Đề xuất sáng kiến, giải pháp mới để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính

Giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính [PAR Index] của Sở Tư pháp, góp phần nâng hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh An Giang

09/08/2021

Cải cách hành chính là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước [thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức…] nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.

PAR Index [viết tắt tiếng Anh: Public Administration Reform Index] là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính [CCHC] được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 về phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khác quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.Việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần để xác định PAR INDEX được thực hiện theo ba nhóm phương pháp. Thứ nhất là tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh theo thang điểm đã quy định. Thứ hai là Bộ Nội vụ thẩm định điểm các bộ, tỉnh tự đánh giá, chấm điểm với sự tư vấn của Hội đồng thẩm định. Thứ ba là điểm đánh giá qua điều tra xã hội học từ việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp hay còn gọi là đối tượng thụ hưởng cải cách hành chính.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm công tác CCHC và chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra từ đầu năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của tỉnh nhà.

Nhằm chủ động tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính [CCHC] của tỉnh An Giang đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Theo kết quả công bố tại báo cáo của Bộ Nội vụ, tỉnh An Giang xếp thứ 26 với số điểm đạt được là 84,67 điểm, giảm 15 bậc so với năm 2019.

Theo công bố của UBND tỉnh, năm 2020 có 16/18 Sở, ban, ngành được xếp loại tốt trở lên về chỉ số CCHC. Trong đó có một số đơn vị đạt được điểm cao như: Sở Tài chính 93,69 điểm; Sở Giao thông vận tải 92,98 điểm; Sở Nội vụ 92,49 điểm; Sở Tư pháp 91,55 điểm. Đối với cấp huyện, 11 đơn vị đều được xếp loại tốt. Riêng đối với Sở Tư pháp, trong những năm qua, chỉ số cải cách hành chính của Sở Tư pháp đã có những chuyển biến tích cực và rõ rệt, từ xếp loại tốt hạng 11 năm 2019 tăng lên hạng 4/18 Sở, ban, ngành tỉnh với 91,55 điểm năm 2020. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Cấp ủy và Lãnh đạo Sở Tư pháp; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và các địa phương, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Sở.

Tuy nhiên, kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của Sở, mặc dù đã có những cải thiện, tiến bộ đáng kể nhưng chỉ số vẫn còn thấp hơn so với một số sở, ban, ngành trong tỉnh và còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ TTHC đã triển khai có phát sinh hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích thấp lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến ở mức độ 3, 4 chưa cao; tỷ lệ giải quyết TTHC quá hạn vẫn chưa đạt 100%; công tác tuyên truyền CCHC mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu của UBND tỉnh; chưa có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác CCHC mang tính đột phá.

Nhằm khắc phục vấn đề nêu trên và đẩy mạnh triển khai công tác CCHC, cải thiện nâng cao chỉ số cải cách hành chính [PAR Index] của Sở Tư pháp trong thời gian tới, tôi xin đề xuất các giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm vai trò của người đứng đầu

Công tác CCHC phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Theo đó, Lãnh đạo Sởchịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC được giao tại chương trình, kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh. Việc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo chất lượng, cần được đầu tư nghiên cứu có tầm chiến lược; xác định rõ kết quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng phòng, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ; trên cơ sở đó thường xuyên đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện để chấn chỉnh kịp thời hạn chế, thiếu sót.

Thứ hai, phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, chính sách, công tác dự báo, phân tích xu hướng và yêu cầu cải cách để tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi các chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực của ngành tư pháp và địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính phải gắn với nhiệm vụ cải cách nhằm phát huy mọi nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Cải cách thể chế hướng tới tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Thứ ba, cải cách TTHC cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kiểm soát, cập nhật, bổ sung kịp thời việc ban hành các TTHC mới. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các tục hành chính, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện tốt việc công bố, công khai các quy trình, TTHC trong lĩnh vực tư pháp. Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính của Sở.

