Hình ảnh đoàn tàu được miêu tả như thế nào Hai đứa trẻ

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Thạch Lam và tác phẩm Hai đứa trẻ

- Giới thiệu hình ảnh đoàn tàu

2. Thân bài

* Vị trí: Hình ảnh con tàu xuất hiện ở cuối truyện ngắn

* Phân tích

a. Chuyến tàu đêm được miêu tả theo trình tự thời gian

- Trước khi tàu đến:

+ Nơi phố huyện ấy chỉ là một không gian đầy rẫy những bóng tối bủa vây

+ Dường như trở nên rộn ràng hơn bởi bóng dáng của vài ba người đi đón bà chủ ở tỉnh về trên tay mang những chiếc đèn lồng sáng hoắc.

+ Tiếng bác Siêu vọng ra đầy hứng khởi.

+ Hai chị em Liên ngóng đợi tàu

- Khi tàu đến:

+ Liên đánh thức em dậy

+ Hai chị em cùng ngồi ngắm nhìn những toa tàu sáng loáng đèn.

+ Tiếng những hành khách bắt đầu ồn ào, vồn vã.

+ Đoàn tàu vụt qua mang theo những ánh sáng chiếu xuống một vùng xua đi vẻ tăm tối vốn có

- Khi tàu đi:

+ Để lại niềm tiếc nuối và hụt hẫng

+ Khuất mình sau rặng tre già

b. Ý nghĩa của chuyến tàu đêm

- Phản ánh thực tại tăm tối

- Những mơ ước, hy vọng nhỏ nhoi của người lao động nghèo nơi phố huyện.

- Thể hiện được tấm lòng thương cảm của nhà văn tới những kiếp người nghèo khổ.

3. Kết bài

- Khái quát và mở rộng vấn đề

Bài mẫu

   Con tàu là sản phẩm của nền văn minh phương Tây, xuất hiện ở Việt Nam trong bối cảnh người Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa Đông Dương. Sự xuất hiện của nó không chỉ làm thay đổi đời sống kinh tế – xã hội, mà còn đem đến cho văn chương Việt Nam một nguồn thi liệu mới. Giờ đây, bên cạnh hình ảnh con thuyền – bến sông, trong văn chương nước nhà đã có thêm hình ảnh sân ga – con tàu. Giữa rất nhiều sáng tác trước 1945, chúng ta thấy truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã miêu tả thành công hình ảnh con tàu.

   Trước hết, hình tượng con tàu được nhà văn miêu tả nhằm thể hiện tình trạng tàn lụi của cuộc sống. Cuộc sống “đang cùn đi, gỉ đi” (Nam Cao) vốn là một chủ đề phổ biến trong văn chương trước cách mạng tháng Tám. Với mỗi nhà văn, chủ đề này sẽ được thể hiện theo từng cách khác nhau. Trong Hai đứa trẻ, hiện thực cuộc sống được nhà văn Thạch Lam quan sát qua tình huống con tàu về ga. Như đã biết, bối cảnh câu chuyện Hai đứa trẻ là khu phố huyện nghèo. Ở đây có đường sắt chạy qua, có sân ga để con tàu theo lịch trình hằng đêm về đón và trả khách. Con tàu vô hình trung đã trở thành một phần cuộc sống của khu phố huyện. Nó là niềm hi vọng của nhiều người trong cuộc mưu sinh. Bởi vậy, đêm đêm, mọi người vẫn thức để đợi con tàu về ga. Với chị em Liên, việc đợi tàu chủ yếu vì một lí do khác. Trong tác phẩm, hình tượng con tàu được miêu tả qua cái nhìn của chị em Liên. Nghệ thuật miêu tả của nhà văn theo lối từ xa đến gần. Khi con tàu sắp về đến sân ga, nó được nhận ra qua “ngọn lửa xanh biếc” và tiếng còi “trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”. Gần hơn, con tàu hiện ra với “một làn khói bừng sáng trắng”, với “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống lòng đường”. Mọi hình ảnh, âm thanh, ánh sáng… của đoàn tàu đều được hai chị em Liên quan sát kỹ lưỡng. An nói với Liên: “Tàu hôm nay không đông chị nhỉ”. Câu nói này chỉ ra hai hiện thực. Thứ nhất, chị em Liên vẫn hằng đêm thức đợi tàu. Thứ hai, so với trước, chuyến tàu hôm nay vắng khách hơn. Ở một hoàn cảnh khác, chuyện đông khách, vắng khách sẽ là chuyện bình thường. Nhưng trong trường hợp này, nhận xét của An có ý nghĩa khắc sâu chủ đề tư tưởng “cuộc sống đang tàn lụi” của nhà văn. Để thấy rõ điều này, cần phải đặt câu nói của An trong hệ thống những câu văn khác của tác phẩm. Chúng tôi muốn nói tới ba câu văn, đoạn văn sau:

   - “Hôm nay, ngày phiên mà bán hàng cũng chẳng ăn thua gì”.
   - “Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?”.
   - “Trước kia, ở sân ga, có mấy hàng cơm mở đón khách, đèn sáng cho đến nửa đêm. Nhưng bây giờ họ đóng cửa cả rồi, cũng im lặng tối đen như ngoài phố”.

