Hán vũ đế là ai

Năm Chinh Hòa thứ 4 (năm 89 TCN), khi Hán Vũ Đế phong thiện Thái sơn, khiêm tốn nói rằng: “Từ khi trẫm lên ngôi đến nay, hành động bồng bột, làm thiên hạ sầu khổ, không hối lại được. Từ nay những việc tổn thương bách tính, phí sức thiên hạ, phải bỏ hết đi.”

Xem lại: Hán Vũ Đế (phần 11): Thừa Thiên mệnh - Tám lần phong thiện Thái Sơn

Hán Vũ Đế tại vị 54 năm, cả đời mang chí tiến thủ, văn trị võ công, tạo dựng cơ đồ trước nay chưa từng có, đưa đế quốc Đại Hán lên đỉnh cao hưng thịnh. Tuy nhiên, trong hưng thịnh cũng tiềm tàng nguy cơ, khi Hán Vũ Đế tại vị được 20 năm, quốc gia xuất hiện nguy cơ tài chính nghiêm trọng, vào những năm cuối, Hoàng hậu Vệ Tử Phu và Thái tử Lưu Cứ lần lượt tự sát, quốc gia lâm cảnh không người kế vị. Cùng với việc trong triều không còn hai vị đại tướng Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh, chiến tranh với Hung Nô cũng bị thất bại nhiều.

Đối mặt với trùng trùng nguy cơ, Hán Vũ Đế đã ung dung ứng phó như thế nào để duy trì chính quyền, và còn lưu lại những giai thoại lưu truyền thiên cổ?

Biện pháp hưng lợi

Chúng ta đã biết, Hán Vũ Đế trong cả cuộc đời đã làm rất nhiều đại sự, đối ngoại đánh bại Hung Nô, tứ diện dụng binh khai mở cương vực; đối nội tuần hành nhiều lần, phong thiện Thái sơn, triển khai xây thành Sóc Phương, thông tây nam Di, đại công trình tu sửa Hoàng Hà. Những công tích đó cần một lượng lớn tài lực. Ví dụ, Hán Vũ Đế ban thưởng tướng sĩ và vỗ về hàng tướng Hung Nô, đã chi hơn 10 tỷ tiền, các hạng mục thủy lợi cũng chi tốn cả tỷ tiền. Như vậy toàn bộ tài phú tích cóp từ thời Hán Sơ Văn Cảnh đã tiêu hết rất nhanh.

Hán vũ đế là ai

Tượng Tang Hoằng Dương, trong  "Giang tô nghi hưng mai tử cảnh tang thị tông phổ" đời Thanh.(Miền công cộng)

Năm thứ ba Nguyên Thú (năm 120 TCN) sau trận chiến Mạc Bắc, quốc khố xuất hiện cảnh túng quẫn, thu không đủ chi. Năm thứ hai, khu vực Sơn Đông bị lũ lụt, triều đình mở kho phát chẩn, vay mượn của phú hào, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề dân đói, phải di dời dân chúng về phía tây Hàm Cốc quan, ăn ở dọc đường do quan phủ địa phương cung cấp, tài chính của quan phủ cũng nhanh chóng tiêu hết.

Hán Vũ Đế với nhãn quan sắc bén, trọng dụng các đại thần có năng lực thương nghiệp, thông qua cải cách chế độ kinh tế để hóa giải nguy cơ. Trong đó có ba vị đại thần kiệt xuất gọi là “Lý tài tam kiệt”, là Đông Quách Hàm Dương, Khổng Cận, Tang Hoằng Dương.

Đông Quách Hàm Dương từ gia đình nhiều đời buôn muối, Khổng Cận buôn sắt đúc, họ đều là thương nhân đại phú. Tang Hoằng Dương sinh ra trong gia đình phú thương, 13 tuổi đã tinh thông tính toán, được tuyển làm Thị trung, theo hầu Hán Vũ Đế, quan hệ quân thần rất gần gũi. Khi Hán triều gặp khủng hoảng kinh tế, Tang Hoằng Dương càng được trọng dụng, nắm đại quyền quản lý tài chính.

