Đối tượng nghiên cứu của phương pháp dạy học ở trường phổ thông là

1. LÍ LUẬN DẠY HỌC HÓA HỌC LÀ MỘT BỘ PHẬN CỦA KHOA HỌC GIÁO DỤC:

Khoa học giáo dục bao gồm rất nhiều ngành khác nhau:

– Giáo dục học đại cương                   – Lịch sử giáo dục học

– Giáo dục học vườn trẻ                     – Giáo dục học mẫu giáo

– Giáo dục học trường phổ thông       – Giáo dục học chuyên nghiệp và dạy nghề

– Giáo dục học người lớn                  – Giáo dục học  đặc biệt

– Giáo dục học các chuyên ngành: y học, quân sự, thể dục – thể thao…

– Giáo dục học các môn hay “ lí luận dạy học bộ môn”

Giáo dục học các môn là sự vận dụng hệ thống lí luận của giáo dục học đại cương và các thành tựu của các ngành khoa học khác vào việc dạy học một bộ môn cụ thể. Nó yêu cầu người dạy cũng như người học phải vận dụng một cách tổng hợp các kiến thức tâm lí, giáo dục học, các khoa học cơ bản, cơ sở và chuyên ngành.

2. ĐỐI TƯỢNG CỦA LÝ LUẬN DẠY HỌC HOÁ HỌC.

        Q trình dạy học bao gồm ba thành tố: môn học, việc dạy và việc học.

        Việc dạy và học hoá học nhằm trả lời các câu hỏi sau đây:

        – Dạy và học hoá học để làm gì ? [mục đích, nhiệm vụ của môn hóa học]

        – Dạy và học cái gì ? [nội dung môn hoá học].

        – Dạy và học môn hoá học như thế nào ? [nguyên tắc, phương pháp và cách thức tổ chức việc dạy học môn hoá học].

        Việc dạy hoá học ở trường phổ thông có ba nhiệm vụ cơ bản là:

        – Làm cho học sinh nắm vững những cơ sở khoa học hoá học một cách tự giác, tích cực và tự lực cánh sinh.

        – Phát triển ở học sinh những năng lực nhận thức và năng lực hành động như: Khả năng tư duy, trí thông minh, óc sáng tạo, khả năng tự học và độc lập cộng tác…

        – Rèn luyện thế giới quan duy vật biện chứng, lòng yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội và những phẩm chất cao quý khác của con người lao động kiểu mới cho học sinh.

        Lý luận dạy học hóa học nghiên cứu quá trình dạy học hóa học ở các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học ở Việt nam nhằm xây dựng hệ thống lí luận và tìm ra những biện pháp nâng cao hiệu quả của quá trình này.

Quá trình dạy học hóa học ở các trường phổ thông có những đặc điểm sau:

– Là môn học kết hợp lí thuyết và thực nghiệm, giữa trí nhớ và suy luận. Thí nghiệm hóa học là một phương tiện không thể thiếu được trong dạy học hóa học.

– Là môn học tư duy trừu tượng cần sử dụng nhiều sơ đồ, hình vẽ, mô hình…

– Luôn có sự liên hệ mật thiết giữa nội dung kiến thức hóa học với thế giới tự nhiên và cuộc sống đời thường của con người.

– Trong dạy học hoá học có sử dụng các kiến thức của toán học, vật lí học và các ngôn ngữ riêng của hóa học.

– Trong dạy học hóa học các phương pháp nhận thức sau đây được sử dụng một cách thường xuyên:

* Phương pháp diễn dịch – qui nạp.

* Phương pháp cụ thể – trừu tượng.

* Phương pháp quan sát – thí nghiệm.

– Định luật tuần hoàn – Hệ thống tuần hoàn và các kiến thức về cấu tạo chất là lí thuyết chủ đạo của hệ thống kiến thức hóa học.

– Bài tập hóa học là một công cụ rất hiệu nghiệm để củng cố, khắc sâu và mở rộng kiến thức cho học sinh.

