Hướng dẫn 1914 của bộ quốc phòng năm 2024

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh [1914-1967] là chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, vị tướng tài năng, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh tư liệu

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đảm nhiệm nhiều trọng trách ở các địa bàn, lĩnh vực có nhiều khó khăn, gian khổ, luôn “hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trao cho”[1].

Đặc biệt, trên các cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó bí thư Tổng Quân ủy [nay là Quân ủy Trung ương], Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam[2] và Dân quân Việt Nam [nay là Quân đội nhân dân Việt Nam], Đại tướng “đã có công lớn trong việc góp phần tăng cường và củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền nếp công tác chính trị, phát huy bản chất cách mạng của Quân đội...”[3]; trong đó, có những đóng góp quan trọng, góp phần khẳng định vai trò công tác Đảng, công tác chính trị [CTĐ, CTCT] trong Quân đội nhân dân [QĐND] Việt Nam.

1. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định công tác Đảng, công tác chính trị là “linh hồn và mạch sống của Quân đội”

Lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng nhất quán khẳng định: Chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Quân đội thực sự là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, công cụ bạo lực sắc bén, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bàn về vai trò của nhân tố chính trị-tinh thần, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”[4]. Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân [12/1944], Người chỉ rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”[5] và trong Bài nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp Quân đội [nay là Học viện Chính trị], Người huấn thị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[6]. Tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” trong xây dựng Quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất với quan điểm “người trước, súng sau” của Đảng, là đường lối, nguyên tắc chỉ đạo, phương châm xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở.

Quán triệt sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, trên cơ sở tổng kết CTĐ, CTCT sau 15 năm xây dựng Quân đội [1944-1959], Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đúc rút thành luận điểm: CTĐ, CTCT là “linh hồn và mạch sống của Quân đội”. Đây là luận điểm nổi tiếng của Đại tướng, đã khái quát cô đọng, ngắn gọn, đầy đủ nhất về vai trò của CTĐ, CTCT đối với QĐND Việt Nam. Đại tướng khẳng định: “Lịch sử xây dựng và phấn đấu của Quân đội ta trước hết là lịch sử Đảng lãnh đạo Quân đội; quá trình trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta gắn liền với việc không ngừng củng cố và tăng cường CTĐ, CTCT trong Quân đội. CTĐ, CTCT đã là linh hồn và mạch sống của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta thực sự trở thành một Quân đội của dân tộc, của giai cấp, một đội quân tất thắng”[7].

Luận giải sâu sắc về vai trò CTĐ, CTCT “là linh hồn và mạch sống của Quân đội”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: Toàn bộ hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội thể hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, nhằm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, là truyền thống, sức mạnh không thể thiếu của Quân đội. Tiến hành CTĐ, CTCT là vấn đề có tính nguyên tắc, đóng vai trò quan trọng trong giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của QĐND Việt Nam.

Theo Đại tướng: “Quá trình xác định địa vị, vai trò, tính chất của công tác chính trị là một quá trình đấu tranh về nhận thức, tư tưởng trong Quân đội”[8]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, CTĐ, CTCT trong Quân đội tiến hành nhiều nhiệm vụ quan trọng và phức tạp, như: Xây dựng Đảng, giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác dân vận, địch vận... “Nếu tổ chức đảng không có cơ quan công tác chính trị để thông qua đó mà lãnh đạo Quân đội thì hiệu lực lãnh đạo của Đảng sẽ bị hạn chế, việc phát động đông đảo cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội ta tự giác và triệt để chấp hành các nhiệm vụ sẽ không thực hiện được”[9].

Đại tướng chỉ rõ thực chất của công tác chính trị: “Công tác chính trị là công tác Đảng, công tác vận động quần chúng của Đảng trong Quân đội, tính chất của nó phải là lãnh đạo, chiến đấu và quần chúng. Thoát ly hay không quán triệt ba tính chất đó, công tác chính trị sẽ thiếu tính Đảng, thiếu sức mạnh, sẽ sa vào tình trạng lệch lạc, chung chung, mơ hồ, hành chính, kỹ thuật đơn thuần... Công tác chính trị phải kết hợp chặt chẽ với công tác tham mưu, hậu cần, phải làm cho mọi công tác đó thực hiện được tốt”[10].

Quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội đã chứng minh vai trò CTĐ, CTCT là “linh hồn và mạch sống”, trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho QĐND Việt Nam luôn giữ vững định hướng chính trị và không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân, có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Hiện nay, đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam trên mọi phương diện, trong đó, chúng tập trung tuyên truyền các luận điệu phản động, đòi “trung lập hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, Quân đội mất định hướng chính trị.

Thực tiễn đó đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đúng vai trò của CTĐ, CTCT trong Quân đội. Trên cơ sở đó, tiến hành có chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT, bảo đảm cho Quân đội vững mạnh về chính trị, góp phần xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[11] như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

2. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị vững mạnh

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự trưởng thành của Quân đội, ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL “Về tổ chức Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam”, gồm các cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp, có nhiệm vụ “Trực tiếp giúp Tổng Tư lệnh trong việc chỉ đạo chiến tranh về phương diện quân sự”[12]. Theo Sắc lệnh số 121/SL, Tổng cục Chính trị được thành lập trên cơ sở nâng cấp Cục Chính trị thành Tổng cục Chính trị[13]. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL bổ nhiệm “đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị”[14].

Vai trò của CTĐ, CTCT được thể hiện chủ yếu thông qua hoạt động của hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tổ chức đảng, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên-đại biểu của Đảng trong Quân đội. Nhận thức rõ điều đó, sau khi nhận trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dành thời gian, tâm huyết, công sức, trí tuệ để xây dựng hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong toàn quân, trước hết là xây dựng cơ quan Tổng cục Chính trị xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ là cơ quan chiến lược giúp Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy lãnh đạo, chỉ đạo CTĐ, CTCT trong Quân đội.

Trong phiên họp đầu tiên với các đồng chí Cục trưởng và Chánh văn phòng Tổng cục Chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, theo đồng chí, “cần nhanh chóng tổng kết công tác chính trị trong Quân đội” để có cơ sở đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng cơ quan và chỉ thị các đồng chí Cục trưởng khẩn trương chuẩn bị cho tổ chức hội nghị toàn quân về tuyên huấn, tổ chức, bảo vệ, địch vận... nhằm tạo sự chuyển biến về công tác chính trị trong Quân đội.

Quá trình đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn nắm chắc tình hình, nhiệm vụ của cách mạng, của Quân đội, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh để xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Theo Đại tướng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ “giúp Tổng Tư lệnh chỉ đạo Quân đội về phương diện chính trị”[15], cơ quan Tổng cục Chính trị phải nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất giúp Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh quyết định những chủ trương, giải pháp lớn về CTĐ, CTCT. Đồng thời, căn cứ chủ trương, nghị quyết của Tổng Quân ủy, chỉ thị, mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh để xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới thực hiện có hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT.

Đại tướng luôn quan tâm xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội “vững mạnh, chặt chẽ và đều khắp”[16]; xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên; chỉ đạo các tổ chức đảng chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thường xuyên và tích cực nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt; tiến hành có chất lượng công tác kiểm tra, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kết hợp xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cán bộ chủ trì với xây dựng cấp ủy mạnh...

Quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[17], Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội nói chung, cán bộ chính trị nói riêng. Từ việc nghiêm khắc đánh giá, phê bình hạn chế trong công tác cán bộ, Đại tướng nêu lên những vấn đề có tính nguyên tắc về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó nhấn mạnh: “Đề bạt cán bộ là căn cứ theo nhu cầu thực tế và lợi ích cách mạng”, “đề bạt cán bộ đúng chính sách, phục vụ kịp thời cho nhu cầu công tác và lớn mạnh của Quân đội”[18].