Được ba vị đại thần là nhân tài thương nghiệp kiến nghị, Hán Vũ Đế đã đưa ra hàng loạt biện pháp điều chỉnh chính sách kinh tế, tích lũy được nhiều tiền tài trong thời gian ngắn.

Biện pháp đầu tiên là quốc hữu hai ngành có lợi nhuận cao là ngành muối (Diêm) và ngành sắt (Thiết), cho đặt các quan cai quản muối sắt trên toàn quốc, loại bỏ tư doanh. Khi đó toàn quốc có 27 quận, đặt hơn 30 Diêm quan, 40 quận quốc, đặt 50 Thiết quan, dưới sự quản lý của Đại nông thừa. Trong những năm Nguyên Đỉnh, Hán triều liên tục dụng binh, phần lớn chi phí đều dựa vào lợi nhuận của muối, sắt do các quan phủ thu nộp. Mặt khác, do quan phủ kinh doanh có quy mô lớn, nhân lực dồi dào, kỹ thuật đun muối đúc sắt cũng cao hơn hẳn phường nghề thủ công trước đây. Sau này việc kinh doanh rượu cũng do quốc gia nắm giữ.

Biện pháp thứ hai là cho thực thi chính sách Quân thâu và Bình chuẩn, đó là quốc gia nắm giữ vận chuyển thương phẩm, buôn bán, bình ổn vật giá. Các địa phương đặt Quân thâu quan, phụ trách vận chuyển thương phẩm, mang thương phẩm từ các địa phương muốn vận chuyển lên kinh thành, chiểu theo giá thị trường mang đến vùng có giá cao hơn để bán, nhằm giảm thiểu phí vận chuyển vùng xa, đồng thời triều đình thu lợi từ giao dịch vận chuyển đó. Bình chuẩn là điều tiết vật giá, kinh thành đặt “Ủy phủ”, thu gom hàng hóa trong thiên hạ, thông qua mua thấp bán cao mà tăng thu nhập tài chính.

Biện pháp thứ ba là thi hành trong một đoạn thời gian chế độ Toán mân và Cáo mân, đó là thu thuế tài sản của bách tính, đồng thời trừng trị kẻ giấu tài sản.

Vẫn còn một biện pháp quan trọng nữa sau thời Tần Thủy Hoàng, đó là thống nhất tiền tệ. Bởi vì thời Hán Sơ, các địa phương có thể tự đúc tiền, dẫn đến thị trường tiền tệ hỗn loạn, cũng làm cho cường hào và chư hầu vương sinh dã tâm. Thời Hán Vũ Đế, quốc gia nắm quyền đúc tiền, tiến hành thống nhất tiền tệ toàn quốc, tức là  “Ngũ thù tiền” (một thù=1/24 lạng): tiền đẹp, trọng lượng vừa phải, khó đúc trộm được.

Án Vu cổ

Vu cổ là một loại tà thuật hại người thời cổ đại, phương thức thường thấy là dùng người gỗ nhỏ để bùa chú. Cổ nhân tín phụng Thần minh, rất căm nghét thuật Vu cổ, nếu ai đó trong cung đình làm chuyện này, sẽ bị trách phạt nghiêm khắc, thậm chí bị tử hình. Ban đầu thời Hán Vũ Đế, Trần Hoàng hậu vì liên quan án Vu cổ mà bị phế truất, đến những năm cuối Hán Vũ Đế, trong cung phát sinh vụ án lớn liên quan Vu cổ, sự kiện này cũng là biến cố lớn nhất trong cuộc đời Hán Vũ Đế.

