Hương ước có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa của người Việt xưa và nay

Ông Hoàng Xuân Lương: Đồng bào dân tộc thiểu số từ lâu đời đã hình thành các hương ước theo từng làng bản, và được mọi thành viên tự giác thực hiện, những người vi phạm hương ước, quy ước khi bị làng, bản xử phạt đều phải chấp hành, ít có trường hợp chống đối. Hương ước, quy ước vùng dân tộc thiểu số có tác dụng toàn diện như các vùng miền khác, nhưng rõ nhất về bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, thể hiện trên các mặt: Quy định việc qua lại biên giới thăm thân phải xin phép chính quyền và đồn Biên phòng; tôn trọng luật pháp của nước láng giềng; không được mua bán trao đổi hàng quốc cấm như vũ khí, ma túy, buôn bán người; không được chứa chấp người lạ.

P.V: Các quy ước, hương ước của đồng bào thường gắn liền với luật tục. Xét một cách khoa học luật tục là công cụ của một thiết chế chính trị – xã hội cụ thể, vì thế, luật tục có chức năng bảo vệ các hoạt động văn hóa, thậm chí bảo vệ, giữ gìn đến từng nét đặc trưng văn hóa tộc người. Thế nhưng, ở một vài nơi luật tục biến tướng thành hủ tục. Theo ông, để phát huy luật tục, hạn chế hủ tục, chúng ta phải làm gì?

Ông Hoàng Xuân Lương: Trong thực tế, ở các làng, bản con người được đánh giá tốt hay xấu là ở nhân cách của con người đó chứ không phải do của cải, chức vị hay công lao quy định. Người trong cùng bản làng, thậm chí trong phạm vi một bản như người Thái, người Mông… hầu như mọi người đều biết nhau, thường là bà con, họ hàng với nhau, tôn trọng nhau bằng việc ghép mình vào những quy chế, phép tắc hay đạo đức của cộng đồng. Trong môi trường ấy, mỗi người đều có thân phận riêng và những thân phận ấy đều được xác định bởi sự tuân thủ những quy tắc của cộng đồng đặt ra. Vì vậy, để sự tồn tại của mỗi thân phận, người ta phải tự nguyện, tự giác chấp hành những luật tục của làng, bản.

Hương ước gắn với lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của các làng, xã. Trải qua thời gian và sự đổi thay không ngừng của cuộc sống, hương ước cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Song, “phần hồn” của nó là những quy định có khả năng điều chỉnh nhận thức và hành vi của con người, nhằm hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn, thì vẫn còn nguyên ý nghĩa và sức sống cho đến ngày nay.

Hương ước có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa của người Việt xưa và nay

Đình làng Đông Cao (xã Trung Chính, Nông Cống).

Làng là nơi ra đời của hương ước, cho nên hương ước cũng ví như tấm gương phản ánh những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, nhất là phong tục, tập quán, cùng nhiều sự đổi thay của làng. Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên trong cuốn “Văn minh Việt Nam”, đã chỉ ra: “Làng không phải chỉ gồm những người cư trú tại đấy, mà cả những người gốc tích ở làng và có thể chỉ về làng một hai lần trong đời. Nhưng những người này có mồ mả tổ tiên, nhà thờ do một người trong họ trông nom. Dù thế nào thì đối với một người Việt Nam, bao giờ cũng là vinh dự khi có một làng quê ở tỉnh lẻ. Nếu không dưới mắt dân làng, họ được gọi bằng cái từ khá khinh thị là người tứ xứ. Với phương tiện đi lại dễ dàng, mọi người có thể sinh con đẻ cái ở vùng khác, nhưng bao giờ họ cũng viện đến làng mình, đóng thuế thân ở làng, góp vào các khoản ở làng ngay khi họ không hưởng những cái lợi vật chất, đăng ký tên con cháu tại đấy, cố gắng có ở làng ít nhất một phần ruộng, dù phải bỏ lại cho bà con nghèo. Nhiều người tìm cách thu xếp một góc ở làng, dù chỉ là ngôi nhà lá đơn sơ nhất, để kê bàn thờ tổ tiên...”. Có lẽ, xuất phát từ những lý do tưởng như giản đơn ấy mà làng luôn có sức níu giữ tâm hồn, tình cảm con người. Đồng thời, đó cũng là lý do mà phần đa những người sinh ra từ làng đều mặc nhiên thừa nhận và thực hiện những quy định, những ràng buộc được đề ra trong hương ước làng.