Đồng chí yêu cầu: Phải nắm chắc tình hình cán bộ; đào tạo, điều chỉnh hợp lý và mạnh dạn đề bạt những cán bộ có triển vọng, chú ý đề bạt cán bộ công nông, coi trọng trí thức cách mạng; chú trọng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, nắm bắt và vận dụng đúng đắn Chủ nghĩa Mác-Lênin, nâng cao lòng yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản; tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ; cải thiện điều kiện sinh hoạt cho cán bộ. Đội ngũ cán bộ chính trị phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng; phương pháp, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, chính xác, khẩn trương, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo.

Đại tướng phê bình: “Cái lối ba hoa sáo rỗng, làm ăn hình thức chủ nghĩa và giáo điều chủ nghĩa đều là những chứng bệnh rởm, bệnh lười của những anh chàng cách mạng tiểu tư sản”[19]. Đại tướng yêu cầu đội ngũ cán bộ chính trị phải sâu sát thực tiễn để hiểu được, nắm chắc hoạt động của đơn vị, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội và học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ, khả năng tham mưu, đề xuất trúng, đúng cho việc xây dựng chủ trương, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Đại tướng chỉ rõ: “Người cán bộ cao chừng nào, càng đi sục sạo đây đó nhiều chừng ấy, và như thế càng làm cho quan hệ trên dưới rất tốt... Anh dám đi xuống, có khi lúc đầu tác dụng phần nào, sau càng ngày con mắt sẽ tinh hơn, tai sẽ càng thính hơn, tác dụng sẽ nhiều hơn”[20].

Với tâm huyết của mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Ban Chủ nhiệm và Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đúng nguyên tắc, với chất lượng, hiệu quả cao. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ Quân đội nói chung, cán bộ chính trị nói riêng ngày càng trưởng thành, có số lượng và cơ cấu hợp lý, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ học vấn, năng lực chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Những cống hiến của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong xây dựng hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, góp phần khẳng định vai trò của CTĐ, CTCT trong Quân đội có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Học tập và vận dụng quan điểm, tư tưởng của Đại tướng trong tình hình mới, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị khóa IX “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”; Quy định số 51-QĐ/TW ngày 29/12/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII “Về tổ chức cơ quan chính trị trong QĐND Việt Nam”.

Tập trung xây dựng hệ thống cơ quan chính trị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, gắn chặt với xây dựng tổ chức đảng, cấp ủy trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Tăng cường rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, đổi mới phong cách, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ chính trị, nâng cao hiệu quả và khẳng định vai trò của CTĐ, CTCT trong xây dựng Quân đội, đáp ứng yêu cầu củng cố, tăng cường quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh định hướng, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nguyên tắc, chế độ công tác Đảng, công tác chính trị

Xây dựng, hoàn thiện nguyên tắc, chế độ hoạt động CTĐ, CTCT là cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, góp phần khẳng định vai trò của CTĐ, CTCT trong Quân đội. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dày công nghiên cứu và khái quát thành bảy nguyên tắc của CTĐ, CTCT trong QĐND Việt Nam, tập trung đề cập các nội dung cơ bản, chủ yếu, như: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội; công tác chính trị phải đi sâu vào cuộc sống chiến đấu và xây dựng của Quân đội; công tác chính trị không thể chung chung, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng... Trong đó, nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội “là nguyên tắc bất di bất dịch trong việc xây dựng Quân đội kiểu mới như Quân đội ta”[21], nhằm bảo đảm cho Quân đội “đi đúng đường lối giai cấp, đi đúng phương hướng chính trị của Đảng và làm tròn nhiệm vụ cách mạng của mình”[22].

Đại tướng chỉ rõ: “Muốn không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ của cán bộ và chiến sĩ để thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, phải thông qua một chế độ công tác chính trị và hệ thống công tác chính trị chặt chẽ. Trong lịch sử Quân đội ta, lúc nào chúng ta nắm vững và tăng cường chế độ công tác chính trị thì Quân đội ta tiến lên đúng hướng, liên tiếp giành thắng lợi. Ngược lại thì đi vào lầm lẫn và gặp nhiều khó khăn”[23].

