Giấc mơ Mỹ trong Gatsby vĩ đại

. ĐÀO HỒNG LÂM

Những ngày qua, nước Mĩ nói riêng và cả thế giới nói chung vẫn chưa hết bàng hoàng vì kết quả cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 45 với người đắc cử là một tỉ phú lắm tiền nhiều tật và có không ít thị phi. Chiến thắng bất ngờ của ngài Trump càng khiến cho người ta tin vào sức mạnh của những giấc mơ không tưởng. Người Mĩ vốn mộng mơ và nhiều tham vọng. Nhưng “giấc mộng Mĩ” không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng trở thành hiện thực. Gần một thế kỉ trở về trước, Scott Fitzgerald đã từng nhắc đến sự sụp đổ đau đớn của những mộng tưởng Mĩ qua tiểu thuyết Gatsby vĩ đại - tác phẩm được đánh giá là kiệt tác của văn học Mĩ hiện đại và đã từng được xếp trong top 10 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại (trong cuộc khảo sát của tạp chí Time năm 2007). Scott đã lấy chính hình ảnh của mình và người vợ Zelda làm nguyên mẫu cho hai nhân vật trung tâm của tiểu thuyết này. Mối tình sâu sắc, mãnh liệt nhưng đầy khổ đau, nuối tiếc giữa Gatsby và Daisy được truyền cảm hứng từ những chuyện đời thường không kém li kì của vợ chồng tác giả.

Nàng thơ Zelda của Scott là một người phụ nữ không tầm thường. Từng được coi là một trong ba biểu tượng của thế kỉ XX cùng với Marilyn Monroe và công nương Diana, Zelda vốn xuất thân lá ngọc cành vàng trong một gia đình quyền thế ở Alabama và được biết bao chàng trai si mê vì vẻ đẹp lộng lẫy và cốt cách cao quý hơn người. Trong khi đó, Scott chỉ là chàng trai nghèo khổ sinh ra trong một gia đình Thiên chúa giáo sa sút ở miền trung Bắc Mĩ. Sớm từ giã quê hương để đi tìm công danh nhưng Scott đã vấp phải hàng rào ngăn cách của tiền tài, địa vị khiến anh không thể hòa nhập nổi với tầng lớp thượng lưu trong xã hội Mĩ. Chàng trai trẻ Scott mang giấc mơ đổi đời khi tham gia quân ngũ nhưng rốt cuộc chỉ gặp toàn thất bại. Xuất ngũ năm 1918, anh hướng đời mình vào văn nghiệp và trải qua những ngày tháng thanh xuân nồng nhiệt trong mối tình lãng mạn với cô nàng tiểu thư Zelda. Chỉ có điều, sau chưa đầy một năm yêu nhau, mùa hè năm 1919, Zelda đỏng đảnh đã quyết định chia tay anh chàng nhà văn nghèo kiết xác. Cú sốc quá lớn về tình cảm khiến Scott chìm trong men rượu và càng nung nấu quyết tâm trở thành một nhà văn lớn để chinh phục trái tim Zelda lần nữa. Cuốn tiểu thuyết đầu tay This side of Paradise (Bên rìa thiên đường) được một nhà xuất bản lớn đồng ý in đã giúp Scott quay trở lại với Zelda một cách ngoạn mục và nhà văn nhanh chóng có được hạnh phúc viên mãn bên người vợ trong mộng của mình.

