Kẻ thù của cách mạng Việt Nam sau thắng 7 năm 1954

Nhân dân miền Nam trực tiếp chống xâm lược Mỹ và tay sai, làm phá sản nhiều chiến lược chiến tranh của Mỹ, giải phóng miền Nam

Tháng 7-1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ và cùng các nước dự Hội nghị Giơnevơ ký Tuyên bố cuối cùng. Đại diện Chính phủ Mỹ không ký Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ. Mỹ dựa vào đó để ngang nhiên không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định, xúc tiến kế hoạch xâm nhập miền Nam Việt Nam để thay thế thực dân Pháp, xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới.

Kẻ thù của cách mạng Việt Nam sau thắng 7 năm 1954

Dân quân tải đạn, phục vụ chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II), từ ngày 15 đến ngày 18-7-1954, đã xác định: đế quốc Mỹ là kẻ thù chính, nguy hiểm trước mắt của nhân dân Việt Nam. Đảng sớm xác định được kẻ thù mới của cách mạng và ngày càng nhận rõ âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ là tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân Việt Nam, chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ. Mục tiêu và hành động trước mắt của Mỹ là phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại công cuộc thống nhất nước Việt Nam, gạt Pháp ra khỏi miền Nam, phân hoá và loại trừ các giáo phái thân Pháp, xây dựng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm, ra sức xây dựng lại và nắm trọn quyền chỉ huy quân ngụy trước đó là của Pháp, tổ chức các đảng phái phản động thân Mỹ. Biện pháp chiến lược cơ bản của chúng là thực hành chính sáchtố cộng, diệt cộng, tập trung đánh phá cách mạng miền Nam vô cùng tàn khốc.

Mỹ-Diệm huy động mọi lực lượng quân sự, an ninh, hành chính, tình báo, thông tin tuyên truyền, v.v., thực hành cuộc khủng bố, đàn áp toàn diện cả về quân sự, chính trị, tâm lý, kinh tế, v.v., cực kỳ thâm độc, tàn bạo. Chúng gây ra những cuộc thảm sát đẫm máu ở Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên), Chợ Được (Quảng Nam), Mỏ Cày, Bình Đại (Bến Tre), v.v...Chúng dùng quân đội mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, dài ngày như các chiến dịch Thoại Ngọc Hầu kéo dài 9 tháng (5-1956 đến 2-1957) ở 18 tỉnh miền Tây Nam Bộ, chiến dịch Trương Tấn Bửu trong 7 tháng (7-1956 đến 2-1957) ở 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ, v.v. để triệt phá cách mạng, tàn sát những người yêu nước, khủng bố những người kháng chiến cũ mà chúng gọi là cộng sản hoặc phần tử thân cộng sản. Mỹ-Diệm đã ban hành Luật 10/59đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung.

Từ tháng 9-1954, Bộ Chính trị đã họp và ra Chỉ thị riêng về tình hình mới và nhiệm vụ công tác mới cho các đảng bộ miền Nam. Trong 2 năm đầu, Đảng chủ trương lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đòi củng cố hoà bình, thực hiện các quyền tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập, dân chủ. Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống khủng bố, đàn áp của ngụy quân, nguỵ quyền, chống chính sách tố cộng, diệt cộng của Mỹ-ngụy, bảo vệ và xây dựng lực lượng cách mạng, căn cứ địa cách mạng, xây dựng và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, đồng thời tích cực nghiên cứu, chuẩn bị tìm con đường đấu tranh thích hợp để hạn chế tổn thất, đẩy cách mạng miền Nam tiến lên.

Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam đã trải qua những năm tháng vô cùng khó khăn, ác liệt. Trước sức đánh phá của địch qua nhiều đợt tố cộng, diệt cộng cực kỳ tàn ác và những chiến dịch càn quét khốc liệt của quân đội ngụy tay sai, cách mạng miền Nam đã chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có. Trong tình hình đó, Đảng đã động viên được 12 triệu lượt quần chúng (1955-1958) đấu tranh chính trị dưới những hình thức khác nhau. Trước tình thế khó khăn, hiểm nghèo, đại bộ phận đồng bào miền Nam vẫn một lòng một dạ theo cách mạng, vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh bất khuất chống lại cường quyền, áp bức và khủng bố tàn khốc của địch để giữ gìn lực lượng và thế đấu tranh. Một số khá đông đảng viên bị thất tán do chuyển vùng và rút vào hoạt động bí mật để chống khủng bố, vẫn hướng về Đảng và Cách mạng.

Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong hơn 4 năm đấu tranh đầy hy sinh gian khổ và nghiên cứu những kiến nghị khẩn thiết của nhiều cán bộ, đảng viên cũng như của một số cấp ủy đảng, Bộ Chính trị đã dành nhiều công sức, trí tuệ chuẩn bị một giải pháp cơ bản cho cách mạng miền Nam để trình cho Ban Chấp hành Trung ương.

Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II) đã họp tại Hà Nội, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ. Hội nghị đã xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng, mối quan hệ giữa 2 chiến lược cách mạng ở 2 miền Nam, Bắc, giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông-Nam á và thế giới.

Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, thực hiện dân tộc độc lập và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Phương pháp cách mạng và phương pháp đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, và dự kiến xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân có thể tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam trong tình thế thực sự chín muồi, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của cán bộ và đồng bào miền Nam. Nó là ngọn lửa dấy lên phong trào Đồng khởi làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.