Giáo xứ bình thuận có bao nhiêu giáo dân năm 2024

Với lịch sử, 50 năm không phải là hành trình quá dài, nhưng với giáo xứ Mân Côi Bình Thuận [TGP.TPHCM] thì chặng đường đó đủ để chứng kiến bao đổi thay: Từ vùng đất hoang sơ và số giáo dân ít ỏi, Bình Thuận giờ đã chuyển mình giữa khu dân cư đông đúc, trở thành xứ đạo có số tín hữu đông nhất nhì thành phố.

Vùng đất lành…

Ngồi bên tách trà trong phòng khách nhà xứ, ông Phanxicô Assisi Maria Lê Văn Rưỡng, Chủ tịch HĐMVGX, một trong những người đầu tiên theo chân cha cố Đaminh Hoàng Duy Thanh đến đây định cư khi còn là cậu thiếu niên 14, 15 tuổi chậm rãi kể lại chuyện xưa. Ông nói nửa thế kỷ trước, cha Đaminh đã dẫn khoảng chục gia đình giáo dân [đa phần gốc GP Thái Bình, di cư vào Nam năm 1954] từ xứ Thượng Phúc, GP Phú Cường đến ấp Bình Thuận, xã Tân Sơn Nhì, tỉnh Gia Định [nay là khu phố 14, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM] lập nghiệp. Tại đây, ngài mua đất chia cho giáo dân và cùng bà con dựng nên ngôi nhà thờ tạm để hội họp cầu nguyện, cử hành các bí tích. Cộng đoàn chọn Đức Maria Mân Côi là đấng bảo trợ. Từ đó danh xưng giáo xứ Mân Côi Bình Thuận ra đời.

Kiệu Đức Mẹ tại giáo xứ - ảnh: Thanh Quang

Còn trong hồi ức của bà Trương Thị Cúc, một cụ cao niên trong xứ thì ngày về, nơi đây là vùng đất rộng nhưng đều đã có chủ. Mỗi năm chủ chỉ làm một vụ lúa mùa mưa, mùa khô thì để không. Các gia đình mới đến hoặc thuê, hoặc xin được canh tác hoa màu, trồng rau xanh trong mùa này. “Vì trồng rau bón phân nhiều nên đất tươi tốt, do đó phần lớn các chủ cho làm tự do, đến mùa mưa trả lại họ. Vốn là người Bắc nên chúng tôi còn trồng cả thuốc lào, dưa gang…”, bà Cúc nhớ lại. Lớp già làm vườn, lớp trẻ vào các công ty, xí nghiệp. Khi cuộc sống ổn định, họ đón thêm những người thân còn ở Phú Cường xuống định cư.

Cuộc sống ruộng đồng cứ thế nhẹ nhàng trôi qua cho đến năm 2003, một phần huyện Bình Chánh được chia tách để thành lập nên quận Bình Tân. Đây có thể coi là một bước ngoặt lớn trong đời sống người dân xứ Bình Thuận, vì khu vực nhà thờ nằm trong dòng chảy của quá trình đô thị hóa, nên như bao nơi khác, cũng đứng trước những cơ hội phát triển. Từ vùng nông thôn, nhịp sống nơi đây ngày một trở nên hối hả khi nhiều công ty, xí nghiệp mở ra, kéo theo số người tìm về làm việc, mua đất làm nhà ngày một đông. Trong số người đến có không ít là giáo dân. Họ đạo ngày trước vốn im lìm nay nhộn nhịp bởi bước chân của dòng người di cư.

Nhà sinh hoạt của giáo xứ

Tính từ năm 2003 đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 tín hữu xin nhập xứ và tham gia sinh hoạt.Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thanh- chánh xứ cho biết, năm 2007, khi cha về nhận sở, số giáo dân mới chỉ 9.000, nhưng nay con số đó xấp xỉ gần 20.000 người. Mỗi tháng, số trẻ được rửa tội là 50 em. Cũng chính vì lẽ đó mà ngày còn làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm khi về làm mục vụ nơi đây đã phải dùng hai từ “đột biến” để nói về sự gia tăng số tín hữu ở giáo xứ Bình Thuận.