Ngày nay, cuộc sống dẫu đã khác xưa nhiều. Đặc biệt là các phương tiện truyền thông, internet phủ sóng rộng khắp đã thu hút con người khám phá thế giới rộng mở bên ngoài cánh cổng làng. Tình làng nghĩa xóm có lúc, có nơi cũng “co” lại, khiến cho sự thấu hiểu, cảm thông giữa những người trong làng có đôi khi cũng nhạt hơn. Rồi sự thay đổi về diện mạo và những chuyển động không ngừng trong lối sống, trong cách nghĩ, trong lối ứng xử của con người, có tích cực và có cả những tiêu cực... Thế nhưng, những giá trị truyền thống tốt đẹp như kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, hiếu thuận, giàu lòng yêu thương, đề cao nhân phẩm con người - những giá trị cốt lõi của những làng quê sau lũy tre xưa - thì vẫn được đề cao trong hương ước làng ngày nay.

Ví như “Quy ước Đông Cao” (hương ước làng văn hóa Đông Cao, huyện Nông Cống) được xây dựng gồm 4 mục/24 điều (trong đó, mục văn hóa – xã hội có 7 điều; mục xây dựng kinh tế có 5 điều; mục an ninh trật tự có 4 điều và các quy định chung có 8 điều). Những điều này được quy định tương đối chặt chẽ và gắn với đặc trưng của làng, được chính quyền phê duyệt và được người dân đồng thuận thực hiện. Qua hơn 30 năm xây dựng làng văn hóa, những điều được đề ra trong “Quy ước Đông Cao” luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành đời sống văn hóa mới. Đặc biệt, nó được xem là “công cụ” góp phần hun đúc và rèn luyện nhiều phẩm chất quý của con người nơi đây như lòng yêu quê hương, tính cần cù trong lao động, tính hòa nhã, thân thiện, mến khách... Đồng thời, mỗi người dù đi xa khỏi làng vẫn luôn ý thức bảo vệ và làm đẹp thêm cho tên làng bằng lối sống tử tế, bằng lòng tự hào về quê hương bản quán, quê cha đất tổ.

Cũng giống như làng văn hóa Đông Cao, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được xem là một giải pháp quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân). Thực hiện kế hoạch của UBND huyện về sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước, UBND xã Bát Mọt đã rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước thôn, bản trên địa bàn. Việc sửa đổi, bổ sung quy ước nhằm động viên Nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng và chính quyền ngày càng vững mạnh. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Phòng, chống tội phạm ma túy”, “Toàn dân giáo dục cảm hóa người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng”, “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” trên địa bàn. Đặc biệt, thông qua việc đề cao tình làng nghĩa xóm, Nhân dân các thôn, bản đã giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng vi phạm pháp luật trở thành người có ích, hỗ trợ họ có công ăn việc làm ổn định; giáo dục, giúp đỡ các đối tượng thanh, thiếu niên chậm tiến; tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh phong trào tự quản an ninh trật tự ở địa bàn dân cư và nơi công cộng... Đến nay, toàn xã thành lập được 8 tổ hòa giải và đã tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, bất hòa trong gia đình, góp phần giữ vững tình hình trật tự an ninh thôn, bản.

Tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận trong sản xuất, chiến đấu để bảo vệ xóm làng, quê hương... Đó là những di sản quý mà mỗi làng, xã đều muốn gìn giữ, bảo vệ và truyền lại cho các thế hệ con cháu mình thông qua hương ước, quy ước. Để rồi, việc kế thừa và phát huy hiệu quả các hương ước ấy, đã và đang là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới hiện nay.

Bài và ảnh: Trần Giang

Hương ước có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa của người Việt xưa và nay

Chùa Giáng (huyện Vĩnh Lộc), điểm đến tín ngưỡng - tâm linh của khách thập phương.

Hương ước, xét ở khả năng tác động đến đời sống con người và cộng đồng làng xã, có thể ví nó như một “thước đo chuẩn mực” cho đạo đức, nhân cách, vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình, dòng họ, cộng đồng. Hương ước có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, hay là một phương thức giúp gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hương ước xưa còn gọi là “lệ làng”, vốn gắn chặt với cái thế giới bên trong lũy tre xanh đã sản sinh ra nó và cho nó một sức mạnh to lớn trong việc điều chỉnh cả nhận thức lẫn hành vi con người. Quá trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Thanh, nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân đã ghi lại một mẩu chuyện khá thú vị, có liên quan đến “lệ làng”. Làng Triệu Tường (huyện Hà Trung) vốn là đất tổ nhà Nguyễn. Tương truyền, người làng này dù làm vua hay làm quan cũng đều có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ mọi quy ước, luật lệ của làng. Thế nhưng khi lên ngôi, vua Minh Mạng lại có biểu hiện lơ là với đất tổ. Vậy là làng Triệu Tường đã họp và cử một đoàn bô lão vào tận kinh đô Phú Xuân, để tâu lên hoàng đế rằng: Lệ làng Triệu Tường đã có mấy đời nay. Ai đó được làm vua hay làm quan đều nhờ phong thổ của làng, âm đức tổ tiên. Nay làng đã họp, mời hoàng đế về làm mõ cho làng 6 tháng. Biết lệ làng không thể chối được, vua phải đưa bạc vàng, nhờ các bô lão về thuê người làm mõ giúp, vì vua còn bận lo việc nước.

