F1 nghĩa là gì

F1 nghĩa là gì

Nhân viên trạm y tế phường tại TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm cho những trường hợp nghi nhiễm - Ảnh: DUYÊN PHAN

So với quy định phân loại F0, F1 được cập nhật ngày 30-7, Bộ Y tế vừa tiếp tục có những điều chỉnh thay đổi, mở rộng các định nghĩa để việc xác định ca nhiễm được thuận lợi tối đa, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho công tác điều trị. 

Theo Bộ Y tế, điều chỉnh mới này giúp các tỉnh thành tăng cường giám sát, phát hiện sớm và quản lý hiệu quả các ca nhiễm trong bối cảnh cả nước thực hiện thích ứng an toàn với COVID-19.

Bắt tay, ôm hôn, tiếp xúc trực tiếp F0 mới thành F1

Thay vì xác định ca bệnh F0 dựa vào kết quả xét nghiệm RT-PCR như trước, theo quy định mới, Bộ Y tế chấp nhận thêm kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với COVID-19. Trong các trường hợp đang là F1 hoặc đang là ca bệnh nghi ngờ (có 2 trong số các biểu hiện lâm sàng ho, sốt, đau họng, chảy nước mũi...), chỉ cần xét nghiệm nhanh dương tính 1 lần sẽ được xác định là ca F0.

Nếu không có các yếu tố kể trên nhưng lại có kết quả 2 lần xét nghiệm nhanh dương tính liên tiếp (trong vòng 8 giờ) vẫn được ghi nhận là ca F0. Với sự thay đổi này, ca F0 sẽ nhanh chóng được xác định tình trạng bệnh và tiếp cận kịp thời các phương án điều trị, đồng thời giảm tải cho đội ngũ y tế khi không còn phải xét nghiệm khẳng định RT-PCR lại tất cả các ca xét nghiệm nhanh dương tính.

Đối với việc xác định ca nghi ngờ, quy định mới cũng được mở rộng hơn. Trước đây người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng (sốt, ho, đau họng, mất vị giác, khứu giác...) hoặc xét nghiệm nhanh dương tính mới được xác định là ca nghi ngờ. Tuy nhiên theo quy định mới Bộ Y tế đã bổ sung thêm nội dung yếu tố dịch tễ để xác định ca nghi ngờ. Cụ thể, có 3 trường hợp được xác định là ca nghi ngờ.

Thứ nhất là F1 và có ít nhất 2 biểu hiện lâm sàng của bệnh. Thứ hai, người có kết quả 1 lần xét nghiệm nhanh dương tính. Thứ ba là người có ít nhất 2 biểu hiện lâm sàng đồng thời có yếu tố dịch tễ (ở/đến từ khu vực ổ dịch hoặc có mặt trên cùng phương tiện giao thông, cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học... với F0 đang trong thời kỳ lây truyền).

Vì vậy, có thể người sống cùng nhà, người di chuyển trên cùng xe cộ, cùng nhóm làm việc, du lịch, vui chơi... với ca F0 nhưng sẽ không là ca F1 nữa. Chỉ xác định là ca F1 khi có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp da, cơ thể...) với ca F0 trong thời kỳ lây truyền của ca nhiễm. Đây là một quy định rất mới. Cũng theo quy định mới, người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu thời gian 15 phút mới được xem là F1.

Hai trường hợp còn lại được quy định để xác định ca F1 là người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2m hoặc ở cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền; người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca F0 mà không sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

F1 nghĩa là gì

Nguồn: Bộ Y tế - Đồ họa: TUẤN ANH

Giảm tải y tế, tiết kiệm chi phí...

ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng mục tiêu của việc mở rộng định nghĩa ca F0 là để việc quản lý bệnh nhân mắc COVID-19 được chặt chẽ hơn, tránh để tình trạng F0 không được chăm sóc y tế, không được tiếp cận thuốc dù đã nhiễm bệnh. Mục tiêu hàng đầu của ngành y tế hiện nay là bảo vệ nhóm nguy cơ, nên việc xác định bệnh nhân F0 qua xét nghiệm nhanh dương tính sẽ góp phần tầm soát nhanh đối tượng thuộc nhóm này.

Việc thay đổi định nghĩa này cũng góp phần giảm tải áp lực về nhân lực y tế, tiết kiệm chi phí xét nghiệm PCR... "Chỉ nên xét nghiệm PCR nếu triệu chứng ngày càng xấu hơn cần phải chuyển đến các khu điều trị. Còn nếu không có triệu chứng, có thể xác định thông qua xét nghiệm nhanh và theo dõi, điều trị tại nhà" - BS Vân Anh chia sẻ.