Hán vũ đế là ai

Vụ án Vu cổ là một đại án liên quan nhiều người phát sinh vào những năm cuối hán Vũ Đế. Một phần bức tranh "Hán cung thu nguyệt" của Viên Diệu đời Thanh. (Miền công cộng)

Chuyện này bắt đầu từ Thái tử Lưu Cứ của Hán Vũ Đế. Lưu Cứ là con trai cả của Hán Vũ Đế, khi ấy Hán Vũ Đế đã tại vị hơn 13 năm, do đó ông rất vui mừng, không chỉ lập thân mẫu của Lưu Cứ là Vệ Tử Phu làm Hoàng hậu, mà còn lập làm Thái tử khi Lưu Cứ 7 tuổi, ra sức chăm sóc, dạy dỗ. Hán Vũ Đế lựa chọn đại Nho gia trong quần thần để giáo dục Thái tử, đợi Thái thử thành niên, lại xây dựng khu vườn Bác Vọng,  để Thái tự tự do kết giao tân khách, mở mang tầm nhìn. Về triều chính, mỗi khi Hán Vũ Đế xuất cung tuần du, là giao cho Thái tử giám quốc, với những việc Thái tử quyết đoán, Hán Vũ Đế cũng không có ý khác.

Khi Thái tử đã lớn, Vệ Tử Phu nhan sắc tàn phai, dần dần không được sủng ái, mà các phi tần trẻ khác liên tiếp sinh Hoàng tử. Thêm nữa Thái Tử tính cách nhân hậu cẩn thận, không giống tính cách Hán Vũ Đế, lý niệm trị chính cũng bất đồng, điều đó làm Thái tử và Hoàng hậu bắt đầu lo lắng.

"Tư trị thông giám" có ghi, Hán Vũ Đế biết được điều đó, khi trò chuyện với Vệ Thanh, cậu của Thái tử, có nói: “Triều đại của ta có nhiều chuyện xảy ra từ thời khai sáng, lại thêm giặc ngoài can nhiễu liên miên, nếu trẫm không cải biến chế độ, đời sau sẽ không có chuẩn tắc dựa vào; nếu không xuất binh chinh phạt, thiên hạ không thể an định, cho nên bất đắc dĩ phải làm bách tính lao khổ. Nếu đời sau lại làm như thế, chẳng phải là lại đi vào vết xe đổ diệt vong của nhà Tần sao. Thái tử tính cách trầm tĩnh, khẳng định có thể an định thiên hạ, không làm trẫm lo lắng. Muốn tìm một vị quân chủ dùng văn trị quốc, thì còn có ai hơn được thái tử đây!

Vệ Thanh thuật lại cho chị Vệ Tử Phu, bà tháo khăn trên đầu đi tạ tội với Hán Vũ Đế.

Do Thái tử nhân hậu, gian tà tiểu nhân trong triều đình để nắm giữ quyền thế nên đã cố ý hãm hại Thái tử, trong đó kẻ gian tà nhất là cận thần của Hán Vũ Đế tên Giang Sung. Có một lần, xe ngựa Thái tử không cẩn thận đã đi vào đường dành cho Hán Vũ Đế, bị Giang Sung bẩm báo, từ ấy hai người kết oán.

Năm Chinh Hòa thứ hai (năm 91 TCN), em rể của Vệ Tử Phu, cha con tể tướng Công Tôn Hạ bị vu cáo dùng vu cổ bùa chú Hoàng đế, bị hạ ngục xử tử, còn liên lụy đến con gái của Vệ Tử Phu, cháu trai cũng bị xử tử. Giang Sung thấy Hán Vũ Đế đã già, lo rằng Thái tử kế vị sẽ bất lợi cho hắn, nên nghĩ ra cách đổ án Vu cổ cho Thái tử. Hắn nhân lúc Hán Vũ Đế lâm bệnh, nói rằng trong cung có cổ khí, có người đang bùa chú Hoàng đế. Thế là Hán Vũ Đế cho Giang Sung làm sứ giả, triệt để điều tra Vu cổ án.