Ở đây ta không bàn đến đúng – sai của câu chuyện. Bởi, cái ý niệm sâu xa được truyền tải trong đó có ý nghĩa hơn nhiều. Đó là hệ thống quy định, quy ước đã trở thành ý niệm, thành khuôn mẫu, thành nếp sống và là cơ sở của sự gắn kết giữa người với người, giữa người với quê hương, bản quán. Đặc biệt hơn, bao trùm trong quan điểm hay ý niệm sống ấy luôn hướng đến khát vọng về cuộc sống thuận hòa, yên ổn, trên kính dưới nhường... Thậm chí tâm lý ấy đã trở thành một chuẩn mực đạo đức, thành nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người, để củng cố sự bền vững của cơ cấu làng. Cũng chính sự bền vững của “thành lũy làng”, đã tạo ra “sức đề kháng” để chống lại sự đồng hóa của kẻ thù. Đồng thời, lệ làng xưa còn chứa đựng nhiều thuần phong, mỹ tục và các quy tắc ứng xử liên quan đến mọi mặt đời sống. Từ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thành hoàng hay người có công với làng với nước; các mối quan hệ gia đình, xóm làng; ma chay, cưới hỏi, lễ hội; quản lý đất đai, công sản... Nhờ đó mà ngày nay, khi xây dựng hương ước làng văn hóa, hậu thế có thể kế tục và phát huy nhiều giá trị vật chất và tinh thần của lệ làng xưa.

Đặc biệt, việc xây dựng hương ước còn có ý nghĩa hơn, khi gắn với phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa. Bởi nhờ đó mà truyền thống tương thân tương ái, tình làng, nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư ngày càng được củng cố và phát huy. Như Bác Hồ đã dạy: “Đối với làng, thì nhà giàu, nhà vừa giúp nhà nghèo; người tốt, người vừa giúp người kém; người học thông giúp người học dốt. Phải làm cho cả làng biết chữ, biết đạo đức và biết trách nhiệm của công dân; phải cấm tệ nạn say sưa, cờ bạc, hút sách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không xảy ra chuyện chửi nhau, kiện cáo nhau, xây dựng làng trở thành “thuần phong, mỹ tục”. Làng, thôn, bản, tổ dân phố phải vệ sinh, sạch sẽ. Cán bộ làng phải là người trong sạch, công bằng, thạo việc, làm gương cho mọi người, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung”. Điều này không chỉ được hiện thực hóa bằng các quy định có tính răn đe của luật pháp; mà còn dựa trên những quy định có tính ràng buộc về mặt đạo đức của hương ước làng.

Bởi vậy, hương ước làng văn hóa trong giai đoạn hiện nay không những góp phần phát huy thuần phong, mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc; mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cuộc vận động duy trì an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; đề ra những tiêu chuẩn gia đình văn hóa và các quy tắc đạo đức mới; giúp đỡ nhau tìm ra các biện pháp xử lý tốt các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình... Đó là chưa kể, các hương ước, quy ước của làng, bản, thôn cũng hỗ trợ tích cực trong việc triển khai thực hiện pháp luật; cũng như điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của hệ thống chính quyền các cấp.

Hương ước với các quy tắc, quy ước và chuẩn mực văn hóa mới, phù hợp với bối cảnh mới, sẽ là một “công cụ” đắc lực góp phần giáo dục đạo đức, định hình nhân cách và nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình, cộng đồng. Đồng thời, việc triển khai hiệu quả hương ước sẽ góp phần thấm sâu các giá trị thuần phong, mỹ tục vào đời sống - trong từng người dân, từng gia đình và cộng đồng. Từ đó, hình thành lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh, an toàn, lành mạnh; cũng như tăng sức “đề kháng” trước tệ nạn xã hội và các sản phẩm văn hóa độc hại.

Hoàng Xuân