Em hay phân tích truyền thống thắng giặc trí thông minh sáng tạo bằng nghệ thuật quân sự độc đáo

Củ Chi tổ chức Đại hội liên hoan Dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ nhất, năm 1966. [Ảnh tư liệu]

[Stxdd.thanhuytphcm.vn] - Trong cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân Việt Nam có nhiều sáng tạo góp phần bảo vệ lực lượng ta, chiến đấu và giành thắng lợi.

Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng

Thời kỳ đầu hoạt động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ ta phải giữ bí mật tuyệt đối, tránh để địch phát hiện, khẩu hiệu nêu phương châm hoạt động tất cả phải thực hiện “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” được thực hiện rất cụ thể cho từng trường hợp.

Đi không dấu là việc rất khó. Nếu chỉ một vài người đi thì dấu vết hằn trên mặt đất không nhiều, đi khéo léo thì địch không phát hiện được. Nếu cả đoàn nhiều người đi thì phải có bộ phận ở sau xóa dấu vết, khi đi qua những chỗ như vạt cỏ, đường đất thì dùng ni lông lót đường để không lưu lại cỏ bị giẫm đạp, không để lại dấu dép. Có trường hợp phải lấy nước rửa chỗ bùn sình do dép làm dính mặt đất. Đi không dấu còn phải giữ bí mật cả chỗ căng võng; thường phải lót miếng nylon bên trong tránh làm cho cây có dấu siết của dây dù căng vào thân cây. Tất cả những thứ ta sử dụng đều phải chôn giấu, kể cả việc đi đại tiện.

Căn cứ ở trong rừng, người ra vào phải hạn chế nhưng vẫn phải đi nhiều lần nhiều ngày sẽ nổi rõ con đường mòn là địch sẽ phát hiện ngay. Ta phải khắc phục bằng cách kê những khúc cây để khi đi bước chân lên đómà không đưa chân xuống mặt đất, có đoạn dài cả trăm mét, khi địch càn ta thu các khúc cây cất đi và xóa dấu vết. Chung quanh căn cứ ta thường làm dấu như cây ngã tự nhiên ở rừng. Lúc cần ta sẽ gài trái [mìn] để ngăn chặn địch.

Đi không dấu không phải ai cũng ý thức thực hiện thật tốt, khi Mỹ vào địch “xúc” dân ra vùng chúng kiểm soát vùng căn cứ không còn dân chỉ còn lực lượng du kích, các cơ quan trú đóng, ăn ở sinh hoạt phải bí mật, ta thường đào hầm ở các bụi tre ở phân tán lực lượng vài ba người một địa điểm.

Nơi cơ quan trú đóng thì đào lò Hoàng Cầm để không bốc khói lên trên cao mà bị máy bay địch phát hiện. Nơi đi qua một lần thì khi nấu phải tránh củi tươi để hạn chế khói và canh máy bay, có nơi phải chờ chiều tối mới nhóm lửa, không tránh khỏi gặp trường hợp nồi cơm đang sôi phải tắt lửa để máy bay địch không phát hiện.

Khi hành quân phải giữ im lặng tuyệt đối, người đi trước ra dấu người đi sau bằng động tác đã quy ước để họ nhận biết thực hiện. Đôi lúc cũng xảy ra “sự cố” do người đi sau hiểu sai ám hiệu của người đi trước.

Sáng tạo vũ khí đánh giặc

Cuộc chiến tranh nhân dân của ta nảy sinh nhiều sáng tạo độc đáo.

Hầm chông, hố đinh: Đây là vũ khí thô sơ bất cứ người dân nào cũng làm được để đánh giặc.

Hầm chông thì đào sâu chừng quá ngực tới cần cổ, bề rộng chừng 8 tấc, bề dài chừng 1,2 m, bên dưới đặt một bàn nhiều cây chông bằng tre vót nhọn hoặc bằng sắt có ngạnh. Vị trí đào hầm chông được chọn nơi địch sẽ đi qua hoặc sẽ vào chỗ đó như nơi treo kẻng, khẩu hiệu… Khi địch càn, ta ngụy trang mặt hầm như đất thường, thế là chúng lọt xuống hầm những cây chông đâm vào chân vào háng nhất là gặp chông sắc có ngạnh địch không cách nào cưa được phải khiêng cả người cùng cái bàn chông đi đến nơi có điều kiện để cưa cây chông. Chỉ vài trường hợp như vậy, địch không dám càn tiếp mà phải rút lui.