Đặt vấn đề về định nghĩa F1 mới nhất, chỉ những người tiếp xúc trực tiếp với ca F0 như bắt tay, ôm, hôn... mới được xác định là F1, có hay không nguy cơ bỏ sót F1 ngoài cộng đồng? Theo BS Vân Anh, việc thu hẹp yêu cầu xác định F1 không phải bỏ sót, mà thực tế chỉ là đang cho phép một số người vẫn có thể tiếp tục với các hoạt động sinh hoạt, làm việc bình thường khi tiếp xúc ca F0 mà ít yếu tố nguy cơ.

"Trước đây khi trong nhà có F0 thì cả nhà đều là F1, đều bị giăng dây cách ly. Nhưng nếu áp dụng quy định này trong thời điểm hiện nay sẽ gây ra rất nhiều khó khăn. Chúng ta đã chấp nhận chung sống nên việc thu hẹp định nghĩa F1 là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay" - BS Vân Anh nói.

BS Vân Anh cũng nhấn mạnh rằng tuy không xác định là F1 như trước nhưng những người tiếp xúc với F0 vẫn thuộc đối tượng nghi ngờ, kiểm soát, vẫn tuân thủ đủ nguyên tắc 5K, thực hiện xét nghiệm nhanh trong thời gian giám sát. Điều đó vẫn đảm bảo an toàn, đặc biệt trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, đã có ca nhiễm ở Việt Nam.

BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng trước tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, việc xác định ca F0 thông qua xét nghiệm nhanh dương tính cũng trở nên cần thiết và đã dần "bình thường hóa". Định nghĩa mới này cho thấy tính khoa học hơn trong việc xác định dịch tễ, hạn chế được việc xác định F0, F1 và ca nghi nhiễm lan tràn.

"Xác định ca F0 thông qua xét nghiệm nhanh là đủ, điều đó cũng giúp việc theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh không còn là gánh nặng cho đối tượng F1" - BS Khanh nhận định. Đồng thời cho biết tỉ lệ F1 ở cộng đồng rất nhiều nên nếu xác định theo hướng dẫn trước đây, số lượng F1 sẽ vô cùng lớn và ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động khác.

Cũng theo ông Khanh, những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với ca nhiễm mới xác định là F1, còn lại phải tuân thủ 5K là đảm bảo. Điều này cho thấy những trường hợp có tiếp xúc với F0 trước đây có thể xem là F1 và phải cách ly. Tuy nhiên với định nghĩa mới về F1 được loại trừ, những người này có thể sinh hoạt, làm việc bình thường nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề phòng dịch.

F1 nghĩa là gì

Nhân viên y tế đến tận nhà xét nghiệm cho những trường hợp ở chung phòng trọ và có tiếp xúc với F0 tại phường 7, quận Phú Nhuận - Ảnh: DUYÊN PHAN

Giảm tải y tế, hạn chế thiệt hại kinh tế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết việc Bộ Y tế đưa ra định nghĩa cụ thể về F1 như trong quy định mới là hoàn toàn phù hợp, đặc biệt với TP.HCM, nhằm giúp đảm bảo việc triển khai cách ly, theo dõi một cách hiệu quả nhất, tránh việc "ai muốn trở thành F1 cũng được".

Theo vị này, quan điểm chống dịch là "đánh nhầm còn hơn bỏ sót" như từng áp dụng tại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Hơn nữa, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin và số người F0 rất cao đã tạo ra miễn dịch cộng đồng rất lớn, nên việc áp dụng các tiêu chí đánh giá như trước sẽ không đạt nhiều ý nghĩa, chưa kể sẽ gây lãng phí nguồn lực chăm sóc, giám sát.

"Nếu vẫn duy trì giải pháp cũ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đối với kinh tế, bởi các F1 đều được hưởng các chế độ khi bị cách ly, dù nhiều F1 vẫn khỏe mạnh và có thể tham gia sản xuất bình thường..." - vị này nói.

HOÀNG LỘC

Tránh không để F1 "oan"

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (nguyên trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội): Hạn chế F1 "oan", không còn "nhầm hơn bỏ sót"

Quy định mới của Bộ Y tế để xác định F1 là một cách để "không làm quá" vấn đề. Trước đây đi cùng thang máy, học cùng lớp học hay đi cùng trong một sân golf có một F0, tất cả người ở trong khu vực đó đều là F1, đóng toàn bộ sân golf, lớp học... Nhiều hoạt động thường nhật bị đình trệ nếu đi cùng thang máy, F0 và người trong thang máy đeo khẩu trang, thời gian tiếp xúc thấp thì nguy cơ lây nhiễm rất thấp.