Giấc mơ Mỹ trong Gatsby vĩ đại

Cuộc hôn nhân vượt qua bao thử thách đã có trái ngọt nhưng có lẽ vết thương lòng Zelda gây ra cho chồng trước đó quá lớn khiến ông bị ám ảnh. Vì thế trong tác phẩm để đời của mình The Great Gatsby (được Hoàng Cường dịch là Gatsby vĩ đại), Scott đã viết lời đề từ: “Một lần nữa tặng Zelda” như một cách kết nối và nhắc nhớ những chuyện đã qua. Và quả thật ở tác phẩm xuất sắc này, người đọc nhận ra rất nhiều sự trùng hợp giữa hình tượng nhân vật với cuộc đời thực của tác giả. Gatsby tên thật là James Gat, cũng xuất thân trong một gia đình nghèo khổ, cũng yêu đương thắm thiết cô nàng Daisy quyền quý, cũng cố gắng làm giàu bằng nỗ lực phi thường sau khi bị tình đầu cự tuyệt và chả mấy chốc đã được nâng lên thành một nhân vật kiệt xuất trong thế giới thượng lưu. Daisy, cũng giống như Zelda ngoài đời, là  thiên kim tiểu thư sống trong một tòa biệt thự tráng lệ, là niềm khao khát cháy bỏng của biết bao chàng trai. Lần đầu gặp Daisy, Gatsby đã nhận ra giữa anh và nàng có “một hàng rào dây thép gai vô hình” rất khó vượt qua nhưng anh vẫn không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của nàng. Và mối tình của họ, hiện lên qua những trang văn tuyệt vời của Scott Fitzgerald, mang đầy những xúc cảm ngang trái dữ dội. Scott đã miêu tả diễn biến tâm lí của hai nhân vật một cách sống động, chân thực như đang nói về bản thân, về chính mối tình ngoài đời sóng gió với Zelda: “Gatsby ngột ngạt nhận ra vẻ tươi trẻ và bí ẩn chứa đựng và gìn giữ trong cảnh giàu sang, sự tươi mát của biết bao nhiêu quần áo, và Daisy, óng ánh như dát bạc, yên ổn và kênh kiệu bên trên những cuộc vật lộn gay gắt của người nghèo”; “Nàng muốn cuộc sống của mình phải được định hình ngay bây giờ, không chậm trễ. Mà làm được việc ấy phải là một sức mạnh nào đấy ở ngay cạnh nàng - sức mạnh của tình yêu, của tiền bạc, một sức mạnh hoàn toàn có giá trị thiết thực”. Cú sốc tình cảm mà Daisy gây ra cho Gatsby - giống hệt như cách Zelda đã làm với Scott ngoài đời - chính là cú hích để chàng trai nghèo quyết tâm thay tên đổi phận, gia nhập vào giới thượng lưu giàu có nhằm xóa đi ngăn cách giữa anh với người mình yêu. Ngoài đời, Scott thành công khi kéo được Zelda quay trở lại với mình và có hạnh phúc viên mãn như mong muốn. Nhưng trong tiểu thuyết, mối tình của Gatsby đầy những giằng xé đa diện và phức tạp hơn rất nhiều bởi Daisy đã lấy chồng và bản thân nàng không bao giờ có thể trở lại làm cô tiểu thư nũng nịu, ngây thơ trong lòng anh lính trẻ Gatsby của những năm tháng xa xưa. Sự đổ vỡ của những mộng tưởng, sự đan cài của biết bao vấn đề về thân phận và khát vọng của con người đã làm nên giá trị to lớn cho tác phẩm. Gatsby vĩ đại đã vượt xa một câu chuyện tình yêu tầm thường để vút lên thành một khúc nhạc lòng khắc khoải, một giai âm chủ đạo của một “thời đại nhạc Jazz” đầy ám ảnh trong văn học Mĩ thời kì hậu chiến.

Trở về từ cuộc chiến tranh đầy những mất mát, Gatsby không quên được tình cũ nên tìm mọi cách làm giàu để mong hòa nhập được với thế giới quý tộc của người mình yêu. Chàng dường như đã thành công khi có đủ tiền bạc, địa vị, tòa biệt thự nguy nga, tráng lệ, những bữa tiệc tối với đầy khách quý là những nhân vật tên tuổi trên khắp nước Mĩ. Nhưng có lẽ đó chỉ là những ồn ào và phù phiếm bề nổi. Nick - người kể chuyện xưng “tôi” trong truyện đã phát hiện ra những tâm tư thật sự ẩn giấu sau vẻ ngoài hào nhoáng của chủ nhân những bữa tiệc tột đỉnh xa hoa ấy. Gatsby hiếm hoi nở nụ cười. Như một cái xác không hồn, Gatsby như bị lấp đi sau thế giới vật chất xa xỉ nơi anh sống bởi các vị khách không quan tâm Gatsby là ai, người ta chỉ biết đến hưởng thụ và đòi hỏi. Những đêm tối thăm thẳm, sau những bữa tiệc ồn ã, anh chàng hàng xóm Nick phát hiện ra ông chủ ngôi biệt thự giàu có ấy luôn đứng một mình đơn độc nhìn ra phía xa, phía có ánh sáng xanh leo lét, yếu ớt. Ánh sáng xanh ấy trở đi trở lại trong suốt tác phẩm, không chỉ mang ý nghĩa hiện thực (là ánh sáng phát ra từ nơi Daisy đang sống cùng chồng) mà cao hơn thế, nó mang ý nghĩa biểu trưng mạnh mẽ cho những khát vọng đẹp đẽ nhưng mơ hồ, cho những ước mộng xa xôi mà con người không bao giờ có thể nắm bắt được. Gatsby đã sống bằng những ảo tưởng đáng thương. Con người vay mượn mà anh cố gắng ẩn nấp sau bao nhiêu năm đã sụp đổ tan tành. Và anh chỉ nhận ra bản chất thật của thế giới giả dối này trong giây phút cuối cùng của cuộc đời mình: “Chắc anh đã ngửa đầu nhìn lên một bầu trời xa lạ qua những vòm lá thật đáng sợ, và rùng mình khi nhận ra những bông hồng mới kì cục làm sao và ánh nắng rọi lên lớp cỏ mọc nhu nhú mới sống sượng làm sao. Một thế giới mới, vật chất đấy mà lại không có thật, nơi những bóng ma khốn khổ đáng thương, thở bằng ước mơ thay cho không khí, trôi dạt vô định…”.

Có thể nói, Gatsby chính là hình bóng chân thực của Scott ngoài đời, đại diện cho một “thế hệ vứt đi”, “thế hệ lạc lõng” sau chiến tranh. Đó là những con người sống bằng mộng tưởng và đau xót khi chứng kiến sự suy sụp của những khát vọng bất thành ấy. Họ không thể hòa nhập được với thế giới vật chất đầy toan tính, thực dụng và tàn nhẫn quanh họ. Như bong bóng xà phòng, đẹp đẽ bề ngoài nhưng rỗng tuếch bên trong. Chỉ trong tích tắc đã vỡ tan và biến mất…

  Đ.H.L