Thứ tư, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị của Sở Tư pháp đảm bảo sự thống nhất trong triển khai các chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu cải cách theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ

Tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, theo đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả công tác cán bộ. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo quá trình, đảm bảo tính liên tục, đa chiều, theo nhiều tiêu chí và mức độ hoàn thành công việc được giao. Thực hiện nghiêm các quy định trong công tác cán bộ về quản lý công chức, viên chức; Công tác luân phiên, luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

Thứ sáu, chủ động triển khai, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các đơn vị. Chú trọng việc xử lý công việc, công tác báo cáo và giải quyết TTHC được thực hiện trên môi trường mạng qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết công việc trong hoạt động của đơn vị. Khai thác có hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tổ chức tuyên truyền, linh hoạt trong việc vận động người dân sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích để đỡ tốn thời gian, công sức khi thực hiện TTHC.

QUỐC HƯNG

Nhiều mô hình, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính

[ĐCSVN] – Thực hiện cải cách thủ tục hành chính [CCTTHC] gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, các cơ sở Đoàn Khối Cơ quan tỉnh Long An đã triển khai thực hiện nhiều sáng kiến, mô hình hay, giúp tiết kiệm được thời gian, chí phí đi lại và nhất là đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-còn nhiều diễn biến phức tạp.
Cán bộ, đoàn viên Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Long An đã chủ động trong ứng dụng CNTT vào thực hiện công tác giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong giải quyết công việc. [Ảnh: Tường Vy]

Phát huy tính chủ động của cán bộ, đoàn viên

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phạm Minh Trí, Bí thư Đoàn Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Long An cho biết: Việc thực hiện đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển chính phủ điện tử đã giúp cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc nhanh, chính xác hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi thực hiện nhiệm vụ; quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, rõ ràng hơn; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ TTHC, xây dựng được cơ sở dữ liệu điện tử trong quá trình giải quyết TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh.

Với người dân thông qua chính quyền điện tử [Cổng dịch vụ công trực tuyến] người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính tại nhà, không phải liên hệ trực tiếp các Trung tâm hành chính công để thực hiện; quá đó, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại và nhất là đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.

Để tăng cường thực hiện TTHC gắn với chính quyền điện tử, các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn khối đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu người dân, doanh nghiệp về những lợi ích, điểm mạnh trong việc tham gia giải quyết TTHC qua môi trường mạng, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội về dịch vụ công trực tuyến; đăng tải thường xuyên, liên tục file âm thanh và hình ảnh tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm. Ngoài ra, còn phối hợp với Tỉnh Đoàn Long An tăng cường phát thanh các tiểu phẩm, tình huống liên quan đến giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

Việc CCTTHC giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. [Ảnh: Tường Vy]

Những sáng kiến, mô hình hay

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực tế, nhiều cơ sở đoàn đã có những sáng kiến, mô hình hay được ứng dụng thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC, làm tăng chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân.

*Nhằm tạo sự thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu thực hiện TTHC đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và cấp phù hiệu vận tải trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An đã có sáng kiến: “Thực hiện song song 02 thủ tục hành chính đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và cấp phù hiệu vận tải trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải”.

Từ khi thực hiện mô hình sáng tạo đến nay Phòng Quản lý vận tải – Phương tiện người lái đã tham mưu cho Sở Giao thông vận tải giải quyết 74 trường hợp đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, rút ngắn được được khoảng 1/3 thời gian cho cá nhân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô, qua đó đã góp phần giúp cho nhân dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại để nhận kết quả.

* Mô hình "Một cửa điện tử" do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An được triển khai bắt nguồn từ việc đảm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và đáp ứng nhu cầu của khách hàng; đồng thời việc thực hiện mô hình góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc khách hàng tạị Công ty.

Khác với giải pháp tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo phương thức “truyền thống” là khách hàng trực tiếp đến Công ty để nộp hồ sơ và nhận kết quả. Giải pháp này giúp Công ty tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thông qua mạng internet, có thể thực hiện tại mọi lúc, mọi nơi, 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần và không phải xếp hàng chờ đợi.