Hố đinh là hố có những cây đinh dài hơn một tấc, được gắn vào miếng gỗ lớn hơn bàn chân, hố đặt bàn đinh này chỉ sâu tới quá đầu gối được đào và đặt nơi địch sẽ đi qua. Khi chúng đi sẽ sụp chân xuống hố các cây đinh đâm vào bàn chân, bị thương không thể đi tiếp được nên cũng lui quân.

Thời mới đồng khởi ở Bến Tre, ta dùng ong vò vẽ đánh giặc bọn ngụy rất sợ. Tổ ong vò vẽ khối cầu vỏ khá chắc vì chúng làm bằng vỏ cây pha với phân bò, có hai cửa ra vào, ta chờ trời tối lấy giấy dán cửa miệng rồi lấy vải bọc lại dời chúng đến đặt ở địa điểm bố trí đánh địch thì mở cửa cho nó hoạt động bình thường. Khi địch vào tới gần ta kéo dây cột làm tổ ong vỡ bay ra đuổi đốt bọn lính chạy trối chết. Thế là cuộc càn quét địch phải chuyển hướng đi hoặc rút lui để “bảo toàn lực lượng”.

Ở một số nơi, người dân, du kích đánh địch bằng nhiều cách rất sáng tạo. Chẳng hạn, ta dùng tên ná được tẩm thuốc độc, chờ địch đến gần ta núp trong bụi chờ địch đi tới nhắm bắn vào tên chỉ huy là ngăn cả cuộc “hành quân”. Có khi ta lợi dụng nơi con đường hẹp hai bên là vách núi, địch phải đi qua bố trí những tảng đá to trên cao, khi địch tới ta đẩy cho đá lăn xuống... Thế là ta bẻ gãy cuộc càn của chúng không cần một viên đạn.

Có nơi du kích tự chế vũ khí thô sơ bằng cách làm một quả cầu gắn vào rất nhiều mũi cây nhọn chỉa ra tứ phía có sợi dây để kéo lên xuống bố trí trên trục đường giặc sẽ đi qua điều khiển cho quả cầu này lao xuống ngay đầu bọn lính đang đi trên đường. Có trường hợp quả cầu lao trúng ngay bọn đi đầu, thế là chúng chạy thụt mạng.

Ở Bến Tre, du kích có sáng kiến dùng cây chôn xuống đất thành hình chữ X rồi cột vào hai đầu phía trên chữ X dây thun làm bằng ruột bánh xe hơi cách như ná giàn thun khổng lồ. Phải hai người kéo khi bắn mới đi được xa. Địch vào đúng tầm, lựu đạn “nả” vào chúng liên tiếp, địch lớp chết lớp bị thương mà không biết Việt Cộng từ đâu ném lựu đạn tới.

Lấy vũ khí địch diệt địch

Khi Mỹ vào, bom đạn nhiều, chúng bỏ bom bừa bãi, có những quả bom to không nổ, ta thu cưa lấy thuốc nổ sản xuất mìn để đánh xe tăng, xe cơ giới của địch khi chúng càn vào vùng giải phóng. Mìn được ta chế tạo từ trái bom bi làm ngòi và khối thuốc nổ bao bên ngoài theo kiểu mìn gạt, ở hạt nổ có chỗ gắn cái cây vào sau khi đem chôn trên đường xe tăng chạy qua vướn cái cây bật hạt nổ làm nổ cả trái mìn. Đây là cách đánh Mỹ dễ nhất, chỉ cần người gan dạ là đánh được. Với cách đánh này du kích Củ Chi nhiều người được phong chiến sĩ diệt cơ giới các cấp.

Đại hội dũng sĩ Củ Chi đã từng tổng kết rút ra 10 kinh nghiệm đánh Mỹ khá tài tình, ai cũng đánh Mỹ được cả. Đó là: 1. Ai ai cũng đánh được. 2. Vũ khí gì cũng đánh được. 3. Nhiều cũng đánh, ít cũng đánh, một người cũng đánh, một tổ cũng đánh và đều đánh thắng Mỹ. 4. Ở đâu cũng đánh được Mỹ, chỉ cần tích cực bám địch tìm địch mà đánh là được. 5. Ngày cũng đánh, đêm cũng đánh được Mỹ. 6. Địch phản công cũng là cơ hội tốt để ta diệt chúng. 7. Đánh cả ở tiền tuyến, đánh cả ở hậu phương địch, đánh đều khắp, làm cho địch bối rối, bị động thì càng đánh dễ dàng hơn. 8. Đánh ở trong xã, ấp chiến lược và cả ở ngoài xã, ấp chiến đấu, chỉ cần nêu cao quyết tâm tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt. 9. Du kích có khả năng đánh thắng tất cả mọi binh chủng của Mỹ. 10. Đánh cả bằng vũ khí, chính trị, binh vận làm cho địch tan rã nhanh chóng.

