trước khi tập thể thao hoặc tập thể thao sai kỹ thuật hoặc tập quá sức,…

– Tính chất công việc: Những công việc có tính chất nặng nhọc, thường xuyên phải bê vác đồ vật nặng hoặc phải ngồi hay đứng trong một thời gian dài,…

– Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Thiếu một số vitamin, khoáng chất cần thiết, đặc biệt là canxi do chưa được bổ sung kịp thời.

– Chấn thương: Chấn thương vùng vai gáy do tai nạn hoặc vì một lý do nào đó có thể làm tổn thương đến các đốt sống, dây chằng,…

– Nhiễm lạnh: Cơ thể khi nhiễm lạnh có thể khiến máu hạn chế lưu thông và các dây thần kinh xung quanh bị tổn thương.

  1. Triệu chứng khi bị đau vai gáy:

[ST]

Trên thực tế lâm sàng cho thấy, bệnh đau vai gáy thường có một số dấu hiện điển hình mà người bệnh cần phải lưu ý, như:

– Đau khi thời tiết thay đổi.

– Đau nhức, mỏi vùng vai, cổ, mức độ đau tăng lên khi ngồi lâu, đi lại, vận động cột sống cổ.

– Cơn đau có thể lan xuống bả vai khiến cánh tay, cẳng tay, ngón tay của người bệnh khó cử động hoặc tê, mỏi,…

– Trường hợp bệnh nặng chỉ cần vận động, đi lại nhẹ nhàng cũng cảm thấy rất đau nhức và khó chịu.

  1. Bệnh đau vai gáy có biến chứng nguy hiểm không?

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì tình trạng đau vai gáy có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp, như:

– Chèn ép tủy sống cổ gây đau nhức dữ dội.

– Teo cơ, yếu cơ cánh tay.

– Rối loạn tiền đình, thiếu máu não gây ra mất ngủ, đau đầu, khó tập trung,…

– Suy giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

  1. Một số phương pháp để chấn đoán bệnh đau vai gáy

Giúp chẩn đoán chính xác tình trạng, tính chất, mức độ và nguyên nhân gây đau vai gáy để từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh, bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định một số kỹ thuật như:

– Chụp X-Quang

– Chụp Cắt lớp vi tính [CT Scanner]

– Chụp Cộng hưởng từ [MRI]

– Chụp tủy sống

  1. Những khuyến nghị từ bác sĩ chuyên khoa:

Đau vai gáy là một trong những bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, song lại gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

[BS.CKII Lương Đình Hạ, Trưởng Khoa Nội Cơ – Xương – Khớp thực hiện thăm khám vai gáy cho người bệnh]

Khi gặp những dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ của bệnh đau vai gáy, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh, giúp kết quả điều trị đạt hiệu quả cao và giảm các biến chứng của bệnh về sau. Đặc biệt, người dân không nên tự ý chữa bệnh đau vai gáy bằng các bài thuốc truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng hoặc tự ý dùng thuốc giảm đau khi chưa có y lệnh và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn, cũng như có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, khó lường cho người bệnh.

Chủ Đề