Giang Sung liền cho người đi khắp nơi đào tìm người gỗ, giết cả vạn người. Sau đó hắn tra xét phi tần không được sủng ái, rồi tra xét cả cung điện của Thái tử và Hoàng hậu. Giang Sung đào bới đến mức trong cung không còn chỗ đặt giường, cuối cùng nói là tìm thấy nhiều người gỗ trong cung Thái tử. Bởi khi ấy Hán Vũ Đế đang dưỡng bệnh ngoài thành Trường An, Thái tử và Hoàng hậu phái người vấn an Hoàng đế nhưng không tìm thấy. Thầy giáo của Thái tử là Thạch Đức nhận định, bị cuốn vào án Vu cổ là rất nguy hiểm, mà nay Hoàng đế bị bệnh không biết sống chết thế nào, rõ đây là Giang Sung thừa cơ hãm hại Thái tử. Thạch Đức kiến nghị Thái tử, giả thánh chỉ giết Giang Sung, sau đó dần dần tìm âm mưu phía sau.

Sau khi Thái tử giết Giang Sung, do không biết tình hình của Hán Vũ Đế, thế là cử binh tự bảo vệ, lúc nguy cấp liền tổ chức một đội quân gồm Thị vệ của Hoàng hậu, tù phạm và người Hồ. Khi ấy thành Trường An hỗn loạn, Hán Vũ Đế nhận tin truyền đến, nói Thái tử khởi binh tạo phản. Ban đầu Hán Vũ Đế không tin, phái sứ thần đi gọi Thái tử đến để hỏi rõ sự tình. Nhưng vị sứ giả đó quá sợ hãi, chưa tới Trường An đã vội quay về nói dối là Thái tử xác thực đã làm phản. Hán Vũ Đế đành hạ lệnh cho Thừa tướng phát binh bình phản loạn, đồng thời thu ấn tín Hoàng hậu. Vệ Tử Phu tự biết kiếp nạn đến, nên lẳng lặng tự sát. Sau đó, quân đội của Thái tử và Thừa tướng giao chiến 5 ngày, chết mấy vạn người, máu chảy thành sông, Thái tử binh bại chạy trốn.

Nỗi đau mất con

Do ngộ nhận là Thái tử mưu phản, Hán Vũ Đế vừa đau xót vừa phẫn nộ, bách quan cũng chẳng biết an ủi ra sao. Nhưng Hồ Quan tam lão (Hồ Quan là tên địa danh, Tam lão là người phụ trách việc giáo dục, trị an của địa phương) dâng thư Hán Vũ Đế, nói Thái tử là người kế thừa đại nghiệp ngàn thu, lại là đích trưởng tử của Hoàng đế; Giang Sung chỉ là kẻ bình dân, được trọng dụng mà lên phú quý, lại còn tụ tập lũ tiểu nhân hãm hại Thái tử, phá hoại quan hệ phụ tử của Hoàng đế và Thái tử. Thái tử tiến thì không gặp vua cha, thoái thì bị gian thần hãm hại, không còn cách gì nên đành phải hạ sát Giang Sung. Ông cho là việc Thái tử khởi binh chỉ là tự cứu mình, chứ không có tâm hiểm ác, đồng thời kiến nghị Hán Vũ Đế không truy bắt Thái tử, tránh việc Thái tử phải lưu vong lâu dài.

Hán vũ đế là ai

Tranh Câu Dặc phu nhân, trong "Bách mỹ tân vịnh đồ truyện". (Miền công cộng)

Hán Vũ Đế xem xong thư rất xúc động, nhưng lệnh tha tội chưa kịp ban thì bi kịch đã phát sinh. Thái tử chạy về phía đông, trốn trong một gia đình bần hàn ở Hà Nam, Hồ huyện, chủ nhà dựa vào bán giày mưu sinh, nuôi Thái tử. Thái tử nhớ ra ở đó có một người bạn giàu có, bèn cử người đi tìm, không may bị quan phủ địa phương phát giác. Khi quan binh vây bắt, Thái tử biết không thể trốn thoát nên treo cổ tự tử. Trong hỗn loạn, chủ nhà cũng bị chết, hai con trai của Thái tử cũng bị hại.

