Hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch covid-19

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao kiểm tra sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà

Thích ứng an toàn, linh hoạt với mọi tình huống dịch

Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ tư từ ngày 27/4 đến nay với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa chủng loại trong cả nước và trên địa bàn tỉnh, bám sát Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tỉnh đã linh hoạt trong điều chỉnh, thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với thực tế và diễn biến tình hình dịch bệnh trong cả nước cũng như trên địa bàn. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định và hướng dẫn tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trên địa bàn tỉnh; tạm dừng hoạt động 10 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh; dần nới lỏng các quy định phòng chống dịch để bệnh sẵn sàng cho giai đoạn sống chung với dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành, thị căn cứ tình hình thực tế, triển khai các biện pháp đáp ứng nhanh theo nguyên tắc khoanh vùng tạm thời các khu vực nguy cơ để thần tốc truy vết, xác định F1, F2 và cách ly y tế phù hợp. Đồng thời tổ chức ngay xét nghiệm sàng lọc để tiếp tục phát hiện sớm các F0 đang tiềm ẩn, cách ly khỏi cộng đồng và theo dõi điều trị; đánh giá lại mức độ nguy cơ để quyết định quy mô phong toả hẹp nhất có thể. Tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân về các biện pháp thích ứng, linh hoạt, sống chung an toàn với dịch; khuyến khích và hướng dẫn người dân tự xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên để chủ động phòng chống dịch bệnh. Nhất quán xây dựng từng xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là những pháo đài vững chắc trong việc kiểm soát và phòng chống dịch. Mỗi người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một chiến sĩ với mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe nhân dân và duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ông Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn biến phức tạp, Phú Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng trong tình hình mới với tình huống lên đến 5.000 ca mắc COVID-19. Ngành Y tế xây dựng và triển khai mô hình tháp ba tầng điều trị cho người mắc COVID-19. Trong đó, tầng 1 là các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh không triệu chứng hoặc điều trị F0 tại nhà, được chính quyền địa phương theo dõi và giám sát chặt chẽ. Tầng 2, kích hoạt 2 Bệnh viện dã chiến [BVDC] tỉnh [BVDC số 2 với quy mô 220 giường, có thể nâng lên 250 giường; BVDC huyện Lâm Thao với quy mô 40 giường, có thể nâng lên 150 giường] nhằm thu dung, điều trị người bệnh mức độ nhẹ, vừa. Tầng 3 là Bệnh viện dã chiến số 01, đặt tại Trung tâm Hồi sức ICU cấp vùng giúp điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, chiến dịch tiêm phòng vắc xin COVID-19 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay cho toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh đã được triển khai nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Đến ngày 15/1/2022, toàn tỉnh đã có 97,3% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19; 97,5% trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19.

Tiêm vắc xin cho học sinh trên địa bàn huyện Thanh Thủy

Phú Thọ cũng là một trong những tỉnh mạnh dạn áp dụng mô hình điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng tại nhà, nơi cư trú khi tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 đạt mức cao; thiết lập 225 trạm y tế lưu động sẵn sàng ứng phó khẩn cấp khi phát sinh các chùm ca bệnh, ổ dịch mới, giám sát, chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

Ông Phan Quốc Hưng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao cho biết: Lâm Thao là huyện ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh trong làn sóng dịch thứ tư. Để điều trị các trường hợp F0 tại nhà, huyện đã thành lập 13 trạm y tế lưu động tại các xã, thị trấn để theo dõi, chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19, sẵn sàng điều trị, cấp cứu, vận chuyển F0 có diễn biến nặng lên... Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng trong hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho các gia đình, giám sát việc cách ly, điều trị, tránh lây lan ra cộng đồng. Việc triển khai mô hình điều trị F0 tại nhà đã giúp giảm tải nhân lực, vật lực tại các cơ sở điều trị, từ đó tập trung nguồn lực để điều trị hiệu quả người mắc ở tầng cao hơn trong hệ thống tháp 3 tầng cũng như đảm bảo nguồn lực cho công tác truy vết trong cộng đồng. Đồng thời tạo tâm lý thoải mái, an tâm hơn, nên việc điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả khá tốt. 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, truyền thông phòng chống dịch

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với triển khai các biện pháp đáp ứng nhanh, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin thì việc ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp nhanh chóng phát hiện, kiểm soát và chặn đứng nguồn lây trong cộng đồng.

Ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thực hiện phương châm “5K + Vắc xin + Công nghệ” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng phòng chống COVID-19 như: Bluezone, NCOVI, VietNam Health Declaration, khai báo y tế điện tử thông qua mã QR hoặc trực tuyến tại địa chỉ: //tokhaiyte.vn... Từ cuối tháng 5/2021, toàn bộ dữ liệu khai báo y tế điện tử, kiểm soát ra vào các địa điểm công cộng qua QR-Code đã được đồng bộ, tập trung về một hệ thống là Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia. Do vậy, việc thực hiện có hiệu quả việc khai báo y tế thông qua các ứng dụng công nghệ sẽ giúp các ngành chức năng dễ dàng kiểm soát, truy vết, xác định các trường hợp F0, F1 để khoanh vùng, dập dịch ngay từ các hộ cá thể nhỏ lẻ, tránh phải thực hiện cách ly trên diện rộng.

Tổ COVID cộng đồng xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn hướng dẫn người dân khai báo y tế qua điện thoại thông minh

Bà Đinh Thị Lan, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn cho biết: “Qua một thời gian sử dụng, tôi nhận thấy việc khai báo y tế bằng các ứng dụng này thuận tiện hơn hẳn so với tờ khai y tế bằng giấy. Việc làm này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người mà còn có thể lưu trữ thông tin lịch trình di chuyển của từng cá nhân nhằm phục vụ tích cực cho việc truy vết đối với những người có yếu tố dịch tễ, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng”.

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin chính thống một cách dễ dàng và kịp thời nhất, Phú Thọ đã ban hành kế hoạch truyền thông phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới gồm 5 phương án truyền thông theo 5 cấp độ dịch. Chỉ đạo, thống nhất Sở Y tế là đầu mối cung cấp thông tin duy nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, cung cấp trên 1.200 bản tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền trên địa bàn tỉnh. Bản tin về dịch bệnh được công bố đến người dân 2 lần/ngày thông qua nhiều hình thức: Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội…

Hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh hoạt động, tăng tần suất, thời lượng tuyên truyền phòng, chống dịch trung bình từ 3 - 4 lần/ngày [tăng so với trước từ 1 - 2 lần]; thời lượng trung bình từ 15 - 20 phút/bản tin [tăng 5 - 10 phút/bản tin so với trước]; tăng cường tuyên truyền lưu động đến tận khu dân cư. Các trang zalo, facebook… của tỉnh, của các cơ quan báo chí tuyên truyền, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh hoạt động tích cực, hiệu quả. Từ đó cung cấp kịp thời, chính xác những thông tin về diễn biến và công tác phòng, chống dịch giúp người dân không chủ quan lơ là, nhưng cũng không hoang mang, lo lắng, chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch bệnh.

Có thể thấy, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã được tỉnh Phú Thọ thực hiện quyết liệt, bảo đảm phù hợp với những diễn biến về công tác phòng chống dịch hiện nay. Nhờ đó, bảo đảm hài hòa giữa nới lỏng từng bước và an toàn dịch bệnh, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lệ Thủy

Thích ứng an toàn, phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19

[ĐCSVN] - Nhìn lại chặng đường năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn và dịch bệnh COVID-19; song với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cái Bè cùng tinh thần đoàn kết gắn bó, sự năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Cái Bè đã vươn lên thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa thích ứng an toàn, phòng chống hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Cái Bè họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID - 19

Chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp trong phòng, chống COVID-19

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của huyện tiếp tục được tập trung chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ với các giải pháp phù hợp, đồng bộ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh. UBND huyện tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn của ngành Y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện; công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng về tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng và cách phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K được đẩy mạnh giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng; thực hiện nghiêm túc các công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh.

Đặc biệt, với hoạt động của doanh nghiệp, huyện đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các đơn vị ngành tỉnh có liên quan triển khai đến các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp An Thạnh thực hiện xây dựng phương án “3 tại chỗ”; các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch.

Hiện nay, huyện đang cho mở lại các hoạt động dịch vụ, kinh doanh nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch theo lộ trình của UBND tỉnh. Các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao đang tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo vệ, mở rộng “vùng xanh” cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm các biện pháp “5K + vaccine”. Đồng thời rà soát các phương án phòng, chống dịch, rút kinh nghiệm thực tiễn, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, có kế hoạch cụ thể để chủ động phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe của người dân, nhất là tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khu đông dân cư, chợ,… thích nghi với dịch bệnh trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, xây dựng phương án phân phối vaccine, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư. Tính đến hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn huyện cho trẻ từ 12-17 tuổi mũi 1 đạt 99.9%, mũi 2 đạt 99.5%; người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 đạt 99.9%, mũi 2 đạt 99.8%.