Nguyễn Hải Phú

Tin liên quan

Nét độc đáo, đặc sắc nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

[ĐCSVN] - Nghệ thuật tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc; nghệ thuật tác chiến chiến lược; tạo lập thế trận tác chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định là những nét độc đáo, đặc sắc nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975.


Cuối tháng 3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào Nam cùngđồng chí Phạm Hùng và Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn - [Ảnh tư liệu]

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV [12-1976] của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[1].

Có được thắng lợi này, một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là nét độc đáo, đặc sắc nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975. Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, chúng ta có thể rút ra một số vấn đề cơ bản của nghệ thuật quân sự Việt Nam là:

Thứ nhất, về nghệ thuật tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc.

Nghệ thuật nghệ thuật quân sự của ta là nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc. Nó khác hẳn với nghệ thuật quân sự của kẻ xâm lược-nghệ thuật tổ chức lực lượng quân sự nhà nghề với những cỗ máy chiến tranh khổng lồ, chuyên nghiệp.

Đối tượng của nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng của ta là toàn dân. Ta tổ chức lực lượng theo cấu trúc toàn dân đánh giặc; bao gồm lực lượng vũ trang ba thứ quân gắn liền với lực lượng kháng chiến của từng huyện, tỉnh, thành phố; kết hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực. Đó là nghệ thuật tổ chức có tính khoa học, tính thống nhất và chặt chẽ, làm cho toàn dân ta triệu người như một, tạo sức mạnh tổng hợp lớn nhất để đánh địch, thắng địch. Đi đôi với nghệ thuật tổ chức lực lượng, ta xác định hai hình thức đấu tranh chủ yếu: đấu tranh quân sự kết hợp đấu tranh chính trị; hai phương thức tác chiến cơ bản: tác chiến tập trung và tác chiến du kích. Với nghệ thuật tổ chức và vận dụng các hình thức, phương thức tác chiến như thế, ta đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân “thiên la địa võng”, rộng khắp, vững chắc, nhưng mạnh ở trọng điểm. Điều đó lý giải vì sao ta có thể "Mở mặt trận ở bất cứ nơi nào có bóng địch, đánh ngay ở cả sau lưng địch, trong trung tâm phòng ngự của địch" và “Kéo địch ra khỏi hang ổ mà đánh, căng địch ra mà đánh, luồn sâu vào hậu phương địch mà đánh...". Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuâ năm 1975, bảo đảm cho ta luôn đánh địch ở thế chủ động, càng đánh càng mạnh. Ngược lại, địch luôn ở thế bị động, càng đánh càng bộc lộ sơ hở, càng đánh càng bị dồn vào nguy cơ thất bại. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhờ nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc mà ta vừa có điều kiện tập trung đánh lớn ở các thành phố lớn, tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn tên địch; đồng thời, vừa có điều kiện đánh địch rộng khắp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm nghìn tên địch ở các chiến trường khác. Nhờ nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc, ta đã kết thành lưới lửa của thế trận chiến tranh nhân dân, diệt hàng nghìn máy bay, tàu chiến, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, khiến Mỹ -ngụy từng bước rơi vào cơn khốn quẫn và kết cục thất bại cả về quân sự và chính trị. Như vậy, có thể nói, đây là nét độc đáo và đặc sắc nhất của nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc của ta đã đánh thắng chiến tranh xâm lược bằng lực lượng quân đội nhà nghề của địch.

Thứ hai, nét độc đáo của nghệ thuật tác chiến chiến lược.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975, ta tiến hành 3 chiến dịch lớn với 3 đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên. Chiến dịch chiến lược Huế- Đà Nẵng và Chiến dịch quyết chiến chiến lược Hồ Chí Minh. Ba đòn chiến lược đó thể hiện được phương thức nghệ thuật tác chiến chiến lược hay của ta. Xuất hiện từ đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, với hai lực lượng, ba thứ quân, tác chiến cài xen kẽ với địch không phân tuyến của ta, làm cho địch bị phân tán, chia cắt, bị động; còn ta thì chủ động tập trung lực lượng, cơ động linh hoạt.