3. MÔN HỌC

        Môn học là sự cụ thể hoá nội dung trí dục. Nội dung trí dục bắt nguồn từ nền văn hoá xã hội và kinh nghiệm xã hội.

         – Nền  văn  hoá xã  hội  là toàn bộ giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong quá trình thực tiễn lịch sử xã hội.

        – Kinh nghiệm xã hội là tập hợp những kiến thức, kĩ năng, thái độ coi như công cụ, cách thức hoạt động, là kết quả phi vật thể hoá nền văn hoá xã hội, được tạo ra trong quá trình thực tiễn lịch sữ xã hội.

        Kinh nghiệm xã hội có khả năng truyền đạt và lĩnh hội được, do đó giúp cho con người có thể truyền đạt nền văn hoá xã hội để phát triển xã hội, tái tạo sản xuất, đưa nền văn minh nhân loại tiến lên. Như vậy kinh nghiệm xuất xứ từ nền văn hoá xã hội trở thành nguồn gốc trực tiếp của nội dung trí dục nhà trường mà mô hình cụ thể của nó là các môn học.

        Về mặt xã hội, nội dung trí dục là mô hình của kinh nghiệm xã hội, là cái cần truyền đạt cho thế hệ trẻ thông qua dạy học.

        Về mặt lí luận, nội dung trí dục là mô hình lí luận dạy học của đơn đặt hàng xã hội, là nội dung thích hợp cho sự lĩnh hội chứa đựng những gì xã hội yêu cầu ở nhân cách người học và đã được phiên dịch sang ngôn ngữ lí luận dạy học.

        Tóm lại, nội dung trí dục là mô hình lí luận dạy học của kinh nghiệm xã hội cần truyền đạt cho thế hệ trẻ, nhằm giúp họ chiếm lĩnh kinh nghiệm xã hội đó, tái tạo năng lực người, phát triển nhân cách, góp phần vào việc phục vụ nhu cầu xã hội đang đổi mới.

        Nội dung trí dục hoá học là một hệ toàn vẹn bao gồm bốn kiểu nội dung: kiến thức lí thuyết về  các cơ sở của khoa học hoá học. Tập hợp những kĩ năng  kỹ xảo thực hành hoá học. Những kinh nghiệm giải toán hoá học. Tổ hợp những qui phạm về thái độ, đạo đức của nhà hoá học.

        Về mặt thành phần: khối nền tảng và khối hỗ trợ. Khối nền tảng là hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ thuộc về những cơ sở của khoa học tạo nên môn học đó. Khối hỗ trợ là những kiến thức, kỹ năng, thái độ của những khoa học khác cần huy động vào để hỗ trợ cho việc lĩnh hội nội dung của khối nền tảng. Với môn hoá học, nội dung khối hỗ trợ đó là những kiến thức, kỹ năng của các môn học như toán, lý, sinh, địa v.v… hỗ trợ cho việc lĩnh hội nội dung môn hoá học. Ngoài ra nội dung khối hỗ trợ còn có cả những hình thức tổ chức quá trình dạy học giúp cho các yếu tố nội dung môn học liên kết chặt chẽ  với nhau trong mỗi khối và giữa các khối, tạo ra lôgic nhất quán của toàn bộ môn học.

4. HỌC

        Học là một hoạt động với đối tượng, trong đó học sinh là chủ thể, khái niệm khoa học là đối tượng.   

        Học – theo phong cách mới là quá trình tự giác, tích cực, tự lực chiếm lĩnh khái niệm khoa học, dưới sự điều khiển sư phạm của giáo viên.

        Chiếm lĩnh khái niệm khoa học là mục đích của học, là tái tạo khái niệm cho bản thân mình, là thao tác với nó, sử dụng nó như công cụ, phương pháp để chiếm lĩnh những khái niệm khoa học khác hoặc để mở rộng, đào sâu thêm  chính khái niệm đó ở trình độ lý thuyết cao hơn. Có thể hiểu chiếm lĩnh khái niệm khoa học là biến nó từ kho tàng văn hoá xã hội thành học vấn  riêng của bản thân mà hình thành cho mình một thái độ mới, một phẩm chất đạo đức mới.