   Câu thứ nhất là cảm nghĩ của Liên, câu thứ hai là lời chị Tý, còn đoạn trích dẫn thứ ba là miêu tả của nhà văn về những hàng quán ở sân ga. Suốt một ngày chợ phiên mà Liên bán hàng “chẳng ăn thua gì”. Khách hàng chị Tý không ra mua hàng đều đặn như mọi khi. Cảnh những hàng quán ở sân ga thật tàn tạ. Cái tấp nập “đèn sáng cho đến nửa đêm” giờ chỉ còn là dĩ vãng. Hiện thực trước mắt thật u buồn: những hàng cơm cửa đóng then cài, chìm nghỉm giữa bóng đêm dày nặng. Liên kết những hình ảnh, chi tiết nói trên, chúng ta nhận ra chủ ý nghệ thuật của Thạch Lam. Nhà văn không triết lý kiểu như Nam Cao mà để các hình thức nghệ thuật tự “lên tiếng”. Văn Thạch Lam nhẹ nhàng mà sâu sắc là vì vậy.

   Hình tượng con tàu ngoài ý nghĩa tả thực còn mang ý nghĩa biểu trưng. Tính chất biểu trưng của nó được xác nhận qua luồng ánh sáng rực rỡ. Trong cảm nhận của những tâm hồn thơ trẻ như Liên và An, ánh sáng con tàu gợi về một thế giới khác “vui vẻ và huyên náo” hơn. Nó đối lập với cái u buồn, thinh lặng của không gian phố huyện. “Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu”. Trên nền cảm nhận về sự đối lập của hai thứ ánh sáng đó, tâm hồn Liên nảy sinh những khát khao về sự đổi thay cuộc sống. Rõ ràng, những đứa trẻ như Liên, An đã mất đi cái hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ. Thay vào đó là nỗi buồn, là sự tự cố gắng để hy vọng vào một ngày mai. Chuyện hai chị em cố thức để đợi tàu chính là vì cái lẽ ấy. Ta hiểu vì sao khi con tàu vừa rời khỏi sân ga, Liên lập tức “lặng theo mơ tưởng”. Tâm hồn Liên đang tìm về với thế giới của ánh sáng rực rỡ và âm thanh huyên náo. Khi viết câu văn “Liên lặng theo mơ tưởng”, Thạch Lam hình như cũng đang đau đầu về một sự đổi thay!

 Loigiaihay.com

Hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ là một chi tiết đắt giá thể hiện rất nhiều ý đồ của người sáng tác. Một hình ảnh vừa mang ý nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng đáng suy ngẫm cho người đọc. Kiến Guru sẽ đồng hành cùng bạn phân tích ý nghĩa và những giá trị tác giả muốn gửi gắm qua hình ảnh đoàn tàu nhé.

I. Tìm hiểu chung để phân tích hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ

1. Tác giả

- Thạch Lam (1910-1942) sinh ra trong gia đình gia giáo, có truyền thống về văn học.

Tác giả Thạch Lam (1910-1942)

- Những tác phẩm của ông chủ yếu là truyện ngắn mang nội dung sâu sắc về con người, nhân sinh, chất chứa giá trị nhân đạo cao cả.

- Những tác phẩm nổi tiếng của Thạch Lam: Nắng trong vườn, Ngày mới, Gió lạnh đầu mùa, Sợi tóc,…

2. Tác phẩm

- Phân tích Hai đứa trẻ chúng ta sẽ cảm nhận được tại sao đây là một tác phẩm tiêu biểu cho lối văn của Thạch Lam, viết về cuộc sống khó khăn, tăm tối tại một huyện nghèo với những số phận tội nghiệp và cuộc sống cùng cực nhưng luôn có ước mơ và niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

- Khái quát về hình ảnh đoàn tàu đêm muộn: Hình ảnh đoàn tàu là một chi tiết đắt giá, giàu ý nghĩa đã góp phần làm nên sự thành công của truyện, một hình ảnh ghi dấu ấn khó phai khiến người đọc trăn trở và nghĩ suy nhiều điều...

II. Phân tích chi tiết hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ

1. Khái quát về tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm Hai đứa trẻ được gợi lên từ những số phận và cảnh đời riêng nơi phố huyện nghèo Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là quê ngoại của nhà văn với những kỉ niệm xưa cũ một thời tuổi thơ.