Một năm sau, năm Chinh Hòa thứ 3 (năm 90 TCN), Hán Vũ Đế đã 66 tuổi, quan viên điều tra vụ án Vu cổ phát hiện rất nhiều án oan. Hán Vũ Đế cũng hiểu rõ sự tình, Thái tử bị Giang Sung bức bách, lúc nguy cấp mới khởi binh giết người, chứ không có mưu đồ phản loạn. Lại có một vị quan viên trông coi tế miếu Hán Cao Tổ tên là Điền Thiên Thu, dâng tấu chương lên Hán Vũ Đế nói: “Con dùng binh của cha, tội đáng đánh roi. Con của Thiên tử lỡ ngộ sát người, là tội gì chứ! Thần mộng thấy một vị lão nhân  đầu bạc nói như vậy.”

Hán Vũ Đế lập tức cho vời vào gặp, cảm khái nói, sự tình giữa phụ tử, người ngoài khó biết rõ, chỉ có ông là nói trúng trọng tâm. Câu đó cũng không phải ông nói, mà là của ông lão đầu bạc, là của Hán Cao Tổ đó. Hán Vũ Đế thấy Điền Thiên Thu là người hiền tài, phong cho chức Đại Hồng Lô, lại cho bắt cả nhà Giang Sung, những kẻ tham dự mưu hại Thái tử cũng bị xử phạt. Do thương tiếc Thái tử Lưu Cứ vô tội bị hại, Hán Vũ Đế cho xây một cung riêng để tưởng nhớ Thái tử, còn cho xây một đài cao ở huyện Hồ để tiếc thương. Người trong thiên hạ nghe chuyện này đều cảm thương.

Lưu Cứ mất, nhưng quốc gia không thể không có người kế vị, Hán Vũ Đế nhẫn chịu buồn đau, lựa chọn người kế vị trong các hoàng tử, cuối cùng chọn Lưu Phất Lăng, con trai nhỏ của Câu Dặc phu nhân. Câu Dặc phu nhân người Hà Gian, có một lần Hán Vũ Đế đi tuần du Hà Gian, có người giỏi xem thuật khí nói nơi đây có vị kỳ nữ, nên cho vời đến một nữ nhân trẻ, người này có nắm tay nắm chặt, không thể duỗi ra, Hán Vũ Đế tự thân mở bàn tay, nắm tay cô ấy liền mở ra được. Thế là người con gái ấy được mang về cung, phong làm Quyền (nắm tay) phu nhân, cũng gọi là Câu Dặc phu nhân.

Những năm sau này của Hán Vũ Đế, Câu Dặc phu nhân rất được sủng ái, có mang 14 tháng mới sinh hoàng tử Lưu Phất Lăng. Thánh vương Nghiêu thời viễn cổ cũng sinh ra sau khi hoài thai 14 tháng, cho nên Hán Vũ Đế cho rằng cậu bé không phải tầm thường, cho xây một cung riêng gọi là “Nghiêu mẫu môn” cho Câu Dặc phu nhân. Khi Hoàng tử lên 5, 6 tuổi, thân hình cao lớn, thông minh lạ thường, Hán Vũ Đế cảm thấy rất giống mình, chủ ý lập làm Thái tử. Thế là ông cho họa sĩ cung đình vẽ bức “Chu công phụ Thành vương” (Chu công phò tá Thành Vương), ban cho đại thần Hoắc Quang là người có tính cách trầm tĩnh cẩn thận, ý là muốn lập Lưu Phất Lăng làm Thái tử. Đến năm Hậu Nguyên thứ 2 (năm 87 TCN), Hán Vũ Đế bệnh nặng, chính thức lập Lưu Phất Lăng mới 8 tuổi làm Thái tử, còn chọn 4 vị đại thần phò tá do Hoắc Quang đứng đầu, hoàn thành việc kế thừa cơ nghiệp đế quốc.