Theo Đại tướng, để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, hoạt động CTĐ, CTCT với các tính chất lãnh đạo, chiến đấu và quần chúng phải lấy dân chủ tập trung làm chế độ, lấy lãnh đạo tập thể làm nguyên tắc cao nhất của sự lãnh đạo của Đảng; trên cơ sở đó thực hiện đoàn kết nội bộ Đảng, nội bộ Quân đội, phát huy được trí tuệ của Đảng và của quần chúng, giảm bớt được chủ quan, phiến diện trong lãnh đạo, tránh và ngăn chặn được tệ phát triển uy quyền cá nhân, độc đoán, vô chính phủ. Đồng thời, phải lấy kỷ luật sắt tự giác của Đảng để giữ gìn sự thống nhất tư tưởng, hành động trong Đảng và làm cơ sở cho kỷ luật quân sự; lấy tự phê bình, phê bình làm quy luật phát triển; lấy đảng ủy làm hạt nhân lãnh đạo, đồng thời xác định chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo của tập thể đảng ủy; lấy chi bộ làm cơ sở.

Những nguyên tắc Đại tướng nêu ra đã trở thành những vấn đề cốt lõi của CTĐ, CTCT trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội, “góp phần hướng Quân đội đi đúng đường lối của Đảng cả về tư tưởng và tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện muốn hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò của công tác chính trị, làm cho Quân đội ta trong bất cứ tình huống nào đều phát huy mạnh mẽ bản chất và truyền thống cách mạng, nâng cao nhanh chóng sức chiến đấu, đánh thắng mọi kẻ thù”[24].

Để phát huy hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT trong Quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu cấp ủy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, chỉ huy các cấp nhận thức đúng về vị trí quan trọng hàng đầu của công tác lãnh đạo tư tưởng. Theo Đại tướng, “lãnh đạo tư tưởng nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ có lập trường quan điểm, tư tưởng cách mạng đúng đắn, kiên quyết và triệt để thực hiện đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng đề ra”[25]; nhờ sự lãnh đạo tư tưởng đúng đắn và đặt ra việc lãnh đạo tư tưởng trong nhân dân thành một vấn đề quan trọng bậc nhất nên chúng ta đã giành được ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần trong so sánh lực lượng giữa ta và địch. Đó là điều căn bản, bảo đảm cho cuộc kháng chiến của ta lâu dài, gian khổ, nhưng chắc chắn thắng lợi.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đại tướng khái quát thành năm nguyên tắc, sáu phương pháp lãnh đạo[26] công tác tư tưởng trong hoạt động CTĐ, CTCT. Những nguyên tắc, phương pháp lãnh đạo tư tưởng của Đại tướng thể hiện tính khoa học sâu sắc và rất hiệu quả trong xây dựng nền nếp, chế độ công tác chính trị và phát huy sức mạnh trong công tác tư tưởng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Những đóng góp to lớn đó được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ghi nhận trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có công lớn trong việc củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, xây dựng Quân đội về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của Quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác chính trị, nâng cao nhanh chóng sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân”[27].

Kế thừa, vận dụng các nguyên tắc, chế độ CTĐ, CTCT, nguyên tắc, phương pháp lãnh đạo công tác tư tưởng trong Quân đội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cần tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về “xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”[28], qua đó “giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với QĐND”[29].

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu” gắn với xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, mẫu mực về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương [khóa XIII] “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương [khóa XIII] “Về những điều đảng viên không được làm” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Phong trào Thi đua Quyết thắng và Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương “Về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”.

Phát huy vai trò các tổ chức, lực lượng, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống, pháp luật, chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức; kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, nhất là âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo đảm Quân đội luôn là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh [01/01/1914 - 01/01/2024] là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục tôn vinh, tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, trong đó có những đóng góp quan trọng, góp phần khẳng định vai trò của CTĐ, CTCT trong QĐND Việt Nam. Qua đó, tiếp tục giáo dục, tiếp lửa truyền thống cách mạng cho Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhất là thế hệ trẻ, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào, tự tôn dân tộc; ra sức học tập, lao động sáng tạo, đoàn kết thống nhất, quyết tâm bảo vệ vững chắc “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”[30] và xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

----

[1] “Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam”. In trong: Nhiều tác giả, Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 3, Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội, 2013, tr.642.