Trên cơ sở của đường lối chiến tranh đó, nghệ thuật tác chiến chiến lược của ta là nghệ thuật của chiến tranh nhân dân, là kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa quân sự với chính trị; tiến hành tác chiến trên toàn bộ chiến trường; đánh địch trên toàn bộ chiến tuyến, đánh cả ở phía trước mặt địch và đằng sau lưng địch, trên cả 3 vùng chiến lược.

Tiến công chiến lược là phải phá vỡ chiến lược, tiêu diệt lực lượng tiến công chiến lược của địch, giải phóng những vùng đất đai quan trọng, đánh bại biện pháp chiến lược của địch, làm suy sụp ý chí chiến đấu của chúng, làm lung lay quyết tâm chiến lược của địch. Tổng tiến công chiến lược là phá vỡ nhiều mảng chiến lược của địch, đi đến phá vỡ toàn bộ chiến lược của địch, tiêu diệt các lực lượng chiến lược chủ yếu của chúng, giải phóng phần lớn lãnh thổ, đánh chiếm thủ đô, sảo huyệt cuối cùng của địch, đánh bại mọi biện pháp thủ đoạn chiến lược của địch, làm mất ý chí đề kháng của địch, đi đến kết thúc chiến tranh.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, ta đã bố trí được 2 Tập đoàn chiến lược ở 2 đầu chiến tuyến, và 1 Tập đoàn chiến dịch ở quãng giữa chiến tuyến. Tập đoàn chiến lược thứ nhất gồm quân đoàn 2 cùng các sư đoàn, trung đoàn và lực lượng vũ trang địa phương của 2 quân khu Trị- Thiên và quân khu ở vùng Huế- Đà Nẵng. Tập đoàn chiến lược thứ 3 vũ trang địa phương của Quân khu 7 đứng chân ở chung quanh Sài Gòn. Tập đoàn chiến lược thứ 3, gồm 2 sư đoàn và các trung đoàn của mặt trận Tây Nguyên cùng sư đoàn 3 Sao Vàng của Quân khu 5 và các lực lượng vũ trang địa phương của các tỉnh Tây Nguyên và Bình Định, Phú Yên, Nha Trang đứng chân ở địa bàn Tây Nguyên.

Tuy vậy, ta cũng chưa có đủ khả năng sử dụng phương pháp tiến công chiến lược đồng thời trên toàn bộ chiến tuyến của địch, mà mới nhằm vào điểm yếu sơ hở, bất ngờ, tiến công phá vỡ chiến lược ở Tây Nguyên, còn các chiến trường khác chỉ đánh nhỏ để phối hợp, bảo đảm cho Tây Nguyên dành thắng lợi.

Cuộc Tổng tiến công phát triển thật mạnh mẽ. Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1975 ta tiến hành tác chiến nghi binh tạo thế trên chiến trường Tây Nguyên và trên khắp cả chiến trường, tạo thuận lợi cho trận đánh Buôn Ma Thuột. Được thế lợi đó, trận đánh Buôn Ma Thuột bắt đầu từ 2 giờ sáng ngày 10-3, đến trưa 11-3-1975 dành thắng lợi giòn rã, giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Nhịp độ tiến công rất nhanh, mạnh. Ngày 29-3-1975 ta giải phóng Đà Nẵng, đến ngày 3-4-1975, ta đã giải phóng Cam Ranh. Một vùng chiến lược đặc biệt quan trọng được giải phóng từ Tây Nguyên, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh, Lâm Đồng v.v… và tiêu diệt 2 quân khu- quân đoàn của địch là Quân khu 1 và quân khu 2.

Thứ ba, về tạo lập thế trận tác chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định.

Trong giai đoạn Tổng tiến công chiến lược, ta tổ chức từ 2 Tập đoàn quân chiến lược trở lên là rất cần thiết để tạo lập và chuyển hoá thế trận tác chiến chiến lược đẩy mạnh nhịp độ tiến công với tốc độ cao và làm cho kẻ địch khó có bề chống cự rồi bị đánh bại nhanh chóng. Tạo lập thế trận tác chiến chiến lược phải theo quyết tâm đánh vào đâu trước, hướng tiến công chủ yếu và mục tiêu chủ yếu đánh vào đâu? Các hướng tiến công khác ở đâu để phối hợp? Và các bước tiếp theo đánh vào vị trí chiến lược nào để phát triển nghệ thuật quân sự trong tác chiến chiến địch, rồi từ mưu kế mà chuyển hoá thế trận. Tạo lập thế trận thế linh hoạt, hợp lý có lợi để thực hiện thắng lợi mưu kế và quyết tâm.

