Enzyme tái tổ hợp là gì

Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng một số Enzyme vi sinh vật tái tổ hợp

Ngày cập nhật 26/05/2017

Cụm công trình này do Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế chủ trì thực hiện. Đại diện nhóm tác giả [9 tác giả] của cụm công trình là GS.TS Nguyễn Hoàng Lộc. Cụm công trình bao gồm 2 công trình, đó là: [1] Sản xuất Enzyme NPRC10 tái tổ hợp quy mô pilot; [2] Nghiên cứu sản xuất Enzyme chitinase tái tổ hợp quy mô pilot.

Nhóm tác giả đã nghiên cứu sản xuất một lượng lớn các enzyme tái tổ hợp như protease, chitinase và glucanase trong cơ thể vật chủ thích hợp để ứng dụng vào chế biến thực phẩm, bảo quản nông sản và xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, hướng đến việc thay thế sử dụng hóa chất nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người cũng như ô nhiễm môi trường sống. Theo đó, kết quả nghiên cứu của cụm công trình là đã sản xuất thành công các enzyme: protease từ gen nprC10 trong Escherichia coli BL21 ở quy mô pilot có hoạt tính 75,99 unit/mL, chitinase từ gene chi42 trong Saccharomyces cerevisiae INVSc1 ở quy mô pilot có hoạt tính 231,14 unit/mL, và glucanase từ 2 gene Glu1-TA và Glu2-TA trong Pichia pastoris GS115 ở quy mô phòng thí nghiệm có hoạt tính tương ứng 0,37 unit/mL và 0,57 unit/mL; Ứng dụng thành công protease trong sản xuất nước chấm, chitinase trong phòng trừ bệnh ở cây trồng và rau quả, và glucanase trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp.

Đây là cụm công trình có giá trị khoa học và ứng dụng cao, công bố nhiều dữ liệu khoa học mới về các gen mã hóa protease, chitinase và glucanase, cụ thể là:

- Công bố 4 gene trong Ngân hàng gen thế giới [GenBank]: gene nprC10 mã hóa protease, gene chi42 mã hóa chitinase, và 2 gene Glu1-TA và Glu2-TA mã hóa glucanase.

- Sản xuất thành công các chế phẩm enzyme tái tổ hợp: protease [NPRC10], chitinase [CHI42] và glucanase [GLU1-TA và GLU2-TA].

- Xây dựng được các quy trình: sản xuất nước chấm bằng NPRC10; phòng bệnh héo rũ gốc mốc trắng ở cây lạc, bệnh thán thư ở quả xoài và ớt bằng CHI42; xử lý rơm và vỏ chuối bằng GLU1-TA và GLU2-TA.

Về hiệu quả của cụm công trình, nhóm tác giả cho biết: các kết quả của cụm công trình đã giúp rút ngắn thời gian sản xuất nước chấm, hạn chế sử dụng hóa chất công nghiệp trong chế biến và tránh gây ô nhiễm môi trường; giúp phòng trừ nấm bệnh hại, góp phần tăng năng suất cây trồng và kéo dài thời gian bảo quản rau quả. Nhờ đó, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học hoặc hóa chất bảo quản, tránh gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Hai loại glucanase GLU1-TA và GLU2-TA góp phần xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp giúp tận dụng nguồn nguyên liệu này cho các hoạt động sản xuất khác, đồng thời cũng giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.

Xem theo ngày

Video liên quan

Chủ Đề