Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm là gì

Hiện nay, có nhiều người thắc mắc hoặc chưa hiểu hết về vấn đề được miễn cùng chi trả Bảo hiểm y tế [BHYT] khi tham gia BHYT 5 năm liên tục.

     Theo quy định tại Điều 22 Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014 thì “100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên; và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở trừ trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến”.

     Theo đó trường hợp người bệnh đã tham gia BHYT 5 năm liên tục thì sẽ được hưởng 100% chi phí KCB khi có các điều kiện sau:
     - Khám chữa bệnh đúng tuyến
     - Số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, nghĩa là lớn hơn 8.940.000 đồng [hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng].
     - Có giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.


Nhân viên Phòng Tài chính kế toán Bệnh viện giải thích chế độ hưởng Bảo hiểm y tế
cho người nhà người bệnh

     Những thủ tục cần thiết để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả:
     Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì:

           “Điều 27. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh một số trường hợp:
     3. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định này:

     a] Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần khám bệnh, chữa bệnh tại cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở của người bệnh. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 06 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó;
     b] Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó;”

     Như vậy, khi số tiền khám chữa bệnh đúng tuyến

 mà bệnh nhân cùng chi trả trong năm lớn hơn 8.940.000 đồng, bệnh nhân có trách nhiệm lưu giữ lại chứng từ thu phần chi phí đó và nộp cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Và các lần khám chữa bệnh đúng tuyến tiếp theo trong năm bệnh nhân phải xuất trình được giấy chứng nhận không cùng chi trả để để được miễn phần cùng chi trả trong năm.

24/03/2020

Tác giả: BS. Phạm Thành Luân

Câu chuyện trưa nay là về 1 tờ giấy. Tờ giấy này là bùa hộ mệnh cho rất nhiều bệnh nhân. Mà tiếc rằng không phải bệnh nhân nào cũng biết. Thường là các bệnh nhân có điều kiện và hiểu biết thì có nó, còn người nghèo thì không biết. Thậm chí nhiều bác sĩ còn không biết về nó.

Lá bùa đó mang tên: “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”.

Phép màu của nó là: Khi bạn bị ung thư [tôi làm ung thư nên chỉ đề cập bệnh này, bệnh khác hình như cũng vậy], nếu mức hưởng bảo hiểm y tế của bạn là dưới 100% [phổ biến là thẻ được hưởng 80%, 95%, đồng chi trả 20% hoặc 5% tùy theo loại thẻ bạn có] và tham gia bảo hiểm đủ 5 năm liên tục, thì sau khi khám chữa bệnh đúng tuyến, số tiền bạn phải đồng chi trả trong năm từ 6 tháng lương cơ bản trở lên [khoảng 8.5 triệu] thì bạn được cấp tờ giấy này. Và từ đó đến hết năm dương lịch đó, những lần đi điều trị sau bạn sẽ được hưởng mức 100%, tức miễn đồng chi trả [trừ một số thuốc thanh toán có điều kiện và kỹ thuật có điều kiện thanh toán thì không được tính].

Vậy nên khi ra viện bạn giữ lại giấy ra viện, hóa đơn và bảng kê chi phí của tất cả các đợt. Khi nào tính mình đã phải trả tầm 8.5 triệu [con số không cố định vì lương cơ bản có tăng theo năm miễn là từ 6 tháng lương cơ bản] thì lên cơ quan bảo hiểm xã hội của nơi cấp thẻ bảo hiểm [nhớ là bảo hiểm xã hội nhé, cơ quan này có ở cấp quận huyện] xin cấp tờ giấy này nhé.

Bệnh nhân ung thư thường có chi phí lớn. Các bạn hãy để ý để khỏi mất quyền lợi. Quy định này có từ lâu rồi mà ít người biết thôi.

P.s: Dưới đây là các hình ảnh minh họa, mời các bạn cùng tham khảo.

Hình 1. Mẫu Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm

Hình 2. Câu hỏi về thủ tục cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả bảo hiểm y tế

Hình 3. Điểm c khoản 1 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014
và Điểm m khoản 2 Điều 3 Quyết định 1399/QĐ-BHXH-2014

Hình 4. Điều 22 Thông tư liên tịch Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế

Tài liệu tham khảo

//www.facebook.com/luan.phamthanh.100/posts/2275484079384497

Chủ Đề