[2] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.332.

[3] Xã luận Báo Nhân Dân, số 4837, ra ngày 08/7/1967, tr.1.

[4] V.I. Lênin, Toàn tập, tập 41, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.147.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.539.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.217.

[7] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội [tuyển chọn những bài nói và viết], Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.284.

[8] Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 1, quyển 2, Sđd, tr.275.

[9] Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 1, quyển 2, Sđd, tr.287.

[10] Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 1, quyển 2, Sđd, tr.287.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.158.

[12] Tổng cục Chính trị, Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr.143.

[13] Cơ quan tiền thân của Tổng cục Chính trị là Cục Chính trị, thành lập tháng 9/1945 theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương để quản lý công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang do Việt Minh lãnh đạo, mà nòng cốt là Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ra Sắc lệnh số 34/SL, đặt Chính trị Cục là 1 trong 10 cơ quan của Bộ Quốc phòng. Ngày 06/5/1946, Kháng chiến Ủy viên Hội đổi tên thành Quân sự Ủy viên Hội theo Sắc lệnh số 60/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gọi tắt là Quân ủy Hội; theo đó, 1 Cục Chính trị khác được thành lập trực thuộc Quân ủy Hội. Tháng 11/1946, Bộ Quốc phòng sáp nhập với Quân sự Ủy viên Hội thành Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy theo Sắc lệnh số 230/SL ngày 30/11/1946 của Chủ tịch nước. Cục Chính trị của Bộ Quốc phòng và Cục Chính trị của Quân ủy Hội sáp nhập thành Cục Chính trị trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam. Tháng 7/1950, Cục Chính trị được nâng lên thành Tổng cục Chính trị, trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam

[14] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 11, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.346.

[15] Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Sđd, tr.143.

[16] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Sđd, tr.531.

[17] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.280.

[18] Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr.75.

[19] Những bài chọn lọc về quân sự, Sđd, tr.76.

[20] Những bài chọn lọc về quân sự, Sđd, tr.322.

[21] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Sđd, tr.533.

[22] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Sđd, tr.531.

[23] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr.533.

[24] Nhiều tác giả, Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 2, Nhà xuất bản Thời đại, 2013, tr.255.

[25] Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 2, Sđd, tr.252.

[26] Năm nguyên tắc lãnh đạo tư tưởng: 1. Lãnh đạo tư tưởng cần có tinh thần tích cực và ý thức xây dựng. 2. Phải giải quyết vấn đề tận gốc. 3. Phải chủ động, nhìn xa thấy trước vấn đề, theo phương châm phòng bệnh kết hợp với chữa bệnh. 4. Phải có tính nguyên tắc và tinh thần đấu tranh sắc bén. 5. Lãnh đạo tư tưởng là một công việc lâu dài, hết sức phức tạp và khó khăn, cho nên lãnh đạo tư tưởng cần phải căn cứ vào sự thay đổi của hoàn cảnh, nhiệm vụ, đặc điểm của đối tượng cụ thể mà kịp thời đề ra nội dung yêu cầu khác nhau. Sáu phương pháp lãnh đạo tư tưởng: 1. Luôn hiểu rõ tình hình tư tưởng, phân tích nguyên nhân tư tưởng. 2. Khéo biết khêu gợi, hướng dẫn, chịu khó, bền bỉ thuyết phục. 3. Phát huy tác dụng phê bình, tự phê bình trên tinh thần tự giác và có tính chất quần chúng. 4. Hướng mọi hình thức, công cụ giáo dục chính trị vào mục đích lãnh đạo tư tưởng từng thời kỳ. 5. Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo tổ chức. 6. Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với việc lãnh đạo thi hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Dẫn theo: Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 2, Sđd, tr.252 - 253.

Chủ Đề