… nhộn nhịp những hoạt động

Hiện ngày Chúa nhật ở Bình Thuận có sáu thánh lễ nhưng lúc nào cũng đông người tham dự. Ông Nguyễn Thanh Quang, thành viên HĐMVGX cho hay, ngoài 1.000 chỗ trong nhà thờ, giáo xứ còn sắm 4.000 ghế nhựa cho giáo dân ngồi ngoài sân, nhưng lễ nào cũng sử dụng gần hết. Đặc biệt vào lúc cao điểm như Giáng sinh, Phục sinh thì khuôn viên trở nên quá tải…

Đông giáo dân, nhờ sự tổ chức linh hoạt và phong phú của cha xứ và Hội đồng mục vụ, các ban ngành đoàn thể, nên những hoạt động trong xứ luôn sinh động và có chiều sâu. Tình liên đới trong xứ trở nên bền chặt hơn bao giờ hết, được gắn kết qua những giờ kinh liên gia. Cả xứ hiện có 72 nhóm đọc kinh hằng ngày và luân phiên tại các gia đình. Các nhóm cầu nguyện chính là chất xúc tác tạo sự liên kết, sẻ chia, từ đó bỏ qua những xích mích hiềm nghi giữa bà con trong xóm. Cũng qua các giờ kinh gia đình mà bà con cũ biết được những người anh em Công giáo mới về lập nghiệp để đồng hành, giúp họ hòa nhập cộng đoàn, hoặc khi hay tin ai ốm đau thì tới động viên, thăm hỏi…

Các lớp giáo lý Dự tòng, giáo lý Hôn nhân của Bình Thuận diễn ra đều đặn mỗi năm hai khóa, mỗi khóa trung bình có 100 học viên tham dự. Đào tạo giáo lý cho đối tượng này luôn được chú trọng nên đội ngũ giảng dạy thường là các cha trực tiếp hướng dẫn hoặc những thành viên dạn dày kinh nghiệm đảm trách. Đặc biệt giáo xứ có một lớp “giáo lý đặc biệt”, chuyên dạy cho người lớn tuổi. Phần lớn họ là những thanh thiếu niên phải theo gia đình nay đây mai đó nên thiếu thốn các ơn ích thiêng liêng, có khi chỉ mới Rửa tội, nay được bổ sung kiến thức để xưng tội rước lễ và lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Lớp mỗi năm có 2 khóa và quy tụ khoảng 40 học viên mỗi khóa.

Lớp giáo lý ở Gx Bình Thuận

Bên cạnh đó, việc giáo dục đức tin cho trên 2.200 em thiếu nhi cũng được chú trọng. “Vì thiếu nhi là tương lai của xã hội nên quan tâm giáo dục các em là trách nhiệm của mỗi người. Giáo xứ luôn ưu tiên đặt lên hàng đầu”, cha Thanh nói. Ngoài dạy Lời Chúa và nhân bản, vào dịp Giáng sinh hay Trung thu trăng rằm, giáo xứ không quên tổ chức để các em vui chơi. Giáo lý viên thì được trang bị kiến thức vững vàng, có những khóa học để nâng cao chuyên môn. Bình Thuận cũng vừa mới khánh thành dãy nhà giáo lý rộng rãi làm nơi đào tạo và không gian sinh hoạt cho con trẻ, thay thế cho tình cảnh ngày trước : phải chia ra từng khối ngồi bệt trong khuôn viên vì không đủ chỗ.

Mỗi năm, dịp lễ - tết, giáo xứ luôn có những phần quà gởi tận tay gia đình nghèo không phân biệt lương giáo. Ban bác ái ngoài việc đến với các bệnh nhân, cụ già neo đơn, gia đình khó khăn trong vùng, hằng tháng vẫn đi các mái ấm, họ đạo vùng xa để thăm hỏi và sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Ban chăm sóc bệnh nhân thì chia nhau đến các bệnh viện để giúp đỡ, khích lệ tinh thần những người bệnh.

Với 18 giáo khu, 8 hội đoàn và 10 ban, các hoạt động của họ đạo thật ổn định và ngày một lớn mạnh. Từ hành trang có sẵn, Bình Thuận đã sẵn sàng cho hành trình phía trước với nhiều dự định, ước mơ lớn hơn…

ĐÌNH QUÝ

Sống cùng cộng đoàn một năm, sau đó vâng lời bề trên, cha cố Đaminh Hoàng Duy Thanh trở về lại giáo phận Phú Cường. Từ đó đến nay, Bình Thuận đã được nhiều vị mục tử coi sóc cả trên cương vị chánh xứ lẫn quản xứ: cha Vinh Sơn Đinh Quốc Bảo [1967-1968]; cha Đaminh Bùi Quang Tuyến [1969-1975]; cha Giuse Mai Thành Hân [1976-1979]; cha Anphongso Nguyễn Công Phương [1979-2003]; cha Anrê Trần Minh Thông [2003-2007]. Năm 2007, cha Giuse Nguyễn Văn Thanh được Tòa Tổng Giám mục bổ nhiệm về làm chánh xứ Bình Thuận.

Trong thời gian coi sóc, các vị chủ chăn nhiều thế hệ đã ra sức xây dựng cơ sở; thành lập, củng cố các giáo khu; thiết lập và phát triển các hội đoàn ngày một thêm lớn mạnh. Nhà thờ hiện nay là nhà thờ thứ hai của họ đạo, xây năm 1995, thời cha Anphongso Nguyễn Công Phương, và được cha Thanh cùng cộng đoàn trùng tu năm 2009.

Chủ Đề