Tập trung mọi nguồn lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Trên cơ sở thích ứng an toàn, phòng chống hiệu quả dịch COVID-19 cùng với việc khai thác và phát huy triệt để mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có, kinh tế của huyện Cái Bè trong năm 2021 đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tổng giá trị sản xuất ước khoảng 18.130 tỷ đồng, đạt 93,0% KH và bằng 101,2% so cùng kỳ. Trong đó: khu vực 1 khoảng 9.453 tỷ đồng, tăng 0,9%; khu vực 2 khoảng 5.027 tỷ đồng, tăng 3,6% và khu vực 3 khoảng 3.650 tỷ đồng, giảm 1,9% so cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 60,1 triệu đồng [KH 60- 65 triệu đồng].

Trong sản xuất nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế từ cây lúa và vườn cây ăn trái, huyện Cái Bè đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa và cây ăn trái; tổ chức sản xuất lúa cánh đồng lớn gắn liền với liên kết và tiêu thụ; từng bước hình thành vùng lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, đáp ứng chuẩn VietGAP ở khu vực các xã phía Bắc QL IA và vùng trồng rau tập trung trên địa bàn xã An Cư, Mỹ Hội, Hậu Thành; triển khai thực hiện các mô hình dự án như: Dự án “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác dưa lưới tại Cái Bè”, Mô hình trình diễn “Sản xuất mận an toàn theo VietGap trong nhà lưới”;... Với việc đảm bảo sản xuất nông nghiệp duy trì ở mức ổn định góp phần chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, không bị đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng tiêu dùng cho nhân dân trong thời gian xảy ra dịch COVID-19.

Sản xuất công nghiệp ước thực hiện đạt 5.027 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2020 và bằng 97,0% so kế hoạch. Giá cả hàng hoá tiêu dùng thiết yếu trong và sau tết Nguyên đán 2021 không có biến động lớn; hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, không xảy ra hiện tượng khang hiếm hàng. Công tác phòng chống cháy nổ, đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, vệ sinh môi trường được tăng cường kiểm tra, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện, nhất là vào đợt cao điểm trước Tết.

Đối với quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, ước đến 31/12, tổng số vốn giao 137,108 tỷ đồng, đạt 87,14% KH. Giá trị khối lượng thực hiện khoảng 158,706 tỷ đồng, đạt 100,87% KH; giải ngân 137,108 tỷ đồng, đạt 87,14% KH và bằng 100% số vốn giao. Lĩnh vực xây dựng phát triển ở một số địa bàn, đô thị hóa nông thôn ngày càng nhanh, các công trình nhà ở trong dân cư và doanh nghiệp hầu như phủ khắp khu vực trung tâm xã, thị trấn và các tuyến giao thông trọng điểm tạo cho bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng khang trang.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được Ban lãnh đạo huyện Cái Bè quan tâm triển khai thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Ngành Giáo dục tiếp tục quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo trong công tác đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nhiều phương án, giải pháp tạo điều kiện tối đa cho học sinh khó khăn có thể tham gia học trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp. Công tác củng cố, nâng chất và duy trì hoạt động các Trạm y tế xã và Tổ Y tế ấp được thực hiện thường xuyên, có 25/25 xã, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế.

Công tác an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, các gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai kịp thời, đầy đủ theo quy định. Bên cạnh đó, huyện đã giải quyết việc làm cho 10.050/10.000 lao động trong và ngoài tỉnh, đạt 100,5% kế hoạch năm; đưa 32/50 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 64% chỉ tiêu năm.

Công tác cải cách hành chính, kỷ cương, kỷ luật hành chính được đẩy mạnh, bộ máy các cơ quan Nhà nước phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. An ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội giữ vững, ổn định.

Có thể nói, những kết quả đạt được như trên là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cái Bè tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên những chặng đường tiếp theo; từ đó giúp Cái Bè có những bước tiến nhanh và vững chắc trên hành trình xây dựng và phát triển./.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa hướng tới xây dựng Kho bạc số
  • Nam Định: Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp
  • Thị xã Sa Pa nâng tầm đối ngoại, tạo đột phá cho ngành du lịch
  • Thời cơ “vàng” đón sóng đầu tư mới của các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam
  • Huyện Cầu Ngang quyết tâm về đích nông thôn mới trong năm 2022
  • Vietcombank vận dụng sáng tạo các đường lối, chủ trương của Đảng trong tiến trình chuyển đổi số
  • Tổng Giám đốc 3M Pharma: Thương hiệu M’Smarty Vitamin thành công tìm được chỗ đứng trong thị trường nội địa

Video liên quan

Chủ Đề