Luân Đài chiếu lệnh

Năm Chinh Hòa thứ 3 (năm 90 TCN) còn phát sinh một sự kiện trọng đại, đó là Lý Quảng Lợi dẫn 7 vạn quân xuất chinh Hung Nô, đây là trận chiến cuối cùng của Lý Quảng Lợi, cũng là trận chiến Hung Nô cuối cùng trong thời Hán Vũ Đế. Trước khi xuất phát, Tể tướng Lưu Khuất Mao bày tiệc đưa tiễn. Khi ấy, vị trí Thái tử còn đang trống, Lý Quảng Lợi muốn con trai của em mình Lý phu nhân - là Xương Ấp vương lên làm Thái tử, hy vọng Lưu Khuất Mao nói giúp với Hán Vũ Đế. Lưu Khuất Mao và Lý Quảng Lợi là thông gia, cũng mong xúc thành việc này, nên nhận lời ngay.

Hán vũ đế là ai

Luân Đài huyện ở Bayingol và Tân Cương. ( Wikimedia / CC BY SA 3.0))

Ban đầu, Lý Quảng Lợi binh mã cường tráng, chiến sự rất thuận lợi, quân Hung Nô bị đánh tơi bời. Nhưng sau đó ba tháng, có người bẩm báo việc Lưu Khuất Mao và Lý Quảng Lợi mật mưu lập Thái tử, còn mật cáo vợ Lưu Khuất Mao dùng vu thuật bùa chú Hán Vũ Đế. Kết quả là cả nhà Lưu Khuất Mao bị xử tử, nhà Lý Quảng Lợi cũng bị cầm tù. Lý Quảng Lợi hay tin vô cùng sợ hãi, hy vọng đại phá Hung Nô lấy công chuộc tội, nên mạo hiểm đưa đại quân vào sâu đất địch, một mạch bắc tiến qua sông Chí Cư. Quân Hán đại chiến với hai vạn quân Hung Nô, giành thắng lợi lớn.

Nhưng tin gia đình Lý Quảng Lợi bị cầm tù, dần dần lan truyền trong quân, thuộc hạ tướng sĩ cũng thì thầm bàn bạc, cho là Lý Quảng Lợi chỉ vì lợi thân mà không kể an nguy toàn quân, chuẩn bị bắt ông ta, dừng tiến quân. Lý Quảng Lợi sau khi phát hiện ra, giết chủ mưu, để yên lòng quân sĩ, cho rút đại quân về Yên Nhiên sơn. Hung Nô Thiền Vu biết tin, lập tức phát binh 5 vạn truy kích quân Hán. Lý Quảng Lợi quân tâm dao động, lại thêm lo lắng về an toàn của gia đình, chiến cuộc lập tức quay ngược. Hung Nô thừa lúc quân Hán không phòng bị, nửa đêm cho đào hào sâu vài xích trước doanh trại quân Hán, sáng ra mới tập kích từ phía sau. Quân Hán tiến thoái lưỡng nan, mất hết chí chiến đấu, 7 vạn binh mã toàn quân sụp đổ, Lý Quảng Lợi binh bại đầu hàng.

Từ năm Nguyên Quang thứ 2 (năm 133 TCN) đến lúc này, Hán Vũ Đế binh chinh Hung Nô đã liên tục 14 năm. Những năm cuối Hán Vũ Đế gặp hàng loạt biến cố, ông bắt đầu phản tỉnh tự thân chỗ hay chỗ dở, có ý muốn thay đổi sách lược. Khi ấy, đại thần tài chính Tang Hoằng Dương đề xuất, cho lập đồn điền ở Luân Đài (nay là huyện Luân Đài Tân Cương), chiêu mộ bách tính tới đây trồng trọt sản xuất, đảm bảo thực lực phía Tây Vực của quân Hán.  Nhưng Hán Vũ Đế không chấp thuận, đồng thời ban bố chiếu thư tỏ rõ tâm chí, cũng là tác phẩm trứ danh “Luân Đài tội kỷ chiếu” (chiếu tự trách tội ở Luân Đài).