Nét độc đáo trong tạo lập thế trận của ta là thế trận của chiến tranh nhân dân đã được xây dựng từ đầu cuộc chiến tranh. Ta tiến công địch bằng 2 lực lượng, 3 thứ quân, trên cả 3 vùng chiến lược và tác chiến cài xen kẽ với địch trên toàn bộ chiến tuyến. Do chiến tranh nhân dân phát triển cao, nên các binh đoàn chủ lực của ta đã đứng chân ở phía nam vĩ tuyến 17, lập thế tiến công ở phía tây chiến tuyến của địch từ vĩ tuyến 17 đến Sài Gòn, đến đồng bằng sông Cửu Long. Các binh đoàn chủ lực của ta không tiến công địch từ phía bắc vĩ tuyến 17. Không đánh vào chiều dọc chiến tuyến của địch có chiều sâu lớn mà từ các bàn đạp chiến tuyến của địch, chỉ cách Huế- Đà Nẵng có ba bốn chục km ở phía tây. Thậm chí các binh đoàn chủ lực của ta cũng có mặt sát gần ngay Sài Gòn, chỉ cách phía tây Sài Gòn khoảng 50 đến 60 km. Nếu các binh đoàn chủ lực của ta phát động cuộc tiến công từ phía bắc vĩ tuyến 17, đánh theo dọc chiến tuyến có độ dày lớn của địch từ Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang thì đến bao giờ ta mới đánh tới Sài Gòn- tuy là có mũi vu hồi chiến dịch và chiến lược.

Thế trận chiến lược trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 là một thế trận triển khai từ Quảng Trị qua Tây Nguyên đến Sài Gòn và đồng bằng Nam Bộ. Một thế trận không đánh từ phía Bắc, từ Quảng Trị qua Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tây Nguyên, đánh thẳng vào trận tuyến của địch trên đường số 1 rồi cùng với Tập đoàn chiến lược phía nam đã đứng chân sẵn ở phía bắc Sài Gòn, tập trung một lực lượng lớn giáng một đòn sấm sét vào Sài Gòn, giải phóng nhanh gọn Sài Gòn.

Tạo lập thế trận tác chiến chiến lược như thế, ta đồng thời đánh trên toàn tuyến Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và phía bắc, phía tây Sài gòn, làm cho địch lúng túng, bị động phải phân tán đối phó theo cách của ta, rồi ta tập trung lực lượng đánh đòn chiến lược thứ nhất giải phóng Tây Nguyên và đánh đòn thứ 2 gối đầu ngay, giải phóng Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, rồi phát triển thắng lợi giải phóng Tuy Hòa, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh. Trên đà thắng lợi đó, ta dồn tất cả lực lượng, cả Quân đoàn tổng dự bị chiến lược và lực lượng ở đồng bằng sông Cửu Long, cùng Tập đoàn chiến lược phía nam đã đứng chân sẵn ở ngoại vi Sài Gòn, thực hành đòn chiến lược thứ 3 then chốt quyết định, giải phóng Sài Gòn một cách nhanh gọn.

Nghệ thuật tạo lập thế trận tác chiến chiến lược mùa Xuân 1975 là một nghệ thuật độc đáo, tài tình và cũng đầy sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, ít thấy trong chiến tranh. Do đó, chỉ trong 56 ngày đêm ta đã giải giải phóng được miền Nam một cách ít tổn thất, thương vong. Đây là nét độc đáo, sáng tạo nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam được phát triển cao trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những vấn đề nêu trên cần tiếp tục được nghiên cứu toàn diện, vận dụng vào thực tiễn trong chiến tranh BVTQ tương lai./.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam - Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. Nxb ST, H. 1977.

Thượng tướng, Viện sĩ TS Nguyễn Huy Hiệu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Quảng Trị: Kỷ luật Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm
  • Lan tỏa, tích cực đóng góp thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị
  • Sơn La cụ thể hóa chủ trương của Đảng vào cuộc sống
  • Kết quả kiểm tra phòng, chống tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Bình Dương
  • Ban Bí thư kiểm tra công tác xây dựng Đảng tại tỉnh Quảng Bình
  • Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc tại Đắk Lắk
  • Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng

Video liên quan

Chủ Đề