Giết thời gian là gì

Giết Thời Gian Hay Đang Tự Sát?

Bạn có thường thức dậy thật trễ vào ngày cuối tuần, để rồi chán ghét ngày thứ Hai?

Bạn có thường tự thưởng cho mình vài ngày nằm dài chẳng làm gì chỉ vì vừa kết thúc một kỳ thi?

Hay đơn giản hơn, bạn có thường tự hẹn với bản thân học bài đến 10 giờ để ngủ sớm, đúng 10 giờ vội vàng gấp sách và leo lên giường bấm điện thoại đến 1 giờ?

Con người là một sinh vật cấp cao có bộ não nhiều nếp nhăn nhất trong tất cả các loài, và chính vì thế, con người luôn có lý do để giải thích cho hành vi của mình một cách hợp tình hợp lý. Đơn cử như những câu chuyện trên đây, con người ta gọi đó là "giết thời gian" - một khái niệm không mấy xa lạ nhưng cũng chưa chắc là ta đã hiểu hết về nó.

Giết thời gian" - một khái niệm không mấy xa lạ nhưng cũng chưa chắc là ta đã hiểu hết về nó.

Thời gian là vàng bạc

Giết thời gian là gì? Nói nôm na, giết thời gian là cố làm việc gì đó để thời gian trôi qua nhanh chóng. Tới đây, nếu bạn vẫn chưa nhận ra có gì đó sai sai thì hãy đọc kỹ lại khái niệm trên lần nữa Ngay từ định nghĩa, cụm từ này đã hoàn toàn không mang một hàm ý tích cực như chúng ta vẫn gán cho nó.

Ai trong chúng ta có lẽ đều đã nghe qua không dưới mười lần câu nói "Thời gian là vàng bạc". Vậy, giết thời gian có phải chính là đang giết "vàng", giết "bạc" không? Thế tại sao chúng ta vẫn luôn làm điều đó hằng ngày với một tâm thế hoàn toàn thoải mái, không một chút đắn đo hay ái ngại gì?

Đây là một vấn đề tưởng chừng "có như không có", thực ra lại nghiêm trọng đến vô cùng. Tuổi trẻ, thứ quý giá nhất chúng ta không có gì ngoài sức khỏe và thời gian. Từng tích tắc trôi qua, cả thế giới chưa từng dừng lại, trong một giây, 3.400 email được gửi đi, 800 cuộc điện thoại được kết nối, người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos bỏ túi 2.489 USD, ngay cả mặt trời cũng không ngừng vận động, mỗi một giây nó thải ra một tấn vật chất vào vũ trụ, còn vũ trụ dãn nở thêm 68km. Và bạn thì vẫn đang thả đầu óc lãng đãng vào những bài đăng vô nghĩa trên mạng xã hội.

Tận hưởng thời gian

Vài năm gần đây, có một trào lưu truyền cảm hứng rất nhiều, đó là "sống chậm lại, và yêu bản thân mình hơn". Giữa những hối hả trong guồng quay bất tận của cuộc sống, đôi lúc chúng ta đã quên mất dành thời gian cho thế giới của riêng mình. Vì thế, đây là một phong trào rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, cố tình vịn vào đó để thanh minh cho sự lười nhác và thiếu trách nhiệm thì quả thật không đúng lắm.

Con người ta thường gọi nó bằng một danh xưng mĩ miều hơn "tận hưởng thời gian của riêng mình". Tận hưởng không sai, nhưng hãy tận hưởng đúng nghĩa tận hưởng.Quay lại với câu hỏi đầu bài, một thực trạng luôn xuất hiện trên khắp mạng xã hội vào tối chủ nhật, đó là hiện tượng "chán ghét thứ Hai"? Tại sao chúng ta luôn cảm thấy những ngày cuối tuần trôi qua thật nhanh chóng? Câu trả lời là vì chúng ta chẳng làm gì cả, nên cả ngày hôm ấy trôi qua mà chẳng đọng lại gì, ta gọi đó là tận hưởng ngày nghỉ, thực chất lại là đang lãng phí thời gian vô ích.