Nội dung chiếu thư có mấy điểm trọng yếu sau. Một là suy nghĩ lại khi dùng binh nhiều năm chinh phạt, viễn chinh tứ phương, đại quân trên đường hao binh tổn tướng, vận chuyển lương thảo cũng khốn khổ vô cùng; mà Luân Đài là nơi xa xôi ngàn lý ở Xa Sư quốc, cho dù đồn điền trồng trọt thành công, vấn đề vận chuyển khó mà giải quyết. Hai là, cấm chỉ thi hành chính sách hà khắc, phải coi trọng nông nghiệp, Hán Vũ Đế cho rằng làm đồn điền ở Luân Đài sẽ tăng gánh nặng cho dân, chinh chiến nhiều năm đã làm tài chính, sức dân suy kiệt, việc cấp bách là để cho dân nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, Hán Vũ Đế cũng không xem nhẹ quân sự, phục hồi chế độ miễn trừ thuế và lao dịch cho những hộ nuôi ngựa chiến.

Chiếu thư này ban bố, có nghĩa là triều đình chuyển chính sách từ lập công trạng sang bảo vệ thành quả. Đây cũng là chiếu tự trách tội đầu tiên trong lịch sử của Hoàng đế Trung Hoa, triển hiện tấm lòng quảng đại cùng trí tuệ xuất sắc của Hán Vũ Đế. Sử gia Ban Cố tán dương Hán Vũ Đế: “Năm cuối đời vứt bỏ đất Luân Đài, lại hạ chiếu xót thương, đó chẳng phải là nỗi niềm hối hận của bậc Thánh hiền sao?”

Ông cho là, Hán Vũ Đế có thể thản đãng soi xét lại mình như vậy, chỉ có bậc Thánh hiền mới làm được mà thôi.

Sau đó Hán Vũ Đế không dùng binh, phong Điền Thiên Thu, vị quan giải oan cho Thái tử,  làm tể tướng và tước vị Phú Dân Hầu, để biểu thị sự thay đổi quốc sách. "Tư trị thông giám" có ghi, năm Chinh Hòa thứ 4 (năm 89 TCN), khi Hán Vũ Đế phong thiện Thái sơn, khiêm tốn nói rằng: “Từ khi trẫm lên ngôi đến nay, hành động bồng bột, làm thiên hạ sầu khổ, không hối lại được. Từ nay những việc tổn thương bách tính, phí sức thiên hạ, phải bỏ hết đi.”

Đoạn văn này có thể dùng chú giải cho Luân Đài chiếu.

Lúc này, cách lúc Hán Vũ Đế băng hà 2 năm. Hán Vũ Đế kế thừa 6 đời cơ nghiệp đế vương, cả đời mở mang, văn sùng Nho học, võ định tứ phương, chiêu nạp hiền tài thiên hạ, đặt định lễ nhạc pháp độ, thành tựu nhiều mục “Đệ nhất” trong lịch sử. Ông khai sáng một thời đại đỉnh thịnh, cũng ý thức được nguy cơ tiềm tại trong quốc nội, do vậy đã tiến hành điều chỉnh trong những năm cuối, chỉ rõ phương hướng cho triều Hán về sau. Cho nên sử học gia đã dùng cụm từ “Hùng tài đại lược” để tán dương Hán Vũ Đế, dùng “Hoán nhiên khả thuật” (Hoán nhiên: Rực sáng) tán dương công tích hiển hách. Nhìn lại cuộc đời Hán Vũ Đế, quả không hổ là vị Thiên Cổ Nhất Đế !

 (Hết)

Thái Bình
Theo Epochtimes

Bạn bình luận gì về tin này?

Chuyên mục: Văn hoá Lịch sử Bài chọn lọc