- Tóm tắt nội dung:

   Liên và An là hai nhân vật chính được tác giả tập trung khai thác nhiều nhất, đặc biệt là xung quanh hình ảnh đoàn tàu, cả hai chị em đã từng có cuộc sống đầy đủ, ấm no ở Hà Nội. Do gia đình xảy ra những biến cố, hai đứa trẻ phải chuyển về sống nơi phố huyện nghèo nàn - một cuộc sống nhiều khổ cực, đơn điệu và nhàm chán. Trong một buổi chiều buồn man mác như mọi ngày, Liên cảm thấy lòng buồn hơn khi nhìn thấy những đứa trẻ con trong huyện phải đi nhặt nhạnh những đồ thừa trong phiên chợ chiều sót lại. Xung quanh chị em Liên là cuộc sống không mấy sáng sủa của chị Tí, bác Siêu, bác Xẩm... Thế nhưng chừng ấy con người sống lầm lũi trong bóng tối ấy vẫn hy vọng vào cái gì đó tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn ở tương lai phía trước. Niềm mong ước ấy được thể hiện qua việc thức chờ chuyến tàu đêm muộn chạy ngang qua phố huyện. Chuyến tàu đêm mang hơi thở hoa lệ từ Hà Nội về, lăn bánh qua phố huyện tối đen rồi khuất dạng, im tiếng giữa trời đêm thăm thẳm. Lúc đó, những người buôn bán của phố huyện mới dọn hàng về nhà sau một buổi tối ế ẩm. Còn hai đứa trẻ Liên và An cũng dần dần chìm vào giấc ngủ tĩnh mịch.

2. Hình ảnh đoàn tàu đi theo trình tự mô tả của tác giả

- Trước khi đoàn tàu đến: Hình ảnh của đoàn tàu được báo trước với những yếu tố:

+ Đèn ghi xanh biếc.

+ Tiếng còi của xe lửa.

+ Tiếng xe rít mạnh vào ghi.

+ Một làn khói trắng lên đằng xa.

+ Tiếng của những hành khách ồn ào khe khẽ.

Hai chị em thức chờ chuyến tàu đêm

- Khi đoàn tàu đến:

+ Đoàn tàu đến với phố huyện trong tâm trạng chờ đợi đầy khắc khoải của Liên và An: phân tích hai đứa trẻ chúng ta sẽ thấy diễn biến tâm trạng rõ ràng của chúng. Dù hai đứa trẻ đã buồn ngủ ríu cả mắt, nhưng hai chị em vẫn cố gắng gượng thức để đợi bằng được chuyến tàu đêm.

+ Hai chị em cùng ngắm nhìn đoàn tàu chạy qua: những toa tàu sáng trưng, cửa kính sáng lên lấp lánh, đồng và kền lấp lánh…

+ Tàu hôm nay không đông, thưa vắng người và cũng kém sáng hơn -> Sự quan sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng và nhạy cảm của hai đứa trẻ dù đó chỉ là những thay đổi nhỏ nhất.

-> Đoàn tàu vụt qua nhanh chóng nhưng cũng kịp mang đến cho nơi đây nguồn sáng lấp lánh, tỏa khắp phố huyện nghèo tăm tối.

 - Khi tàu đi:

+ Đốm than đỏ bay tung trên đường tàu.

+ Cái chấm nhỏ trên chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng.

+ Xa xa mãi rồi cũng khuất dần sau rặng tre.

-> Đoàn tàu khuất bóng để lại sự tiếc nuối và hụt hẫng trong tâm trí hai chị em.

3. Ý nghĩa của chuyến tàu đêm.

- Chuyến tàu xuất hiện chớp nhoáng rồi biến mất trong sự đợi chờ, mong mỏi của người dân phố huyện, mang đến nơi đây một không gian hoàn toàn khác, khác xa với sự tĩnh lặng, nhàm chán và đầy bóng tối nơi phố huyện nghèo.

- Đoàn tàu chính là tia hồi quang gợi nhớ lại trong hai chị em những tháng ngày sung sướng, ấm no, hạnh phúc xa xưa.

- Đoàn tàu mang đến hơi thở của một thế giới giàu sang, sung túc và nhịp sống nhộn nhịp, phồn hoa rực rỡ, khác hoàn toàn với cuộc sống nghèo nàn, mòn mỏi, tăm tối quẩn quanh tại phố huyện nghèo nàn.

- Đó là chuyến tàu chở theo khát vọng, chuyến tàu của những mơ ước tương lai muốn thoát khỏi cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt hiện tại và thay đổi bằng một thế giới mới, tươi đẹp hơn, đầy ánh sáng hơn.

- Thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc và tấm lòng thương cảm của Thạch Lam tới những kiếp người nghèo khổ trong xã hội.

III. Tổng kết phần phân tích hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ

1. Giá trị nội dung

-      Thể hiện lòng trắc ẩn, tinh thần nhân đạo sâu sắc của tác giả với những phận đời nghèo khổ trong xã hội.

-      Thái độ trân trọng những ước mơ, hy vọng của những con người nơi phố huyện về một tương lai tốt đẹp hơn.

2. Giá trị nghệ thuật

-  Hình ảnh đoàn tàu mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

-  Kết hợp giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn một cách tinh tế.

Với những hướng dẫn phân tích hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ như trên hy vọng sẽ là nguồn tham khảo bổ ích cho bạn đọc và hỗ trợ cho các bạn thật hiệu quả trong các kỳ thi. Để chọn đọc những bài viết phân tích hay về các chi tiết đắt giá trong nhiều tác phẩm văn học trong chương trình ngữ văn thì các bạn hãy tải app học tập Kiến Guru để chúng mình hỗ trợ bạn tốt nhất nhé.