Hướng dẫn 08 của thành ủy đà nẵng

LTS: Ngày 27-10-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng ký ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay. Báo Đà Nẵng giới thiệu toàn văn chỉ thị quan trọng này.

Đô thị Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: KIM LIÊN

CHỈ THỊ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay

Qua mười năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 06-11-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính của khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội có chuyển biến tích cực; cải cách hành chính khối chính quyền tiếp tục duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với thí điểm mô hình chính quyền đô thị, xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thành phố từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cuộc vận động “5 xây”, “3 chống” được triển khai sâu rộng, trở thành phong trào thường xuyên, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và chất lượng giải quyết công việc, tạo được sự hài lòng cho tổ chức, công dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy tại một số cơ quan, địa phương, đơn vị có lúc, có nơi chưa đảm bảo về tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; thứ tự xếp hạng một số chỉ số quan trọng như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh [PCI], chỉ số cải cách hành chính [PAR Index], chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh [PAPI] những năm gần đây có chiều hướng giảm. Công tác kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên có chuyển biến nhưng chưa đồng đều ở các cấp; vẫn còn tình trạng nể nang, hình thức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, sợ trách nhiệm, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, cần có những giải pháp kịp thời, quyết liệt để sớm khắc phục, chấn chỉnh, góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ, củng cố niềm tin của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ. Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tăng cường quán triệt, tuyên truyền, tạo bước chuyển biến căn bản, rõ nét trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, triển khai cam kết và phát động phong trào đấu tranh, đẩy lùi tình trạng “né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn” trong thực thi công vụ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XI, XII], Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng [khóa XIII], Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị [khóa XII, XIII]; qua đó, khơi dậy và lan tỏa tinh thần tích cực, trách nhiệm, tạo động lực mới, nhất là khát vọng phát triển, cống hiến của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trong đó, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải thực sự nêu gương, là người truyền cảm hứng về niềm tin, khát vọng cống hiến, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

2. Nâng cao hiệu quả, chất lượng cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, chính quyền chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt người dân, tổ chức và doanh nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài.

2.1. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; Đề án của Thành ủy về cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết của Thành ủy và Đề án của Ủy ban nhân dân thành phố về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong thực hiện công tác cải cách hành chính và các văn bản có liên quan. Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt giải pháp cải thiện thứ hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh [PCI], cải cách hành chính [PAR Index], hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh [PAPI]. Lấy sự hài lòng của người dân làm “thước đo” của công tác cải cách hành chính.

2.2. Tập trung rà soát và khẩn trương điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp, quy định của cấp ủy, cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ thủ trưởng tại cơ quan hành chính Nhà nước. Rà soát, cụ thể hóa, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh thủ tục, chi phí và kéo dài thời gian giải quyết công việc.

2.3. Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ gắn với tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương; tiếp tục thực hiện tốt Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước trong điều kiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị; thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai và các điều kiện đảm bảo việc phân cấp, ủy quyền. Triển khai tốt Đề án số 03-ĐA/TU ngày 16-8-2022 của Thành ủy về “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Hoàn thiện khung năng lực, vị trí việc làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới.

- Đổi mới công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng đào tạo chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống thực tế, đào tạo theo cơ chế đặt hàng từ các cơ quan, địa phương, đơn vị.

2.4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo [AI] trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử, tăng cường triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Sớm hoàn thành nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng; tập trung kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia về Kho dữ liệu thành phố và chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị dùng chung để phân tích, dự báo, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công của thành phố; vận hành, khai thác hiệu quả Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh và các trung tâm điều hành quận, huyện.

3. Nhận diện, kiểm điểm, đánh giá trên tinh thần phê bình và tự phê bình, “tự soi, tự sửa” để có biện pháp kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và đẩy lùi tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó, tập trung một số biểu hiện sau:

[1] Không thực hiện đúng quy chế làm việc. Né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn đối với những vấn đề tồn tại, vướng mắc nhiều năm; những vấn đề mới nhưng có mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật hoặc pháp luật không còn phù hợp. [2] Không chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện hoặc quyết định giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Không chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền các biện pháp giải quyết các công việc, nhất là công việc có khó khăn, vướng mắc. [3] Tham mưu “lòng vòng”, không nêu rõ quan điểm, chính kiến, không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm trong công việc được giao. [4] Tìm cơ sở, căn cứ, lý do để không làm hoặc tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình. [5] Khi cùng một vấn đề có quy định khác nhau thì chỉ áp dụng những quy định có lợi cho mình, đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác hoặc lệ thuộc vào các cơ quan tư vấn. [6] Những việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn tham mưu, chỉ đạo xin ý kiến của cấp trên. Thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trước các khiếu nại, bức xúc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp. [7] Khi được hỏi hoặc xin ý kiến thì không trả lời hoặc trả lời chung chung, không rõ quan điểm, chậm trễ trong việc tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền. [8] Người đứng đầu đùn đẩy, né tránh, giao cho cấp phó trả lời hoặc cung cấp thông tin; không quyết định những việc thuộc thẩm quyền của mình mà để người khác quyết định hoặc ký thay. [9] Một việc, một vấn đề nhưng tổ chức họp bàn nhiều lần, yêu cầu lấy ý kiến nhiều nơi, yêu cầu báo cáo nhiều lần nhưng không giải quyết được công việc. Nội dung chỉ đạo chung chung, khi có nhiều ý kiến khác nhau thì không quyết định, kết luận rõ ràng, không nêu quan điểm, chính kiến, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, yêu cầu bổ sung trình tự, thủ tục mới hoặc chờ đợi sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên hoặc cơ quan chức năng hướng dẫn. [10] Buông lỏng quản lý, không theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới, nhất là các việc có tồn tại, vướng mắc, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

4. Cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kết hợp giữa xây và chống để chấn chỉnh, khắc phục, đẩy lùi tình trạng nêu trên, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần quyết liệt thực hiện trong thời điểm hiện nay.

- Tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả cuộc vận động xây dựng “trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu” và văn hóa liêm chính, khát vọng cống hiến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao, trách nhiệm nêu gương, thái độ làm việc và phục vụ Nhân dân, tập trung ở những cơ quan, địa phương, đơn vị có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh kéo dài, biểu hiện trì trệ, thường xuyên chậm trễ tiến độ công việc. Phát huy chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn, trách nhiệm đối thoại với người dân, doanh nghiệp, trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng và các cá nhân có chức vụ, quyền hạn. Xây dựng chế tài xử lý nghiêm và kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công tác khác đối với những trường hợp có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không tích cực thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc vì lợi ích cá nhân tạo ra các yêu cầu gây khó khăn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Công khai kết quả xử lý vi phạm để tập thể, người dân và xã hội cùng giám sát việc khắc phục.

- Cụ thể hóa và thực hiện nghiêm Quy định số 124-QĐ/TW ngày 04-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Xây dựng cơ chế, tiêu chí đánh giá thực chất việc thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả, xem đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Nghiêm túc kiểm điểm, phê bình, đánh giá và có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân không đảm bảo về tiến độ, chất lượng công việc, nhất là những công việc đã được đôn đốc, chỉ đạo nhiều lần.

- Tiếp tục quán triệt và nhận thức đầy đủ tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xác định rõ trách nhiệm, sự đồng hành của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong xem xét, đánh giá, bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; kịp thời rà soát, bổ sung Quy chế làm việc về thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy trong việc đánh giá, nhận xét cán bộ thuộc diện cấp mình quản lý trong quá trình công tác có những đề xuất hoặc quyết định giải quyết các vấn đề mới nhưng có sự mâu thuẫn, xung đột trong các quy định của pháp luật hoặc pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn hoặc đề xuất, quyết định giải quyết để tháo gỡ những vấn đề có khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm vì lợi ích chung.

- Người đứng đầu chịu trách nhiệm cao nhất khi để cơ quan, đơn vị hoặc cấp dưới chậm trễ tiến độ, không đạt hiệu quả công việc vì các biểu hiện nêu trên; gương mẫu trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh, đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho cấp dưới; chống quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức; phải có thư xin lỗi công dân, tổ chức khi công việc chậm trễ và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ; gặp những vấn đề khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo và tham mưu cho người có thẩm quyền để xử lý.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xây dựng Kế hoạch cụ thể hóa triển khai Chỉ thị; giúp Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả và chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị dự toán kinh phí triển khai thực hiện.

5.2. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố chỉ đạo xây dựng Kế hoạch cụ thể hóa triển khai Chỉ thị này. Hằng năm, Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố có ít nhất 2 cuộc giám sát chuyên đề thực hiện nhiệm vụ, trọng tâm trên các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận, cử tri, doanh nghiệp quan tâm.

5.3. Ban Nội chính Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, hoàn thành trước ngày 15-11-2023; có trách nhiệm phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Chỉ thị.

5.4. Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Kế hoạch học tập, tuyên truyền và tổ chức hội nghị quán triệt nội dung Chỉ thị, hoàn thành trước ngày 15-11-2023; hướng dẫn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội và đánh giá chất lượng, kết quả đợt sinh hoạt; hoàn thành trong tháng 11-2023.

5.5. Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cụ thể hóa các nội dung liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ; các chủ trương về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Chỉ thị này, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trong quý I/2024.

5.6. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu cụ thể hóa các chủ trương liên quan công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng tại Chỉ thị; đưa nội dung Chỉ thị vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.

5.7. Ban Dân vận Thành ủy, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, Ban Thường vụ Thành Đoàn định kỳ hằng năm tổ chức giám sát việc thực hiện Chỉ thị tại các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là giám sát trách nhiệm người đứng đầu.

5.8. Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong năm 2023 và thường xuyên trong các năm tiếp theo gắn với cam kết thực hiện của từng cá nhân; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Thành ủy [qua Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố] để theo dõi, chỉ đạo.

Chủ Đề