5. DẠY.

        Dạy là sự điều khiển tối ưu quá trình học sinh chiếm lĩnh khái niệm khoa học, trong và bằng cách đó mà phát triển, hình thành nhân cách cho họ.

        Điều khiển sự học là mục đích của dạy. Dạy có hai chức năng thường xuyên tác động với nhau, thâm nhập vào nhau, sinh thành ra nhau: truyền đạt thông tin cho học sinh. Điều khiển hoạt động học của học sinh.

6. QUÁ TRÌNH DẠY HỌC LÀ MỘT HỆ TOÀN VẸN

        Quá trình dạy học là một hệ toàn vẹn bao gồm ba thành tố là khái niệm khoa học, dạy và học.

        – Khái niệm khoa học là nội dung của bài học, là đối tượng của sự lĩnh hội bởi học sinh, là một trong hai yếu tố khách quan quyết định logic của quá trình dạy học về mặt khoa học.

        – Học là yếu tố khách quan thứ hai qui định lôgic của quá trình dạy học về mặt lý luận dạy học. Học có hai chức năng là lĩnh hội và tự điều khiển, chúng có tác động qua lại với nhau.

        – Dạy phải xuất phát từ lôgic của khái niệm khoa học và lôgic lĩnh hội của học sinh, phải thiết kế công nghệ dạy học hợp lý, tổ chức tối ưu hoạt động dạy học công tác, phải đảm bảo mối liên hệ nghịch, để làm sao học sinh tự giác, tích cực, tự lực chiếm lĩnh khái niệm khoa học, phát triển năng lực, hình thành thái độ nhân cách hiểu biết [bản chất toàn vẹn của quá trình dạy học].

        Tóm lại, để có một quá trình dạy học tối ưu thì quá trình đó cần được tổ chức sao cho các thành tố của nó được hoạt động một cách tối ưu, tạo nên một sự thống nhất biện chứng:

        1] Giữa dạy và học.

2] Giữa truyền đạt và điều khiển.

3] Giữa lĩnh hội và tự điều khiển trong học.

7. NHIỆM VỤ CỦA LÝ LUẬN DẠY HỌC HOÁ HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG:

1.  Lýluận dạy học hóa học nghiên cứu bản chất của quá trình dạy học hóa học ở các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học ở Việt nam.

2. Lýluận dạy học hóa học nghiên cứu các qui luật chi phối sự vận hành của các quá trình dạy học hóa học

3. Lýluận dạy học hóa học nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản để điều khiển tối ưu quá trình dạy học hóa học.

4. Xây dựng hệ thống các phương pháp nghiên cứu quá trình dạy học hóa học.

5. Xây dựng hệ thống nội dung các môn học hóa học phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng loại hình trường khác nhau.

6. Xây dựng hệ thống các phương pháp dạy học hóa học thích hợp với những điều kiện, hoàn cảnh thực tế, cụ thể.

7. Xây dựng hệ thống các phương tiện dạy học hoá học có hiệu quả cao.

8. Nghiên cứu tổng kết các kinh nghiệm dạy học hóa học trong và ngoài nước.

8. MỐI QUAN HỆ CỦA LÍ LUẬN DẠY HỌC HÓA HỌC VỚI CÁC KHOA HỌC KHÁC.

Lí luận dạy học hóa học có mối quan hệ với các nhiều ngành khoa học, đặc biệt là với các khoa học sau:

– Triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

– Logic học hình thức và logic học biện chứng

– Tâm lý học [đặc biệt là tâm lí học sư phạm]

– Giáo dục học [đặc biệt là giáo dục học đại cương]

– Toán học

– Vật lí

– Hóa học

Video liên quan

Chủ Đề