Với thao tác đơn giản ngay trên trang chủ website của Công ty, khách hàng có thể thực hiện nhanh chóng yêu cầu vô nước mới, di dời đồng hồ, sang đầu khóa hay thay đổi thông tin… Như vậy khách hàng không cần phải đến trực tiếp Công ty để thực hiện thủ tục thay đổi thông tin.

Với thao tác đơn giản ngay trên trang chủ website của Công ty Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An, khách hàng có thể thực hiện nhanh chóng yêu cầu vô nước mới, di dời đồng hồ, sang đầu khóa hay thay đổi thông tin… [Ảnh: Tường Vy]

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty đã tiếp nhận và giải quyết cho 662 yêu cầu của khách hàng, trong đó: lĩnh vực cấp nước 210 vụ; thay đổi thông tin 236 vụ; Đăng ký dịch vụ 216 vụ.

Việc thực hiện mô hình này đã giúp giảm tải áp lực, thời gian, chi phí đi lại cho cả Công ty và khách hàng; hạn chế việc tiếp xúc nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của khách hàng [giảm từ 1- 2 ngày so với phương thức truyền thống].

Đặc biệt, qua mô hình đã tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc khách hàng một cách chuyên nghiệp, hiện đại.

*Để đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đoàn viên thanh niên Phòng Quản lý Thương mại [Sở Công thương] đã mạnh dạn đề xuất Sáng kiến “Hướng dẫn tiếp nhận, xác nhận cho nhân viên thu mua nông thủy sản, cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố”.

Sáng kiến giải quyết được vấn đề cấp giấy xác nhận cho nhân viên thu mua thủy sản, cung ứng hàng hóa [Nhân viên] với thời gian rất nhanh tối đa trong vòng 24h bằng mã QR [thực tế phần lớn được gửi giấy xác nhận trực tuyến trong 12 giờ kể từ khi nhận thông tin]; Nhân viên làm giấy xác nhận trực tuyến; Đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch [không tụ tập đông người].

Quy trình thực hiện hướng dẫn qua 4 bước đơn giản, sáng kiến đã cấp giấy xác nhận cho 9.817 lượt nhân viên thu mua nông thủy sản, cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, giải quyết rất nhiều góp phần hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông hàng hóa của tỉnh ở mức cơ bản ổn không xảy ra tình trạng sản phẩm đứt gãy trong bối cảnh tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16./.