Thay vào đó, nếu chúng ta thử dậy sớm, tận hưởng không khí tinh mơ, từ từ cảm nhận những tia nắng buổi sáng, thanh lọc tâm hồn ta sau một tuần dài vất vả. Bắt đầu một ngày mới với một cảm giác sảng khoái không phải luôn tuyệt hơn là sự uể oải hay vội vã vì muộn giờ sao? Sau đó, chúng ta có thể dành thời gian cho thế giới của riêng mình, cho những sở thích cá nhân, nấu một món ăn mới, viết blog, quay vlog, học nhạc cụ,... miễn là nó không dành vào những việc vô nghĩa. Ấy mới là tận hưởng. Còn nằm dài trên giường, tay lướt điện thoại, miệng nhấm nháp vài gói bim bim, hay đơn giản là ngủ "hết tháng hết ngày", ấy là giết, giết thời gian và giết chính cuộc sống của bạn.

Giữa những hối hả trong guồng quay bất tận của cuộc sống, đôi lúc chúng ta đã quên mất dành thời gian cho thế giới của riêng mình.

Mắc kẹt trong những cám dỗ

Có lẽ bạn cũng như tôi, từng ít nhất một lần nghỉ giải lao 5 phút giữa giờ học, cuối cùng lại không nỡ đặt điện thoại xuống hay không nỡ dừng một video youtube.

Có lẽ bạn cũng như tôi, từng ít nhất một lần vừa học vừa nhắn tin, lướt web, hay thậm chí là đặt hàng online.

Có lẽ bạn cũng như tôi, từng ít nhất một lần tỉnh dậy mà chẳng biết hôm nay mình phải làm gì, và lại tiếp tục nằm dài, suy nghĩ vẩn vơ, thế là hết một ngày.

Và nếu bạn đều đã trải qua những điều đó mà chưa từng cảm thấy bản thân sống thật vô nghĩa, thì bạn quả thật có một tinh thần "kiên định" tuyệt vời. Còn tôi, vô số lần tôi nghĩ tới điều đó, dằn vặt có, ray rứt có, nhưng rồi lại chẳng thoát được cái vòng lẩn quẩn ì ạch đó. Tôi cũng tự thanh minh cho mình, ấy là "giết thời gian", ấy là "tận hưởng cuộc sống". Dĩ nhiên, tôi biết mình lầm.

Với tôi, và có thể là nhiều người khác nữa, giết thời gian ban đầu chỉ đơn thuần là một hành vi vô thưởng vô phạt, dành một chút thời gian rảnh rỗi để giải trí, lâu dần, bởi không kiểm soát chặt chẽ, nó đã trở thành một thói quen xấu với những hệ lụy không đáng có, chẳng hạn như trễ hẹn, trễ học, trễ deadline,... chỉ vì "ngủ thêm 5 phút", "nghỉ giải lao 5 phút" hay "chơi cái này 5 phút". Nếu không kịp thời nhìn nhận và thay đổi, thì điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta trong tương lai. Chẳng ai muốn nhận một nhân viên thường xuyên đến muộn, chậm trễ công việc. Và trong các mối quan hệ cũng vậy, chẳng ai muốn có một người bạn luôn trễ hẹn trong mọi việc.

Thức khuya làm việc là biểu hiện không kiểm soát được thời gian

Tôi đừng đọc đâu đó có một câu rất tâm đắc, đại khái là: "Nếu bạn phải thức khuya làm việc, đừng tự hào, nó chỉ chứng tỏ rằng bạn đã không quản lý tốt thời gian của mình." Đúng vậy, việc phải làm, thứ phải học cứ ngày một chất đống, còn bạn thì tự cho mình một quyền năng hơn người "học một ít đủ rồi", "làm nhoáng phát là xong", và cuối cùng đánh đổi bằng những đêm dài thức trắng, kết quả thì cũng trên dưới mức trung bình, chẳng thể khá hơn khi bạn làm việc một cách nhồi nhét cho kịp thời gian.

Chúng ta đang sống trong thế giới 4.0, đôi lúc nó khiến chúng ta lầm tưởng về năng lực của con người, rằng ta có thể làm nhiều việc một lúc để tối ưu hóa công việc. Thực chất suy nghĩ sai lầm này chính là thứ lãng phí thời gian của chúng ta nhiều nhất. Bởi nó khiến chúng ta mất tập trung khi làm việc, đầu óc phải suy nghĩ thêm một việc khác, thời gian làm việc cũng theo đó mà kéo dài hơn, hiệu quả công việc càng không thể đạt tối đa với một tâm trí xao nhãng.

Làm thế nào để "giết thời gian" đúng cách để không lãng phí thời gian quý báu của tuổi trẻ?