Do quy định trước đây, rất nhiều trường hợp chỉ đi ngang qua F0 hoặc có mặt cùng khu vực mà F0 đã đến cũng được coi là F1 và phải đi cách ly tập trung, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của F1 trong khi thực tế F1 này là "oan". Do đó, việc xác định F1 như hướng dẫn mới của Bộ Y tế là hợp lý, khoa học hơn nhiều.

Thay vì tiếp xúc với F0 sẽ bị xác định là F1, nay đã đề cập rõ hơn tới những tình huống cụ thể. Khi người dân đã tiêm đủ liều vắc xin, dần dần COVID-19 có thể sẽ trở thành một căn bệnh cảm cúm thông thường.

Trước kia mình xác định F1 theo hướng "nhầm còn hơn bỏ sót", bây giờ Bộ Y tế tính toán lại để chặt chẽ hơn, hợp lý hơn. Việc xác định F1 theo quy định mới là khoa học và đúng bản chất về vấn đề lây nhiễm hơn. Như vậy số người phải cách ly dần dần sẽ giảm đi, sẽ thoải mái hơn cho người dân.

Nếu những người không phải F1 mà phải đi cách ly sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, kinh tế, làm ăn, sinh hoạt của người ta. Cách xác định F1 mới sẽ kiểm soát chính xác dịch bệnh trên tinh thần thích ứng, vừa chống dịch vừa duy trì cuộc sống, phát triển kinh tế.

F1 nghĩa là gì

Những trường hợp ở chung phòng trọ và có tiếp xúc với F0 tại TP.HCM được các nhân viên y tế đến tận nơi xét nghiệm - Ảnh: DUYÊN PHAN

PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế): Không ảnh hưởng đến sinh hoạt của F1

Quy định mới của Bộ Y tế về việc xác định F1 có ý nghĩa rất lớn trong việc phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Quy định mới này vừa dựa trên tính khoa học và thực tiễn. Về khoa học, COVID-19 vẫn lây theo đường hô hấp, giọt bắn, đặc biệt nguy cơ cao khi tiếp xúc gần ở đám đông và môi trường kín.

Trước đây, việc xác định F1 có những nơi làm chưa thật chính xác. Dù virus không bay được từ nhà nọ sang nhà kia, nhưng một trường hợp F0 là tất cả nhà, dãy phố đó bị phong tỏa dù không có tiếp xúc.

Vì vậy, những quy định mới để xác định nguy cơ lây nhiễm như hiện nay là rất cần thiết.

Việt Nam đang thích ứng với dịch bệnh, chấp nhận thay đổi mục tiêu "zero COVID" trước đây, mặt khác tỉ lệ tiêm vắc xin hiện nay đã ở mức cao, vì vậy khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc sẽ giảm đi đáng kể.

Với quy định mới sẽ giảm đi lượng lớn F1, mà như quy định cũ thì các địa phương thường lạm dụng để xác định rất nhiều F1, mặc dù không có nguy cơ trực tiếp với F0. Khi F1 giảm sẽ giảm rất nhiều áp lực cho các địa phương về vấn đề cách ly, đặc biệt sẽ không ảnh hưởng tới đời sống làm ăn, sinh hoạt của các F1 nếu bị xác định sai.

TS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương): Số lượng F1 sẽ giảm mạnh

Quy định mới về xác định F1 cụ thể hơn, làm rõ vấn đề tiếp xúc thế nào, thời gian tiếp xúc bao nhiêu thì được coi là người có tiếp xúc gần với ca bệnh. Trong tình huống chủng mới Omicron đã vào Việt Nam, liệu cách phân loại ca bệnh, ca nghi ngờ này có phù hợp khi chủng Omicron lây nhanh hơn chủng Delta hiện nay?

Theo tôi, Omicron đào thải virus nhiều hơn Delta, khả năng lây lan có cao hơn vài chục phần trăm so với chủng hiện nay nhưng vẫn đảm bảo phân loại hợp lý ca bệnh, ca nghi ngờ, ca có tiếp xúc gần để giám sát và phòng bệnh.

So với quy định và định nghĩa ca bệnh, ca tiếp xúc gần của các nước, hướng dẫn mới của Bộ Y tế có nhiều điểm tương tự nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ hơn. Với quy định mới này, số lượng F1 chắc chắn sẽ giảm.

P.TUẤN - L.ANH

CẨM NƯƠNG