Tường Vy

Những giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính

Cập nhật lúc: 04:21, 30/08/2021 [GMT+7]
Nhiều giải pháp đã được UBND tỉnh đưa ra nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính [CCHC] của Lâm Đồng trong những tháng còn lại của năm 2021 và cho những năm đến.
Phấn đấu không để người dân, tổ chức phải đi lại từ 3 lần trở lên trong giải quyết hồ sơ. Trong ảnh: Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận một cửa UBND huyện Đức Trọng.
Theo kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính [CCHC] năm 2020 của Bộ Nội vụ vừa qua, Lâm Đồng đã tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng. Cụ thể, tổng điểm của Lâm Đồng trong năm 2020 đạt 83,93 điểm, tăng 3,27 điểm so với năm 2019, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong nước. Trước đó, năm 2019, Lâm Đồng đạt 80,66 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố.
Nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp với mục tiêu phấn đấu nâng chỉ số CCHC năm 2021 xếp hạng cao hơn năm 2020, từng bước cải thiện vị trí cho những năm đến.
Việc nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh cần gắn với việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CCHC năm 2021 của tỉnh; với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh [PCI] và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh [PAPI].
Đây cũng là nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành, trong đó, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các lĩnh vực liên quan đến CCHC, liên quan đến các tiêu chí đánh giá, xác định chỉ số CCHC hàng năm của tỉnh giữ một vai trò quan trọng. Tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức [CBCCVC] không ngừng nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện công tác CCHC nói chung và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh nói riêng.
NHỮNG GIẢI PHÁP CỤ THỂ
Nhiều giải pháp cụ thể đã được UBND tỉnh đưa ra cho từng tiêu chí trong đánh giá chỉ số CCHC.
Như trong công tác chỉ đạo, điều hành, các sở, ban, ngành, địa phương cần hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC năm 2021; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra CCHC của tỉnh theo quy định, trong đó chú ý hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các cơ quan nhà nước các cấp; xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện qua kiểm tra, giám sát. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến về công tác CCHC trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
Đối với việc xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật [QPPL] của tỉnh, phải đảm bảo toàn bộ văn bản được ban hành đúng quy định; đảm bảo mức độ phù hợp, tính khả thi, tính hiệu quả.
Trong cải cách thủ tục hành chính [TTHC], cùng với việc kiểm soát chặt chẽ nội dung TTHC, cần công bố trên cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công Quốc gia, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị; niêm yết công khai bộ TTHC tại bộ phận một cửa; xây dựng, công bố quy trình nội bộ giải quyết TTHC. Cần chú ý cập nhật mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy trình của TTHC trên hệ thống một cửa điện tử một cách kịp thời, đúng quy định; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ TTHC trên hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Toàn bộ hồ sơ TTHC giải quyết xong được nhập dữ liệu vào hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh [nhất là hồ sơ chứng thực cấp xã]; phấn đấu 100% hồ sơ TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đúng và trước hạn.
Các đơn vị, địa phương cũng cần chú ý rà soát, đánh giá, xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo đúng theo quy định; triển khai các giải pháp hỗ trợ tăng số lượng hồ sơ trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích, nhất là hồ sơ trong lĩnh vực đất đai; phấn đấu không để người dân, tổ chức phải đi lại từ 3 lần trở lên trong giải quyết hồ sơ; 100% hồ sơ TTHC giải quyết trễ hạn phải có văn bản xin lỗi.
Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tỉnh cần thực hiện tốt việc phân cấp quản lý; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, cần hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ theo kế hoạch trong năm để đánh giá chất lượng CBCCVC trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân; tránh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; hạn chế vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Cần chú ý thực hiện đúng quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với CCVC theo quy định; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới đáp ứng nhiệm vụ công vụ.
Với việc hiện đại hóa hành chính, các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường tiếp nhận và giải quyết TTHC mức độ 3 và mức độ 4. Chỉ tiêu đặt ra phải đạt 50% số TTHC mức độ 3 và mức độ 4 có phát sinh hồ sơ; ít nhất 20% hồ sơ được giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ phát sinh của các TTHC mức độ 3 và mức độ 4; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho Bưu điện tỉnh Lâm Đồng thực hiện có hiệu quả, nâng cao số lượng hồ sơ chuyển phát TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Các sở, ngành, đơn vị địa phương cũng cần đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng [trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước], trong đó cấp tỉnh phải đạt 70% hồ sơ công việc; cấp huyện đạt 60% hồ sơ công việc và cấp xã đạt 40% hồ sơ công việc.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trong đó có các trang thành viên cần duy trì tốt hoạt động, đáp ứng yêu cầu theo Nghị định số 43 của Chính phủ và các yêu cầu liên quan đến CCHC, ICT Index, Papi Index nhằm phục vụ tốt nhất việc khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp.
TÍCH CỰC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG
UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến những tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo đó, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong tỉnh, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp [DN] mới thành lập; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho DN và người dân.
Các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục góp ý với các cơ quan Trung ương để đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục đăng ký DN; hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong xử lý hồ sơ đăng ký DN để tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN hoạt động.
Tỉnh sẽ có giải pháp triển khai hiệu quả và đồng bộ hơn Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng như các chính sách hỗ trợ đã ban hành trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ tài chính, tín dụng hỗ trợ DN nhỏ và vừa; tạo thuận lợi tối đa cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, phát triển thị trường; nâng cao vai trò, năng lực của các hiệp hội nhằm hỗ trợ DN, tăng cường chức năng tham vấn và phản biện xã hội; nâng cao mức độ thu hút đầu tư của tỉnh trong năm nay và những năm đến...
Tỉnh cũng sẽ có giải pháp thu hút đầu tư, giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng; có giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm dân sinh xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã không ngừng nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhằm góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức.
VIẾT TRỌNG

Video liên quan

Chủ Đề