Trước tiên, việc quan trọng nhất đó là xác định được công việc cần làm trong một ngày tùy theo những mục tiêu dài hạn hay ngắn hạn. Ngoài những công việc bắt buộc, còn có thể có những việc cá nhân, những kế hoạch riêng của bạn. Sắp xếp chúng theo một thứ tự ưu tiên tùy vào mức độ quan trọng. Có như thế, bạn mới cảm thấy có động lực hơn để thức dậy mỗi ngày.

Chỉ cần một tờ giấy và một cây bút, dành thêm vài phút mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn đã có thể khiến ngày mai bắt đầu một cách tuyệt vời hơn. Cùng với đó, để tận dụng tối đa khoảng thời gian hiện có, bạn phải đặt từng việc vào những khoảng thời gian hợp lí trong ngày. Để làm gì? Để không tồn đọng bất kỳ khoảng thời gian thư thả nhàm chán mà thông thường sẽ khiến bạn lần nữa có cơ hội sa đà vào việc "giết thời gian". Nếu việc sắp đặt mọi thứ trên giấy hơi khó khăn và bất tiện thì bạn có thể sử dụng một số công cụ có thể hỗ trợ phân bổ công việc trong khoảng thời gian dài một cách hợp lý và linh hoạt hơn, điển hình như Google Calendar, Todoist, hoặc bất kỳ ứng dụng nào mà bạn thích.

Khoảng thời gian nghỉ giữa những công việc lớn không nên quá dài, và tuyệt đối đừng để trống lịch. Bởi nếu như thế, đầu óc bạn sẽ cho rằng đã đến lúc phải nghỉ ngơi, giải trí, thay vào đó, hãy đặt những công việc nhỏ trong kế hoạch của riêng bạn vào đó, có thể là đọc sách, luyện nghe ngoại ngữ, chép chính tả ngoại ngữ, học nhạc cụ,... Chỉ với 25 phút tưởng như chẳng để làm gì, bạn đã có thể hình thành một thói quen mới, nghe hay ho phết, nhỉ?

Một kế hoạch hoàn hảo với đầy đủ những nội dung cần thiết, không thừa ra những khoảng thời gian lãng phí mới chỉ là "điều kiện cần", có đạt được mục tiêu đặt ra hay không phụ thuộc vào "điều kiện đủ". Trong trường hợp này, "điều kiện đủ" chính là tập trung hiệu suất tối đa để hoàn thành công việc đã định. Một yêu cầu tiên quyết ở đây là nói không với "đa nhiệm". Tức là, chỉ làm một việc duy nhất, không thêm bất cứ việc gì khác trong khoảng thời gian đó. Có một phương pháp đã trở thành "huyền thoại" được dùng để giải quyết vấn đề này, và chính nó cũng đã giúp tôi vượt qua được giai đoạn ì ạch của mình, đó là Pomodoro, hay còn có cái tên đáng yêu khác là Phương pháp Quả cà chua.

Pomodoro là cách thức làm việc tập trung cao trong khoảng thời gian 25 phút, sau đó nghỉ 5 phút và lại tiếp tục như vậy, khoảng 4 lần thì nghỉ dài 10 - 15 phút. 25 phút không phải khoảng thời gian quá dài, vì thế việc cố gắng tập trung trong chừng ấy không đến nỗi quá khó khăn. Một công việc có khi sẽ không thể giải quyết gói gọn trong 1 Pomodoro, bạn có thể đặt số Pomodoro tùy vào lượng thời gian bạn cảm thấy là cần thiết. Và nếu hoàn thành sớm hơn, đừng ngừng lại, cố gắng rà soát lại công việc lần nữa. Nói ngắn gọn là hãy chỉ dành thời gian của Pomodoro cho một việc duy nhất.

Ai trong chúng ta có lẽ cũng từng một lần trải qua khoảng thời gian hoang phí. Thời gian là thứ quý giá nhất trong đời người, và sự thật đau lòng là nó vẫn đang ngắn dần đi từng ngày. Vậy nên, hy vọng chúng ta đều sống đúng nghĩa là sống, từng ngày vươn lên, từng ngày phát triển, để không bao giờ bị bỏ lại đằng sau cuộc rượt đuổi với thời gian. Tôi tin tôi, và tôi đã làm được, còn bạn, bạn có tin mình không?

Tác Giả:LYs

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link://www.facebook.com/plzluvurself

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng [tổng giá trị +8,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards] và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng củaYBOX.VN?Xem chi tiết tại link:

Chủ Đề