Giá trị văn hóa quan họ bắc ninh

Theo “Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam” có thể chia hát Quan họ thành những dạng sau: Hát Quan họ ở hội, gọi là hát Hội. Hát Quan họ ở đám, gọi là hát Mừng. Hát Quan họ ở cửa đình, cửa đền, gọi là hát Thờ hát Cầu. Hát Quan họ tại nhà giữa hai nhóm Quan họ trai gái mời nhau, gọi là hát Canh. Trong đó, hát Hội và hát Canh là hai hình thức nổi bật, có giá trị văn hóa cao.

Cái đẹp nhất của văn hóa Quan họ chính là ở sự tinh tế, ý nhị trong cách ứng xử, trong tâm tư gửi gắm ở mỗi câu ca. Dù là nam hay là nữ, khi cất lời, người quan họ luôn nhún nhường bằng những câu thưa gửi: “Thưa chị hai, chị ba, biết thì ca trước để anh em chúng em cất bước theo sau”.

Quan họ đẹp từ lời chào đón khi khách đến chơi nhà: “Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người xơi mỗi chén cho em vừa lòng”. Hay “Giầu này trong tráp mở ra/ Giấu cha giấu mẹ đem ra mời chàng”. Nói về khoảnh khắc gặp mặt, người quan họ cũng mượn những hình ảnh đẹp: “Hôm nay sum họp trúc mai/ Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm”. Nói về nghĩa tình, người quan họ bảo: “Nghĩa người em để trong cơi/ Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm”.

Đến khi “Giã bạn”, những câu ca quan họ như níu chân kẻ ở người đi: “Người về em vẫn khóc thầm/ Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa”.

Sự sâu sắc, ý nhị trong lời ca, trong sinh hoạt văn hóa quan họ, tinh tế mà vẫn gần gũi, tình cảm chứ không đài các, cách xa.

Trong những năm qua, Bắc Ninh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Quan họ với nhiều hình thức phong phú cả trong và ngoài nước; xây dựng nhiều chương trình như về với Quan họ, hát Quan họ trên thuyền. Canh hát Quan họ đêm rằm đã trở thành hoạt động thường niên, thu hút hàng vạn khán giả theo dõi. Đây là một trung tâm lưu trữ, bảo tồn và khai thác Quan họ, nghiên cứu 34 chuyên đề, ký âm 107 bài Quan họ cổ, xuất bản 9 đầu sách về Dân ca Quan họ; khuyến khích phát triển các làng, câu lạc bộ Quan họ…

Từ chỗ chỉ có 49 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, đến nay Bắc Ninh đã phát triển lên 369 làng Quan họ thực hành, 381 câu lạc bộ với trên 1 vạn hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Đặc biệt, có hơn 140 câu lạc bộ ở các tỉnh và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Quan họ Bắc Ninh đã lan tỏa tới mọi miền của Tổ quốc và trở thành một biểu tượng văn hóa hấp dẫn, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế, mang một sức sống mới hòa vào dòng chảy thời đại của văn hóa dân tộc Việt Nam.

[ĐCSVN] - Từ 31 làng Quan họ gốc, đến nay thành phố Bắc Ninh có thêm 20 làng Quan họ thực hành, 78 CLB Quan họ ở các địa phương, cơ sở với hàng nghìn người tham gia sinh hoạt, thành phố Bắc Ninh có nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong cuộc sống cộng đồng.

\

Bắc Ninh nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ. Ảnh TL.

Nổi tiếng với các làng Quan họ gốc: Viêm Xá, Thị Cầu, Đào Xá, Y Na… và hàng trăm làn điệu Quan họ cổ được lưu truyền đến ngày nay, thành phố Bắc Ninh luôn là nơi du khách tìm về để tìm hiểu và học hỏi câu ca Quan họ. Nơi đây không chỉ thể hiện phong phú, đa dạng sinh hoạt văn hóa Quan họ mà còn là lối chơi Quan họ điển hình và đặc sắc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Việc kết bạn giữa các bọn Quan họ, giữa các làng Quan họ gốc của thành phố Bắc Ninh đến nay vẫn được duy trì, gắn kết bền chặt như: Bồ Sơn-Y Na; Đọ Xá-Phúc Sơn; Viêm Xá-Bựu Sim; Đào Xá-Thị Cầu… Sinh hoạt Quan họ trên địa bàn thành phố Bắc Ninh thể hiện rõ nét nhất ở các lễ hội, mỗi lễ hội có những nét riêng độc đáo như: Hội kéo co Hữu Chấp [Hòa Long]; hội Đền Bà Chúa Kho, hội Thị Cầu, Bồ Sơn, Y Na… Đặc biệt, trong hai năm 2022, 2023, thành phố Bắc Ninh đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức phục dựng phiên chợ Âm Dương trong lễ hội khu Xuân Ổ A, phường Võ Cường để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách… Mỗi lễ hội một sắc thái riêng và hấp dẫn, song đều gắn với sinh hoạt văn hóa Quan họ với các cuộc đón bọn Quan họ kết bạn với các canh hát thâu đêm.

Các lễ hội và sinh hoạt văn hóa Quan họ của các làng Quan họ trên địa bàn thành phố Bắc Ninh được diễn ra trong không gian của những công trình tín ngưỡng, tâm linh và văn hóa nổi tiếng như Đền Vua Bà, đền Bà Chúa Kho, đình chùa Bồ Sơn, Cổ Mễ, chùa Y Na… Chính những di tích lịch sử văn hóa này là nơi nuôi dưỡng và bảo tồn sinh hoạt văn hóa Quan họ trải qua bao thăng trầm lịch sử.Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, thành phố Bắc Ninh luôn quan tâm phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh với nhiều việc làm thiết thực.

Từ 31 làng Quan họ gốc, đến nay thành phố Bắc Ninh có thêm 20 làng Quan họ thực hành, 78 CLB Quan họ ở các địa phương, cơ sở với hàng nghìn người tham gia sinh hoạt. Cùng với việc phát triển mở rộng thêm các làng Quan họ thực hành thì thành phố quan tâm đến công tác tôn vinh, trao tặng các nghệ nhân, nghệ sĩ trong các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống, trong đó có Dân ca Quan họ.

Ngoài sự quan tâm của tỉnh về chế độ đãi ngộ hàng tháng, các dịp lễ, kỷ niệm, thành lập CLB… thành phố Bắc Ninh luôn kịp thời động viên về vật chất, tinh thần, hướng dẫn, hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sỹ làm hồ sơ, thủ tục đề nghị xét tặng các danh hiệu qua các đợt xét tặng. Đây là sự khích lệ những “báu vật sống” tiếp tục phát huy tài năng, trách nhiệm trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cùng với công tác tôn vinh, các hoạt động hỗ trợ nghệ nhân nuôi dưỡng tình yêu di sản trong cộng đồng cũng được triển khai tích cực trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, như: Hỗ trợ mở lớp truyền dạy Quan họ, nhân cấy lớp người gìn giữ, thực hành mới; ghi hình, in sách, tư liệu hóa nhiều loại hình di sản làm cơ sở lưu trữ, truyền dạy cũng như tôn vinh, quảng bá di sản tại các sự kiện văn hóa trong và ngoài nước…

Chủ Đề